agevp60.com

Đoàn Thể Thao

Làm sao nói về AS Vietnam (Association Sportive Vietnam) ? Quả đây không phải là một chủ đề dễ dàng. Đó là một hội đoàn đã được Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris thành lập nhưng đó cũng là một Ban Thể Thao nằm trong Tổng Hội. Câu chuyện này thực sự khá lạ đấy ! Và tại sao lại thành lập nó ?

Có lẽ đơn giản nhất là bắt đầu từ khởi nguồn. Có một thời gian rất lâu trong một thiên hà xa xôi, rất xa xôi… Ồ không! Không phải vậy ! Nhưng mà đâu đó cũng có một chút sự thực !

Một ít lịch sử

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, có các thanh niên Việt Nam sang Pháp du học. Dần dà số sinh viên tăng lên, họ có mặt ở khắp nơi trên nước Pháp, đặc biệt là ở Lille, Bordeaux, Lyon, Besançon, Grenoble, Montpellier, Toulouse và tất nhiên là Paris. Và vào năm 1964, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris được thành lập để tạo điều kiện gặp gỡ và giúp đỡ những người trẻ xa quê nhà này.

Năm 1965, ba hội sinh viên (Lyon, Grenoble, Montpellier) đã nảy ra ý tưởng tổ chức các ngày thể thao tại Lyon, trong kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, nơi các cuộc thi bóng đá, bóng chuyền và bóng bàn đã diễn ra. Những cuộc gặp gỡ thể thao này thực ra là những cơ hội để các sinh viên gặp gỡ và nối kết tình bằng hữu trong bối cảnh vui vẻ của các cuộc tranh đua thể thao.

Đó là một thành công lớn. Đến độ năm sau, những ngày thể thao này đã được tổ chức lại, vẫn ở Lyon, nhưng với sự tham gia thêm của ba hội đoàn khác : Paris, Toulouse và Bordeaux. Trong trận đấu bóng tròn khai mạc, Phạm Tất Đạt đã ghi bàn mở tỷ số cho AGEVP trước Lyon, nhưng điều này không ngăn cản sự thất bại của Paris.

Sự kiện thể thao lại tiếp tục thành công lớn. Sang năm 1967, các ngày thể thao kiểu này lại diễn ra, nhưng lần này tổ chức ở Grenoble với sự tham gia của Lille, Besançon và Genève (Thụy Sĩ) đồng thời có thêm các môn thể thao bổ sung như bóng rổ và quần vợt. Vào năm 1968, các ngày này được cho diễn ra ở Besançon với sự hiện diện thêm của Liège (Bỉ), Bruxelles (Bỉ) và Lausanne (Thụy Sĩ).

Các cuộc tranh đua thể thao xảy ra vào buổi sáng, buổi tối dành cho sinh hoạt quanh lửa. Thế là Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Việt Nam Âu Châu đã ra đời. Ngay từ thuở đầu đã có các cuộc tranh đua thể thao qui tụ phái nữ và các bộ môn Điền Kinh cũng được cho diễn ra. Sau này, sinh hoạt được đổi tên thành Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu và được tổ chức liên tục đến năm 1999.

Quan trọng là tham gia… và cũng là chiến thắng

Đại Hội Thể Thao bắt đầu trở nên giống như một Thế vận hội ngoại trừ việc chúng diễn ra hàng năm thay vì cứ bốn năm một lần. Và mỗi năm, chúng thay đổi địa điểm tùy theo đoàn thể tổ chức. Các hội đoàn cử một hay nhiều hơn phái đoàn tham dự và mỗi đoàn đặt mục tiêu giành càng nhiều huy chương càng tốt.

Năm 1970, tới lượt Paris tổ chức Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Việt Nam Âu Châu. Trách nhiệm này đã được giao cho Vũ Tiến Vượng, với phụ tá là Nguyễn Ngọc Danh, trong nhiệm kỳ của chủ tịch Bùi Ngọc Vũ. Các cuộc tranh đua diễn ra tại Jouy en Josas, tận dụng cơ sở hạ tầng của HEC (Hautes Etudes Commerciales – Cao Học Thương Mại). Tổng Hội đã chuẩn bị thật nghiêm túc phái đoàn lực sĩ nhưng cũng biết sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ hội Orsay vì hội này có khả năng thu hút nhiều vận động viên mạnh bằng cách cho phép họ tập luyện suốt năm. Ý tưởng đem đến cho các vận động viên của mình phương tiện tham gia Đại Hội Thể Thao bắt đầu nảy nở trong tâm trí của anh chị em đang điều hành Tổng Hội từ đó.

