agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Văn đoàn Lam Sơn

Trong những sinh hoạt rất đa hình đa dạng của THSV trong suốt sáu thập niên vừa qua, văn học và nghệ thuật vẫn là mấu chốt chung hội tựu được đa số, nếu không phải là tất cả, các hội viên từ xưa đến nay. Văn nghệ không thể thiếu trong đêm Hội Tết hay những buổi lễ bế mạc Đại Hội Thể Thao hội tụ các hội đoàn sinh viên Việt Nam tự do tại Âu Châu. Nếu nguyệt san Nhân Bản là hiện vật cụ thể của tinh thần đấu tranh của THSV thì Văn và Thơ là những cách thể hiện rõ ràng nhất tinh thần đấu tranh đó.

Vì thế nên từ năm 1964 cho đến nay Thi-Vũ-Nhạc-Kịch và Hoạ vẫn luôn gắn liền với các sinh hoạt của THSV cho dù rất ít anh chị em nghĩ rằng mình thật sự là – hoặc có trình độ của – một văn nghệ sĩ chuyên nghiệp. Việc này cũng rất bình thường và dễ hiểu trong thập niên đầu sau khi THSV được thành lập, từ năm 1964 đến năm 1975, vì vào thời điểm đó những ca khúc (đơn ca, song ca hay hợp ca) được trình bày trong những đêm hội Tết đều là những tác phẩm đã được sáng tác tại Việt Nam bởi các nhạc sĩ đã thành danh như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn.

Sau biến cố 1975, bên cạnh những tai biến lớn lao trong cuộc sống từng người, khi các kim chỉ nam cho các sinh hoạt hội đoàn đều bị lệch hướng, các anh chị em THSV thời đó lại phải đương đầu với một khó khăn và thử thách mới. Đó là làm sao nói lên được tiếng nói của những người ly hương nhưng không bỏ cuộc, vẫn khao khát hoà bình nhưng lại không thể chấp nhận sự đàn áp bất công, và cho dù sức cùng lực kiệt nhưng vẫn muốn tiếp tuc đấu tranh, vì tự do, công lý và tình người.

❝ Các ca khúc sáng tác trước 1975 giờ đây đã không còn thích hợp với nhu cầu đấu tranh của người Việt hải ngoại ❞

Các bài hát sáng tác trước 1975 không còn thích hợp vì cuộc chiến đã tàn nhưng hoà bình và sự an vui của muôn dân vẫn chưa đến. Súng đạn đã im nhưng người dân miền Nam Việt Nam vẫn lũ lượt bỏ nước ra đi. Chưa kể đến bao nhiêu người phải đi học tập cải tạo, hoặc đương đầu với tử thần trong những chuyến vượt biên thập tử nhất sinh trong suốt 15 năm sau ngày Quê Hương thống nhất.

Vì tất cả những lý do trên nên có lẽ bài “Còn Ai Thương Dân Tôi”, viết vào cuối năm 1975, nói lên thảm trạng của người dân Việt qua giọng song ca của chị Thanh Trúc và anh Phan Văn Hưng trong đêm Hội Tết Bính Thìn 1976, đã được phổ biến rộng rãi tại Hải Ngoại trong thời điểm đó. Lúc đó chỉ một mình anh Phan Văn Hưng là người làm nhạc và viết lời, đôi khi phổ thơ của một số rất ít các anh chị em sinh hoạt trong Ban Văn Nghệ hay cho Nguyệt San Nhân Bản như các anh Nguyễn Phương Lam, Lương Hữu Tưởng (bút hiệu Lương Y Khoa hay Ngô Thái Nguyên). Có lẽ vì số người tham gia và đóng góp cho những bài ca mới do THSV sáng tác rất ít nên tất cả đã đồng ý cùng ký tên dưới bút hiệu chung “Nhóm Sáng Tác THSV”.

Tết 1976
Tết Bính Thìn 30.01.1976. Lần đầu tiên giới thiệu các sáng tác của THSV. Thanh Trúc trình bày “Còn ai thương dân tôi”.

Cùng với nhu cầu sáng tác những bản nhạc mới, các anh chị em cũng muốn tạo ra một thư viện băng nhạc của THSV. Từ đó, ban văn nghệ THSV bắt đầu ghi âm 3 cuộn băng Du Ca (1, 2 và 3) trong suốt năm 1976. Hai chữ Du Ca của ba cuộn băng đầu này bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của phong trào Du Ca Việt Nam do cố Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang sáng lập vào năm 19661 trên các anh chị em thuộc “Nhóm Sáng Tác THSV” vào những năm đầu của thập niên 1970. Ta có thể nói cuộn băng Du Ca 3 là tiền thân của 5 cuộn băng Lam Sơn (1 đến 5) kế tiếp vì trong cuộn băng này đã xuất hiện những bài hát tiêu biểu của THSV vào những năm đầu sau 75 như Ai về xứ Việt, Anh tôi, Còn ai thương dân tôi, Tôi thấy tôi về… (đều do anh Phan văn Hưng viết nhạc và phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, Đinh Tuấn, Giang Hữu Tuyên).

