agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 2014 - 2023

2014 - 2023 : một nhựa sống mới !

Một năm khác thường – 2014 – kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng Hội! Đã từ lâu, từ cha mẹ đến con cái, tất cả các gia đình thân hữu đều nhớ đến ngày hẹn với Tổng Hội, “TH” như chúng ta thường gọi, và vào đầu niên khóa mỗi năm, như một truyền thống cổ truyền, chúng ta lại trở về với hội với đầy nhiệt huyết để bắt đầu chuẩn bị văn nghệ “Tết” đầu năm sau.

Tết 2014 rất đặc biệt, đánh dấu cuộc sống lâu dài của hội đã trải qua bao nhiêu sự kiện quan trọng kể từ khi ra đời. Ở tuổi 50, hội đạt đến một giai đoạn then chốt, lúc bàn giao giữa hai thế hệ, thế hệ cha mẹ đến Pháp khi còn trẻ và đã cố gắng hoà đồng vào cuộc sống nước người, và thế hệ của những đứa con sinh ra ở Pháp nay đã trưởng thành. Thế hệ đầu tiên là những người tiên phong, họ đã xây dựng Tổng hội làm nơi nương tựa, làm mái nhà của tình bạn hữu và nếp sống quê hương, nơi họ cảm thấy bớt lạc lõng, nơi cảm nhận hương thơm đất nhà. Họ hành động với nhiều ý nghĩa, họ tự hào vun sới Tổng Hội, như một báu vật, như “đứa con” của mình.

Tương lai của Tổng Hội

Những người trẻ sinh ở Pháp hấp thụ hai nền văn hóa. Họ cùng hãnh diện là người Pháp và là người gốc Việt, họ muốn tiếp tục bồi đắp di sản quý giá này. Họ đã chứng kiến những thành tựu của kẻ đi trước trong đó có cha mẹ họ, và từ đây muốn chính mình phát triển hội nhà. Dưới sự lãnh đạo của một Ban Chấp Hành trẻ tràn đầy cảm quyết (2012-2014), rất nhiều sinh hoạt đã được tổ chức: ngoài việc chuẩn bị hội Tết, quanh năm nào là lớp dạy tiếng Việt, dạy kèm thi tú tài, song song với nhiều sinh hoạt thể thao, trong tinh thần tương thân tương trợ giữa sinh viên.

Nhưng sự hòa hợp đôi khi không tiến triển dễ dàng giữa hai thế hệ, dù đều hào phóng như nhau nhưng với những kinh nghiệm khác biệt. Cội nguồn Việt Nam là căn bản thiết thực của một số người, trong khi một số người khác có chí hướng về Việt Nam đồng thời ước vọng xây dựng cuộc đời ở phương Tây. Lý tưởng của người này không cứ là ưu tiên của người kia, và không ai rõ công thức để hòa đồng hai bên.

Hội Tết 2014 đã phản ảnh những khó hiểu giữa hai thế hệ. Những người lớn tuổi đặt mục tiêu đề cao những kỷ niệm êm đẹp hào hùng quá khứ và tôn kính lịch sử đau thương của nước nhà. Những người trẻ tuổi có quan niệm khác về cách tôn vinh 50 năm thành lập Tổng hội, và đặt hy vọng vào tương lai. Rút cuộc, ngày chung vui đã không đáp ứng được mọi mong đợi.

Cuộc lỡ hẹn này đã reo hoang mang cho tất cả anh em. Chúng ta tự hỏi làm thế nào để kết nối lại, để tiếp tục cùng nhau tiến tới. Rồi dần dần, với thời gian, chúng ta ý thức là phải cố dang tay gắn bó lại với nhau tuy rằng cuộc đoàn tụ sẽ đau đớn, vì không ai chấp nhận hình dung rằng con đường đã đi chung nay sẽ kết thúc.
Tháng 6 năm 2014. Chúng ta đã trao đổi rất nhiều, đã chia sẻ những phân vân cùng những hy vọng và mong muốn. Thứ nhất, phải tìm hiểu những lầm lỡ, những gì đã chia rẽ, để suy ngẫm về một cách nhìn khác, rộng rãi, bao quát hơn, về các giải pháp giúp chúng ta vượt qua những khác biệt để có thể đến với nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Nhận thức những nguyên tắc cơ bản của Tổng hội, hiểu rằng có nhiều lý tưởng gắn bó chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta. Tự nhủ rằng chúng ta có một mối liên kết chung, là nguồn gốc Việt Nam. Một nguồn gốc có lẽ xa xôi nhưng trong thực tế lại rất gần, với bao di sản văn hóa lịch sử giá trị mà gia đình chúng ta đã truyền lại qua bao thế kỷ. Nguồn gốc chung này có sức mạnh để thống nhất, để kết hợp chúng ta. Ba khái niệm thiết yếu nổi lên một cách hiển nhiên :

