agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 2004 - 2013

Niềm tin phai nhòa

40 năm tự hào

Năm 2004 đánh dấu năm thứ 40 Tổng Hội Sinh Viên hoạt động. Sinh hoạt đầu tiên khai trương năm kỷ niệm chính là Đêm Hội Tết Giáp Thân tổ chức ngày 24 tháng 1 tại thị xã Issy les Moulineaux.

Chương trình văn nghệ của Hội Chợ rất dày dặc với ngay từ 15g nhiều hoạt cảnh tân nhạc xen kẽ với những màn trình diễn khá mới lạ : trình diễn y phục kimono do một nhà tạo thời trang Nhật thiết kế; rọi chiếu các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Vũ thẳng lên y phục những người mẫu, những người này còn mang thêm trang sức do một nữ nghệ nhân người Pháp sáng tạo. Ngoài ra còn có nhóm FenX cống hiến cho khán giả một màn biểu diễn võ thuật ngoạn mục như trong phim hành động.

Chương trình văn nghệ Tết đón nhận sự đóng góp của nhiều thân hữu hay hội đoàn như ca sĩ Bạch Yến, nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc, Thư Viện Diên Hồng… Phần 2 của chương trình văn nghệ mang chủ đề “Tổng Hội Sinh Viên – 40 năm nhìn lại” và bản hợp ca “Sinh viên hải ngoại hành khúc” được chọn để khởi đầu phần 2 này.

Nửa đêm đến phần Dạ Vũ một lần nữa tổ chức tại hai không gian biệt lập với nhau. Một phòng lớn với nhạc sống “pop & rock” do ban nhạc Sàigòn phụ trách và một phòng nhỏ hơn tràn ngập những điệu nhạc disco hay techno do một DJ lành nghề hoạt náo.

Trong suốt năm 2004, các sinh hoạt thường niên của Tổng Hội như Ngày Thể Thao, Giải Bóng Tròn, Lễ âm nhạc, Trại hè hay Trung Thu đều đánh dấu 40 năm thành lập hội. Một bữa tiệc đầm ấm sau cùng được tổ chức ngày 27 tháng 11 nhằm kết thúc năm kỷ niệm. Nhân dịp này, một phim tài liệu phỏng vấn một số nhân vật từng gắn bó với Tổng Hội xen kẽ với những tấm hình lướt qua quá trình 40 năm hoạt động đã được trình chiếu, làm khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng các tham dự viên.

Đổi để tiến

Trong niềm vui mừng sinh nhật thứ 40 của Hội, chắc nhiều anh chị em cũng cảm thấy có một số khó khăn đang dần tới, cản trở các việc tổ chức Tết, xuất bản Nhân Bản và ngay cả điều hành Hội.

Nếu cuộc tổ chức Đêm Hội Tết vẫn thành công trên mặt chất lượng, trên phương diện tài chánh lại gặp vấn đề. Số lượng vé bán vẫn được khả quan nhưng chi phí phải trả cho phòng ốc cứ mỗi năm mỗi cao đến độ tổ chức xong là Ban Tổ Chức méo mặt vì lỗ, và mỗi kỳ mỗi thêm nặng. Nên biết rằng những thu hoạch của Tết cần thiết để tổ chức những sinh hoạt không thể sinh lợi trong năm. Cũng may, còn có thể “mượn” đỡ phía ngân quỹ của Đoàn Thể Thao để trang trải một số chi phí.

Sau Tết Ất Dậu 2005, nội bộ Hội đã bỏ ra nhiều thì giờ để tranh luận quanh những câu hỏi như làm Tết tiếp hay ngừng, vẫn ở Issy hay đi nơi khác, duy trì phương thức như trước hay đi tìm một phương thức mới khác ? Và một đa số quyết định tiếp tục nhưng với một số cải cách ! Nếu vào kỳ Tết năm 1996, anh chị em đã quyết định rời bỏ rạp Maubert đến Palais des Congrès d’Issy nhằm giảm chi, lần này, để tổ chức Tết 2006, đa số đã chọn tổ chức tiếp tại Issy và đổi một chút phương thức. Thay vì làm ngày thứ bảy từ đầu chiều đến tảng sáng hôm sau thì sẽ làm chủ nhật cũng từ đầu chiều nhưng đến 18g, 18g30 thì xong và không còn tổ chức Dạ Vũ nữa. Nhờ diễn ra chiều chủ nhật và rút ngắn chiều dài, giá mướn phòng được nhẹ đi phần nào.

