Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu
Phát sinh vào năm 1965, phong trào sinh hoạt tranh đua thể thao trong môi trường sinh viên Việt Nam tại Âu Châu đã mau chóng mang danh xưng “Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Việt Nam tại Âu Châu” với tên gọi tắt là Đại Hội Thể Thao hay ĐHTT.
Đến năm 1980, cùng lúc với nhiều dự án cấu trúc hóa khác, sinh hoạt kể trên được cải danh thành “Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu” và được tổ chức trong suốt một tuần lễ vào dịp hè.
Ngoài các cuộc tranh đua thể thao, có nhiều sinh hoạt khác dược tổ chức trong thời gian ĐHTT như hội thảo, văn nghệ, du ngoạn v.v…
ĐHTTVNÂC được tổ chức ra sao ?
Nhằm mục đích gây tinh thần đồng đội, tinh thần đoàn kết và một phong trào khỏe để phụng sự quốc gia, để nói lên sự hiện diện của một phong trào Sinh Viên Việt Nam ở hải ngoại, Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Việt Nam tại Âu Châu ra đời vào năm 1965.
Đến năm 1987, với việc ban hành quy chế, danh xưng chính thức trở thành Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu (ĐHTT) và sự kiện này cũng được coi là một trong những sinh hoạt chính của Đại Hội Việt Nam Âu Châu (ĐHVNÂC). Đây là một cơ chế mang tính cách hợp tác liên hội, quy tụ nhiều thành viên là các hội đoàn người Việt ở Âu Châu, trong số có Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris.
Để tổ chức ĐHTT, một hội đoàn thành viên phải đệ đơn xin 2 năm trước ngày dự định tổ chức. Tại một kỳ họp của ĐHVNÂC diễn ra trong thời kỳ tổ chức ĐHTT, các thành viên sẽ bầu chấp thuận hay bác đơn.
Theo Quy Chế của ĐHTT ấn định, tại mỗi kỳ, có một số bộ môn thể thao bắt buộc phải được tổ chức.
Điền kinh Nam : 100th, 400 th, 1000 th, 4 x 100 th, Băng đồng, Nhảy cao, Nhảy xa và Ném tạ.
Điền kinh Nữ : 80th, Nhảy cao, Nhảy xa.
Bơi lội Nam : 50 th tự do, 50 th bơi sải, 100 th tự do, 4 x 50 th tự do
Bơi lội Nữ : 50 th tự do, 50 th bơi sải.
Vũ cầu Nam/Nữ : Đơn, Đôi, Đôi Nam Nữ, Toàn đội
Quần vợt Nam/Nữ : Đơn, Đôi, Toàn đội
Bóng bàn Nam/Nữ : Đơn, Đoi, Toàn đội
Bóng tròn, Bóng chuyền, Bóng rổ : Nam
Trong suốt thời gian ĐHTT (trung bình 6 ngày), ngoài các bộ môn bắt buộc, dĩ nhiên mỗi Ban Tổ Chức tùy nghi tổ chức thêm các bộ môn khác hay mở bộ môn cho phái nữ. Ban Tổ Chức cũng có thể thêm vào các giải dành cho thiếu nhi hay cho “lão tướng” hay cho diễn ra những trận đấu giao hữu với các câu lạc bộ địa phương. Hơn nữa, Ban Tổ Chức còn có khả năng đem lại những sinh hoạt ngoài thể thao như đánh cờ, thi hát, thăm viếng trong vùng, lửa trại, triển lãm,…
Ban Tổ Chức có bổ phận phát huy chương cho 3 hạng đầu trong các giải bắt buộc nhưng được tùy nghi phát thêm những giải thưởng khác như cúp, quà, v.v… cho những người thắng giải, dầu là trong các bộ môn bắt buộc hay không. Theo Quy Chế của ĐHTT ấn định, giải thưởng cao quý nhất là giải Nhã Nhặn. Muốn được thưởng giải này, một phái đoàn tham dự phải thỏa mãn các tiêu chuẩn như sau :
• Phái đoàn cử nhiều tham dự viên (lực sĩ hay ủng hộ viên)
