agevp60.com

Tổng Hội của tôi

Trại hè "Nối vòng tay lớn" 1973

Trại hè THSVP về thăm quê hương năm 1973, trong đó phần chính là trại Nối Vòng Tay Lớn do sinh viên quốc nội tổ chức, rất đặc biệt trên nhiều phương diện. Nhưng với riêng tôi, trại hè này lại đặc biệt nhất vì đó là dịp tôi được thấy thêm một khía cạnh khác về một người bạn là anh Trần Văn Bá.

Từ sau khi anh Bá bị Cộng Sản ám hại năm 1985, anh được đồng bào khắp nơi tôn vinh như một anh hùng dân tộc. Và anh rất xứng đáng được tôn vinh như vậy. Nhưng riêng trong anh chị em THSVP (Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris) chúng tôi thì chúng tôi cũng coi anh Bá như là một con người rất gần gũi thân thương, một người bạn mà chúng tôi vừa kính trọng vừa thương mến. Chúng tôi mến anh vì anh rất bình dân, hòa đồng, lúc nào cũng khoác cái áo lính đi lang bang khắp nơi, tiếp xúc với mọi giới, ngủ bờ ngủ bụi, tuy anh lúc nào cũng có dáng trầm tư, không cợt nhả. Chúng tôi cũng phục anh vì anh hay có những nguồn tin đặc biệt liên quan đến thời sự. Có một lần, anh nói với tôi: “Chú nhớ đón coi nghe, hai ngày nữa Thái Lan sẽ có đảo chính”. Quả kỳ nhiên.

Nhưng chúng tôi cũng hay đùa là khi hẹn gặp anh Bá thì nên cẩn thận vì anh có tính hay quên, nên có thể bị “lèo”. Năm 1973 là lần thứ ba THSVP tổ chức trại hè về thăm quê hương, và tuy năm ấy các hãng hàng không đã bắt đầu có nhiều chuyến bay thông thường về Việt Nam, THSVP cũng tổ chức một phái đoàn đi chung bằng cách thuê bao (charter) một chuyến phi cơ của hãng Air France. Anh Bá là người lo việc thương thảo với Air France. Đến hôm ký hợp đồng với Air France thì tối hôm trước anh em chúng tôi cứ nhắc anh Bá: “Anh nhớ phải đi ngủ sớm và thức dậy đúng giờ để ngày mai không trễ hẹn với Air France nhen”. Thì anh trả lời: “Các chú đừng lo, tôi sẽ thức sáng đêm để ngày mai chắc chắn sẽ không thức dậy trễ !

Nhưng điểm mà tôi may mắn được biết hơn về con người anh Bá nhân chuyến về thăm quê hương năm 1973 thì lại khác nữa, vì tôi được dịp thoáng thấy khung cảnh gia đình nơi anh lớn lên.

Trong phái đoàn THSVP về thăm quê hương năm ấy, thì ngoài anh Bá là trưởng phái đoàn chỉ có chị Ngô Vân Khương (Mimi) và tôi là thân cận nhất với ban chấp hành TH (Tổng Hội), còn phần đông là đồng bào ít sinh hoạt với TH. Và tuy lúc ấy chị Mimi và tôi không có chính thức trong ban chấp hành, nhưng chúng tôi và anh Bá lúc nào cũng đi kè kè nên được coi như là những đại diện chính thức của phái đoàn sinh viên hải ngoại.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (2)

Bởi vì năm đó, chính phủ VNCH đã chuẩn bị tiếp đón phái đòan hải ngoại chu đáo lắm. Trước đó mấy tháng, ông Hoàng Đức Nhã một cựu sinh viên du học ở Hoa Kỳ được ông Thiệu mời làm cố vấn đặc biệt đồng thời làm Tổng Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi. Chắc là ông Nhã nhận ra tiềm năng của phong trào hồi hương phục vụ quê hương trong tập thể sinh viên du học và tầm quan trọng của việc tranh đấu cho chính nghĩa của VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) trên diễn đàn dư luận quốc tế.

