agevp60.com

Thập niên 1974 - 1983

Nhân Bản, những bước đầu

Ngay sau tháng 4/1975, vài đứa chúng tôi lui về căn chung cư ở số 5 đường Albert Camus vùng Nam Paris dựa vào nhau mà sống. Có Giáp, Lưu, Liêu, Mimi, Bá, Hải và tôi [1]. Dường như thế giới của chúng tôi đã sụp đổ, cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Tuy không hoàn toàn ý thức, chúng tôi cố giữ cho nhau một đốm lửa.

Trong lúc hoàn cảnh đất nước tan hoang – và hoàn cảnh gia đı̀nh lẫn bản thân mı̀nh cùng tất cả bạn bè Tổng Hội cũng không hơn gı̀ – thı̀ trại hè Le Mans vào tháng 8/1975 đã là một tia sáng bất ngờ. Hóa ra lửa vẫn còn cháy trong lòng mỗi đứa TH ! Chı̉ mấy tháng sau, anh em chúng tôi vực nhau dậy trong Đêm Tết 1976. Tiếng uất nghẹn bật ra thành một tiếng hét: “Ta còn sống đây…” Lần đầu tiên lá cờ vàng lại tung bay trước công chúng khi Bá đọc bài diễn văn đầy khı́ phách và quốc ca tự do lại cất tiếng. Đến Tết năm sau thı̀ quyết chı́ đã rõ ràng, chúng tôi bắt đầu tı́nh chuyện tương lai. Tháng 3/1977, Tố [2] đứng ra đảm nhiệm TH. Chı̉ cái tên của liên danh ứng cử cũng đủ nói lên anh em muốn gı̀ : “Đấu Tranh” chứ không buông xuôi.

Máy quay Ronéo, dùng để in báo "Thông Tin Sinh Viên" hằng tháng, cho đến khi quyết định phát hành Nhân Bản
Máy Radio dùng để bắt nghe chương trình phát thanh BBC VOA tiếng Việt qua làn sóng ngắn
Máy đánh chữ Olivetti mới "tậu" vào thời đó, dùng để đánh máy các bài viết

Với ý định xuất bản một tờ báo mới, lần đầu tiên trong Ban Chấp Hành TH dành ra một nhân sự báo chı́ hùng hậu đến vậy : có Lưu, Lưu Bảo, Phúc, Dung và tôi [3]. Ngay sau đó lại được thêm Nam và Tuấn vào góp sức [4]. Thật ra trước đây Lưu đã lo báo cho TH mấy năm rồi, mới nhất là sau tháng 4/1975 khi tờ Thông tin Sinh viên vốn quay ronéo rất khiêm tốn đã gồng mı̀nh cố ra hàng tháng để đảm đương một vai trò quá tải vào lúc mọi tiếng nói của người Việt trong nước bị dập tắt và tiếng nói ở ngoài nước chưa thành hı̀nh. Trong thời buổi hoang mang chấn động đó, tờ TTSV đã là một điểm trụ then chốt, khẳng định rằng: “Chưa bao giờ tự do dân chủ cần thiết như bây giờ. Người ta bịt miệng đồng bào mı̀nh thı̀ mı̀nh phải lên tiếng nói thay.”

Tuy gọi là hùng hậu nhưng hoàn cảnh mỗi đứa trong nhóm làm báo thật yếu kém. Tuấn còn học  trung học, mấy đứa kia đều đang học đại học – gọi là “học” nhưng phần lớn thời giờ bỏ ra hoạt động. Chı̉ có Lưu và tôi mới ra trường, lương ı́t, mỗi ngày cuốc métro đến sở làm. Lúc đó bố mẹ tôi mới từ trại tỵ nạn đến Pháp, mất hết, may mà còn tấm áo trên vai. Lương tháng của tôi 3250 francs, tôi hứa góp 2500 cho đến khi hoàn cảnh bố mẹ tôi khá hơn, ngờ đâu với tờ báo ra đời, chı́nh tı̀nh trạng tài chánh của tôi mới suy sụp làm sao.

