agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1964 - 1973

THSV đã ra đời và lớn lên như thế nào ? (P1)

Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đang kỷ niệm 60 năm thành lập, xác nhận tư cách của tổ chức Việt Nam hải ngoại kỳ cựu nhất, đồng thời cũng là một trong số ít tổ chức Việt Nam trong cũng như ngoài nước có bề dày thời gian đáng kể nhất. Đây là lúc nên nhắc lại để thế hệ trẻ biết Tổng Hội đã hình thành và trưởng thành như thế nào.

Trước hết xin có vài lời về danh xưng quen thuộc “Tổng Hội Sinh Viên”, hay ngắn hơn “Tổng Hội”. Tên chính thức là Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris nhưng ngay khi mới ra đời nó đã được thay thế trong ngôn ngữ thông thường bằng  Tổng Hội Sinh Viên, hay Tổng Hội. Không phải chỉ do như cầu rút gọn.

Trước 1964, nhiều cố gắng thành lập hội sinh viên đã không thành tựu

Lý do quan trọng hơn là cuộc nội chiến lúc đó khiến khối sinh viên Việt Nam tại Pháp chia thành hai phe quốc gia và cộng sản. Sau một thời gian ngắn thử tìm cách lập một tổ chức sinh viên chung –trong đó phe nào cũng muốn giành quyền chủ động- giải pháp tự nhiên đã là chia tay mỗi bên một ngả. Bên cộng sản (các sinh viên cộng sản hoặc ủng hộ cộng sản) thành lập hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam tại Pháp còn bên quốc gia chọn tên Tổng Hội. Đối với người Việt tại Pháp lúc đó “Tổng Hội” đồng nghĩa với “quốc gia” trong khi “Liên Hiệp” đồng nghĩa với “cộng sản”.

Nhưng Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris – từ đây xin viết tắt là Tổng Hội hay THSV – đã ra đời như thế nào ?

Khi tôi tới Paris, tháng 11 năm 1961, đã sẵn có một “Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp” được thành lập từ một năm trước, chủ yếu gồm những sinh viên thuộc các gia đình thân với chế độ Ngô Đình Diệm. Ngay khi đến Paris, vì không có thân nhân tại Pháp, tôi khá thân với anh tổng thư ký tên là Tôn Thất Anh. Anh này là người duy nhất hoạt động tích cực cho hội này. Anh đã đến Institut Franco Vietnamien tìm gặp những sinh viên như tôi và giúp đỡ tôi trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Trước đó số sinh viên Việt Nam sang Pháp du học rất ít, chỉ khoảng mười người mỗi năm và gần như tất cả thuộc các gia đình quyền thế.

Năm 1960 là năm có đợt du học sinh khá lớn, khoảng 50 người, năm 1961 gần 100 người trong đó khoảng 20 người được học bổng. Sau đó số sinh viên từ Việt Nam sang tăng vọt, vài trăm người mỗi năm.  Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp này đã không đáp ứng được với tình huống mới. Từ đầu năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị phản đối mạnh và bắt đầu lung lay, nó hoàn toàn vắng mặt và không còn được nhắc tới nữa.

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ vì cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 một cố gắng thành lập một hội sinh viên Việt Nam tại Pháp mới được khởi đầu. Lúc đó số sinh viên Việt Nam tại Pháp đã được khoảng một ngàn người, đa số ở Paris.

Cố gắng lập hội này lập tức làm xảy ra cuộc đụng độ tranh giành vai trò lãnh đạo giữa hai phe: nhóm sinh viên cộng sản và nhóm Tự Lập. Có lẽ ngày nay trong Tổng Hội Sinh Viên không ai còn biết đến nhóm Tự Lập nhưng chính nó đã khai sinh ra Tổng Hội hiện nay.

