agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1984 - 1993

Thập niên của Tổng Hội

Đề cập đến thập niên này, chúng ta hãy cùng nhìn các sự kiện, các thời điểm qua 2 góc cạnh :
– Thế giới trong các năm 1984-1993
 – Thập niên của Tổng Hội (bài này)

Chúng ta hãy cùng xem xét thập niên 1984 – 1993 qua lăng kính Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris (Tổng Hội).

Có thể nói năm 1984 là một sự liên tục với thập niên trước. Mặc dầu ý nguyện tiên khởi là yểm trợ mọi tổ chức kháng chiến có cơ sở đấu tranh trên lãnh thổ Việt Nam, Tổng Hội vẫn bị lôi cuốn dần vào những hoạt động yểm trợ mỗi mình Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận). Phần lớn guồng máy điều khiển hội, phần lớn nhân lực, tài lực được dồn vào công việc yểm trợ kháng chiến mang màu sắc Mặt Trận. Có một thời gian, Tổng Hội trở thành một động cơ chính yếu trong công cuộc yểm trợ ở vùng Paris. Phải đợi đến khi Trần Văn Bá, người cựu chủ tịch đáng kính của hội bị hành quyết, Tổng Hội mới thay đổi tư duy.

Tổng Hội quyết định trở về tìm lại nguồn gốc thanh niên sinh viên của mình và tổ chức các hoạt động tập thể theo ba hướng cố hữu : Đấu tranh cho Tự Do – Bảo tồn Văn Hóa – Xây dựng Tương Lai. Trong tức thời cần kiện toàn các sinh hoạt truyền thống, tăng cường nhân lực cộng tác với ưu tiên là giới thanh niên sinh viên sau đó tìm cách trang bị cho tất cả một hành trang lý luận tối thiểu qua học tập, qua hội thảo và mới mẻ hơn cố gắng đi sâu thêm vào đời sống xã hội địa phương. Ba nhóm hoạt động chính yếu của Tổng Hội là Nhân Bản, Đoàn Thể Thao và ban Văn Nghệ không những gia tăng nỗ lực để làm khởi sắc lại các sinh hoạt đã có mà còn suy nghĩ để đem đến những sinh hoạt mới mẻ hơn hầu đáp ứng các nhu cầu đương đại. Để có thì giờ chuẩn bị các dự án, kể từ 1988, nhiệm kỳ các Ban Chấp Hành được tăng từ 1 lên 2 năm. Như vậy một khi chấp nhận cáng đáng công việc điều khiển hội, mỗi thành viên Ban Chấp Hành có đủ thì giờ để suy nghĩ và hành động.

Chưa 10 chả lẽ ngưng

Được thành lập vào tháng 4 năm 1977, nguyệt san Nhân Bản trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn vào khoảng cuối năm 1986. Thiếu cây viết, bài vở nhận không nhiều, thu nhập quảng cáo xuống thấp, số người mua dài hạn không tăng, khoản tiền nợ đối với nhà in mỗi tháng một cao hơn, không có lằn ranh ngăn cách các chi thu đặc thù của Nhân Bản với các chi thu trong các hoạt động còn lại của hội, đó là những yếu tố thể hiện nỗi khó khăn tờ báo đang trải qua. Có một lúc, vấn đề đình bản cũng đã được đặt ra.

Nhưng may thay, câu trả lời cũng đã được lấy mau chóng. Không thể bỏ cuộc khi Nhân Bản chuẩn bị bước vào năm thứ 10 xuất bản liên tục. Một số biện pháp cải tổ nho nhỏ được tung ra. Ban Biên Tập gia tăng những cộng tác viên có thể đóng góp bài vở, mời thêm một số chữ ký ngoài Hội đến hợp tác và quan trọng hơn, liên lạc thường xuyên với các chữ ký này.

Các công việc cố hữu như viết bài, đánh bài, lên khuôn, bỏ dấu tiếng Việt hay chạy tít lớn được liệt kê rõ ràng với danh tính các cộng tác viên có thể phụ trách. Một số mục trở thành thường xuyên với số trang ấn định trước, giúp người viết hoạch định dễ dàng hơn công việc của mình. Các phần mềm được dùng mỗi lúc một nhiều hơn trong việc đánh máy cũng như lên khuôn.