Tài chánh Tổng Hội cũng không hơn gı̀, vậy chúng tôi muốn làm báo gı̀ đây ? À, làm báo gọi là “chuyên nghiệp” – hay đúng hơn, một hı̀nh thức chuyên nghiệp nào đó với nhân sự và phương tiện hoàn toàn tài tử. Hoài bão có vẻ rất to lớn, có thể gọi là vô ý thức, nhưng chúng tôi thường nhắc đùa nhau thế này : Mı̀nh là bọn điếc không sợ súng, thấy chuyện gı̀ phải thı̀ cứ việc nhắm mắt mà làm. Và thật vậy, nhu cầu một tờ báo thật quá rõ ràng. Trong nước cộng sản đã cưỡng chiếm tất cả thı̀ ở Pháp tòa đại sứ cộng sản cũng muốn thâu tóm hết. Họ rầm rộ thành lập Hội Người Việt tại Pháp, ám chı̉ rằng chúng tôi cũng thuộc về họ, phải mau mau cúi đầu quy phục để còn được làm người Việt Nam. Tờ báo của họ – tờ Đoàn Kết mà không hiểu sao người ta cứ đọc lộn là Đàn Két – ra mắt hàng tháng rất xôm tụ, gửi tràn ngập mọi nơi kể cả cho những ai không muốn nhận.

Hôm ấy ở quán cà-phê Chalet cạnh khu Đại học Quốc tế, tự dưng tôi nói với bạn bè, giống như một lời thách thức: “Đoàn Kết ra mỗi tháng thı̀ mı̀nh cũng sẽ ra mỗi tháng. Họ in giấy láng thı̀ mı̀nh cũng in giấy láng. Họ phát không thı̀ mı̀nh cũng phát không. Họ không cần quảng cáo thı̀ mı̀nh cũng không cần quảng cáo !” Hiển nhiên không đứa nào có đồng xu dı́nh túi nhưng chẳng đứa nào nghi ngờ là mı̀nh sẽ không làm được. Và chı̉ mấy tuần sau, Nhân Bản ra số 1 vào ngày 1/4/77, khổ lớn, giấy láng, in offset, xuất bản 1500 bản sau này lên thành 2000, có mặt khắp mọi nơi ı́t ra là tại Paris và nước Pháp.

Lire aussi/Đọc thêm  Sinh Viên

Tại sao đặt tên là Nhân Bản ? Có nhiều tên khác được đề nghị và đều mang sắc thái đấu tranh ý thức hệ rất quyết liệt, chı̉ duy Nhân Bản có vẻ mềm yếu nhất, tầm thường nhất, không “nổ” gı̀ hết, thậm chı́ không thể hiện được thời cuộc khốc liệt hay khı́ thế đấu tranh, nhưng không hiểu sao nó lại đánh động chúng tôi sâu xa nhất. Trong một buổi họp ở nhà Camus, Giáp đứng dậy vung tay nói : “Thôi mı̀nh đặt là Nhân Bản đi.” Mọi người lập tức đồng ý, giản dị vı̀ đây là điểm phân biệt rõ nhất giữa cộng sản và mọi người : Họ chı̉ biết phục vụ chủ nghı̃a của họ, chúng ta phụng sự con người. Mấy chục năm sau ngẫm lại, tôi mới nhận ra hı̀nh như chúng tôi đã chạm mạch được một hoài bão sâu thẳm có tı́nh chất vượt thời gian, vượt cả chı́nh chúng tôi.

 

 

Nhân Bản ra được một số thı̀ ngay số 2 đã nổ tiếng pháo đầu.