Tư Lập là một nhóm sinh viên, phần lớn đã sang Paris trước năm 1961, nhiều người đã tốt nghiệp. Họ tập trung chung quanh bác sĩ Lê Văn Hùng, một bác sĩ y khoa nhưng có đủ loại bằng cấp khác. Ông Hùng khá giàu nên có thể dành cho nhóm Tự Lập một trụ sở tiện nghi ở Quartier Latin và mở một tiệm ăn lấy tên là Chiêu Hiền làm cơ sở kinh tài. Tôi đã có nhiều dịp gặp và nói chuyện lâu với bác sĩ Hùng. Ông là người hiền lành, lương thiện, thông thái và yêu nước hiếm có. Ông chống chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản nhưng đánh giá thấp chế độ Ngô Đình Diệm. Lập trường “chống cộng nhưng trung lập” này khiến nhóm Tự Lập của ông bị phe quốc gia ngờ vực và bị phe cộng sản đả kích dữ dội, họ coi ông Lê Văn Hùng và nhóm Tự Lập như là đối thủ chính lúc đó. Ít khi nào đi ăn ở các Resto-U (Restaurant Universitaire, nhà ăn sinh viên) cuối tuần mà không thấy các sinh viên cộng sản đang đứng phát truyền đơn hô hào ủng hộ phe cộng sản, chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và đả kích nhóm Tự Lập và bác sĩ Lê Văn Hùng.

Lire aussi/Đọc thêm  Chuyện Một Tấm Hình

Nhờ hoạt động tích cực của nhóm Tự Lập một “ủy ban vận động thành lập hội sinh viên Việt Nam tại Pháp” được ra đời. Ủy ban này tổ chức nhiều buổi họp để thảo luận về lập hội. Các buổi họp nhanh chóng biến thành những cuộc đấu khẩu giữa nhóm Tự Lập và nhóm cộng sản, trong cử tọa có những sinh viên chống cả hai bên. Dầu vậy nhóm Tự Lập ít bị chống đối hơn. Khối sinh viên Việt Nam mới sang tuy trong thâm tâm không thích lập trường của Tự Lập nhưng vì không có tổ chức nên vẫn miễn cương phải ủng hộ họ vì Tự Lập cũng chống cộng sản.

Sau mấy lần hội họp gay go nhờ quyết tâm của nhóm Tự Lập danh xưng “Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris” đã được biểu quyết và một “Ủy Ban Lâm Thời Tổng Hội Sinh Viện Việt Nam tại Paris” đã được bầu ra. Các sinh viên cộng sản rút lui để phản đối và lập tức họ thành lập “Hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam tại Pháp” của riêng họ. Tuy rút ra nhưng họ vẫn ngăn chặn các buổi họp mặt của ủy ban lâm thời. Họ đến không đông, khoảng hơn mười ngườ thôi nhưng họ chặn không cho sinh viên vào phòng họp. Số người đến họp tuy đông nhưng đành chịu vì không có tổ chức. Thế là mấy buổi họp của ủy ban lâm thời không thành. Cho đến khi có một bất ngờ.

Nhóm “Prépa” công khai nắm lấy vận mệnh Tổng Hội

Lúc đó cố gắng thành lập THSV có vẻ như là sự đối đầu giữa nhóm Tự Lập và phe cộng sản nhưng trên thực tế còn một nhóm sinh viên khác gắn bó với nhau và có lập trường chung đứng ngoài quan sát cuộc đấu đá này. Nhóm này được gọi là “Nhóm Prépa” vì đa số là những sinh viên học các lớp dự bị thi vào các Trường Lớn (Classes préparatoires aux  Grandes Écoles). Tôi thuộc nhóm này. Hoạt động chính lúc ban đầu của chúng tôi là tổ chức các buổi họp mặt cuối năm và đầu hè. Mỗi lần chúng tôi tụ tập được cả trăm người và được biết tới như là nhóm sinh viên đông đảo nhất. Không những thế dần dần chúng tôi cũng là nhóm được cảm tình nhất. Chúng tôi thảo luận với nhau về các vấn đề chính trị nhưng luôn luôn trong tình bạn và với lòng yêu nước chân thành.

