agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1964 - 1973

Tinh Thần Tổng Hội

Tôi đến Paris học đại học vào tháng 12 năm 1969. Tôi vào lớp dự bị tại Lycée Saint Louis ở Paris 6è, và may mắn được gặp anh Phan Văn Hưng, người trở thành bạn thân nhất của tôi từ thời điểm đó trở đi.

Lúc đó tôi chỉ mới hơn 16 tuổi. Vì học xong trung học ở Nam bán cầu nên tôi vào đại học muộn ba tháng; thi vào các trường kỹ sư bên Pháp vô cùng khó khăn; vì vậy trong mấy năm đầu tiên, tôi học lu bù ngày đêm và không có thời gian cho các hoạt động ngoại khóa.

Sau này, khi có nhiều thời gian rảnh hơn, anh Hưng có rủ tôi đi tham dự một vài sinh hoạt Tổng Hội. Vì ít tài năng về văn nghệ lại vụng về tay chân, nên tôi không thấy các sinh hoạt này hấp dẫn lắm và không đi lại nhiều.

Tôi ưa thích chính trị, nhất là tranh đấu cho công bằng xã hội. Tôi tham gia một số cuộc họp của Đảng Xã Hội Thống Nhất Pháp (Parti Socialiste Unifié) do ông Michel Rocard lãnh đạo. Mục tiêu thứ yếu của tôi khi làm việc này là để giải thích cho trí thức Pháp (đại đa số là thiên tả) rằng người Nam Việt Nam cũng yêu nước và cấp tiến, chứ không phải là tay sai của đế quốc tư bản Mỹ như họ nghĩ. Cha tôi khám phá ra, và cấm tôi làm điều đó, e rằng tôi sẽ bị trục xuất khỏi Pháp.

Vì thích học tập chính trị, năm 1972 tôi tham gia vào nhóm “Ý Thức Đấu Tranh Quốc Gia”, do một số thành viên kỳ cựu của Tổng Hội thành lập, gồm các anh Lê Văn Đằng, Nguyễn Gia Kiểng, Huỳnh Hùng, Nguyễn Tăng Bình, Tôn Thất Tuấn, và Đỗ Ngọc Bách. Mục tiêu là học tập và chuẩn bị ngày trở về phục vụ đất nước. Hơn một nửa thành viên của nhóm là cựu chủ tịch Tổng Hội. Nhóm muốn hướng dẫn Tổng Hội một lần nữa, và khuyến khích tôi (người duy nhất chưa từng làm việc Tổng Hội!) đứng đầu một liên danh ra tranh cử ban chấp hành năm 1973. Ngoài các anh Nguyễn Tăng Bình, Tôn Thất Tuấn và tôi, liên danh “Mười Năm Mạnh Tiến” gồm 13 bạn khác; trong đám này, 12 người chưa bao giờ tới lui Tổng Hội !

Lire aussi/Đọc thêm  Nhân Bản, 20 năm sau

Tuy lúc ra tranh cử thì hùng hậu như vậy, nhưng chỉ khoảng một tháng sau cuộc bầu cử, hầu hết các nhân viên ban chấp hành biến mất, chỉ còn lại các anh Bình, Tuấn, Bùi Quang Đạt, Lê Tất Tố, và chị Lê thị Hồng My. Tôi hoảng hốt vì công việc chuẩn bị đêm Tết sắp đến. May thay, anh Hưng và nhóm bạn nhào vào giúp, và từ đó coi như là thuộc luôn ban chấp hành, mặc dù không chính thức: các anh Phan Văn Hưng, Nguyễn Như Lưu, Trương Quốc Trung, Đỗ Đăng Liêu.

