Thập niên 1974 - 1983
Tết Bính Thìn 1976 "Ta còn sống đây"
Những kỷ niệm tập thể không thể quên
Đêm Tết Bính Thìn 1976 chiếm một địa vị độc nhất trong số 60 đêm Tết đều rất công phu và rực rỡ của THSV.
Thứ nhất, đó là đêm Tết đầu tiên sau ngày 30/04/1975, được tổ chức trong lúc tinh thần của tất cả đồng bào hải ngoại, kể cả các anh chị em THSV, đều rất hoang mang vì không biết tương lai mình và số phận thân nhân mình ra sao. Đêm Tết 1976 coi như đã đánh dấu sự tái sinh của phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ ở hải ngoại, tượng trưng bởi chủ đề “Ta còn sống đây” và hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước công chúng lần đầu tiên sau ngày 30/04/1975.
Thứ nhì, đêm Tết Bính Thìn 1976 đã thành công rực rỡ, cả về số khán giả đông nhất trong lịch sử THSV và về phẩm chất văn nghệ, nên đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm khảm đồng bào tham dự và các anh chị em THSV thực hiện. Tổ chức tại nhà Maubert Mutualité ngay giữa trung tâm Paris lúc đó là thủ đô của cộng đồng người Việt hải ngoại, đêm Tết đó đã tạo được tiếng vang và động lượng rất lớn, khai mở một giai đoạn sinh hoạt cực kỳ khởi sắc của THSV, vạch ra một hướng đi cho THSV nói riêng và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung.
Thứ ba, đêm Tết 1976 là lần đầu tiên THSV trình bày một số bài hát do chính mình sáng tác để đáp ứng tâm tình người Việt đã thay đổi, mở đầu cho một phong trào sáng tác rất khởi sắc với sự thành lập của Nhóm Sáng tác THSV và Văn Đoàn Lam Sơn sau đó.
Sau đây là cảm nghĩ của một số người đã tham dự vào đêm Tết này với tính cách khán giả cũng như tổ chức.
Đêm Tết đó có hai màn tạo tác động rất lớn lên cử tọa, đó là phần mở đầu và đoạn kết thúc chương trình văn nghệ.
Mở đầu mình có màn múa lân, sau đó là ban hợp xướng hát hai bài, hai bài này rất có ý nghĩa: bài đầu tiên là bài Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc, tức là mình xác nhận mình là sinh viên hải ngoại sống ở đây, sau đó là bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, bài này do linh mục Ngô Duy Linh soạn bè.
Xong màn hợp xướng là bài diễn văn của anh chủ tịch Trần Văn Bá, bài này rất sâu sắc, nhiều ý nghĩa, đi sâu vào lòng người. Ngay sau bài diễn văn của anh Bá là Phút mặc niệm, ý nghĩa là ở chỗ đó: mình đã khẳng định mình là ai, lập trường mình là gì, thì tiếp theo đó mình nối kết lại với cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ đã qua của những người lính đã nằm xuống.
Những năm trước đó Tết TH không có phút mặc niệm vì đêm Tết là một ngày vui. Sau khi anh Bá đọc diễn văn xong thì có anh Nguyễn Văn Lộc đứng ra cầm lá cờ vàng, anh vừa cầm cờ vừa hát bài Hồn tử sĩ, anh NVL ca bài đó rất thích hợp, anh Bá vẫn còn đứng đó. Hình ảnh lúc đó rất ý nghĩa, đó không phải là một phút mặc niệm bình thường mà khẳng định đường lối của mình.
Đêm Tết đó rất đông. Năm đó tôi làm trong ban Trật tự, rạp Maubert khỉ có khoảng dưới 2000 ghế ngồi, nhưng tôi ước lượng số khán giả bên trong và bên ngoài rạp phải trên 3000 người.