Phạm Văn Đồng là lãnh đạo cộng sản đầu tiên công du nước ngoài, đến Paris liền đụng phải cuộc biểu tı̀nh đầu tiên của người Việt hậu 1975 do TH tổ chức rầm rộ tại quảng trường Concorde. Kỳ thực, Nhân Bản đã phải cấp tốc ra đời là vı̀ thế : để hỗ trợ cho các phong trào tranh đấu đang nổi lên khắp nơi, và suốt các biến cố tàn phá đất nước những năm sau, Nhân Bản đã không ngừng cố làm nhiệm vụ của mı̀nh : thông tin, rọi sáng, thôi thúc, mở đường… với một nạn nhân trước mắt là đại sứ Đặng Văn Sung bị Đồng khiển trách nặng nề, do cái tát của TH giáng cho vào dịp đó [5].

Một trở ngại lớn cho công việc biên tập là sự thiếu vắng tin tức. Không như thời đại internet sau này, tin tức về Việt Nam trên báo chı́ thật là ı́t ỏi, khó thu lượm, khó khai thác. Nam và Tuấn đặc trách theo dõi các đài phát thanh như VOA, BBC cùng các đài Á châu, phải tậu một chiếc radio đặc biệt bắt được sóng xa và phải thức đêm chờ trực do giờ giấc khác biệt. Tiền được trı́ch ra để mua báo quốc tế dài hạn, chẳng hạn tờ Far Eastern Economic Review phát hành tận Hồng Kông, nhưng tin tức vẫn nhỏ giọt, ngắn ngủi, thiếu cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Cho nên khi hôm đó có Bá đem về một chồng hồ sơ về các nhóm kháng chiến ở Lào thı̀ đúng là quý hơn vàng ! Đây là tài liệu gốc từ một phòng tı̀nh báo Tây phương mà Bá mượn được ở đâu, bảo tôi phải đưa lại trong vòng hai ngày.

 

Những mục thường xuyên trong báo Nhân Bản

Nhưng có lẽ trở ngại biên tập lớn nhất là sự thiếu khả năng viết lách của chúng tôi. Ngoài Tuấn ra là đứa thı́ch làm thơ thı̀ không đứa nào có kinh nghiệm viết lách chứ chưa nói tới chuyện thảo bài bı̀nh luận. Nhưng nghề dạy nghề, và chı̉ trong một thời gian rất ngắn, từ một đứa không biết viết gı̀ tôi đã bắt buộc trở thành người giữ cột quan điểm Lá Thư Nhân Bản. Đây là một cực hı̀nh nhưng cũng là một hạnh phúc, vı̀ LTNB thường viết chót hết sau khi mọi bài vở khác đã định hı̀nh và thời gian thường gấp rút. Trong khi anh em lên khuôn báo ở phòng ngoài thı̀ tôi đóng cửa phòng trong, lấy hết sức bı̀nh sinh nghı̃ ra một đề tài cho trung thực với tinh thần nhân bản rồi ghi xuống, gạch gạch xóa xóa như trong cơn sốt. Hẳn tôi không phải là đứa dốt văn độc nhất, vı̀ đến khi Vũ [6] làm chủ bút thı̀ Vũ cũng nói đã tập tành học viết nhờ làm Nhân Bản ! Thật ngược hẳn với khiếu văn chương của Nghı̃a [7] khi Nghı̃a tham gia ban biên tập, cộng tác với Bá trong một loạt bài phân tı́ch để đời đăng trên số Xuân 1980, chı̉ mấy tháng trước khi Bá về nước kháng chiến.

Rất may là nhờ Dung nối kết, Nhân Bản cũng được sự đóng góp của một số nhà văn thứ thiệt. Như Võ Phiến, Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, Lê Tất Điều cộng tác trong mấy số đặc biệt. Về cột thường trực có Minh Đức Hoài Trinh và Chu Thanh Lan. Chuyện buồn cười nhất là Chu Thanh Lan. Bài CTL đầu tiên xuất hiện ngay số 1 do Lưu viết với lời văn châm biếm dı́ dỏm, và chúng tôi hẹn với nhau sẽ chọn bút hiệu này mỗi khi có anh em nào dùng lối hành văn như thế. Khoảng thời gian đó nhà văn Phan Văn Tạo tự ý gửi bài đến tòa soạn mà không ký tên. Nhận thấy hương vị bài viết khá thı́ch hợp, chúng tôi liền ghép cái tên CTL cho bài của ông. Không ngờ tháng sau và mỗi tháng sau đó ông lại gửi bài về, thế là ông nghiễm nhiên trở thành CTL, một bút hiệu mà ông không bao giờ chọn nhưng lại hãnh diện ký tên suốt nhiều năm cho đến khi ông lâm bệnh.