• Phái đoàn tham gia tất cả các bộ môn thể thao trong tinh thần hăng say nhưng trung trực
• Phái đoàn tham gia các sinh hoạt tổ chức trong thời gian ĐHTT
• Phái đoàn hợp tác, đóng góp vào mọi công việc tổ chức
Ngoài một số thay đổi nhỏ, các giải tranh đua thể thao đều áp dụng phần lớn các luật thể thao quốc tế. Để dự tranh, một lực sĩ bắt buộc phải ghi danh trong một phái đoàn tham gia ĐHTT. Chỉ các hội đoàn thành viên của Đại Hội Việt Nam Âu Châu cùng các hội đoàn được mời với tính cách thân hữu (khoảng 10 hội đoàn mỗi kỳ) mới có thẩm quyền thành lập một phái đoàn hay nhiều hơn tham gia Đại Hội Thể Thao. Thành phần tiêu chuẩn của một phái đoàn gồm :
• 1 Trưởng phái đoàn
• 1 Trưởng ban Thể Thao
• 1 Trưởng ban Sinh hoạt hay Văn Nghệ
• Các lực sĩ và ủng hộ viên
Nhằm bảo đảm cho Đại Hội diễn tiến trôi chảy và duy trì một tinh thần trung lập trong các cuộc tranh đua thể thao, một số cơ chế nhỏ được Quy Chế dự trù :
• Hội đồng chủ tịch bao gồm các trưởng phái đoàn cộng thêm Trưởng ban Tổ chức. Hội đồng này là cơ chế quyền lực và quyết định cao nhất trong thời gian ĐHTT.
• Hội đồng kỷ luật với thành viên được các phái đoàn đề cử và do Hội đồng chủ tịch bầu. Nhiệm vụ chính của Hội đồng kỷ luật là giải quyết các vấn đề liên quan đến thể thao, xét các vụ kiện cáo xuất phát sau mỗi lần tranh đua thể thao và chỉ định trọng tài. Hội đồng kỷ luật còn có nhiệm vụ xem xét cách cư xử của các phái đoàn nhằm mục đích tuyển chọn phái đoàn sẽ được trao giải Nhã Nhặn.
• Hội đồng thể thao quy tụ các trương ban thể thao của các phái đoàn. Công việc của Hội đồng này là tổ chức rút thăm và ấn định lịch trình tranh đua.
Nhờ sự hiện hữu của các cơ chế kể trên, gánh nặng của Ban Tổ chức được vơi đi khá nhiều và chủ yếu đặt vào việc tìm kiếm cơ sở tổ chức cũng như việc vận động quảng bá cho ĐHTT.
Là một Thế Vận Hội nho nhỏ, Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu luôn luôn bắt đầu với một Lễ Khai Mạc và kết thúc với một Lễ Bế Mạc.
Tùy theo sáng kiến, theo hoàn cảnh địa phương, các Lễ Khai Mạc có thể có những nét mang ít nhiều ngoạn mục nhưng lúc nào cũng phải có một số tiết mục chung, đó là :
• Diễn hành của các phái đoàn
• Nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam, quốc kỳ quốc gia địa phương và thượng cờ ĐHTT.
• Diễn văn chào mừng của Ban Tổ Chức
• Tuyên bố khai mạc ĐHTT
Ngoài ra, theo truyền thống, bộ môn Băng Đồng luôn là bộ môn tranh đua thể thao đầu tiên.
Lễ Bế Mạc gồm 2 phần có thể diễn ra xen kẽ nhau : một phần văn nghệ với sự hợp tác của các phái đoàn hiện diện và một phần trao giải. Cuối buổi lễ, các đại kỳ Việt Nam và ĐHTT sẽ được trang trọng trao lại cho hội đoàn tổ chức kỳ ĐHTT kế tiếp.
Khoảng 3 đến 6 tháng sau khi Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu chấm dứt, Ban Tổ Chức có nhiệm vụ soạn thảo hồ sơ Đúc Kết và gởi đến toàn thể các hội đoàn đã gởi phái đoàn tham dự. Hồ sơ này cũng sẽ được dùng làm tài liệu để Ban Tổ Chức kế nhiệm tham khảo.
Cùng chủ đề