Có lúc ông lo về an ninh hỏa hoạn của nhà Maubert kêu chúng tôi ra nói chuyện, đòi chúng tôi phải mời bớt khán giả ra khỏi rạp, vì đông quá không hội đủ tiêu chuẩn an toàn. Chúng tôi không chịu, thương lượng mãi rốt cuộc ông yêu cầu chúng tôi cử hai người đứng trước mỗi cửa ra vào để không cho khán giả đứng chắn các cửa đó. Các ghế đều có người ngồi hết.
Trong rạp Maubert, ở dưới lầu các hàng ghế đầu hai bên cánh hầu như không nhìn thấy được sân khấu, nên bình thường không có khán giả ngồi, nhưng hôm đó ngồi chật hết. Có nhiều người ngồi dưới đất. Ở cuối rạp có khoảng trống trước các cửa ra cũng đầy người đứng, có lẽ cũng khoảng 15 hàng người, mà họ đứng im phăng phắc theo dõi các màn văn nghệ. Tôi thỉnh thoảng đi ra ngoài rạp, thì cũng rất đông. Đồng bào không vô được nhưng vẫn đứng ngoài rạp.
Tết năm đó, có nhiều màn rất cảm động. Khi xong văn nghệ, tôi bước ra ngoài rạp thì gặp một ông người quen cựu trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa cùng đi với hai người bạn, ba vị này là cựu đại tá và trung tá VNCH.
Đối với tôi họ thuộc thế hệ đàn anh, là những người đạo mạo, chững chạc, từng trải. Vậy mà ba vị đó khoác vai nhau đi như say rượu, vừa đi vừa nghêu ngao hát ‘Ta còn sống đây, ta còn sống đây’. Tôi thấy vừa lạ lùng vừa hơi buồn cười, nhưng thật là cảm động.
Tôi trong ban hợp xướng, lúc màn mở nhìn ra thấy bà con khán giả thật là đông, tôi cảm thấy rất là vui, cảm động, hứng khởi.
Đến lúc màn chào quốc kỳ thấy bà con đứng lên hết đồng hát theo, thật là cảm động, bây giờ kể lại vẫn thấy rung rung.
Lúc đó là lần đầu tiên lá quốc kỳ được trưng ra trước công chúng và bài quốc ca được vang lên, và mọi người cùng hát hết. Đây là một điểm đánh dấu rất sâu sắc trong lịch sử TH. Chùng tôi đứng trên sân khấu cũng cảm động không kém khán giả.
Trong suốt đời tôi đi trình diễn văn nghệ, chưa lần nào tôi cảm thấy tình cảm dâng trào lên như vậy. Ở dưới phòng thì người ta khóc, vỗ tay, la hét, trong khi ở trên này mình hát mà cũng khóc, và khi lá cờ trương lên thì ai nấy đều mủi lòng.
Lúc tổ chức Tết 1976, tình trạng tài chính của THSV rất eo hẹp và chúng ta không có nhiều bạn. Những năm trước mình mượn phòng khách rộng của Institut Franco-Vietnamien trên đường Saint Jacques để tập Tết nhưng năm đó không còn mượn được nữa. Trụ sở trên lầu quán Monge cũng sắp bị lấy lại.
Một hôm tôi trực trên trụ sở Monge, thì có anh Bản tới thăm, tự giới thiệu và hỏi thăm tình hình THSV ra sao. Tôi tỏ ý lo âu là TH không còn nơi sinh hoạt, thì anh hứa sẽ giúp tìm chỗ. Mấy ngày sau, anh đưa tôi đến gặp một linh mục công giáo và sau đó mình mượn được địa điểm tại số 35 Rue Saint Roch để tập Tết.
Sau này anh cũng giúp mượn chỗ để tổ chức Tết Trung Thu năm 1978 gần Denfert Rochereau. Đúng là người trước đó không hề quen lại bỗng nhiên xuất hiện giúp mình trong lúc hoạn nạn. Năm đó, TH không được ai trợ giúp tài chính mà quỹ hội thì chẳng còn đồng nào để tổ chức Tết. Anh Lê Văn Tiềng lo việc phân phối vé, và anh đề nghị tăng gấp đôi giá các vé có đánh số, tôi tỏ ý ái ngại nhưng anh bảo đảm với tôi là anh sẽ bán được.