Cho nên khi phái đoàn THSVP về nước thì chúng tôi đã được tiếp xúc ngay với một tổ chức gọi là Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Hải Ngoại và Quốc Nội. Nhóm này bao gồm sinh viên quốc nội rút ra từ nhiều nhóm khác nhau, dưới sự lãnh đạo một số viên chức trẻ và rất tài ba của chính phủ lúc bấy giờ như các ông Đỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát, Trần Văn Ngô. Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một huynh trưởng trong Phong Trào Du Ca cũng tham dự. Nhưng có lẽ khuôn mặt nổi bật nhất trong các buổi sinh hoạt sinh viên là anh Đinh Quang Anh Thái, trưởng ban Hoạt Náo, ăn nói và điều khiển chương trình rất điêu luyện, duyên dáng.

Sau 1975, ông Yến và nhóm bằng hữu đứng ra thành lập báo và cơ sở xuất bản Người Việt tại Nam California, một cột trụ của cộng đồng người Việt tỵ nạn cho tới ngày nay. Còn anh Thái, sau nhiều năm đi tù Cộng Sản, ra nước ngoài cũng trở thành một phóng viên và nhà báo đáng kể trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Sinh viên hải ngoại và trong nước sinh hoạt chung với các binh sĩ VNCH

Chúng tôi được mời đi tham dự rất nhiều những buổi sinh hoạt và trình diễn văn nghệ của sinh viên, cũng như các buổi tiếp tân của một số cơ sở như Việt Nam Thương Tín. Nhưng phần quan trọng nhất là trại Nối Vòng Tay lớn, kéo dài khoảng 10 ngày, đưa phái đoàn hải ngoại thăm viếng nhiều phần đất của quê hương, từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt vào đến đồng bằng sông Cửu Long. Tại các nơi này chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt điều kiên sinh sống khắc khổ của các chiến sĩ đang bảo vệ lãnh thổ quốc gia và một số các di tích tàn phá của cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa một năm trước đó.

Đối với tôi, bi thương nhất là một đoạn đường dài khoảng hơn 1 km từ Quảng Trị vào Huế, gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng. Nơi đây vẫn còn ngổn ngang các đồ dùng, tay nải, gồng gánh, nồi niêu, xe máy, của đòan người dân di tản khi quân cộng sản ập tới Quảng Trị. Trên một đoạn đường đồng không mông quạnh, đoàn người đã bị VC pháo kích thẳng tay, giết sạch. Ở Huế chúng tôi được thăm trại của tướng Ngô Quang Trưởng, chỉ huy trưởng Quân Đoàn 1, cũng như là bộ chỉ huy của tướng Bùi Thế Lân, chỉ huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến. Ông Trưởng dáng người nhỏ thó, điềm đạm, ít nói còn ông Lân thì trẻ tuổi, trông mạnh dạn hào nhoáng.

Lire aussi/Đọc thêm  Tổng Hội Sinh Viên Paris và chuyện hồi hương

Phần tổ chức chắc hẳn là một công trình đồ sộ. Tổ chức chuyên chở, ăn uống và an ninh cho một phái đoàn dân sự gồm khoảng 200 người di chuyển bằng phi cơ quân đội, bằng xe GMC, bằng xe lửa đến những vùng địa đầu thiếu an ninh chắc đã là một vấn đề hóc búa cho ban tổ chức, cần đến bàn tay của những người như các ông Đỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát, Trần Văn Ngô. Đoạn đi từ Huế vào Đà Nẵng, chúng tôi được đi bằng xe lửa qua đèo Hải Vân, tôi cùng mấy người rủ nhau leo lên ngồi trên mái xe lửa, ôi quê hương đẹp đẽ làm sao.

Nguyễn Như Lưu (phải) và Đàm Minh (trái)

Một giai thoại vui là khi vào đến Đà Nẵng thì chúng tôi được đài phát thanh Đà Nẵng mời đến thăm viếng. Và không biết ai đó đã có sáng kiến là sinh viên hải ngoại và quốc nội đồng ca một bài hát để đài phát thanh đánh dấu chuyến đi. Và bài được chọn lại là bài Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc. Tìm mãi không ai có bản nhạc, sau đó anh Bá tìm ra là tôi vốn thuộc bài này nằm lòng nên tôi được trao nhiệm vụ dạy hát cho ban hợp ca. Ở đây tôi xin mở ngoặc để trình với các bạn chưa biết rõ tôi, là ở Paris tôi có tiếng là hát bè 5 rất hay nên không được cho vào trong ban hợp xướng, vậy mà nay trở thành người dạy hát cho một số người trong đó có anh chị em sinh viên quốc nội rất giỏi văn nghệ. Thật là mắc cở, khả năng văn nghệ của THSVP cũng khá lắm chứ đâu có đến nỗi tệ như vậy ! Nhưng việc gì rồi cũng xong, màn hát đó trên đài phát thanh Đà Nẵng được coi là một cao điểm, thể hiện tinh thần trong sáng đoàn kết của sinh viên Việt Nam quốc nội và hải ngoại.

