agevp60.com

Thập niên 1964 - 1973

THSV đã ra đời và lớn lên như thế nào ? (P2)

(tiếp theo phần 1)

Xin nhắc lại rằng nhóm Prépa đã nắm lấy định mệnh của THSV trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Khối sinh viên Pháp gần như hoàn toàn ủng hộ phe cộng sản và chống Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc nội chiến. Phong trào phản chiến cũng bùng lên rất mạnh tại Mỹ. Uy tín của chế độ Việt Nam Cộng Hòa xuống sát số không.

Tại Paris, kể từ năm 1964 khi Mỹ ồ ạt đem quân tới Việt Nam, và các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa liên tục đảo chính nhau và thi nhau tuyên bố những câu vớ vẩn, không có tuần nào Paris không có biểu tình chống Mỹ, chống Việt Nam Cộng Hòa và ủng hộ phe cộng sản. Phe cộng sản động viên được sinh viên Pháp, Ả Rập, Châu Phi để đánh phá chúng tôi. Có lần họ kéo cả mấy trăm người mang gậy đá tới tấn công đêm Tết của anh em ở Cité Universitaire. Xung đột xảy ra thường xuyên. Một số anh em, trong đó có tôi, đã bị thương khá nặng. Dù vậy THSV với lập trường dứt khoát chống cộng và ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn vững mạnh và vẫn sống tới bây giờ, một nửa thế kỷ sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ.

Chìa khóa của thành công : một nhóm nòng cốt gắn bó

Lý do khiến THSV vẫn sống mạnh trong cơn bão tố là vì nó đã có được một nhóm nòng cột. Những chức vụ chủ tịch, tổng thư ký, trưởng ban v.v. chỉ là hình thức. Lập trường chính trị và mọi quyết định đều được thảo luận trong tình anh em bình đẳng. Các ban chấp hành đều được anh em cùng nhau đồng ý trước các đại hội. Cũng đã có những liên danh đối lập được đối xử rất công bằng trong những cuộc bầu cử tuyệt đối lương thiện nhưng liên danh của nhóm nòng cốt bao giờ cũng thắng rõ rệt.

Trong những khuôn mặt quen thuộc nhất của nhóm nòng cốt này mà tôi còn nhớ tên có Võ Văn Thành, Lê Văn Đằng, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Ngọc Danh, Huỳnh Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đinh Xuân Quân, Nguyễn Việt Cường, Huỳnh Hữu Thanh, Lê Văn Phúc, Phạm Tất Đạt, Bùi Ngọc Vũ, Nguyễn Tất Cường, Lê Tài Điển, Nguyễn Kết, Cao Hữu Hoài, Trương Vĩnh Tấn, Đỗ Trọng Thúy, Nguyễn Tăng Bình, Paul Faucheur, Nguyễn Phương Lam, Vũ Tiến Vượng, Phan Văn Trường, Cao Nguyên Hiển, Nguyễn Ngọc Châu, Vũ Văn Khôi,  Nghiêm Quang Thái, Cung Hồng Hải, Nguyễn Đại Thức, Phùng Đức Hùng, Phùng Đức Dũng, Trần Văn Bá …

Chắc chắn tôi quên một số người. Và dĩ nhiên một số khá đông các bạn gái mà chúng tôi hay gọi đùa là các “chị em ta” trong đó hai người nổi bật nhất là Lan Hương (sau này là bà Nguyễn Ngọc Danh) và Lan Phương (sau này là bà Nguyễn Văn Lộc). Hai chị em sinh đôi này được phong chức “chị nuôi quân đội” vì luôn luôn cho chúng tôi ăn sau mỗi lần ra quân, như thức khuya chuẩn bị đêm Tết, đi biểu tình, thậm chí đi đánh lộn với phe cộng sản, cả Việt Cộng lẫn Tây Cộng. Người trẻ nhất trong nhóm là Nguyễn Phương Lam mà tôi mới gặp lại bây giờ cũng đã 70 tuổi.