Bảo tồn văn hóa, tranh đấu cho tự do và đào tạo tuổi trẻ

Chúng ta đã họp lại để thành lập một Ban Chấp Hành (BCH) mang tên “Đồng tâm tiến bước” (“La force de la cohésion”) chung quanh tân chủ tịch Nguyễn Hào. Một BCH nhỏ, với hai thế hệ, với những người có thiện chí tìm hiểu nhau để sau đó quý trọng nhau. Chúng ta đến từ nhiều nhóm sinh hoạt, ban Thể thao, ban Giáo dục, ban Văn nghệ, Ban Cố vấn (BCV), BCH vừa mãn nhiệm; chúng ta đã biết nhau ít nhiều sau vài kinh nghiệm cộng tác, đặc biệt là trong dịp Tết, và nhất là chúng ta cố gắng lắng nghe nhau, thông hiểu nhau, để mọi việc có thể cùng nhau bàn luận.

CÙNG NHAU là từ khóa. Điều cốt yếu là thiết lập lại mối liên hệ giữa các thế hệ và giữa các ban sinh hoạt của TH để xây dựng một triển vọng mới mà không bỏ quên bất kỳ ai.

Làn gió của hip hop mang đến một ánh mắt hiện đại về cách múa

Ban Văn nghệ từ lâu thu hút nhiều người trẻ, đa số đã quen thuộc với hậu trường và sân khấu khi đi theo cha mẹ, anh chị hay bạn bè đến diễn tập mỗi chiều chủ nhật. Các em háo hức tham dự các màn múa hát của chương trình Tết sắp tới, để tự mình tìm hiểu và đồng thời phổ biến văn hóa Việt Nam. Không khí cuồng nhiệt của mỗi cuộc tập dợt chính là chất xúc tác năng lượng cho tuổi trẻ TH. Từ 5 tuổi (đôi khi sớm hơn!) cho đến 25, ai cũng chỉ muốn bắt tay vào công trình tập thể ngoại lệ này mỗi khi niên học bắt đầu.

Các thành phần trẻ của BCH đã mang đến một tầm nhìn mới về sinh hoạt, trong mọi lĩnh vực.

Đầu tiên là ban Văn nghệ, bên cạnh những điệu múa truyền thống, làn gió mới của hip hop mang đến một ánh mắt hiện đại về cách múa. Các bạn trẻ của chúng ta hòa mình vào những động tác linh động và chính xác, tạo nên những màn trình diễn ngoạn mục trong ngày Tết, được khán giả cũng như chính các vũ công yêu chuộng. Điệu nhảy mới này đã tạo ra một hâm mộ ngoài tưởng tượng, và tiếp tục lôi cuốn nhiều bạn trẻ mới đến ban Văn nghệ !

Lire aussi/Đọc thêm  Bềnh bồng một chiếc thuyền nan hội đoàn

Bằng chứng rõ nhất của thành công này là sự ái mộ của công chúng : số lượng vé bán cho buổi trình diễn hội Tết tiếp tục tăng lên mỗi năm, đến khóa sổ bán vé vào năm 2019 tại nhà hát lớn Massy !

Ngày Thể Thao cũng là một dịp để cùng nhau sinh hoạt
Bóng chuyền, một trong những bộ môn chủ chốt tại Ngày Thể Thao
Ban Văn Nghệ đóng góp đắc lực vào sự thành công của Ngày Thể Thao
Téléthon, một trong nhiều sinh hoạt hòa nhập vào xã hội địa phương
Sinh hoạt cộng đồng tại Trại Hè : không ai chịu thua ai !
Trại Hè Tổng Hội : vui trẻ khỏe
Lớp Việt ngữ
Lớp dạy nấu ăn Vietcook

Ban Thể thao vẫn tiếp tục phát triển, với gần 200 vận động viên luyện tập thể thao với điều kiện tài chính phải chăng – tinh thần của TH là tạo điều kiện sinh hoạt cho số đông nên luôn đặt niêm liễm đúng mức.