Lire aussi/Đọc thêm  1984 - 1993 : trở về nguồn (2)

Nhưng phải nói nồng cốt các bài viết vẫn là cây nhà lá vườn. Như trong mọi sinh hoạt khác của TH, các anh em viết báo giữ thái độ vô danh, không nhất thiết vı̀ muốn giấu mặt mà do cái “tinh thần Tổng Hội”. Mọi người đóng góp không có ai trên ai dưới, không có ai nổi ai tăm tối, mà ngược lại tất cả đều hòa đồng trong công việc chung, mỗi người một vẻ, như thể đây là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Tinh thần này cho đến hôm nay tôi vẫn thấy thật là hiếm có, đáng trân quý.

Cho nên các bút hiệu thường là bút hiệu tập thể, gắn liền với loại bài viết hơn là một người viết đặc thù. Vẫn có một số cột có người phụ trách đều đặn, như Nhân Bản Thi Văn do Nghı̃a, Nửa Đùa Nửa Thật do Lam, Ngẫm Chuyện Xưa Nói Chuyện Nay do Danh và Vũ điều hợp, Gia Chánh do bác Trạch gái, nhưng tất cả đều ký bút hiệu và không bao giờ xem đó là lãnh thổ riêng của mı̀nh. Đặc biệt có trang Mực Tím, toàn bộ nhóm phụ trách là những cây bút vị thành niên : Tuấn, Tú Anh và Phương Thảo một nữ đọc giả 12 tuổi kết nối từ Hoa Kỳ [8].

Và như vậy cứ mỗi tháng, chu kỳ làm báo lại tái diễn ngay sau khi số trước được phát hành. Tin tức được thu thập, chia ra cho mấy người viết, rồi bài vở được gạch xóa – ngay trên giấy, bằng tay – rồi được đánh máy, đánh dấu. Đánh máy là cả một kỹ năng vı̀ trong hai năm đầu chúng tôi chı̉ có đúng một máy đánh chữ IBM “à boule”. Khi muốn đánh thành cột báo thı̀ phải canh “alignement à droite”, cứ mấy chữ lại phải tı́nh nhẩm trong đầu làm sao cho vừa cột. Đến năm 1979 mới mua được hai chiếc Olivetti ET221 có bộ nhớ, mỗi chiếc tốn cả chục ngàn francs nhưng được cái lợi không phải tı́nh nhẩm nữa. Qua đến việc đánh dấu cũng nhiêu khê làm sao cần người vừa thành thạo dấu Việt, vừa đủ khéo tay để dùng bút mực Rotring nắn nót bỏ dấu cho thật đều. Chẳng lạ gı̀ mà chı̉ một vài anh em chọn lọc mới được giao nhiệm vụ này.

Rồi đến việc lên khuôn. Bài báo được cắt ra thành từng cột, dán lên bı̀a cứng. Tựa đề chữ lớn không đánh máy như bây giờ mà phải đi Letraset, tức là chuyển từ giấy nhựa chà vào mẫu báo. Khổ nỗi chữ Việt khác xa chữ Tây, có những chữ cái luôn luôn thiếu hụt cho nên để tiết kiệm, anh em phải cắt xén, vá vı́u trông đến buồn cười. Rồi chót hết, thế nào cũng dư ra những lỗ trắng chưa có bài, phải có ngay một tay thợ viết nặn óc nhét đầy chỗ đó. Cho nên khi báo lên khuôn xong, cả một công trı̀nh tiểu công nghệ phức tạp coi như hoàn tất bằng kỹ thuật thô sơ nhất, thı̀ chục đứa ngồi đó thở cái phào nhẹ nhõm. Ai cũng mệt nhưng vui sao ! Tôi tự nhủ, thôi ngày mai thứ Hai đến sở ngủ bù trong toa-lét cũng được.