Lire aussi/Đọc thêm  ĐHTT 1997 Paris

Tuy nhiên khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa thất thủ vào nam 1975, bối cảnh chung có phần nào thay đổi. Đến sinh hoạt với Tổng Hội không chỉ là những sinh viên thần túy mà còn có nhiều thanh niên tỵ nạn. Các thanh niên tỵ nạn này hiện diện khắp Âu Châu và phẩm chất cũng như cường độ của Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu gia tăng. Các phái đoàn đến từ Đức, Đan Mạch, Na Uy, v.v… tham gia nhiều hơn.

Nhu cầu tập luyện kỹ càng khiến Tổng Hội quyết định thành lập Đoàn Thể Thao để điều hành việc mướn các cơ sở tập dợt và thi đấu một cách có cấu trúc hơn.

Đoàn ra đời

Năm 1981, trong nhiệm kỳ của chủ tịch Lâm Hoài Hiếu, Đoàn Thể Thao THSV VN Paris được thành lập.

Trích từ Công Báo ngày 27 tháng 5 năm 1981, mục Hội đoàn ngoại quốc :
“11 tháng 5 năm 1981. Quyết định của Bộ trưởng Nội vụ. (Giấy phép được đăng ký tại cơ quan cảnh sát vào ngày 15 tháng 5 năm 1981). Section sportive de l’Association Générale des Etudiants Vietnamiens de Paris (Đoàn Thể Thao Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris). Mục đích : khuyến khích thể thao trong cộng đồng người Việt ở Paris. Trụ sở : 51, rue Damesme, 75013 Paris”.

5 thành viên sáng lập của Đoàn Thể Thao là: Nguyễn Xuân Vũ, Trương Như Phong, Nguyễn Như Lưu, Lê Tất Tố và Đỗ Đăng Liêu. Họ đã được tập hợp trong bức ảnh chụp vào năm 1980 tại thao đường của trường Centrale Paris ở thị xã Châtenay-Malabry. Hiện nay, bộ 5 này đã phân tán ở Mỹ, Canada và Úc.

Niên khóa 81-82, có những trưởng bộ môn sau đây :

  • Điền kinh : các lực sĩ trong ban tự điều hành
  • Vũ cầu : Lương Anh Tuấn ‘Tuấn xôi’, Trương Trọng Kiệt, Lê Thị Bích Thuận
  • Bóng rổ : Bùi Thế Thưởng Hải
  • Bóng tròn : Vũ Quốc Lưu, Chung Phước Lộc, Nguyễn Văn Thới
  • Bơi lội : Châu Ngọc Thắng ‘Thắng rừng’
  • Bóng bàn : Nguyễn Hoàn Phúc, Lê Văn Tiềng
  • Quần vợt : Đặng Quốc Ấn
  • Bóng chuyền : Nguyễn Như Lưu, Đinh Bình

Sau khi thành lập, Đoàn Thể Thao được thành phố cấp cơ sở để các thành viên tập dợt. Đoàn cũng đã đăng ký với nhiều Liên đoàn thể thao Pháp nhằm tham gia các giải đấu chính thức. Các thành viên của Đoàn chỉ là những công dân Pháp gốc Việt và Đoàn Thể Thao dần dần hòa nhập vào đời sống xã hội địa phương.

Bong Chuyên 1980

Đứng (từ trái sang phải) : Bình, Giáp, Vũ*, Tố*, Văn Anh, Hiếu, Thanh, Hiệp, Nội
Ngồi (từ trái sang phải) : Liêu*, Lưu*, Phong*, Chương, Tâm, Lễ
* sáng lập viên Đoàn

‘Ngũ đại hào kiệt’

Còn ai có khả năng nói về thời kỳ khai lập đó ‘chuẩn’ hơn là các “Ngũ đại hào kiệt” ? [Phụ chú BBT : năm đấng sư phụ trong bộ phim Kung fu panda]

Nguyễn Xuân Vũ (Trưởng đoàn) nhớ lại : “Đến OMS, mình tưởng để kiếm việc làm tại Tổ chức Y tế Thế giới (Organisation Mondiale de la Santé), nhưng tại đây một nhân viên cho biết họ là Office Municipal des Sports hay Văn Phòng Thể Thao Thành Phố, chuyên trách về việc cấp cơ sở tập dợt thể thao cho các hội đoàn ở quận 13 ! Trở về gặp lại anh chị em, tôi bày tỏ cảm nghĩ là thấy rất quan trọng việc mở ra bên ngoài, không nên chỉ lẩn quẩn giữa môi trường Việt với nhau mà nên tham gia các giải đấu trong vùng nhằm cho thấy sự hiện hữu của những sinh viên thể tháo gia đang theo đuổi lý tưởng của một Việt Nam tự do, công bằng và phồn thịnh…