Một vài người cũng thay phiên nhau đi dự các buổi họp của Ủy Ban Lâm Thời và về thuật lại với anh em. Lần đầu tiên chúng tôi can thiệp là hôm chúng tôi rủ nhau đến một buổi họp của Ủy Ban Lâm Thời để ủng hộ vì quá bất bình trước việc phe cộng sản chặn cửa không cho sinh viên vào họp. Nhóm sinh viên cộng sản thấy chúng tôi khá đông lại có thái độ quả quyết và được đa số những người đến tham dự ủng hộ nên bỏ đi. Từ đó Ủy Ban Lâm Thời hoạt động bình thường, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về tình hình đất nước và đi đến quyết định là tổ chức một đại hội để bầu ra Ban Chấp Hành chính thức đầu tiên vào đầu tháng 11/1964.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (3)

Khó khăn tuy vậy vẫn chưa hết vì sau khi nhóm sinh viên thân cộng bỏ đi thì lại xảy ra cuộc tranh giành giữa nhóm Tự Lập và nhóm sinh viên Phật tử phản chiến mang tên là Gió Nội. Để chuẩn bị cho đại hội bầu ban chấp hành đầu tiên có hai liên danh ứng cử, một của nhóm Tự Lập và một của nhóm sinh viên Phật tử. Nỗi lo sợ của mọi người là nếu có hai danh sách thì có thể nhóm thân cộng sẽ ra ứng cử bởi vì nội quy của Tổng Hội Sinh Viên cho phép mọi sinh viên Việt Nam có thể tranh cử và họ có thể sẽ đắc cử vì cả hai nhóm Tự Lập và Gió Nội đều ít được ủng hộ. Như thế thì đúng là công dã tràng, dọn cỗ cho phe cộng sản ăn. Một ý kiến được cả hai liên danh đồng ý là tổ chức một buổi họp hòa giải để đi đến một liên danh thống nhất, không cho phe cộng sản nắm được Tổng Hội Sinh Viên.

Trước khi Tổng Hội được thành lập, cơ sở 80 đường Monge cũng đã được sử dụng

Nhóm Prépa được yêu cầu làm trọng tài. Buổi họp này diễn ra tại trụ sở Tổng Hội Sinh Viên 80 rue Monge, Paris 5ème với sự tham gia của hơn 100 sinh viên. Điều nổi bật trong phiên họp này là nhóm Phật tử Gió Nội bị thiểu số rõ rệt và tuyên bố rút lui không ứng cử nữa. Điều bất ngờ là gần như tất cả yêu cầu nhóm Prépa lập liên danh duy nhất. Dĩ nhiên chúng tôi dứt khoát từ chối vì mình đến đây để làm trọng tài chứ không phải để ứng cử Ban Chấp Hành. Cử tọa đồng ý là tuần tới sẽ có một buổi họp để thành lập một liên danh không cộng sản thống nhất.

Thêm một bất ngờ khác. Ngay sau buổi họp này anh em chúng tôi lấy quyết định chung là không tham gia buổi họp tuần tới vì nếu tham dự chắc chắn sẽ bị bắt buộc lập liên danh ứng cử. Buổi họp này đã chọn một liên danh với anh Nguyễn Trọng Huân làm chủ tịch nhưng đa số thuộc nhóm Tự Lập, kể cả chị Đặng Thị Tám, anh Từ Khiết, anh Trịnh Văn Thảo. Sau này chúng tôi được biết là sở dĩ anh Huân được chọn làm chủ tịch là vì nhóm Tự Lập tưởng anh là người của nhóm Prépa và thay mặt nhóm Prépa đến dự buổi họp (lý do là vì anh ở Cư Xá Đông Dương cùng với nhiều anh em nhóm Prepa).

Đại hội THSV đã được tổ chức như dự định và ban chấp hành đầu tiên do anh Huân làm chủ tịch được bầu với tuyệt đại đa số vì là liên danh duy nhất. Hoạt động đầu tiên và quan trọng nhất của ban chấp hành này là đã tổ chức rất thành công đêm “Tết Tổng Hội” tại rạp Maubert Mutualite với gần 3.000 người tham dự. Bài hát “Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc” được đồng ca lần đầu trong đêm Tết này.

