agevp60.com

Tổng Hội của tôi

Những ngày tháng ấy

Bài này đã được nhà văn Thụy Khuê phổ biến vào năm 1991. Do đây là những kỷ niệm quý báu liên quan đến những người đã đắp lên những viên gạch đầu tiên xây dựng căn nhà Tổng Hội, chúng tôi đã xin phép nhà văn để đăng lại bài.

Những ngày tháng ấy, thường là những buổi đầu niên học, du học sinh chúng tôi rời nước ra đi, đặt chân lên xứ lạ quê người vào độ thu về, sớm là đầu thu, muộn là tàn thu.

Cách đây đã ba thập niên, Paris không giống như ngày nay. Tôi có cảm tưởng Paris thời ấy rộng rãi hơn bây giờ. Bầu trời ít khói, dễ thở hơn, ít xe cộ hơn, ít người hơn; bọn học trò chúng tôi cũng nhìn thấy ít người Việt hơn và nỗi buồn vui, lo âu của chúng tôi dường như cũng nhỏ nhoi, không to tát lắm.

Hôm nào ra đường may mắn gặp một người da vàng mà mình biết đích xác là “mít” thì mừng mừng tủi tủi đến rưng rưng nước mắt; bất tật lạ quen đều chào hỏi, trao đổi một ánh mắt, một nụ cười, một đôi câu với nhau rồi mới chia tay. Chẳng biết vì độ ấy mình thèm nói tiếng Việt hay vì mới xa nhà nên hãy còn dư vị “quê mùa” của miền đất cũ.

Bây giờ Paris khác trước, phong phú hơn xưa: đông xe hơn, đông người hơn, tân tiến hơn, lại có vẻ chật chội hơn. Bước ra đường người mình gặp nhau nhan nhản, già trẻ lớn bé có, nhưng không ai dư lệ, nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt nữa. Mấy ai có thì giờ chào hỏi nhau hay vội vã cắm cổ đường ai nấy đi. Nếu Paris là một thiếu nữ thì Nguyễn Bính đã trách nàng:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Đành thế, con người đã bỏ đường hẻm, quen đi đại lộ, xa lộ lâu rồi; mải lo việc lớn, mấy ai còn màng đến việc nhỏ. Dường như khi “hình thức” trở nên phong phú, người ta chểnh mảng “nội dung” đi. Cũng có khi ngày trước, tâm hồn mình còn “quê”, bây giờ đã “tỉnh” lắm rồi. Chợt nhớ câu thơ Cao Tần:

Chỉ gặp Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước ? Ra đường chào gẫy cổ
Và chắc gì nay lại nghĩ không sầu ?

Chưa chắc đâu bác Cao, giả sử bây giờ có… về nước cả đám, chắc gì mình đã thèm… nhìn nhau, nói chi đến chào nhau mà mong được gẫy cổ.

❝ Khu La Tinh hồi ấy đối với sinh viên VN
cũng gần như khu Ivry đối với đồng bào tỵ nạn bây giờ ❞

Khu La Tinh hồi ấy đối với sinh viên Việt Nam cũng gần như khu Ivry đối với đồng bào di tản bây giờ. Các trường học, thư viện, quán ăn sinh viên, tiệm ăn Việt và Tàu đều quần tụ ở đây. Trước 64, sinh viên du học mỗi năm không bao nhiêu và bắt buộc phải học những ngành trong nước không có như dự bị thi vào trường lớn (préparation aux grandes écoles) mà chúng tôi gọi tắt là Prépa.

Đối với học sinh trường Việt, ngoài việc phải theo kịp chương trình Prépa (14 giờ toán, 9 giờ lý hóa một tuần), cái khổ là học tiếng Tây. Một số may mắn giỏi tiếng Tây từ trước thì đỡ vất vả, còn trình độ lèm nhèm như tôi thật là khổ sở: ra đường muốn mua bán không dám mở miệng. Ai hỏi gì chỉ biết “ủy, nông”; động bị chất vấn một câu dài là câm tịt, không biết đâu mà rờ, chỉ biết rưng rưng nước mắt. Cái tính nhút nhát làm hại mình: thà rằng cứ nói sai, nói phứa tiếng Tây bồi đi thì chóng biết nói; đằng này lại muốn nói ra câu nào trúng văn phạm ngay câu đó thành chẳng dám nói gì. Bây giờ mới hối hận, nghĩ đến những giờ Pháp văn ngày trước mình chả chịu học hành.