Sáng thứ Hai đem mẫu đến nhà in. Không hiểu có phải là thiên thần gửi xuống hay không nhưng cách nhà tôi vài bước ở cuối ngõ hẻm có một nhà in do ông Benz làm chủ. Ông này dễ thương kỳ lạ, tı́nh tiền đã rẻ mà còn cho thiếu nợ dài dài, giúp đỡ chúng tôi đủ cách. Chiều thứ Sáu chở báo về nhà thı̀ tới màn xếp báo có lẽ sinh hoạt náo động nhất trong nguyên chu trı̀nh hàng tháng. Mấy chục đứa chen chúc trong căn phòng chung cư, ngồi bệt xuống đất, xếp báo làm hai, nhét trang vào rồi xếp tiếp làm ba. Xong làm brassard cuộn chung quanh, dán tem, dán địa chı̉. À, vụ địa chı̉ này cũng nhiêu khê lắm. Suốt tháng Dung và Lưu Bảo đã cập nhật hàng ngàn địa chı̉, đánh máy thành ô rồi đem đi photocopie trét keo lỏng sau lưng giấy, phơi cho khô xong cắt nhỏ thành từng ô. Đến khi dán thı̀ nhúng nước cho ướt trở lại – tất cả để tiết kiệm tiền mua giấy autocollant rất mắc vào thời đó.

Khi báo đã xếp xong, nhı̀n lại đống báo trên sàn nhà mà phát khiếp… bên cạnh đống giày dép vı̃ đại nằm ngổn ngang ngay cửa vào. Báo được phân loại theo từng nơi gửi rồi bỏ vào những bao tải lớn. Báo gửi ra nước ngoài gây được tiếng vang đáng kể – tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á – và được dán đầy tem chı̉ chừa lại cái lỗ nhỏ xı́u cho ô địa chı̉. Riêng tờ gửi cho Cương [9] luôn luôn nổi bật nhất vı̀ không những tem dán nhiều nhất mà Cương cũng là đọc giả duy nhất ở châu Phi. Báo gửi đi các trại tỵ nạn bấy giờ ở vùng Đông Nam Á là nguồn an ủi và hy vọng to lớn cho đồng bào mı̀nh ở đó, và khi một đọc giả thuyền nhân viết thư đến toà soạn thı̀ anh có ngờ đâu bài viết của anh trở thành chất xúc tác cho Thằng Bé Tát Dầu, một trong những ca khúc tiêu biểu của Văn đoàn Lam Sơn.

Lire aussi/Đọc thêm  Vụ án Trần Văn Bá

Mỗi lần xếp báo là một lần vui nhộn không tả xiết, đứa thı̀ không ngừng cười nói, đứa tranh luận, đứa giễu dở, đứa chăm chú làm việc, đứa mắng bạn sao xếp lộn, dán lộn, đủ cả. Rồi đến màn ăn uống, ồn ào vô kể. Chı́nh vı̀ vậy mà chúng tôi phải liệu trước : sàn nhà căn chung cư đã lát sẵn một lớp cách âm dày cộm, còn Hương vợ tôi [10] thı̀ đã lo hối lộ một đı̃a chả giò cho bà hàng xóm lầu dưới. Chắc chắn công tác xếp báo phải kể trong số các sinh hoạt phấn khı́ch nhất của TH thời đó và cũng là môi trường lý tưởng để những anh chị em mới gia nhập hấp thụ tinh thần TH.