Duy có việc đánh dấu tiếng Việt và lên tít lớn vẫn còn phải làm bằng tay vì lúc bấy giờ bộ chữ Việt chưa được hoàn hảo. Toàn ban báo chí có một thời khóa biểu làm việc rõ ràng, từ buổi họp đầu tiên của Ban Biên Tập đến lúc in ấn, xếp báo và phổ biến. Có như vậy việc phối hợp nỗ lực chung mới được cải thiện.

Nguyệt san Nhân Bản phát hành lần đầu vào tháng 4 năm 1977

Song song với phần bài vở, ban điều hành Nhân Bản cũng chú ý đến việc cải thiện mức độ phổ biến báo. Tăng cường các điểm bán lẻ, gia tăng các nơi đặt báo miễn phí như thư viện, ký túc xá, tiệm hớt tóc, phòng mạch bác sĩ, v.v… Để khuyến khích mua dài hạn, các phiếu nhận hai kỳ báo miễn phí được cho in ngay trên mặt báo. Việc phổ biến các khung quảng cáo được giao cho một nhóm chuyên trách. Để các chi thu được rõ ràng, tài khoản riêng của Nhân Bản chỉ được dùng cho báo, phải có sự đồng ý của thủ quỹ mới có thể chuyển tiền từ tài khoản Nhân Bản sang tài khoản hội. Các nỗ lực tập thể dần dà đã đem lại kết quả tương đối khả quan vào năm 1989. Đáng tiếc là số tiền nợ to lớn đối với nhà in vẫn chưa giải quyết được.

25 năm một chặng đường

Ban Văn Nghệ cũng trải qua một thời gian khó khăn vào cuối thập niên trước. Do nhiều thành phần nồng cốt dọn sang Mỹ, sang Úc sinh sống, các hoạt động của Văn Đoàn Lam Sơn thuộc ban Văn Nghệ coi như bị đình trệ, không còn sáng tác nào nữa. Phải đến tháng 6 năm 1989, ban Văn Nghệ mới cho phát hành cuộn băng cassette Lam Sơn 5. Đây là sản phẩm chót có chứa đựng những bài hát chưa bao giờ phổ biến của Văn Đoàn. Tuy vậy, ban Văn Nghệ vẫn chu toàn được phần vụ của mình trong việc tổ chức Hội Tết và hơn thế nữa, có đủ nhân lực để đáp ứng những mời mọc hợp tác đến từ ngoài hội. 

Lire aussi/Đọc thêm  Niềm tin phai nhòa
Tổng Hội được vinh dự đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại sự kiện "Les naufragés de la Liberté"

Khi đề xướng sự kiện “Chết đắm vì Tự Do” (Les Naufragés de la Liberté), đài phát thanh Radio France và Ủy Ban Quốc Gia Tương Trợ Pháp-Việt, Pháp-Miên và Pháp-Lào đã nghĩ đến Tổng Hội để mời làm đầu tàu lôi kéo các nghệ sĩ gốc Việt.

Sự kiện to lớn này còn được sự bảo trợ của bộ Nhân Quyền, của thành phố Paris và của Quỹ Hành Động Xã Hội và tiền thu dùng vào việc giúp người tỵ nạn Việt Miên Lào. Ngày 3 và 4 tháng 11 năm 1987, hai buổi nhạc hội tổ chức tại Maison de Radio France đã được đông đảo khán giả kéo đến dự khán. Các màn múa của Tổng Hội, giọng ca truyền cảm của ca sĩ Hạnh Quỳnh đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Cũng với sự hỗ trợ của các cơ quan nói trên, Tổng Hội đã tổ chức được một số buổi trình diễn mang tên Ngày Văn Hóa nhắm trực tiếp vào khán giả người Pháp. Trong 3 năm, 1985, 1986 và 1988, Tổng Hội cùng với nhiều nghệ sĩ Việt ở vùng Paris đã giới thiệu nhiều sắc thái khác nhau của nền văn hóa Việt.