Để trang trải các chi phí tổ chức, chúng tôi phân phối vé sớm hơn thường lệ, và cứ hai tuần tôi đến gặp anh LVT để có tiền tiêu dùng cho việc tổ chức, lần nào cũng có được đầy đủ. Đêm Tết 1976 rất thành công, thu hoạch rất nhiều, nên sau đó TH có một số vốn kha khá để tiếp tục sinh hoạt, đó là nhờ sự đóng góp của đồng bào.
Năm đó tôi làm Thủ Quỹ của đêm Tết và chúng tôi phải rất khắt khe về mặt tiền bạc. Tôi nhất định chỉ bồi hoàn các tiền ứng trước nếu có hóa đơn, trong nhiều trường hợp rất khổ tâm nhưng phải giữ đúng nguyên tắc. Những năm trước, những người đóng góp vào đêm Tết đều được tặng một vé để họ mời thân nhân, nhưng năm đó ban tổ chức quyết định không tặng vé nữa, vì không đủ chỗ ngồi cho khán giả.
Trần Ngọc Ánh thủ quỹ và đàn dương cầmSau ngày 30/4/1975, các anh chị em sinh viên chúng tôi trong tình trạng tinh thần rất hoang mang. Chúng tôi còn rất trẻ, tuổi khoảng 18-22, phần lớn sống một mình, xa gia đình. Có một số anh em nhận được tin buồn từ gia đình, mình nghe rất nhiều chuyện thương tâm xảy ra chung quanh mình.
Chẳng hạn như chính tôi, lúc đó không biết gia đình mình có trốn thoát được hay không, bây giờ đang ở đâu. Mình ra đi du học để khi thành tài trở về với đất nước, nhưng bây giờ thì không biết con đường trở về của mình ở đâu. Có thể là mình sẽ phải sống vĩnh viễn ở hải ngoại và không thể trở về đất nước của mình chăng? Mình có phải trở thành người Pháp hay không? Đây là những câu hỏi rất lớn, vì khi ra đi du học tôi lúc nào cũng nghĩ tương lai của mình ở nước Việt Nam.
Nhưng sau đêm Tết 1976 thì mình như sống lại. Mình giống như con phượng vũ, cháy hết rồi thì sống lại từ đống tro. Và sự sống lại đó mang một ý nghĩa rất sâu sắc, không phải chỉ có mình sống lại, không phải chỉ có sinh hoạt mình được phục hưng trở lại, mà nó chứa đụng niềm hy vọng của mọi người Việt Nam là con đường tự do dân chủ có đường đi, chứ không phải đã sụp đổ hoàn toàn.
Và chính niềm tin đó đã nuôi nấng rất nhiều hội đoàn tổ chức về sau này, cứ dựa theo năng lượng của lúc đó để tiến bước. Tôi không muốn nói THSV là đoàn quân tiên phong, nhưng tôi chắc chắn là đêm Tết đó đã đánh dấu rất mạnh vào tâm khảm mọi người dân Việt, thấy là con đường của mình không phải hoàn toàn vô vọng mà có đường đi.
Tôi trong ban may quần áo, việc của tôi là may áo bà ba cho ban hợp xướng. Tôi lúc đầu may 50 bộ mang đến tổng dợt, nhưng không đủ, chúng tôi phải lên Marché Saint Pierre mua thêm vải về may, rốt cuộc riêng ban hợp xướng cũng hơn 100 bộ bà ba.