Ngoài tập luyện và thi đấu hàng tuần, vào đầu mỗi mùa hè, Ngày Thể thao được tổ chức để các vận động viên thần đồng cũng như tài tử có thể ganh đua với nhau trong các bộ môn yêu chuộng (bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, đá bóng) trước khi xum họp quanh quầy giải khát TH, thưởng thức những món ăn do các bà mẹ, các cô thiếu nữ của hội đã sửa soạn.

Những giây phút vui vẻ chia sẻ trong Ngày Thể thao vô cùng thành công, cũng như các Trại hè đã gắn kết những người đồng cảm TH, với các trò chơi, thi đua, các buổi tối văn nghệ quanh lửa trại, và cũng như Ngày Téléthon vào đầu tháng 12 hàng năm kể từ 2015.

Trong công tác đào tạo tuổi trẻ, Lớp Việt Ngữ là một minh chứng cụ thể của động lực mới của hội. Tiếp tục đà phát triển của văn phòng trước, khóa học đáp ứng sự quan tâm đến tiếng Việt của những người Pháp có vợ/chồng là người Việt Nam cũng như của các bạn trẻ gốc Việt sinh ra ở Pháp hay ở Việt Nam và được người Pháp nhận làm con nuôi từ khi nhỏ. Những người này, từ 20 đến 40 tuổi (đôi khi lớn hơn) muốn khám phá, học hỏi và sử dụng ngôn ngữ Việt nam.

Để đáp lại mong muốn tha thiết này, một số bạn hữu TH tình nguyện dạy tiếng Việt, nhiều bạn đến giúp từ các hội đoàn khác vì đồng cảm với TH (xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bạn của Amicale Paris Sud “Orsay”). Mỗi buổi học tiếng Việt là 2 giờ học tập và thực hành ráo riết với sự chú ý dành cho từng học sinh. Số đăng ký lớp Việt ngữ tăng lên mỗi năm, đạt khoảng sáu mươi học trò vào năm 2019, được chia thành 3 trình độ : Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp.

Một sinh hoạt nổi bật khác của TH là lớp học nấu ăn Vietcook. Già trẻ lớn bé đều nhất trí ủng hộ những hôm quây quần bên bếp lửa, để các thế hệ trao đổi “bí quyết” món ăn Việt nam. Mỗi hai tháng, anh chị em TH hoan hỉ họp mặt nấu ăn, và tất cả các đầu bếp «mầm non» sẽ còn nhớ rất lâu hương vị của bánh bao, bún chả, chả cá v.v… đã phảng phất ở trụ sở.

Lớp dạy kèm chuẩn bị tú tài được tiếp tục trong vài năm nhờ sự kiên trì của các bạn trẻ TH, đã là cựu học sinh của lớp, và muốn đến phiên mình góp tay giúp đỡ các bạn trẻ trường trung học. Vào tháng 4, các tuần ôn tập môn toán và vật lý đã được tổ chức mỗi năm, và các giáo viên tình nguyện rất vui mừng khi biết được tất cả học sinh của lớp đều thành công cuộc thi tú tài.

Lớn lên trong xã hội Pháp và ý thức về nguồn gốc của mình, các bạn trẻ mong muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam, không chỉ qua những gì cha mẹ thuật lại mà còn qua các nguồn thông tin chính thức, bằng cách tham khảo các tài liệu nghiên cứu, hay hơn nữa là tiếp xúc với các chuyên gia về Việt Nam.

Từ đó ban Les Fils Rouges (Ba Chỉ Đỏ, tên đặt từ 3 sọc đỏ của cờ Vàng) đã ra đời với nguyện vọng thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam đương thời, trong các lĩnh vực địa chính trị, xã hội và văn hóa, thông qua các cuộc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, giáo viên tham khảo vùng Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Hội thảo tranh luận, thuyết trình tác phẩm và trình bày phim ảnh là những điểm chính trong sinh hoạt của Les Fils Rouges, thu hút khán giả đa số là giới trẻ, về các sự kiện hiện tại như vấn đề địa chính trị ở Biển Đông, vấn đề Trung Quốc chủ nghĩa bành trướng “lưỡi bò”, cũng như về các chủ đề tôn giáo như nguồn gốc và nguyên lý của Phật giáo.