Tôi bắt đầu học tiếng Pháp năm đệ thất với thầy Nguyễn Đức Rễ. Thầy hay cười cười nhưng chớ có tưởng bở: thầy hắc lắm ạ. Tứ thời bát tiết thầy chuyên mặc complet, mang kính trắng gọng vàng và luôn luôn có sẵn cái khăn mùi xoa đút túi. Trước khi khảo bài, thầy từ từ hạ mục kỉnh xuống, miệng thổi phù phù vào hai mắt kiếng một hồi rồi mới rút túi xòe cái khăn ra lau lia lịa. Chúng tôi chắc làm thế thì thầy yên trí kính sẽ sáng hơn, chiếu thấu tim, gan, phèo phổi của lũ học trò. Khi thầy bắt đầu hạ kính, cả lớp im rơ, có nhiều trái tim nhảy cóc. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rằng: nếu không thuộc bài thì nên cúp cua đi bát phố, chớ có xớ rớ đến lớp, vô phúc thế nào thầy cũng bắt luồng nhỡn tuyến xuyên qua nội bộ lủng củng trong lục phủ ngũ tạng của mình. Không những được ăn zéro mà còn bị thầy cốc đầu hay véo tai đỏ hỏn. Những bài Pháp văn vỡ lòng thầy dậy theo kiểu Nhất Thiên Tự của ta, nhưng thay vì học thiên-trời,địa-đất, vân-mây, vũ-mưa, phong-gió, trú-ngày, dạ-đêm thì thầy dạy “le chien con chó”, “le chat con mèo”, đại khái như thế.

Lire aussi/Đọc thêm  Trại hè 1973, Nối Vòng Tay Lớn

Mỗi lần thầy cho độ mươi mười lăm chữ, phải học thuộc lòng chứ không có cách gì khác. Tôi tính khôn lỏi, học lối xôi đỗ: mỗi bài học lõm bõm dăm bảy chữ, chỗ còn lại mình kệ thây nó, phó mặc hên xui, may rủi; định bụng tính già tính non: lớp cả thảy 60 đưá, thầy tài thánh cũng không làm quái gì có thì giờ khảo hết cả bài, mỗi đưá chỉ hỏi ba bốn chữ là cùng. Số hên, tôi thường được thầy hỏi trúng những chữ mình đã thuộc làu. Mà thầy có cái lệ cứ hỏi đứa nào hai ba lần, thấy thuộc bài là thầy yên trí nó mắc bệnh gạo cụ kinh niên, cho nghỉ xả hơi cả tháng, để dành thì giờ truy lùng những kẻ gian khác.

Thành ra không những mình học lối xôi đỗ mà còn xôi đỗ có định kỳ. Cho nên cơ man những chữ may mắn không bao giờ mình được rớ tới cứ tung tăng tự do đi lại. Cái may cho chữ nghĩa ấy lại là cái họa suốt đời cho mình: Những chữ thuở bé tôi không thèm bắt tay, biết mặt, khi có việc dùng đến, thế nào tôi cũng ấp úng không biết nó nghĩa là gì, giống cái hay giống đực. Những ngày xa xôi ấy, nếu tôi được biết rằng có những lỗi lầm cả đời không bao giờ sửa được…

Đến Paris, cũng may là những ngày đầu mới nhập học được lũ bạn giúp đỡ, bao bọc đủ kiểu: đứa ghi hộ cua math, đứa ghi cua physique trên giấy carbone, còn bài tính tràng giang đại hải phải nộp hàng tuần thì ráng mà làm lấy, giá chúng nó cũng làm trên giấy carbone cho mình được thì tiện quá. Ai không hiểu bài lập tức phải kiếm thầy ngay vì chậm vài ngày là cua chồng chất lên, không theo kịp nữa. Mà không theo kịp thì thầy nhắc khéo: Nên đổi ngành đi vì ngồi đây vừa mất thì giờ, vừa choán chỗ người khác. Cho nên những kẻ “yếu” phải có thầy kèm. Học trò con trai tìm thầy chẳng có vấn đề gì, càng học càng tấn tới. Con gái muốn học thêm mới lôi thôi vì chưa kiếm “thầy” đã có chỗ đầu đơn. Mà học trò thì ít, thầy thì nhiều nên lắm thầy rối ma, học không được bao nhiêu, có người càng học càng dốt đi, thi cứ trượt mãi. Lắm khi phải đuổi bớt “thầy” đi mới học khá lên được.