Hai sự kiện đánh dấu nhiệm kỳ làm việc của tôi:

  • Tháng giêng năm 1974, Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa. TH tổ chức vài trăm người đi biểu tình trước tòa đại sứ Tàu. Chúng tôi bị đưa vào bót cảnh sát hỏi giấy. Ngoài ra, TH cũng phối hợp hơn 10 tổ chức Việt Nam ở Âu Châu ký kháng thư phản đối gửi Thủ tướng Trung Hoa và Bắc Việt. Tòa đại sứ Bắc Việt cũng mời cảnh sát Tây đến đuổi chúng tôi về nhà.
  • Đúng đêm văn nghệ Tết, ban điều hành nhà hát Maubert bất ngờ cấm chúng tôi không được sử dụng trang trí sân khấu do nhóm anh Trương Quốc Trung công phu hoàn thành, vì không bôi thuốc chống cháy (một điều mà sau này chúng tôi khám phá ra là có thể tránh được nếu nội bộ thật thà với nhau hơn).
Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (3)

Vào tháng 8 năm 1974, tôi đi Mỹ du học, và chỉ có thể theo dõi từ xa sự “tái sinh” của TH sau biến cố 30 tháng 4. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1977 đến tháng giêng năm 1980, tôi viết 26 bài cho báo Nhân Bản trong mục “Nửa Đùa Nửa Thật” dưới bút hiệu “Thằng Gàn”.

Vào tháng 6 năm 1981, tôi có giấy tờ để đi du lịch dễ dàng, nên khi công ty nơi tôi làm việc yêu cầu tôi chuyển sang Bỉ, tôi chớp ngay lấy cơ hội. Từ Bruxelles, hầu như mỗi cuối tuần tôi đi sang Paris.

Tiện đây, tôi xin chia sẻ một chuyện ít ai biết. Một số bạn bè chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một cuộc Đại Biến Thiên; một nơi an toàn nếu điều đó xảy ra có thể là Úc Châu. Gia đình các anh Hưng, Lưu, Tố và Liêu quyết định di cư sang Úc. Vợ chồng tôi định cũng sẽ đi theo. Vào tháng 1 năm 1984, công ty của tôi chuyển tôi sang Anh. Vật chất đi lên (tăng chức đùng đùng, thành lập hãng riêng) và tâm linh đi xuống (trong một khoảng thời gian dài chỉ tập trung vào công việc) khiến việc dọn qua Úc của chúng tôi không bao giờ xảy ra !

Tổng Hội là một mô hình thu nhỏ (microcosm) của xã hội Việt Nam. Có người tốt và người kém tốt. Có tinh thần yêu nước trong sạch, và cũng có những trò chơi chính trị để phục vụ mục tiêu cá nhân. Cùng là một gia đình, nhưng cũng có những phe phái đố kỵ lẫn nhau. Tuy nhiên, có một vài cá tính khiến TH thu hút một số người và đẩy ra xa một số khác: hành động hơn lời nói, tình bạn và sự trung thực trước lợi ích cá nhân. Điểm đặc biệt nhất của TH là tinh thần trong sáng. Nhờ tinh thần trong sáng này, kinh nghiệm TH là kinh nghiệm đẹp nhất mà người trẻ Việt Nam có thể có ở hải ngoại. Kinh nghiệm này đổi nhân sinh quan của nhiều người và làm chúng ta nhớ đời. Những tình bạn được hình thành tại TH thường là những tình bạn tốt nhất trong đời mỗi chúng ta. Đôi khi chúng ta không gặp nhau trong nhiều thập kỷ, nhưng khi gặp lại, nó tựa như ngày hôm qua. Hành trình riêng của chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta gạt qua một bên mọi sự bất đồng, để ăn mừng và tôn vinh những gì chúng ta có cùng nhau. Điểm chung đó không phải là ý thức hệ hay chủ nghĩa, thậm chí cũng không phải là những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi trẻ. Điểm chung đó là tinh thần Nhân Bản. Là Cốt Lõi của Nhân Loại (the Core of Humanity).

Lire aussi/Đọc thêm  Trại hè 1973, Nối Vòng Tay Lớn

Nguyễn Phương Lam (Lam Mập)
Singapore, 19/07/2020