❝ Cuộn băng nhạc Lam Sơn 1 đánh dấu cho sự ra đời chính thức của Văn Đoàn Lam Sơn ❞

Cuộn băng nhạc thứ tư của THSV, mang tựa Lam Sơn 1, đánh dấu cho sự ra đời chính thức của Văn Đoàn Lam Sơn vào năm 1977-78. Vào thời điểm đó, các anh chị em trong THSV cảm thấy rất gần gụi với tinh thần cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh dành lại Độc Lập cho Quê Hương Dân Tộc Việt 2. Thêm nữa như đã viết ở trên, các sinh hoạt văn học và nghệ thuật của THSV không chỉ gom lại về âm nhạc mà còn liên quan đến văn thơ, hội hoạ, kịch bản, nên tất cả mọi người đã đồng ý dùng bốn chữ Văn Đoàn Lam Sơn để biểu hiện một cách tổng hợp các sinh hoạt văn nghệ đấu tranh của THSV vào những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980.

Tết Bính Thìn 30.01.1976. Phan Văn Hưng và Bảo Vân song ca “Phải vùng lên”

Từ một nhóm rất nhỏ bắt đầu ngồi lại với nhau vào cuối mùa Đông 1975 trong căn nhà trọ đường Albert Camus, thành phố Bagneux, cùng sửa soạn cho Đêm Hội Tết Bính Thìn “Ta còn sống đây” năm 1976, Văn Đoàn Lam Sơn đã trưởng thành và lớn mạnh trong vòng 2-3 năm, với trên dưới 30 hội viên thường xuyên tích cực đóng góp, chưa kể vài chục anh chị em khác luôn phụ giúp một tay trong việc in ấn bìa băng nhạc, lo ẩm thực cho những lần tập hát hay thâu băng hoặc đi phổ biến các băng nhạc, tập nhạc, tập thơ.

Lúc đó tất cả những thành viên còn rất trẻ, với những con chim đầu đàn như anh Phan Văn Hưng, chị Nam Dao, chị Khúc Lan, anh Nguyễn Hoài Thanh, tuổi đời chưa quá 30. Trong suốt hơn 10 năm trời, Văn Đoàn Lam Sơn đã phát hành 8 băng nhạc, 2 tuyển tâp nhạc và 1 tuyển tập thơ với trên dưới 10 tác giả (làm nhạc và/hay viết lời) (xem các Ấn Phẩm và Băng Nhạc của Văn Đoàn Lam Sơn).

Sau cuộn băng Lam Sơn 5 phát hành năm 1989 kỷ niệm 25 năm thành lập hội, sinh hoạt của Văn Đoàn bắt đầu giảm vì một số các anh chị rời Pháp sang tái định cư tai Úc hay Mỹ. Tuy nhiên trong nhóm những anh chị em không ở lại Paris, vợ chồng chị Nam Dao và anh Phan Văn Hưng vẫn tiếp tuc con đường sáng tác văn nghệ đấu tranh tại Úc 3 và chị Khúc Lan vẫn tiếp tuc sinh hoạt trong lĩnh vực âm nhạc tai Mỹ thêm một thời gian dài4. Các bài hát, bài thơ viết ra cách đây gần 50 năm nay có lẽ vẫn được một số các anh chị em thuộc lớp THSV 3 và 4 biết đến5.

Ghi chú

1. Phong trào Du ca Việt Nam. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. Khởi nghĩa Lam Sơn. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
5. Qua 60 năm, các hội viên của THSV nay được phân ra làm 4 nhóm (hay thế hệ). Văn Đoàn Lam Sơn được xem như là một sinh hoạt đăc thù của nhóm THSV 2.

Đinh Tuấn
Đại diện cho các thành viên của “Nhóm Sáng Tác THSV 1975-1977”

Ấn phẩm của Văn Đoàn Lam Sơn

Thi tập Cho ngày mai lúa chín

1982. 59 bài thơ của Duy Nhân, Đinh Tuấn, Nam Dao, Ngô Thái Nguyên, Nguyễn Phương Lam, Thất Trí Lang.

Tập nhạc Tình ca quê hương

1978. 14 bài hát của Nhóm Sáng Tác Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris và Nguyễn Hoài Thanh.

Tập nhạc Ai về xứ Việt

1981. 19 bản nhạc của Phan Văn Hưng, Khúc Lan, Nguyễn Hoà Thanh, Lê Đăng Khả, Đinh Tuấn.

Băng nhạc Lam Sơn

1978. 14 ca khúc của Nhóm sáng tác THSV, Nhân Bản Dân Tộc Văn Nghệ Đoàn, Nguyễn Đức Quang.

1980. 18 ca khúc của nhi đồng và tuổi trẻ

1981. 13 ca khúc của Phan Văn Hưng, Khúc Lan, Lê Đăng Khả, Đinh Tuấn

1982. 12 ca khúc của Phan Văn Hưng, Khúc Lan, Nguyễn Hoài Thanh, Đinh Tuấn.

1989. 12 ca khúc của Phan Văn Hưng, Lê Như Kha.

200215 ca khúc tuyển lựa từ các băng nhạc Du Ca / Lam Sơn và phổ biến dưới dạng CD.

Băng nhạc Du Ca

1976. 14 ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Phan Văn Hưng trình bày trong Đêm Hội Tết 1974 và 1975

1976. 21 ca khúc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Phạm Trọng Cầu, Phan Văn Hưng.

1976. 14 ca khúc của Nhóm sáng tác THSV, Nhân Bản Dân Tộc Văn Nghệ Đoàn.