Đồng thời, giới trẻ gốc Việt quan tâm về lịch sử Việt Nam, trước hết với câu hỏi: tại sao gia đình tôi lại rời Việt Nam để định cư ở Pháp hay các nước khác trên thế giới ? Câu hỏi này đã xáo trộn bao nhiêu tâm trí và thúc đẩy một dự án của các anh chị em TH: phỏng vấn những người từng là nhân chứng và diễn viên của thế kỷ 20 ở Việt Nam, nhằm tìm hiểu nguyên nhân cuộc chiến tranh đã bó buộc gần một triệu người Việt rời quê hương từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Năm năm cộng tác, nghiên cứu và phỏng vấn các bô lão trọng yếu – một số người thọ gần tuổi trăm – đã hoàn thành bộ phim tài liệu được phổ biến rộng rãi trên Youtube “Thế kỷ 20 Việt Nam: lịch sử của một đất nước chia ly” (“Le XXe siècle du Vietnam: histoire d’un peuple déchiré”).

Hội thảo "Fils Rouges VN" để trau dồi kiến thức
Phỏng vấn GS Vũ Quốc Thúc (2015)

Hiểu biết gây suy luận, rồi hành động. Đoạn kế tiếp là tương tác với tình hình thực tế. Hướng về Việt Nam xa xôi, nơi mà một số người đã viếng thăm, kiến thức thực tế địa phương đã đặt ra nhiều câu hỏi về thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các vấn đề chủ yếu : ô nhiễm môi trường, hay vi phạm nhân quyền, một tôn trọng cơ bản con người mà luôn bị coi thường trên đất Việt. TH đã phản ứng qua đơn tố cáo thảm họa sinh thái miền Trung Việt Nam năm 2016, qua các biểu tình đòi hỏi tôn trọng quyền tự do ngôn luận và trả tự do cho tù nhân lương tâm; gần đây trong thời gian bàn cãi Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam năm 2019, nhiều hành động đã được thực hiện, với kết quả ít nhiều nhưng đầy ý nghĩa : điều quan trọng là các thành viên của TH nhận thức rằng nếu chúng ta được thụ hưởng một môi trường xã hội và sinh thái thuận lợi ở quốc ngoại, còn quá nhiều vấn đề tối trọng vẫn chưa được giải quyết ở Việt Nam.

Lire aussi/Đọc thêm  Tưởng nhớ

Chính ở Pháp, chúng ta thực sự có khả năng hành động. Trong khi những người lớn tuổi sinh ra ở Việt Nam nhiều lúc có ấn tượng là một cộng đồng bên lề, đối với những người trẻ sinh ra ở Pháp, trực tiếp tác động trong xã hội Pháp là điều đương nhiên. Rất mau, ban Thể thao TH đã quyết định tham gia phong trào tương trợ Téléthon, tổ chức một ngày thi đấu đầy màu sắc và hào hứng nhằm gây quỹ giúp các ngành nghiên cứu. Và rất mau, các thành viên của TH đã phản ứng trước những sự kiện xảy ra trong xã hội Pháp (vụ tấn công Charlie Hebdo 2015, v.v.)

Biểu tình trước Liên Hiệp Quốc tại Genève

“Tôi là Charlie” năm 2015

Tham gia xã hội được cụ thể bằng hoạt động tăng cường liên hệ với chính quyền Pháp. Năm 2016, khi nảy ra ý kiến thành lập một hội đồng đại diện các hiệp hội Việt Nam, nhằm thúc đẩy giao lưu với các cơ quan chính quyền và chính trị Pháp, nhiều nhân vật Pháp gốc Việt đã đề nghị các lãnh đạo TH tham gia thành lập hội đồng này. BCV và BCH Tổng hội đã trao đổi rất nhiều về quyết định tham gia. Như mọi người biết, cộng đồng người Việt – dễ dàng thích nghi và hòa hợp với cuộc sống ở Pháp – thường im lặng cho đến có vẻ vô hình và bặt tiếng. Cùng trong lúc đó, cộng đồng ta mong muốn được công nhận và có trách nhiệm, và sự đoàn kết để có một tiếng nói chung là một mục tiêu lớn lao. Nhưng điều này có nghĩa là chúng ta phải ngồi chung bàn với các hiệp hội Pháp-Việt có khi với đường hướng khác, và tất nhiên mưu đồ ảnh hưởng chính trị bởi Đại sứ quán Việt Nam là trở ngại lớn.