Chúng tôi mua cả rouleau vải mà phải mang về bằng métro vì lúc đó không ai có xe, phải đi về nhiều chuyến métro. Ngoài ra còn đủ các y phục khác như áo tứ thân, quần áo cho các màn múa, tụi này cả đời chưa biết vẽ kiểu, nhưng cũng phải làm bằng được. Đến mấy hôm cuối, không kịp đơm khuy, phải cầu cứu các anh lớn lại làm giúp, thức suốt sáng để làm xong. Lúc đó lại là lúc học thi, nhung mình thấy các đàn anh đàn chị hăng hái làm việc nên mình cũng xả thân làm theo.
Năm 76 ban Tiếp tân chúng tôi rất đông, khoảng hơn 100 cô, cộng thêm khoảng hơn chục các anh lo khuân báo. Tết năm trước ban Tiếp tân cũng đã khá đông, khoảng mấy chục người, nhưng năm 76 hùng hậu hơn nhiều. Chúng tôi chia ra 5 khu vực, 3 dưới lầu và 2 trên lầu, mỗi khu vực có người trưởng toán phụ trách điều động. Sau một lúc các toán trên lầu chuyển xuống dưới lầu, vì ai cũng đòi ở dưới lầu vì ở dưới lầu đông khách và vui hơn.
Ban Tiếp tân có nhiệm vụ xếp chỗ và bán báo, anh trưởng ban báo chí xin chúng tôi ráng bán báo vì năm đó báo in nhà in nên chi phí cao. Bán báo không dễ, nhiều người mè nheo, chắc chỉ muốn tán chuyện với mấy cô.
Năm đó tôi mới sang Pháp, sống ở cư xá Đất Việt và không biết Tổng Hội nhiều lắm. Anh Trần Văn Bá tới nhà Đất Việt thu nạp mấy anh em trẻ chúng tôi tham gia ban Trật tự, tụi tôi tham gia đông lắm, đi bộ từ nhà Đất Việt ra Maubert không xa. Tôi cũng hơi sợ, nếu có đánh nhau mà mình thì không phải là dân nhà võ thì làm sao, nhưng thấy anh em đông đảo cũng yên tâm. Tôi cũng thấy có một số người quen mặt đứng uống cà phê trong quán gần rạp mà không vào rạp, chắc là anh em trật tự chìm của mình. Vùng đó rất sôi đậu, khu đó rất nhiều người Pháp thiên tả, thể nào cũng có người từ hội Liên Hiệp Việt Kiều và các tay chân của họ tới dò xét hay có thể quấy phá.
Ban Trật tự là một hướng thu nạp rất mạnh của TH, giống như vế kia là ban Tiếp tân: con trai thì làm trật tự, con gái làm tiếp tân, rất đông đảo. Ban Trật tự chính thức cũng phải khoảng hơn 200 người, nhưng lại thêm có rất nhiều trật tự ‘chìm’ không đeo huy hiệu, không rõ con số là bao nhiêu, có lẽ cũng tương đương số người đeo huy hiệu, có người lại đóng rải rác ở các khu xa rạp để lỡ có ai muốn tới quấy phá mình có thể phát hiện sớm.
Chủ đề ‘Ta Còn Sống Đây’ lấy từ tên một bài hát của một nhóm văn nghệ sĩ Viêt Nam trước 1975 tên là Đoàn Văn công Chí Linh. Khi mình thấy tên bài hát thì mình mường tượng ra mình phải làm gì, vì lúc đó thể chế miền Nam đã sụp đổ, mình không còn gì hết, ở hải ngoại cũng không còn tổ chức nào. Khi mình nói ‘Ta còn sống đây’ thì có ý nghĩa sâu thẳm là mình vẫn còn tương lai của mình, mình vẫn thấy con đường tương lai của mình. .
Khi hát bài đó lên thì bài đó rất hay, đánh động mạnh vào tâm khán giả. Bài này mình có thể hết người này đến người kia thay phiên nhau hát, bài đó có nhiều người đơn ca, mấy giọng nam mấy giọng nữ, xen kẽ ở giữa có những đoạn đồng ca, do đó có sức lôi cuốn lớn đối với khán giả.