Hồi đó, người học tiếng Tây kiên trì và có kết quả nhất là chị Đặng Thị Tám. Chị hơn chúng tôi chừng 5, 6 tuổi. Chị thân với gia đình tôi từ hồi ở Hà Nội, thuở còn chơi thúng bủng tùng xòe với mấy chị em tôi. Sau khi đỗ cử nhân luật, chị sang Pháp thi tiến sĩ. Chị vừa lớn hơn lại bạo dạn hơn, đưá nào ấp úng không dám nói tiếng Tây, chị nói phắt hộ. Xa gia đình, nên có đứa coi chị như bà bô. Ngoài ra, chị còn làm quân sư quạt mo, mách nước cho những đứa khù khờ, dễ dụ, lâm vào tình cảnh éo le, rắm rối tơ lòng.

Chị học tiếng Tây một mình, bằng tự điển: ban đầu phải tra các danh từ luật ra tiếng ta để hiểu trước, rồi sau đó chị học thuộc lòng cua luật bằng tiếng Pháp để tập cãi trước tòa và soạn luận án tiến sĩ. Chị đỗ tiến sĩ ngon ơ, nhưng cái bằng lái xe thì chị thi đến cả chục lần mà vẫn trượt. Những lần đầu chị hỏng Code (luật đi đường) mới ức chứ; tụi nó bảo vì chị chê Tây làm luật dốt quá, ngang phè. Khi đỗ được Code, chị lại trượt Conduite (lái). Sau mươi bận, chị giận quá lái xe phom phom đến trước mặt giám khảo mà bảo: “Tôi đi thi đây, thầy!” Cứ như thế, lần nào giám khảo cũng lác mắt, rợn cả chân tay lên mà đánh trượt chị. Về sau chán quá, chị không thèm thi nữa, tự lái xe Dauphine bon bon ở Paris, không có bằng, cho đến khi về nước. Nghe đồn, ở nhà, chị đắc cử dân biểu, có tài xế nên không cần bằng nữa.

Lire aussi/Đọc thêm  Những ngày du học

Những đêm Noël chúng tôi hay theo chị Tám đi lễ. Từ chỗ chị ở trong cư xá sinh viên quốc tế (Foyer International des Etudiantes) trên Boulevard Saint Michel, xế vườn Luxembourg, đi bộ ra Notre Dame chỉ có một đoạn đường Boul’Mich. Paris độ ấy còn dư dả tuyết nên Giáng Sinh thường hay có tuyết rơi, mà rơi về đêm thì trời sáng lên như có trăm ngàn vì sao sa xuống. Những đứa mới sang vừa đi vừa lè lưỡi liếm tuyết, nếm xem tuyết có vị gì. Đến bờ sông Seine, chúng tôi dừng lại trên cầu. Năm nào lạnh, nước đóng thành những tảng băng nhỏ, gió thổi băng đi, trôi lững lờ như những con đò chở từng bông tuyết trắng như sao sa trên trời rơi xuống.

Thuyền cứ đi và sao cứ rơi… Chúng tôi lạnh ngoài mà nghe như có gì sang sáng, âm ấm bên trong. Tiếng Thánh ca trong giáo đường vang theo lời chuông đổ, gọi chúng tôi đưa chân bước dần lên thềm vào đất Thánh. Chị Tám, có đạo, mộ đạo, ngoan đạo quỳ dưới chân Chúa; chúng tôi quỳ theo để được ăn bánh thánh, ngọt và bùi. Rồi cũng ghé tai, học lỏm chị, miệng lâm râm: Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, Amen…

❝ Năm nào chị Tám cũng tổ chức Tết trong phòng trọ.
Chúng tôi “về” chị như về quê ngoại ăn Tết ❞

Chị gọi chúng tôi bằng em là lẽ dĩ nhiên rồi. Mà tiếng mình thần tình lạ, chỉ có một chữ em, nói thế nào nghe cũng êm tai, mặc ai muốn xài làm sao nghe cũng ngọt. Khi phải dịch em sang tiếng Tây mới thấy rầy ra: em nó không còn là em nữa. Nghĩ tới nghĩ lui chị bèn dịch đại là ma soeur. Tụi tôi nghe chịu quá, nó tiềm ẩn ý nghĩa bao bọc, che chở và nhất là khi cần chỉ có chị mới đủ “quyền huynh thế phụ” xua bớt các “thầy” vo ve bên những em hay bị sao Đào Hoa yểm mệnh.