Bộ sưu tầm cổ vật VN tại viện bảo tàng Cernushi

Sau nhiều lần thảo luận, chúng ta hiểu sự cần thiết phải tham gia tích cực vào việc thành lập Hội đồng đại diện các Hiệp hội Pháp-Việt (CRAFV, Conseil Représentatif des Associations Franco-Vietnamiennes), trước hết vì lý do hiển nhiên là không thể để bất cứ ai lên tiếng thay THSV, thứ nhì là phải lên tiếng để nhấn mạnh những đòi hỏi cốt yếu của THSV. Quan điểm nhất quyết của BCH và BCV trong một thời gian đã bị một số thân hữu hiểu lầm, vì không chịu thảo luận với “những người ở phía bên kia“. Nhưng chúng ta đã quyết tâm bảo vệ các giá trị tự do và công lý của hội, đồng thời đã đề cao quan điểm của hội trong suốt quá trình hoạt động của tập thể này.

Vì sự hiện diện của chúng ta, nhiều hiệp hội ủng hộ Đại sứ quán đã từ bỏ ý định gia nhập hội CRAFV, trong khi các hội đoàn cùng chia sẻ ý tưởng với TH đã bắt tay cộng tác, chẳng hạn như Liên minh người Việt Nam Cộng hòa và Hội người Việt Nam Bussy-Saint-George. Kết quả, hội CRAFV đã mang tiếng nói của cộng đồng người Việt đến Quốc hội và Thượng viện, đồng thời tham gia khôi phục bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng viện Cernuschi. Và chúng ta đã đạt được mục tiêu mang tiếng nói của cộng đồng người Việt Tự Do.

Và Tổng Hội quyết tâm đảm nhận trách nhiệm cao cả và phức tạp này. Với gần 60 năm kinh nghiệm, Tổng Hội – một trong những hội người Việt lâu đời nhất trên thế giới và được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở Pháp – có nhiệm vụ đoàn kết và thống nhất trong các hội Pháp-Việt. Vì vậy, việc TH khởi xướng lễ kỷ niệm 70 năm Cờ Vàng năm 2018, cũng như kỷ niệm 60 năm vào năm 2008, là điều hiển nhiên. Lá cờ vàng ba sọc đỏ là Lá cờ độc lập của Việt Nam, được xác nhận ngày 5 tháng 6 năm 1948.

Chủ động tổ chức lễ kỷ niệm rất quan trọng với nhiệm vụ huy động các hội đoàn Việt Nam cũng như tất cả những người Việt trung thành với Lá cờ vàng, để gây dựng trong đoàn kết một dự án đầy ý nghĩa, để nói lên tiếng nói của toàn thể cộng đồng Việt Nam tự do. Trong bao nhiêu tháng trời, những cuộc bàn luận sôi nổi diễn ra tại trụ sở TH, rồi tại Maison des Médecins du Vietnam libre khi số hội đoàn tham dự quá quan trọng. Rồi vào một ngày đẹp trời 9/6/2018, gần 500 người đại diện cho 17 hội đoàn đã ngập đường phố quận 13 Paris với bao nhiêu cờ vàng, màu áo dài lung linh, bài hát và tiếng nói kêu gọi tự do. Từ lòng phấn khởi của thành công này các hội đoàn tham dự đã có nguyện vọng duy trì tinh thần đoàn kết, xóa bỏ khác biệt cá nhân để cùng nhau làm việc cho chính nghĩa VN: tập thể Tinh thần Diên Hồng đã được sinh ra từ đây.

Năm 2018 cũng là một năm quan trọng, đánh dấu giao quyền từ thế hệ cha mẹ cho thế hệ trẻ của TH. Sau bốn năm cộng tác, lắng nghe và thảo luận, đã đến lúc trao chìa khóa Trụ sở cho các tài năng trẻ, lần này với sự thông hiểu và chia sẻ. Năm 2016 trước đó, một cuộc thảo luận đã xảy ra, lúc đó các bạn trẻ vẫn còn do dự, phân vân sau những biến cố năm 2014, e ngại không “làm bằng các đàn anh” và nhất là tự hỏi TH có đáng cho mình cống hiến một khoảng cuộc đời hay không. 