Lire aussi/Đọc thêm  Nhân Bản, những bước đầu
Têt 2006
Kể từ năm 2006, các Hội Tết đều được tổ chức trưa chủ nhật

Nhưng cũng chỉ cầm cự được thêm 2 năm và đến 2008 thì Hội Tết dời sang nhà Opéra tại thị xã Massy, nơi này có nhiều tiện nghi hiện đại và tiền mướn cũng bớt hơn. Cũng tổ chức buổi chiều chủ nhật, bắt đầu là Hội Chợ rồi tiếp nối với Văn Nghệ. Từ lúc bấy giờ phương thức không thay đổi nữa tuy rằng giá phòng mỗi năm mỗi tăng. Nhưng đây là chuyện của tương lai…

Điểm ngừng đã đến

Nguyệt san Nhân Bản, một cột trụ truyền thống của Tổng Hội cũng bắt đầu gặp khó khăn kể từ năm 2002, 2003. Số người hợp tác vơi đi và chất lượng bài cũng suy giảm. Sau số tháng 10 năm 2004, sau hơn 27 năm phát hành liên tục gần như mỗi tháng và chỉ nghỉ tháng 8, Nhân Bản tháng không còn xuất hiện nữa. Riêng đặc san Xuân còn phát hành và được phổ biến tại các Hội Tết của Tổng Hội.

Khi đảm nhận vai trò chủ tịch nhiệm kỳ 2006 – 2008, anh Trần Ngọc Giáp có mời chị Trần Đức Anh Thư, một nhân vật hoạt động ngoài Tổng Hội đang sinh sống tại Canada (Gia Nã Đại) vào làm chủ bút Nhân Bản với sứ mệnh thiết kế dự án tái phát hành báo mỗi tháng. Anh Thư, một trong những cây viết cột trụ của tập san Ngàn Thông. Anh Thư ôm hoài bão biến Nhân Bản thành một tờ báo lớn với những cây viết đến từ khắp nơi trên thế giới. Đáng tiếc là dự án này đến trong giai đoạn Tổng Hội khan hiếm nhân sự yêu thích “nghề làm báo” nên không đi vào được cụ thể.

Tuy thế, nhóm biên tập của Anh Thư cũng thực hiện được một đặc san Xuân Đinh Hợi 2007 vô cùng trang nhã và chuyên nghiệp. Nhóm này còn tiếp tục thành công với đặc san Xuân Mậu Tý 2008 nhưng rồi cũng ngừng. Hậu quả là trong hai năm 2009 và 2010, Nhân Bản hoàn toàn vắng bóng. Phải đợi đến năm 2011, Nhân Bản mới tái xuất qua đặc san Xuân Tân Mão. Từ lúc đó, tuy rằng đôi lúc cũng gặp khó khăn nhưng mỗi năm vẫn có được một nhóm anh chị em sẵn sàng bỏ thì giờ để ngày Hội Tết của Tổng Hội, Nhân Bản có được một cuốn đặc san gởi đến độc giả.

Tháng 6 năm 2013, Ban Chấp Hành do anh chủ tịch Đặng Quốc Nam hướng dẫn có cho phép mở một blog Nhân Bản (nhanban-blog.com) để đón nhận những bài phân tích khác nhau về cộng đồng, về văn hóa. Blog này hoạt động được một thời gian ngắn rồi cũng ngưng.

Lire aussi/Đọc thêm  2014 - 2023 : Một nhựa sống mới

Nói về Nhân Bản trong thập niên 2004 – 2013, thiết tưởng cũng cần nhắc đến anh Phan Trí, một người đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh đã phụ trách kỹ thuật Nhân Bản từ đầu thập niên 1990 cho đến đầu các năm 2000, hầu hết các số báo tháng và đặc san Xuân đều mang dấu ấn của anh. Có những năm, anh còn đảm trách cả vai trò Chủ nhiệm. Ngày 6 tháng 2 năm 2009, anh tự kết liễu cuộc đời, đúng 2 ngày trước Hội Tết Kỷ Sửu. Vì anh không có thân nhân tại Paris, các bạn bè trong Tổng Hội đã chung tiền, chung sức để chu toàn lễ tang đồng thời liên lạc với gia đình của anh tại Việt Nam.

Tiếp máu

Như đã đề cập, Nhân Bản không còn ra được hàng tháng từ cuối năm 2004 đâu đó cũng vì gặp vấn đề nhân sự. Nhưng vấn đề này không chỉ thấy riêng ở trong báo mà còn thấy được phần nào trong Ban Văn Nghệ và quan trọng hơn là trong việc điều hành Tổng Hội.

Trên nguyên tắc, anh Phạm Minh Quang Nguyên chỉ muốn giữ trách nhiệm chủ tịch một nhiệm kỳ 2003 – 2005. Nhưng khi mãn nhiệm, không một ai trong nội bộ Tổng Hội “dám” đứng ra lập liên danh ứng cử. Anh Quang Nguyên đành phải xử lý thường vụ trong thời gian từ 20 tháng 10, 2005 đến 2 tháng 6, 2006 và anh Trần Ngọc Giáp có hứa là sẽ tung nỗ lực để tìm người thay thế. Vì không hoàn thành được việc tìm người, anh Giáp đành tự chỉ định thành lập Ban Chấp Hành. Cũng may, những nhiệm kỳ sau, bắt đầu tìm thêm được “máu mới” để tiếp sức.