Năm nào chị cũng tổ chức Tết trong phòng trọ. Chúng tôi “về” chị như về quê ngoại ăn Tết, một phần vì chị thong dong, tiền bạc được cha mẹ trợ cấp dư giả, chị còn chịu khó đi làm thêm; một phần vì tính chị vốn hào phóng, đứa nào túng cho vay ngay, nếu không trả được, đến Tết chị xí xóa cho. Khi hứng chí, chị bao xi-nê cả đàn. Đến mùa son, có năm sẵn tiền, chị mua cả chục cái manteau, mỗi cái xỏ vài bận thấy chán, lại đem phân phát cho mấy đứa lớ ngớ mới sang chưa có áo rét. Tết đến chúng tôi “về” chị, mỗi đứa đem góp một thứ, thường là quà nhà gửi hoặc chế tạo lấy, vậy mà cũng có đủ trò: giò thủ, bánh chưng, bánh tét, hạt dưa, mứt dừa, mứt bí, cành mai, cành đào… Năm ấy, chị trọ học ở Viện Pháp Việt đường Saint Jacques. Hồi đó ông Meillon thuê người concierge (gác cổng) Tây Ban Nha tên là Benito. Benito người nhỏ thó, có thói rất hỗn với sinh viên, coi học trò không ra cái thá gì cả, mắng cứ xa xả vào mặt. Xin Meillon đuổi Benito thì ông bảo:
Các cô chịu khó nhịn nó một tí, mượn nó rẻ rề, tiền nào của nấy phải chịu vậy chứ biết làm sao ?

Cho nên Benito mặc sức làm mưa làm gió. Khi sinh viên dẫn bạn lên phòng, Benito lầu bầu hỏi cung: “Ai đấy ? Lên làm gì ?” Tuyệt đối cấm con trai và lẩm bẩm đếm từng người một như con ma xó. Đên Tết hôm ấy, đếm đến người thứ 15, Benito quát chị Tám:
Sao mày lắm “em” thế? Mẹ mày đẻ năm một à ?

Chúng tôi ngệch mặt ra một lúc rồi mới cười bò, chưa biết trả lời ra sao thì hắn choảng thêm câu nữa:
Xứ mày đã nghèo còn đẻ lắm, thảo nào chẳng mạt rệp. Đánh nhau cho khỏe vào, chết bớt đi là phải !

Cả bọn im phắc. Chị Tám quắc mắt muốn nuốt sống Benito. Bình thường chị đã cao lớn và to con gấp đôi Benito. Và huyền đai đệ nhị đẳng nhu đạo. Sừng sững, chị giơ tay như muốn thộp cổ nó. Benito tái mặt sợ, đi giật lùi vào loge (phòng của concierge), đóng sập cửa, khóa trái lại, không dám thò mặt ra nữa. Những lần trước, mỗi lần Benito nói hỗn, chị thường tìm cách lấp liếm cho. Chị bảo không phải lỗi tại nó, vì vừa dốt vừa nghèo nên nó mới ăn xằng, nói bậy. Nhưng từ đêm đó, chị cúp luôn, lâu lâu không dúi tiền vào tay Benito như trước nữa. Và cũng từ đấy, Benito cạch hẳn thói hỗn hào với sinh viên. Lần ấy, tôi biết rằng có những lỗi lầm không thể nào chữa được.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (2)

Chị là một trong những người sáng lập Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Năm đầu tiên anh Nguyễn Trọng Huân được bầu làm chủ tịch, chị Đặng Thị Tám làm tổng thư ký, anh Phạm Trọng Cầu trưởng ban văn nghệ trong suốt thời gian anh tu nghiệp ở Conservatoire de Musique de Paris. Không biết tay nào nghĩ ra cái oái oăm muốn ứng cử Tổng hội thì phải làm danh sách 12 người – mỗi người một ghế, tựa như ghế bộ trưởng: nội vụ, ngoại vụ, tiếp tân, ẩm thực, thể thao… linh tinh cả thảy 10 bộ – cho nên chỉ cần một tên phá bĩnh, nửa chừng tuyên bố tớ chán, tớ re là cả Tổng Hội loạn cào cào lên như chợ vỡ, nếu không tìm được anh hùng, anh hiền, anh quân tử ra cáng đáng “việc nước” thì loạn to vì “chính phủ đổ”.