Các buổi trình diễn tuy rất thành công nhưng do chi phí tổ chức tương đối cao và việc phối hợp các nghệ sĩ và hội đoàn bạn đến tham gia cũng tương đối khó thực hiện nên đã không có được kỳ thứ tư.

Điều an ủi là Tổng Hội vẫn có thể dựa vào Hội Tết và sự kiện này theo năm tháng đã trở thành một điểm hẹn phải đến của cộng đồng người Việt ở Paris và của các thân hữu người Pháp ưa chuộng văn hóa Việt.

Nhưng không phải lúc nào Hội Tết cũng được thành công. Tiếp nối thập niên trước khi khẩu hiệu của cả cộng đồng là “Tất cả cho Kháng Chiến” rồi đến sự kiện Trần Văn Bá cùng 3 chiến hữu bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hành quyết, các tổ chức ngày Tết được bao phủ một màu sắc đấu tranh, diễn văn này nối tiếp với tuyên bố kia. Năm 1989, khi kỷ niệm 25 năm được thành lập, số người đến tham gia Hội Tết giảm thiểu rõ rệt. Tệ hại không kém, có thể do tại dạ vũ năm trước đã xảy ra một số sự cố liên hệ đến an ninh, dạ vũ năm 1989 cũng không thu hút được nhiều người. Trước sự thất bại này, một số tiếng nói bi quan đã đề nghị những lần tới tổ chức Tết theo phương thức thịnh hành lúc bấy giờ tức là ăn tiệc trong một nhà hàng Á Đông lớn và cho diễn thêm vài ba màn văn nghệ.

Mặc không khí bi quan phảng phất chung quanh, Tổng Hội vẫn duy trì cuộc tổ chức Tết tại nhà hát Palais de la Mutualité nhưng cũng đem đến một số đổi mới. Văn nghệ Tết vẫn chia làm 2 phần nhưng phần 1 được choàng lên chiếc áo đại nhạc hội, các màn hướng vào cuộc đón mừng Xuân. Các màn ca vũ múa của phần 2 được kiến trúc theo một chủ đề thuần nhất đề cập đến thực trạng của đất nước hay những hoài bão của cộng đồng. Việc tổ chức Hội Chợ Xuân được săn sóc kỹ càng hơn và khía cạnh an ninh của toàn Hội Tết và đặc biệt của phần Dạ Vũ được tăng cường thêm. Nhờ sự giúp đỡ của các lò võ, sự hiện diện của ban Trật Tự Tết trở nên rõ rệt hơn. Thêm vào đó ban Tổ Chức Tết cũng phối hợp với cảnh sát quận 5 để đón nhận sự can thiệp của họ khi cần thiết. Trước Hội Tết, các cuộc “xuống đường” vận động, dán bích chương, phát truyền đơn quảng cáo đã được tổ chức liên tục, nhờ vậy khán giả văn nghệ cũng như những người vui chơi dạ vũ đã trở lại đông đảo.

Làm xong Hội Tết, ban Văn Nghệ Tổng Hội vẫn thường được một số hội đoàn bạn mời đến diễn tại địa phương của họ. Nhờ vậy các nghệ sĩ nhà có dịp dương Đông kích Tây, lên Bắc xuống Nam. Các thị trấn như Cergy, Sarcelles, Orléans, Grenoble, Reims, Lille và cả Bruxelles (Bỉ) trở thành những điểm “lưu diễn” Tết. Những dịp đi này tuy mệt mỏi nhưng đã tạo ra biết bao kỷ niệm khiến các anh chị em trong ban Văn Nghệ thêm gắn bó với nhau.