Điều gắn bó chúng tôi với nhau là niềm tin và tự hào rằng mình đang tranh đấu cho một lý tưởng đúng và đẹp: đấu tranh cho tự do, dân chủ, phẩm giá con người và tương lai đất nước.

Lire aussi/Đọc thêm  Tết Bính Thìn 1976
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ, nhưng không có ai trong chúng tôi xấu hổ vì lập trường đã qua của mình

Lập trường nền tảng của THSV là:

1/ quả quyết ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa vì tuy có nhiều, rất nhiều, khuyết điểm đó cũng vẫn là cuộc thử nghiệm dân chủ đầu tiên của nước ta, nhưng ủng hộ chính thể Việt Nam Cộng Hòa không đồng nghĩa với ủng hộ các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của các tướng lãnh;

2/ quả quyết chống lại chủ nghĩa cộng sản và lên án cuộc nội chiến do Đảng Cộng Sản gây ra.

Bây giờ chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản đã ngự trị trên cả nước nhưng chắc chắn không có ai trong chúng tôi xấu hổ vì lập trường này cả. Trái lại nó còn cho phép chúng tôi tự hào về tuổi trẻ của mình.

Lập trường này chúng tôi đã đạt đến sau những cố gắng học tập ráo riết. Chúng tôi học tập đủ thứ văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, kinh tế, chính trị. Và cả võ nghệ để tự vệ vì lúc đó phong trào cộng sản trên thế giới lên rất mạnh, nhất là tại Paris, chúng tôi bị đe dọa liên tục. Chẳng có gì là bắt buộc cả, ai muốn học hỏi điều gì cứ rủ nhau từng nhóm thảo luận rồi có gì hay thì kể lại cho anh em học hỏi. Tuy vậy phần chính vẫn là chính trị. Xuất phát từ cách học tập có phương pháp của các lớp Prépa chúng tôi thảo luận từ các khái niệm nền tảng đến các chính sách cụ thể trong tinh thần khách quan và thành thực. Chúng tôi cũng thảo luận gần như mỗi ngày về tình hình đất nước. Chúng tôi cùng kiểm điểm những cuốn sách và những bài báo cần phải đọc, phân công ai đọc rồi trình bày lại với anh em. Những đêm không ngủ được tổ chức khá thường xuyên.

Nhóm chính trị đồng thời cũng phụ trách công tác báo chí. Từ khi Hội Đàm Paris bắt đầu, năm 1968, Việt Nam trở thành vấn đề nóng nhất của thế giới, mọi chú ý tập trung về Paris. Sinh hoạt chính trị của cả hai phe quốc gia và cộng sản sôi động hẳn lên. Chúng tôi phải cố gắng hết sức, hy sinh cả giờ ngủ. Nguyệt san Sinh Viên ra mỗi tháng một lần không còn đủ nữa, chúng tôi quyết định cho ra tờ “Đây Sinh Viên” 4 trang mỗi tuần một số để chia nhau đem phân phối tại các cư xá và các Resto-U. Dĩ nhiên cũng có gửi bằng bưu điện.

Sau một thời gian, không biết do ý kiến của ai, tờ báo được đổi tên thành “Ý Thức Đấu Tranh Quốc Gia” và nhóm chính trị nòng cốt cũng dần dần mang tên này dù không chính thức. Lúc đó, sau năm 1968, đa số anh em đã tốt nghiệp và đi làm, hội họp trở thành khó khăn chúng tôi lấy một quyết định độc đáo là họp mỗi ngày vào buổi sáng. Anh em nào tới được thì gặp nhau mỗi buổi sáng tại một quán café ở Porte d’Orléans từ 6 giờ tới 8 giờ rồi chia tay đi làm. Tôi còn nhớ những người họp đều nhất Lê Văn Đằng, Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Hùng, Đỗ Ngọc Bách, Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Phương Lam. Cho tới này ít có tổ chức nào có sáng kiến như thế.