Nhờ những máu mới mà phần lớn những sinh hoạt thường xuyên vẫn được xúc tiến. Năm 2008, Tổng Hội còn hợp tác với nhiều hội đoàn để vinh danh 60 năm lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, biểu tượng cho một nước Việt Nam tự do. Đây là lần thứ nhì sau năm 1998 cuộc vinh danh được tổ chức. Sang đến các năm 2010, 2011 và sau đó, một số sinh hoạt còn được Tổng Hội khởi xướng hay mở lại. Trong số các sinh hoạt này có thể kể các lớp dạy kèm Toán Lý Hóa, tiếng Việt, đàm thoại, nấu ăn, tây ban cầm và cả diễn áo dài hay khiêu vũ. Những sinh hoạt này, để riêng có vẻ lẻ tẻ nhưng cũng là những nguồn nhân lực giúp gầy dựng các sinh hoạt truyền thống.

Lớp học tây ban cầm : một trong nhiều sinh hoạt mới đã được thành lập

Cũng do có “máu mới” tăng cường nhân sự của Ban Chấp Hành hay của các Ban Tổ Chức, nên về chính kiến, về quan điểm đối với tình hình đất nước, không có được sự thuần nhất. Chúng ta có thể kể những tranh cãi về việc sử dụng tiếng Việt hay tiếng Pháp khi họp hành, việc tiếp tục hay không chào quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ trong các sự kiện, việc liên lạc với “du sinh” và ngay cả hợp tác với các đoàn thể trẻ ngoại vi của sứ quán Việt cộng, việc trở về thăm viếng đất nước, v.v… Trong những cuộc thảo luận nội bộ đôi khi rất sôi nổi, lằn ranh không nhất thiết ở giữa các thế hệ già trẻ, không nhất thiết là giữa số năm cộng tác với Hội. Hai người thuộc thế hệ đi trước chưa chắc là đã đồng thuận với nhau và hai người thuộc thế hệ đến sau chưa chắc là đã ăn ý với nhau. Có lẽ lằn ranh chia cắt đặt nhiều hơn trên tư duy, thủ cựu hay cấp tiến, muốn trung thành mọi giá với truyền thống hay muốn đổi mới Hội.

Lire aussi/Đọc thêm  Kỷ niệm 2004 – 2013

Đổi mới nền tảng

Cuộc tranh luận nội bộ hẳn nhiên cũng là dấu hiệu của một tinh thần dân chủ đa nguyên trong Hội, nhất là sau thảo luận, phần lớn vẫn tiếp tục sát cánh gầy dựng Tổng Hội. Có thể nói rằng kể từ khi Nội Quy mới được ban hành, một số căng thẳng cũng đã được giảm bớt đi. Từ khi được ban hành cùng lúc với sự thành lập của Tổng Hội năm 1964, không một lần nào Nội Quy được thay đổi và dĩ nhiên không còn phù hợp với môi trường thực tại. Khởi đầu cuối năm 2010 dưới nhiệm kỳ của chủ tịch Nguyễn Ngọc Bách, sau nhiều phiên làm việc của một Ủy Ban soạn thảo gồm nhiều thành viên kỳ cựu của Tổng Hội, một Nội Quy mới được Đại Hội Đồng đặc biệt tổ chức ngày 3 tháng 4 năm 2011 thông qua. Lúc bấy giờ, việc điều hành Hội đã chuyển sang tay chủ tịch Đặng Quốc Nam.

Đặc diểm của Nội Quy 2011 là viết bằng Pháp ngữ để tiện việc khai báo với nhà chức trách Pháp. Một đặc điểm khác quan trọng hơn nữa là bên cạnh Ban Chấp Hành, Nội Quy mới còn ấn định sự thành lập một Ban Cố Vấn. Cơ chế này có nhiệm vụ cố vấn Ban Chấp Hành về đường lối trung và dài hạn, bảo tồn ký ức tập thể cũng như những giá trị tinh thần của Hội đồng thời giữ vai trò cảnh báo trong trường hợp có sự cố bất thường trong nội bộ Hội. Tương tự với Ban Chấp Hành, Ban Cố Vấn cũng được một Đại Hội Đồng thường niên tuyển chọn trong số các liên danh ứng cử. Từ khi có sự hiện diện của Ban Cố Vấn, các cuộc tranh cãi nội bộ giảm đi khá nhiều, có thể vì các vấn đề tế nhị đã được Ban Chấp Hành chuyển sang cho Ban Cố Vấn đề nghị cách giải quyết, có thể vì Ban Cố Vấn có khả năng đi giải thích trong nội bộ các quyết định của Ban Chấp Hành.

Đề cập đến việc thay thế Nội Quy 1964, chúng ta cũng có thể nhớ đến người chủ tịch đã lưu lại tên mình trong văn bản đó, anh Nguyễn Trọng Huân. Có lẽ để cám ơn bước đầu của anh, ngày 30 tháng 4 năm 2013, Ban Chấp Hành đã tổ chức lễ giỗ cho anh tại trụ sở Tổng Hội.

Nghĩa cử này có thể được coi là điểm son chấm dứt thập niên 2004 – 2013 !

Đào Chí Thông

Các bài cùng thập niên