Có năm một anh can trường, lò mò ra ứng cử một mình dìu dắt danh sách 11 người đẹp làm cả hội trường chới với, bấn loạn tâm thần, không biết bỏ phiếu cho ai. Huân là chủ tịch nhưng Huân không nói sõi tiếng Việt. Kỳ dư các văn kiện, luật lệ, đít cua đít cáy… Huân đều nghĩ và thảo bằng tiếng Pháp rồi khi dịch, Huân nhờ chị Tám làm quân sư. Chị cứ áp dụng nguyên câu traduttore, traditore mà tùy cơ ứng biến, thảo văn kiện, luật lệ thuận theo ý mình. Huân và cả bọn chúng tôi không ai có đủ khả năng “kiểm chứng” nên kể như về mặt “nội dung”, cơ cấu tổng hội nằm cả trong tay tổng thư ký.

❝ Năm nào chương trình cũng có bài
Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc của anh Cầu đi mở đường ❞

Việc “đại sự” của chúng tôi hồi ấy là mỗi năm tổ chức Tết cho sinh viên và Việt kiều một lần.

Chị Tám làm việc theo thể hứng; khi nào gió đã buốt, lâm râm trời có tuyết rơi, tượng trắng ở Luxembourg bắt đầu se mình và những hàng bán hạt dẻ rang đã thi nhau đem lò ra bầy ở các đầu phố xóm học, thì chị hô chúng tôi tụ tập cuối tuần để học hát. Cho nên cũng không biết vì gần Tết mà cần họp nhau hay chỉ vì đã có hạt dẻ nóng bỏng thủ túi, chuyền tay, chia nhau mỗi lần hò hẹn…

Năm nào chương trình cũng có bài Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc của anh Cầu đi mở đường và những vọng khúc quê hương như Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi, Tình Hoài Hương… đi đoạn hậu. Khúc giữa rồng rắn lên mây, có cả múa tiên, múa kiếm, múa lân… lẫn hò khoan, hò huề…

Dư âm còn lưu lại đến hôm nay là những ngày Tết xa xôi ấy. Huân, chị Tám, anh Cầu và bao nhiêu bạn… đã về, rồi bao người ở lại quê hương không đi nữa.

Tháng 11-84 tôi về. Chị buôn bán, xoay sở, sống phong lưu gần như vương giả trong thành phố Sàigòn không còn hoa lệ mà đẫm lệ.

Chị vẫn thích và vẫn nhớ những boum xưa ở Paris, hẹn tôi một tối đến rủ chị và vài người bạn đi nhảy đầm. Đến phòng trà quốc doanh, có vũ nữ mắc áo xếch-xy, ăn lương chính phủ. Nhạc nhảy là những bản khi thì xưa xưa, khi thì lạ đến độ lạc loài. Ngồi nhìn ly soda lạnh mướt mồ hôi, chị hỏi tôi:
Sao em không nhảy ?
Tôi nhớ độ xưa cứ bị chị lôi xềnh xệch, bắt học nhảy :
Chị quên rồi à ? Em có biết nhảy bao giờ đâu…
Chị phá lên cười:
Con bé này quê quá, hơn hai mươi năm rồi mày vẫn thế!
Tôi bắt chước giọng Huân:
Ừ, khỉ thế!

Huân đã đi xa, tự ý đi xa, sâu trong lòng đất giữa ngày 30 tháng tư. Tôi đã viết về Huân mùa xuân cách đây hai năm về trước. Nơi xa xôi ấy, dường như Huân đã đem theo một khoảng tâm hồn chúng tôi với những hăng say, những lỗi lầm của tuổi trẻ, những mất mát của ngày rời mẹ ra đi, những bơ vơ nơi xứ lạ quê người, những ngọt bùi trong chiếc bánh thánh, trong hột hạt dẻ nóng chia đôi, những nỗi nhớ gia đình, niềm đau tổ quốc và cả những hoài bão thầm kín, ngông cuồng độ ấy: với tay trắng học trò, ngày mai có thể trở gió quê hương…

Chị Tám thần mặt ra, lập lại:
Ừ ! Cái thằng ! Khỉ thế!

Đêm Sàigòn không có tuyết mà lạnh.

Thụy Khuê
Paris, Xuân Tân Mùi 1991