Trước khi phái đoàn hải ngoại rời Việt Nam về trú xứ thì được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời vào tiếp tân trong Dinh Độc Lập, một cao điểm khác.

Trong suốt mùa hè năm đó, tôi có dịp nhiều lần tới nhà anh Bá tại đầu đường Phan Thanh Giản gần lối vào Xa Lộ Biên Hòa. Anh Bá có báo tôi trước là nhà cha mẹ anh như là một viện bảo tàng. Mà quả thật vậy. Phòng khách trưng bày toàn đồ cổ Việt Nam, có hai câu đối từ thời Gia Long khắc trên gỗ, bàn ghếngồi, tấm bình phong, tủ đều bằng gỗ kiểu cổ, có chạm trổ và cẩn xà cừ tinh xảo, trong tủ đựng chén đĩa men xanh của Việt Nam làm kiểu đồ xứ nhà Thanh. Trên mặt tủ chưng mấy chậu hoa giả với lá tạc từ san hô và hoa từ ngọc thạch. Anh Bá chỉ tôi coi một trái cầu bằng ngà lớn khoảng bằng trái cam nhỏ, bên trong chạm trổ nhìn vào thấy được 7 lớp. Anh cũng giảng cho tôi là muốn biết xà cừ tinh xảo thì phải nhìn nơi mấy đọt thật mỏng uống khúc nơi cuối các cành hoa. Sau này tôi để ý thì thấy các xà cừ chưng trong các bảo tàng viện nhiều khi khắc rất thô, không tinh xảo bằng những gì tôi được thấy tại nhà anh Bá.

Lire aussi/Đọc thêm  Album Hình 1964 - 1973

Nhà cha mẹ anh Bá là một bảo tàng viện nhưng với các đồ dùng không phải chỉ để chiêm ngưỡng mà được dùng trong đời sống hàng ngày. Nhưng gia đình cha mẹ anh cũng rất bình dị, trong nhà chỉ có một người làm là một em gái nhỏ mà anh nói “từ quê lên”. Tôi được dịp thưa hỏi mẹ anh, bà hiền hậu như một bà mẹ Việt Nam thuần túy, tuy lúc đó tôi có thấy ngoài đường có bích chương ứng cử viên Quốc Hội có hình bà tranh cử dưới tên “Bà quả phụ Trần Văn Văn”.

Sau khi đi trại Nối Vòng Tay Lớn về thì một hôm anh Bá mời tôi tới nhà ăn cơm tối với ông Đỗ Ngọc Yến. Tôi tới nơi thì chỉ có ba người chúng tôi, ngồi ăn nơi bàn đồ cổ, dùng bát đĩa bằng xứ xanh. Người hầu bàn là một bà dì anh Bá nói mới từ quê lên. Anh Bá với ông Yến nói chuyện thao thao bất tuyệt về quân sử VNCH, có một lúc hai vị kẹt ở một chi tiết, thì chính bà dì hầu bàn lại là người cung cấp được thông tin mà họ thiếu.

Đây là một khía cạnh về anh Bá mà tôi được thoáng thấy trong chuyến về hè năm đó. Ở Paris, tôi không bao giờ nghe anh nhắc đến, lại càng không bao giờ nghe anh khoe khoang về gia đình anh. Tuy tôi có nghe nói về cha anh và biết là ông là một chính khách bị ám hại năm 1966, nhưng về đến Việt Nam thì tôi mới nhận ra thật rõ là anh Bá trưởng thành trong một gia đình có truyền thống rất sâu đậm. Thấy được điểm này tôi lại càng thấy nếp sống bình dân, ngủ bờ ngủ bụi, của anh ở Paris là khác thường và đáng quý, cũng như là khi sau này anh hy sinh tất cả để tìm về kháng chiến nơi bưng biền quê hương.

Nguyễn Như Lưu
(28/07/2020)