Trước 1975 mình dùng được nhiều bài nhạc được sáng tác trong nước. Những bài nhạc tranh đấu hay nhạc yêu quê hương đất nước có nhiều. Nhưng sau năm 1975 thì tinh thần của người Việt thay đổi hoàn toàn. Một số bài hát trước kia mình dùng bây giờ không còn thích hợp nữa, mình không thể dùng nữa. Tỷ dụ như những bài Du Ca, có một số nhạc sĩ sau này mình mới biết là theo Cộng sản, ngay cả các nhạc quê hương cũng không còn đủ sức quyến rũ. Do đó tới thời điểm đó mình có nhu cầu tự sáng tác. .
Đêm Tết 1976 là lần dầu tiên mình khởi xướng phong trào sáng tác nhạc. Tỷ dụ như bài ‘Còn ai thương dân tôi’ do Thanh Trúc hát, bài đó là thơ Đinh Tuấn, lúc đó Đinh Tuấn còn rất trẻ nhưng làm thơ rất hay, tôi lấy ra phổ nhạc, có thể coi bài đó là một trong những bài đầu tiên do TH tự sáng tác. Hay là bài ‘Đường ta đi’, đó là thơ Lương Y Khoa, lúc đó cũng rất trẻ nhưng lời thơ rất sâu sắc, đánh động vào tâm tư mình rất sắc bén. Có thể coi các bài này nhen nhúm trở thành Nhóm Sáng tác THSV, và sau này Văn Đoàn Lam Sơn.
Năm 1976 là lần đầu tiên TH in báo Xuân theo kỹ thuật offset như báo nhà nghề nên mình phải mò mẫm nhiều chuyện. TH lúc đó không có cả một máy đánh chữ điện nên phải đi thuê, mà máy thuê không có khả năng đánh dấu tiếng Việt nên mình phải đánh dấu bằng tay. .
Mình không biết nhà in nào, được một người bạn giới thiệu, nên đem in tại một nhà in ở Dreux cách Paris gần 100 kms. Nội dung báo đó thì cũng xoàng thôi vì chỉ có các anh chị em trẻ viết, nhưng phần trình bày của anh Trần Đình Thục thì tuyệt đẹp. Khi sắp mở màn từ hậu trường nhìn ra ngoài rạp, thấy các cô tiếp tân mặc áo dài rực rỡ ôm báo Xuân đỏ thắm, thấy ấm lòng như quang cảnh quê cũ.
Có một điều nữa cũng gây ấn tượng lớn với khán giả, đó là cung cách của các diễn viên. Mình không giới thiệu ca sĩ, ca sĩ ra hát không chào, hát xong không cám ơn, mà mặc áo bà ba cho hợp với khung cảnh đang được diễn, đứng thẳng. Đó là tác phong cung cách của mình, mình chọn như vậy. .
Hôm đó màn kết thúc hát xong rạp vỗ tay như bể rạp luôn. Vỗ tay rất lâu, và mấy hàng đầu đứng lên hết, khán giả tiếp tục vỗ tay chắc cũng cả 10 phút, đứng trên sân khấu cảm thấy rất hứng khởi.
Phần kết thúc phần hai chương trình văn nghệ là một cao điểm được nhiều người nhắc đến. Trước phần đó là một vở kịch khá dài bắt đầu từ phần đầu sang phần hai. Ở cuối màn kịch đó có màn Múa Xích, nói lên dân tộc mình bị xích xiềng, bị cùm gông. Sau màn Múa Xích mình có bài hát ‘Còn ai thương dân tôi’ do Thanh Trúc hát, nói lên nỗi thống khổ của người dân mình. Sau bài này là bài ‘Phải vùng lên’ do Bảo Vân và tôi song ca, vì chúng tôi là anh em nên từ nhỏ đã tập tành ăn khớp lắm. Bài này rất mạnh, ý nói sự vùng lên sau bài ‘Còn ai thương dân tôi’ rất cảm động. Đến đoạn ‘Đã nghe tiếng xích xiềng vang niềm đau chân chị, đã thấy rõ cùm gông chĩu uất hận vai anh, mà làm ngơ sao đành, làm ngơ sao đành’ thì tôi thấy khán giả đứng dậy, vỗ tay và hát theo. .