Nhưng câu hỏi “Và nếu ngày mai, sau nhiệm kỳ này, chúng ta tuyên bố kết thúc TH, các bạn nghĩ sao?” đã đặt ra vấn đề tối hậu về tương lai của Tổng hội sau 12 năm được ủy nhiệm bởi các chủ tịch trên 45 tuổi. Từ đó, nhóm “Ngọn đuốc” (Le Flambeau), với kinh nghiệm làm việc trong BCH hiện tại, đã ra ứng cử với mong muốn trẻ hóa TH và nhất là với sức mạnh đoàn kết và thúc đẩy của một nhóm bạn thân tình. Ngày Đại hội đồng thường kỳ, chúng ta còn nhớ những lời nói xúc động của anh Nguyễn Đình Hoàng, một cựu chủ tịch và trụ cột của TH, cảm kích lúc bàn giao giữa chủ tịch mãn nhiệm Nguyễn Hào và tân chủ tịch Nguyễn Quang Trung (Tino, với người thân quen thuộc). Một vị chủ tịch TRẺ 26 tuổi đã đến với chúng ta ! Và đây cũng là người chủ tịch đầu tiên sinh tại hải ngoại. Trao tay đã được hoàn thành, một kỷ nguyên mới bắt đầu…

Lire aussi/Đọc thêm  Phỏng vấn SBS Úc Châu 200808 (3)

Với một cách hữu hiệu : giới trẻ sử dụng những kỹ thuật tối ưu để thúc đẩy các sinh hoạt, giao tiếp và quyết định tập thể. Mối liên kết giữa giới trẻ thông qua mạng xã hội, từ Facebook và YouTube vào năm 2012, chúng ta mở rộng sang Instagram để tiếp cận tối đa thân hữu trong giới trẻ. Thông tin lan truyền hiệu quả hơn. Mỗi dự án được quyết định nhanh chóng sau khi thảo luận đồng thuận, tạo điều kiện tối ưu cho khả năng đáp ứng của BCH. Những cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa lứa trẻ thường được tổ chức để mở rộng khối bạn hữu. Kết quả là sự nổi bật và độc đáo của chương trình Tết 2020, là một tột đỉnh thành công trình diễn của thập kỷ, với một nhóm nghệ sĩ tài năng mới, hăng say cống hiến đến công chúng tất cả tài năng của mình trên sân khấu của nhà hát Massy. Kỹ thuật của chương trình cũng được “máu mới” trau giồi : phim ngắn vidéo trang bị nền sân kháu, kịch bản mới, trang phục và phụ kiện sân khấu mới. Một nhựa sống mới đã đến…

2018 : Kỷ niệm 70 năm cờ vàng
Những làn sóng trẻ đang đến
Ban đặc trách kỹ thuật tại Hội Tết THSV

Cho đến khi đại dịch Covid cô lập cả thế giới.

Sau màu sắc Tết 09/02/2020, lệnh cách ly được ban ra vào ngày 17/03. Như mọi việc khác ở nước Pháp, đời sống cộng đồng đã bị đình trệ. Không còn thể thao, không còn tụ tập.

Lớp Việt ngữ cố gắng tiếp tục qua Zoom theo yêu cầu của học viên nhưng vô ích, trao đổi tiếng Việt không thông qua màn hình máy tính. Thầy trò tiếc nuối tạm biệt, hứa hẹn sẽ gặp lại trong thời gian nào đó. Các vận động viên và các nghệ sĩ trẻ chỉ còn trổ tài trong phòng của họ. BCH trẻ băn khoăn không biết phải làm gì với khoảng trống bất ngờ này, đang lần mòn hủy hoại sinh hoạt của bao nhiêu hội đoàn.

Nhưng lo âu về sức khỏe không ngăn cản được nhựa sống. Sau khi tái cử vào tháng 6 năm 2020, BCH và ban Văn nghệ quyết định tiếp tục các buổi diễn tập, với đặc điểm là sẽ được thực hiện trong khu vực cá nhân, ở mỗi căn nhà. Nếu không thể biểu diễn trên sân khấu, TH sẽ khắc phục khó khăn bằng cách làm trên video YouTube văn nghệ đón mừng Tết 2021.

Tuy rằng hình ảnh đạt đến công chúng sẽ kém nồng nhiệt so với trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, nhưng điều cần thiết là phải duy trì thân tình, đoàn kết và trung thành giữa các bạn trẻ cũng như với tất cả thân hữu của TH.

Cuối năm 2021, để đáp ứng mong muốn của các nghệ sĩ trẻ, BCH đồng ý khởi động lại chương trình mừng Tết 2022, và quyết định này ngay lập tức đã cho toàn thể anh em một phấn khởi mới.