Anh hùng cõi 13

Cột trụ truyền thống thứ ba của các sinh hoạt là ban Thể Thao. Từ năm 1981, sau khi khai báo với cơ quan chức trách, ban Thể Thao trở thành một hội đoàn trên mặt pháp lý với danh xưng tiếng Pháp là AS Vietnam còn tiếng Việt được dùng là Đoàn Thể Thao. Từ lúc đó, Đoàn Thể Thao không ngừng phát triển, vể cơ cấu cũng như trong những trao đổi với các hội thể thao tại địa phương hay trên địa bàn Âu Châu. Có 9 bộ môn tổ chức tập dượt thường xuyên trong tuần : Băng đồng, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bơi lội, Bóng rổ, Bóng tròn, Quần vợt, Võ thuật, Vũ cầu. Các bộ môn Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng tròn, Quần vợt và Vũ cầu đồng thời cũng ghi danh vào các giải tranh đua trong vùng.

Lire aussi/Đọc thêm  Album Hình 1984 - 1993

Cũng nhờ vào những sinh hoạt thường xuyên, Đoàn Thể Thao đã được mời tham dự Giải Thể Thao Paris tổ chức lần đầu tiên vào đầu năm 1984. Về Quần Vợt, một thành viên của Đoàn trở thành vô địch nam của quận 13. Đội Bóng chuyền nam thì đi xa hơn vì sau một số vòng loại đã đạt được vinh dự đại diện quận 13 đi tỉ thí với đội quận 16 ở vòng Chung Kết ngày 20 tháng 5 năm 1984. Tuy đấu hết sức mình, đội AS Vietnam đành chịu thua đối thủ với tỷ số 2-1. Nhưng nhờ những thành quả cá nhân và toàn đội vừa kể, Đoàn Thể Thao đã được tòa đô chánh Paris cũng như giới chức thẩm quyền về thể thao biết nhiều hơn. Do đó, sau này Đoàn tương đối không gặp mấy khó khăn khi cần phòng ốc tập dượt hoặc tổ chức sự kiện thể thao.

AS Vietnam
Đoàn Thể Thao THSV được thành lập năm 1981 và trở đầu tàu cho các hoạt động thể thao của Hội

Giải Vũ Cầu AGEVP (Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris) là một thí dụ điển hình. Với sự hỗ trợ của văn phòng đặc trách thể thao của thành phố Paris, Tổng Hội quyết định tổ chức lần đầu tiên một giải đấu chỉ dành riêng cho bộ môn Vũ cầu. Trong hai ngày 18 và 19 tháng 4 năm 1987, 16 đội đến từ khắp vùng Ile de France ghi danh tham gia các giải đấu đơn, đôi, nam nữ hay hỗn hợp nam nữ. Cuối giải, các tham dự viên đồng thanh khen ngợi cuộc tổ chức và đặc biệt cám ơn quán đã bày bán nhiều sản phẩm Á Đông tạo sự khác biệt với các giải đấu khác. Sau 2 kỳ tổ chức trong quận 17, Tổng Hội được phép tổ chức tại Halle Carpentier, một sảnh thể thao rất lớn trong quận 13.

Một thí dụ điển hình khác chứng minh sự “ưu ái” của giới chức thể thao thành phố là việc Đoàn Thể Thao được tổ chức mấy năm liền hai Ngày Thể Thao Việt Nam tại một trung tâm thể thao ở Porte la Plaine, Paris 15. Diễn ra lần đầu năm 1981 vào dịp Phục Sinh, hai Ngày Thể Thao cuối cùng được tổ chức tại cùng địa điểm nhân dịp hè đến. Nhờ xảy ra lúc thời tiết trở nên tốt đẹp, sự kiện thể thao thu hút đông đảo người tham dự và còn tạo cơ hội để Đoàn Thể Thao “luyện quân” trước khi tham dự Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu (ĐHTT) thường thường tổ chức hạ tuần tháng 7.

Đối với nhiều thành viên Đoàn Thể Thao, ĐHTT là một sự kiện không thể bỏ qua nhân dịp hè. Tổ chức lần đầu vào năm 1965, ĐHTT biến dần theo năm tháng thành một sự kiện thể thao quan trọng của người thanh niên Việt Nam sinh sống tại Âu Châu. Mỗi năm một địa điểm khác nhau được giao phó việc tổ chức : Anh, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Na Uy, Thụy Sĩ, Ý và dĩ nhiên Pháp. Tại các ĐHTT, tranh đua thể thao là sinh hoạt chính nhưng không phải là duy nhất. Người tham dự viên có thể được mời tranh các giải cờ tướng tây ta, hòa nhập vào các buổi hoạt náo văn nghệ, giải trí với những trò chơi hay thách đố, được cung cấp tin tức về Đại Hội và về thời sự qua các báo Thông Tin Đại Hội, các đài phát thanh và có lúc cả đài truyền hình.