Lire aussi/Đọc thêm  Kỷ Niệm 1974 - 1983

Có nhiều thủ tục phải lo, nào hành chính (thảo nội quy, đăng ký vào các liên đoàn thể thao,…), nào điều hành nào cấu trúc nội bộ“, Trương Như Phong (thủ quỹ) bổ túc. “Và Đoàn Thể Thao cũng tự ép mình phải tự lập vì quỹ chung của Tổng Hội khá eo hẹp. Việc tạo ra Ngày Thể Thao vào năm 1981 đã giúp cho Đoàn có được một số tiền“.

Nói về tiền bạc, tôi còn nhớ có hai tên (BBT : Phong và Vũ) đã phải mặc cả để mua đồng phục, rồi tay không cắt huy hiệu của Tổng Hội mà ủi dán lên áo các thành viên của Đoàn. Bàn ủi đó mượn của ai, giờ tôi không còn nhớ nữa !“, Phong vừa cười vừa kết luận.

Cũng nên nhắc lại tại ĐHTT năm 1978 ở Beauvais, phái đoàn Đan Mạch đã thắng phần lớn giải thể thao như Băng Đồng, Bóng Tròn, Bóng Chuyền và còn nhiều nữa. Kỳ đó, phái đoàn Tổng Hội bị nhiều thất bại và những thất bại này có lẽ đã biến thành động lực dẫn đến việc thành lập Đoàn Thể Thao, tuy rằng sự thành lập này chỉ cụ thể hóa chính thức vào năm 1981“, Nguyễn Như Lưu (cố vấn) phân tích.

Mỗi người trong số 5 sáng lập viên đã có những động lực riêng để thành lập Đoàn Thể Thao. Về phần tôi, đó đã là một phản ứng đối với phe thân cộng trong cộng đồng người Việt ở Paris. Và năm 1971, tôi bắt đầu đánh bóng chuyền với người Việt, trong hàng ngũ phe thân cộng nhưng sau đó tôi ngừng chơi với họ vì tôi đã gia nhập Tổng Hội. Tôi thấy có một số người trẻ tuy không thích cộng sản nhưng cũng đi chơi với phe thân cộng chỉ vì phe này mới có câu lạc bộ cho người Việt. Những người trẻ này được khuyến dụ tham gia vào giúp Tết và cuối cùng họ cũng gia nhập hàng ngũ thân cộng. Tôi mong mỏi tạo ra một môi trường thể thao để những người trẻ Việt có được một nơi chốn để chơi thể thao mà không bị ảnh hưởng của bất kỳ ý thức hệ nào“, Nguyễn Như Lưu giải thích thêm.

Ngoài việc cổ võ cho thể thao, một điểm quan trọng khác của Đoàn Thể Thao là khuyến khích gia nhập Tổng Hội. Nhiều thành viên của Đoàn Thể Thao sau này trở thành thành viên của Tổng Hội và đã tham gia vào các sinh hoạt của hội như Văn Nghệ, Báo Chí, Gia Chánh, v.v…“, Lê Tất Tố (cố vấn) tiếp tục. “Đặc biệt tôi nhớ đến Tuấn Xôi, một con người khả ái. Anh ta luôn luôn hăng hái đi cổ vũ mọi người trong mọi bộ môn. Gần như không một bộ môn thể thao nào lại không có hơi hướng Tuấn Xôi. Lúc bấy giờ, nếu có xích mích gì giữa các thành viên của Đoàn, tôi hay nhờ Tuấn Xôi đi giảng hòa“.

Dựa vào những gì nghe kể, tôi thấy trí nhớ của các bạn tốt lắm và cũng chẳng biết phải thêm bớt chỗ nàoĐỗ Đăng Liêu (cố vấn) mau mắn kết luận và tỏ ra khán phục các “hào kiệt” vẫn còn duy trì trí nhớ sau bao nhiêu năm tháng.

Đến vô tận và xa hơn

Kể từ khi được thành lập, Đoàn Thể Thao không ngừng gia tăng số bộ môn và tiến triển trên mặt thành tích. Đối với các thành viên có ít phương tiện, Đoàn luôn luôn có những hành động để giúp họ chu toàn các chi phí đăng ký tham gia tranh giải thể thao.