Chủ tịch từ nhiệm chỉ sau vài tháng đứng đầu Ban Chấp Hành

Gian truân của THSV tuy vậy chưa hết vì ngay sau đêm Tết đó anh Nguyễn Trọng Huân từ chức và rời luôn THSV. Lý do khiến anh Huân ra đi là vì ban chấp hành mà đa số thành viên thuộc nhóm Tự Lập nhận ra anh không thuộc nhóm Prépa và họ không quý trọng anh nữa. Thế là THSV lại chao đảo vì bị coi là của nhóm Tự Lập và nhóm này bị đánh giá là “lực lượng thứ ba”. Phải nói thẳng là cáo buộc này không đúng. Tự Lập là một nhóm chống cộng chân chính. Vấn đề chỉ là họ không ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà họ cho là bất tài và tham nhũng. Họ thực sự là những người yêu nước lương thiện. Vấn đề là họ không phân biệt rõ chế độ và chính phủ hay người cầm quyền và họ cũng không đưa ra được một lập trường rõ rệt.

Lire aussi/Đọc thêm  DHTT 1970

Ban chấp hành đầu tiên của THSV Paris vì vậy lại bế tắc và họ lại yêu cầu chúng tôi tiếp tay. Nhóm Prépa chúng tôi tuy không giữ một chức vụ chính thức nào nhưng trở thành nòng cốt của THSV sau khi anh Huân từ chức và ra khỏi Tổng Hội. Chúng tôi quyết định phải nắm lấy THSV vì nhận ra không có chọn lựa nào khác để khối sinh viên Việt Nam tại Pháp, lúc đó đã lên tới vài ngàn người, không hỗn loạn và mất phương hướng. Nhóm Tư Lập cũng ủng hộ chúng tôi.

Tháng 11/1965 “liên danh Prépa” đắc cử với đa số 90%. Nhóm Tự Lập chỉ đưa ra một liên danh chiếu lệ để cuộc bầu cử không bị mang tiếng là độc diễn. Vài phút trước khi bầu liên danh của họ tuyên bố rút lui và kêu gọi mọi người bầu cho liên danh chúng tôi. Tuy được gọi là “liên danh Prépas” nhưng không có ai thực sự là Prépa cả. Liên danh có 12 người trong đó có 9 người là cựu Prépa vì lúc đó đã là sinh viên các Grandes Écoles, ba người học Đại Học Paris trong đó có Võ Văn Thành giữ chức tổng thư ký, chị Phạm Thiều Tú, em nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, thuộc nhóm Tự Lập làm trưởng ban liên lạc.

Chị Phạm Thiều Tú thuộc nhóm Tự Lập làm trưởng ban liên lạc trong BCH 1965-1966 (Hình chụp tháng 1/2024)
Cha Ngô Duy Linh điều khiển hợp xướng Tết 1970

Nhóm Tự Lập sau đó hợp tác rất tích cực với THSV. Từ đó THSV vững mạnh và tiếp tục mạnh lên mà không hề gặp khủng hoảng nội bộ nữa, dù đất nước đang lâm vào một cuộc nội chiến dữ dội. Năm nào THSV cũng tổ chức rất thành công đêm Tết, trại hè, đại hội thể thao sinh viên Việt Nam tại Châu Âu và những buổi hội thảo về tình hình đất nước. Phần văn nghệ mỗi đêm Tết do anh Phạm Trọng Cầu điều khiển, từ năm 1969 -khi anh Cầu đã về nước- thì linh mục Ngô Duy Linh thay thế.

Tóm lại phải khẳng định rằng chính nhóm Tự Lập đã khai sinh ra Tổng Hội Sinh Viên Paris và nhóm Prépa đã giúp nó sống được và mạnh lên trong cơn bão tố của đất nước, đủ mạnh để tiếp tục tồn tại sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và bây giờ trở thành tổ chức Việt Nam kỳ cựu nhất tại hải ngoại.

Xem tiếp phần 2

Nguyễn Gia Kiểng

Các bài cùng thập niên