Khẩu trang hay không, tùy theo tình thế Covid, chúng ta lại bắt đầu diễn tập từ tháng 10 năm 2021, đồng thời với lớp Việt ngữ. Buổi tập múa đầu tiên đối với tất cả là một bầu không khí mới! Những tiếng cười vỡ òa, một niềm vui đoàn tụ, với cảm giác được CÙNG NHAU một lần nữa thám thính một cuộc phiêu lưu mới, nói tóm tắt là đã trở lại với cuộc sống, một niềm hạnh phúc khó tả. Các buổi diễn tập nối tiếp nhau và các điệu múa thành hình, bản kịch được sắp xếp chu đáo, các diễn viên đã chuẩn bị sẵn sàng.

Nhưng đến tháng 1 năm 2022, bầu trời lại tối đen, dịch bệnh đã tái hồi, tháng 2 trong dịp Tết không thể biểu diễn được như mong muốn. Lại một cú trời giáng. Nhưng không thể kìm lòng được nữa sau bao tháng ngày nỗ lực tập tành. Ban Văn nghệ theo dõi tình hình y tế, cố tìm kiếm một ngày thuận tiện khác, một phòng hát khác. Mừng quá ! Rạp hát Longjumeau mở cửa đầu tháng 4, mau mau toàn đoàn nghệ sĩ quay trở lại tập dợt. TH cố gắng, thích nghi nhưng không đầu hàng, chương trình văn nghệ đón Tết Nhâm Dần 2022 sẽ được trình diễn !

Tháng 6 năm 2022, đến lúc bầu cử BCH mới của Tổng Hội. BCH đương nhiệm dưới sự lãnh đạo của Tino đã tiến bước bất chấp khó khăn, và sau 4 năm hoạt động, nhường chỗ cho một tinh thần mới. “Ngọn lửa” (La Flamme), một nhóm bạn trẻ từ ban Văn nghệ, xung phong nối tiếp ban “Ngọn đuốc” (Le Flambeau), với nguyện vọng tiếp tục phát triển động lực do những anh chị và cha mẹ đã khởi xướng : “Chúng ta là những đứa trẻ, những người em nhỏ, nhờ những thế hệ trước mà hôm nay chúng ta tỏa sáng, và bây giờ đến lượt chúng ta gánh vác nhiệm vụ tỏa sáng cho Tổng hội Sinh Viên.

Như Tino, Phạm Nam Anh là một chủ tịch trẻ, năm nay 25 tuổi. Nhưng anh muốn, như những người bạn trẻ trong BCH, thực hiện công cuộc gây dựng và bồi đắp THSV với 3 động lực :
1. Duy trì và tăng cường Tổng hội, một mái nhà đã gắn kết và hướng dẫn bao lứa trẻ,
2. Đảm nhiệm gìn giữ di sản, tiếp tục công trình phát huy văn hóa và giá trị đạo đức Việt Nam,
3. Tiếp tục hàn gắn tình bạn hữu, lòng tin cậy và đoàn kết trong nhóm BCH.

Các bạn trẻ BCH biết rõ tiềm năng của mình, điểm mạnh của họ chính là khả năng chung tay làm việc, tương trợ lẫn nhau và thiện chí thông hiểu giữa BCH và BCV, với sự ủng hộ của tất cả các thân hữu TH. Nghị lực vững chắc này sẽ giúp chúng ta tiến tới một cách thanh thản và kiên quyết.

Và những kết quả kể từ năm 2023 đã cho đầy hứa hẹn:
– Hội Tết 2023 trở lại nhà hát Massy, mọi vé đều được bán hết trước ngày diễn,
– Thể thao : ban cầu lông khóa sổ đăng ký năm 2023-2024,
– Lớp Việt ngữ : lớp đông đủ 30 học sinh (TH kêu gọi tuyển chọn và đào tạo giáo viên mới cho niên khóa sau),
– Rất nhiều sự kiện hướng về giới trẻ đã được tổ chức với các buổi họp mặt hay sinh hoạt theo chủ đề ngoạn mục,
– Mạng xã hội: mở rộng hiển thị của Tổng hội trong giới trẻ (kênh YouTube, Facebook, Instagram, TikTok, v.v.).

Và trong năm 2024, sẽ có bao nhiêu sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Tổng Hội, cả một chương trình đang được tiến hành…

HDLH, Tháng 12 2023

Tổng Hội, Tổng Hội, Tổng Hội !

Cùng thập niên