Nhưng có lẽ gây thu hút người tham dự viên nhất có lẽ là các quán nước tổ chức mỗi tối, một dịp để giải khuây giữa nhau hay kết thêm bạn mới. Về thể thao, có thể nói mà không ngoa là Đoàn Thể Thao thường xuyên nằm trong 3 hạng đầu của bảng Tổng kết huy chương. Trong thập niên đang đề cập, phái đoàn Tổng Hội còn được trao tặng giải Nhã Nhặn năm 1985 và năm 1988. Cần biết rằng từ khi Quy Chế ĐHTT được chính thức áp dụng toàn phần vào năm 1982, giải Nhã Nhặn là giải cao quý nhất của Đại Hội, đứng trên tất cả các giải toàn đội khác. Theo truyền thống, giải thường được trao cho các phái đoàn có số thành viên và thành tích thể thao tương đối … nhã nhặn nhưng đôi khi một phái đoàn lớn thắng nhiều huy chương cũng vẫn được trao giải. Thắng giải Nhã Nhặn do đó đem đến cho Tổng Hội một niềm hãnh diện thật lớn lao.

Âu châu là một

Và Tổng Hội cũng hãnh diện không kém khi tổ chức thành công Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu tại Paris năm 1990. Lần đầu tiên trong lịch sử của ĐHTT, lễ Khai Mạc được tổ chức vào buổi tối. Hàng trăm và chắc cũng sấp sỉ cả ngàn người ngồi kín khán đài sân vận động Louis Lumière thuộc quận 20 để cổ vũ các phái đoàn diễn hành và thưởng thức các hoạt cảnh linh động được Ban Tổ Chức cống hiến. 

Lire aussi/Đọc thêm  Tổng Hội Sinh Viên Paris và chuyện hồi hương

Cả một tuần lễ Đại Hội với những buổi sinh hoạt về đêm thật vui nhộn, một nữ tham dự viên đến từ Gia Nã Đại bỗng biến thành sì-ta với bài hát “Để quên con tim”, quán Đại Hội làm việc không xuể vì đông “khách” quá, lễ Bế Mạc tổ chức long trọng tại phòng khánh tiết quận 20, đó là những điểm đáng nhớ liên quan đến kỳ Đại Hội 1990 này.

Như vậy tính đến 1990, Tổng Hội đã tổ chức 5 kỳ Đại Hội (1970 Jouy en Josas, 1973 Vannes, 1978 Beauvais, 1983 Châtenay-Malabry, 1990 Paris). Không những vậy, Tổng Hội cũng tích cực đóng góp vào việc soạn thảo Quy Chế cho Đại Hội Thể Thao. Trước kia, mỗi kỳ ĐHTT vẫn có một số điều luật được áp dụng nhưng không thuần nhất với nhau. Năm 1981 tại Liège (Bỉ), một phần của Quy Chế mới đã được áp dụng thử và kể từ kỳ 1982 tại Slagelse (Đan Mạch), Quy Chế được áp dụng toàn phần. Kể từ lúc đó, Đại Hội Thể Thao có được một văn bản chính thức để các Ban Tổ Chức và các phái đoàn tham dự có thể dựa vào. Mỗi năm sau đó, Quy Chế còn được sửa đổi một vài lần để phù hợp hơn với thực tế.