Trong không khí bừng bừng như vậy thì mình sang màn Múa Kiếm, nói lên sự tiếp tục tranh đấu của mình, và sau đó là tới bài hợp ca ‘Ta còn sống đây’. Lúc đó dưới rạp khán giả đều hô theo ‘Ta còn sống đây’. Không khí đang lên cao thì mình lại cho lắng xuống với bài ‘Những người còn lại’ do hai bạn Lê Đăng Khả và Phạm Quỳnh Dung song ca. Quỳnh Dung không có kỹ thuật chau chuốt của ca sĩ nhưng qua sự chân thật lại đánh động lòng người rất mạnh. Bài này do Khả viết nhạc, đây là một thí dụ nữa của nhạc do mình sáng tác. Bài này nói lên những người lính bây giờ tiếp tục đấu tranh trong bưng biền. .
Sau bài này đến tôi hát bài ‘Đường ta đi rộng thênh thang vô tận’, nói lên là con đường trước mặt chúng ta đã mở rộng. Sau đó là bài hợp ca ‘Quyết không quay lui’, sau đó lại hát lại bài ‘Ta còn sống đây’ để nhấn mạnh chủ đề của đêm Tết của mình. Như vậy là đêm văn nghệ của mình dẫn từ chỗ mạnh, sang chỗ buồn, sang chỗ trầm ngâm, sang chỗ thúc dục, xong lại mạnh lên và lên tới cao điểm là chỗ tất cả mọi người đồng ca. Mình cảm thấy khán giả ở dưới đồng lòng với mình, ủng hộ mình, và nâng mình theo cái giòng đó, mình hát ở trên này mà cảm thấy năng lượng từ dưới thúc đẩy, như nâng mình lên. .
Sau này nghe lại cuộn thu băng đêm Tết, thì tôi thấy ngoài Thanh Trúc và Bảo Vân hát rất hay, nhưng các phần khác thì trình độ văn nghệ không cao lắm. Nhưng tinh thần thì khác, mình cảm thấy như khán giả lùa theo lời mình hát, bây giờ nghe lại vẫn cảm thấy hào khí của lúc đó. Lúc đó các anh chị em chỉ hai mươi mấy tuổi thôi, nhiều người còn không biết gia đình mình đang ở đâu, còn tương lai của mình thì rất mù mịt, nhưng mình nhận được sự hưởng ứng của bà con, và như nhận được hồn thiêng sông núi thổi vào lòng mình và thổi vào lòng mọi người. Và con đường mở ra từ lúc đó.
Các bài cùng thập niên
Năm đó là lần đầu tiên tôi tham gia một hoạt động chính của TH. Tôi được người quen kéo vô làm ban Tiếp tân, tôi mới 20 tuổi mà ban Tiếp tân toàn là mấy cô, phái nam chúng tôi chỉ hơn chục anh. Nhờ làm ban Tiếp tân nên lúc sân khấu mở màn, tôi đứng phía trong rạp.
Nguyễn Lưu Bảo ban Tiếp tânLúc chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa cảm động ghê lắm. Tôi đứng gần những khán giả khác và nghe thấy nhiều tiếng khóc. Bây giờ gần nửa thế kỷ sau tôi nhớ lại như ngày hôm qua, vẫn cảm thấy rất cảm động. Tết 76 là lần đầu tiên tôi chào quốc kỳ sau ngày 30/4/75 và lần đầu tiên tôi hoạt động TH.
Đây cũng là lần cuối cùng tôi được xem Tết từ phía khán giả, vì các năm sau đó tôi gia nhập ban tổ chức và không bao giờ được xem Tết từ trong phòng nữa.