Nhưng vẫn chưa xong, hôm sau thứ Bảy, Vũ và Hồng Vân [11] lãnh nhiệm vụ đi phân phối báo đến các cửa tiệm Việt khắp vùng Paris vào giờ chợ búa đông khách nhất. Rồi còn việc đem bao tải đến bưu điện, đây không cứ là chuyện dễ dàng vı̀ có những trạm bưu điện cằn nhằn sao chúng tôi gửi nhiều thế. Tôi còn nhớ cảnh Dung, lúc đó mang bầu đứa con đầu, ôm bao tải đáp xe buýt đến nhiều trạm bưu điện, phân tán mỏng ra để người ta khỏi nhăn nhó. Chı̉ sau khi chúng tôi khó nhọc xin được Commission Paritaire thı̀ công việc mới đỡ cực : tem được giảm phı́, in tự động lên brassard, và bưu điện xem ra cũng vui vẻ hơn khi nhận báo.

Viết đến đây tôi nhớ đến các tay họa sı̃ TH đã tạo cho các số báo Xuân Nhân Bản một hı̀nh dạng độc nhất vô nhị : Thục, Liệt, Trung, Linh [12]. Mỗi tờ báo Xuân là một tác phẩm nghệ thuật mà bất cứ ai cầm trong tay cũng phải ngẩn ngơ thưởng thức. Và những anh chị em bán báo Xuân trong Đêm Tết nữa làm sao quên được các bạn ?

Cuối cùng thı̀ chuyện tài chánh cũng không đến nỗi nào. Khi tôi hỏi Lưu là người giữ sổ sách – sau này là Châu [13] – thı̀ được Lưu cho biết : “À, bà con mı̀nh mua báo dài hạn thường ủng hộ thêm tiền,  cộng với các nguồn thu nhập bán báo khắp nơi cho nên mı̀nh cũng ô-kê, đủ sức gửi báo biếu cho tất cả những ai muốn nhận.”

Với số báo này, Tổng Hội được 60 tuổi và Nhân Bản được 46 ! Vậy mà trong bài này tôi mới chı̉ nhắc đến mấy năm đầu. Còn bao nhiêu anh chị em khác nữa đã bỏ sức gầy dựng tờ báo này mà tôi chưa nêu tên hay thậm chı́ chưa quen biết ? Nhiều lắm, không kể hết được. Tôi nhớ các bạn. Tôi biết ơn các bạn đã cho tôi những ngày đẹp nhất mà một người có thể sống qua.

Phan Văn Hưng

[1] Trần Ngọc Giáp, Nguyễn Như Lưu, Đỗ Đăng Liêu, Mimi Ngô Vân Khương, Phan Văn Hưng. Trần Văn Bá và Bùi Thế Thưởng Hải cũng đến tạm trú căn nhà này một thời gian khá dài.
[2] Lê Tất Tố
[3] Nguyễn Như Lưu, Nguyễn Lưu Bảo, Nguyễn Hữu Hồng Phúc, Phan Thị Ngọc Dung, Phan Văn Hưng
[4] Lý Hùng Nam, Đinh Xuân Anh Tuấn
[5] Theo bà Đặng Mỹ Dung, tác giả sách Ngàn Giọt Lệ Rơi (A Thousand Tears Falling)
[6] Bùi Ngọc Vũ
[7] Nguyễn Xuân Nghı̃a
[8] Trần Đắc Nghı̃a, Nguyễn Phương Lam, Nguyễn Ngọc Danh, Bùi Ngọc Vũ, bà Tào Văn Trạch, Đinh Xuân Anh Tuấn, Phan Tú Anh, Bùi Vũ Phương Thảo
[9] Nguyễn Kim Cương
[10] Phan Thị Thu Hương – Nam Dao
[11] Nguyễn Thị Hồng Vân
[12] Trần Đı̀nh Thục, Nguyễn Hồng Liệt, Trương Quốc Trung, Phạm Gia Linh
[13] Lâm Hoài Châu

Quang cảnh buổi xếp báo, cuộn brassard và dán địa chỉ tại trụ sở THSV năm 1986 (lúc này, việc xếp báo không còn diễn ra trong căn hộ của chung cư như bài viết đã mô tả trên đây).