Lễ Khai Mạc Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu năm 1990 tại Paris

“Thừa thắng xông lên”, Tổng Hội còn tình nguyện tham gia vào công cuộc tái cấu trúc Đại Hội Việt Nam Âu Châu. Khởi đầu vào tháng 7 năm 1975 dưới danh xưng Đại Hội Sinh Viên Việt Nam tại Âu Châu, một cuộc họp quy tụ nhiều hội đoàn tại Tây Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ đã diễn ra tại Darmstadt để xác định quyết tâm đấu tranh sau biến cố 30 tháng 4, 1975. Đến ngày 1 và 2 tháng 11 cùng năm, một buổi họp kỳ 2 đã được tổ chức tại Liège (Bỉ), lần này có sự tham gia của Tổng Hội. Để tạo dịp gặp gỡ nhau, ngoài Đại Hội Sinh Viên và Đại Hội Thể Thao, các hội đoàn còn phối hợp với nhau để cùng học tập hội thảo hay để tổ chức những buổi hát từ thiện hay chuyên về văn hóa.

Sau khi tái cấu trúc, Đại Hội Việt Nam Âu Châu trở thành một cơ chế phối hợp trên địa hạt Âu Châu với một Quy Chế viết thành văn bản cùng với nhiều hoạt đông khác nhau : một Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu vào dịp hè, một Đại Hội thường niên vào cuối năm, một số Đại Hội đặc biệt trong năm để học tập hội thảo, để xét đơn tham dự ĐHTT, một Ngày Văn Hóa Âu Châu.

Đến tháng 11 năm 1987, qua đề nghị của Tổng Hội, một cơ chế mới được Đại Hội Việt Nam Âu Châu thành lập đó là Ban Thư Ký Thường Trực. Cơ chế này có nhiệm vụ duy trì sự liên tục giữa các phiên họp, lưu trữ các văn kiện của Đại Hội, giữ hộp thư liên lạc với những hội đoàn nào muốn tham gia Đại Hội Thể Thao. Vai trò thư ký đầu tiên được giao cho anh Vũ Quốc Thao, chủ tịch Tổng Hội lúc bấy giờ. Đến khoảng năm 1993 thì chuyển giao cho anh Lê Hữu Đào thuộc Cộng Đồng Bỉ Việt Liège. Cũng trong năm 1987 vào tháng 12, dưới danh nghĩa của Đại Hội Việt Nam Âu Châu, Tổng Hội đã phát hành dĩa nhựa 45 tours mang tựa để “Les naufragés de la Liberté” và gồm 3 nhạc phẩm do chị Hạnh Quỳnh cùng anh Lê Như Kha sáng tác và trình bày. Một phần tiền thu từ đĩa nhạc này dùng vào mục đích từ thiện. Đáng tiếc là việc phổ biến không được mạnh lắm.

1, 2, 3 sẵn sàng !

Song song với những sinh hoạt công chúng, Tổng Hội còn chú trọng rất mạnh vào các sinh hoạt nội bộ. Nếu không phải là du ngoạn dã ngoại trong ngày cũng là đi cắm trại hai ba ngày cuối tuần, nếu không tổ chức liên hoan hậu Tết cũng mở ra những lễ Khai Mùa hay Dạ Vũ hè, Dạ Vũ cuối năm v.v… Những lần vui chơi giải trí như thế thực ra là những cơ hội để các thành viên hăng hái nhất có cơ hội đẩy mạnh năng khiếu tổ chức và tiến dần hơn vào việc điều hành hội.

Nhằm giúp nhau am tường hơn về tinh hình đất nước cũng như trang bị cho nhau một hành trang tối thiểu về lập luận chính trị, Tổng Hội cũng tổ chức thương xuyên những cuộc tranh luận hội thảo, những cuộc học tập nội bộ nhân dịp kỷ niệm biến cố 30 tháng 4 hay tưởng niệm vị cựu chủ tịch Trần Văn Bá. Năm 1990, một ban Nghiên Cứu còn được thành lập để cùng suy nghĩ và học hỏi chung. Nhờ vậy mà Nhân Bản dần có thêm một số cây viết vững chắc mới và Ban Chấp Hành được cố vấn trên một số vấn đề quan trọng.

Với thập niên 1984 – 1993, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đích thực đã tìm lại nguồn cội và củng cố vị thế tiên phong trong tập thể thanh niên sinh viên tại Paris. Không biết những thập niên tới những gì sẽ xảy đến nhưng ắt hẳn Tổng Hội cũng sẵn sàng vững tiến !

Hoàng Mai

Cùng thập niên