Lire aussi/Đọc thêm  Nhìn về Paris, nhớ Trần Văn Bá

Ban Vũ Cầu có ghi danh một đội vào các giải đấu của Liên Đoàn Vũ Cầu Pháp. Ban này cũng đã sáng lập giải Vũ Cầu Tổng Hội năm 1987. Hai kỳ đầu của giải này diễn ra ở quận 17 và những kỳ sau thì được tổ chức tại sảnh thể thao lớn Halle Carpentier trong quận 13. Cùng thời gian, Ban Vũ Cầu cũng cử một số bạn đến giúp Ligue Ile de France Vũ Cầu tổ chức giải Vũ Cầu Mở (Open de France de Badminton) tại thao đường Coubertin, quận 16. Về sau, giải này trở thành một sự kiện thể thao lớn mang tên Internationaux de France de Badminton.

Trong nhiều năm trời, ban Bóng Chuyền có 1 đội Nam ghi danh giải Bóng Chuyền Pháp cấp Vùng Ile de France hạng 3, 1 đội Nam khác ghi danh ở cấp Tỉnh và 1 đội Nữ ghi danh cũng ở cấp Tỉnh. Đội Nữ này được 1 huấn luyện viên nữ gốc nhật dẫn dắt. Năm 1984, có 1 đội Bóng Chuyền Nam được vinh dự đại diện quận 13 tham gia Giải Thể Thao do Thành Phố Paris tổ chức lần đầu. Đội này đi được đến chung kết tại thao đường Pierre Coubertin dưới sự chứng kiến của ông quận trưởng quận 13 và đông đảo khán giả.

Ban Bóng Bàn đến ngày hôm nay có được gần 50 thành viên, tuổi từ 8 đến 87. Trong những năm bệnh dịch Covid hoành hành, Ban Bóng Bàn vẫn duy trì được 1 đội tham gia hạng nhất cấp Vùng. Mỗi năm, Ban này còn đóng góp cùng với nhiều hội thể thao vào ngày “Cửa Mở” do quận 13 tổ chức để góp tiền ủng hộ chương trình Téléthon.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại là có một thời gian, Đoàn Thể Thao còn phát hành nội san thông tin “Hũ Gạo” nhằm kết nối và tạo thông cảm giữa các ban trong Đoàn.

Trong các kỳ Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu, Đoàn Thể Thao đã tạo thành phần chủ lực cho các phái đoàn của Tổng Hội đồng thời còn giúp đắc lực vào những lần Tổng Hội đứng ra tổ chức vào các năm 1983 (Ecole Centrale ở Châtenay-Malabry), 1990 (Stade Louis Lumière, Paris 20) và 1997 (Stade Elisabeth, Paris 14). Trong nhiều kỳ Đại Hội, Đoàn còn đem về cho Hội giải cao quý nhất tức giải Nhã Nhặn.

Sau cùng, cũng cần phải nêu tên các Ban Bóng Tròn, Bơi Lội, Bóng Rổ, Điền Kinh, Khiêu Vũ, v.v…

Các Trưởng Đoàn Thể Thao

• 1980-1982 : Nguyễn Xuân Vũ
• 1982-1984 : Nguyễn Ngọc Bách
• 1984-1985 : Trần Ngọc Giáp
• 1985-1987 : Đặng Quốc Nam
• 1987-1993 : Đinh Bı̀nh
• 1993-1995 : Nguyễn Dương Tuấn
• 1995-1997 : Nguyễn Trọng Nghı̃a
• 1997-1998 : Phạm Đức Thành
• 1998-1999 : Huỳnh Phước Vinh
• 1999-2001 : Lê Đı̀nh Thái Lang
• 2001-2003 : Phạm Minh Quang Nguyên
• 2003-2004 : Huỳnh Bá Linh
• 2004-2009 : Phạm Minh Quang Nguyên
• 2009-2012 : Nguyễn Hoàng Kim
• 2012-2016 : Trần Adeline
• 2016-2024 : Lê Anh Hoàng

Danh sách trên đã được hoàn thành nhờ ký ức tập thể của nhiều người và là biểu hiệu cho thấy sự ưu ái của các lực sĩ và đội thể thao dành cho các anh chị Trưởng Đoàn đã không ngừng cố gắng trong hơn 40 năm qua để bênh vực và nâng cao màu cờ của Đoàn Thể Thao.

Nguyễn Xuân Vũ & tập thể ASVN