Lire aussi/Đọc thêm  Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc
Cựu đại sứ Bùi Diễm

Để có một ý kiến về sự hăng say của anh em xin kể một sự kiện. Đầu tháng 5-1968 ông Bùi Diễm, đại sứ VNCH tại Mỹ, sang Paris dự Hội Đàm Paris với tư cách quan sát viên vì lúc đầu hội đàm này chỉ diễn ra giữa Mỹ và Bắc Việt. Trước đó, khi ông Xuân Thủy và phái đoàn Hà Nội tới Paris, hai nhóm Liên Hiệp Sinh Viên và Liên Hiệp Việt Kiều đã tổ chức đón tiếp rất long trọng. Chúng tôi đã nói với Sứ Quán VNCH tại Paris là khi phái đoàn VNCH tới phải báo cho chúng tôi biết để tiếp đón long trọng, đừng để mất mặt. Hôm ông Bùi Diễm tới chúng tôi chỉ được báo bằng điện thoại hồi 5 giờ sáng. Tuy vậy chúng tôi vẫn động viên được hơn 50 anh em tới phi trường Orly đón ông Bùi Diễm hồi 8 giờ sáng. Cùng với nhân viên sứ quán cũng được khoảng 100 người. Buổi tiếp đón được báo chí Pháp thuật lại là long trọng.

Ngày 05/07/1968, sau gần hai tháng liên tục vận động khắp Châu Âu, chúng tôi tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại rạp Maubert Mutualité. Trong buổi mít tinh long trọng đó Liên Minh Sinh Viên và Công Nhân Việt Nam tại Châu Âu được tuyên bố thành lập với các phân bộ ở mọi nước Châu Âu với mục đích yểm trợ phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Đàm Paris. Liên minh này hoạt động cho tới khi Hội Đàm Paris kết thúc.

Một câu chuyện khác nói lên tinh thần của anh em THSV lúc đó. Ngay sau khi Hiệp Định Paris được ký kết bên cộng sản liên lạc rủ chúng tôi làm một cuộc thảo luận chung tại rạp Maubert Mutualites. Chúng tôi nhận lời ngay.  Hai bên chia tiền thuê rạp và chuẩn bị cuộc tranh luận nhưng gần tới ngày tranh luận bên cộng sản bỏ cuộc và bị cười là bỏ chạy.

Sau khi Hội Đàm Paris kết thúc một số đáng kể trong nhóm nòng cốt này lấy quyết định về Việt Nam –một số đã về trước- để có mặt trên đất nước trong khúc quanh lịch sử. Quá khứ hoạt động chung và đồng thuận trên một lập trường chung đã khiến chúng tôi vẫn thân thiết với nhau tại Việt Nam dù tất cả đều rất bận rộn. Điều rất may mắn là sau thảm họa 30/04/1975 chúng tôi cuối cùng đều đã thoát nạn dù một số anh em đã phải trải qua nhiều gian khổ. Nạn nhân duy nhất trong số người từ Pháp về là anh Nguyễn Trọng Huân. Anh Huân tự sát ngay sau khi quân cộng sản tràn vào Sai Gòn.  Nhưng anh Huân không thuộc nhóm nòng cốt của THSV, vả lại anh cũng chỉ tham gia THSV vài tháng, sau đó anh không còn một quan hệ nào. Về nước anh cũng không có hoạt động nào ngoài công việc nghề nghiệp. Anh cũng hoàn toàn không liên lạc với chúng tôi.

Một nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày tôi không còn hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Paris. Những ký ức nhắc lại trong bài này chắc chắn là rất thiếu sót. Tôi hy vọng dầu sao chúng cũng giúp anh chị em biết rằng THSV là một tổ chức đầy thiện chí đã ra đời và lớn manh lên trong khó khăn nhờ một niềm tin vững chắc vào một lý tưởng đúng và đẹp. Tinh thần dân tộc và sự gắn bó với đất nước Việt Nam đã là nền tảng của THSV và đã khiến nó vững mạnh trong thử thách.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (1)

Tôi cũng xin chia sẻ một vài ý kiến về tương lai Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris.

Phục vụ nước Pháp là bổn phận của lý trí, phục vụ Việt Nam là nghĩa cử của tâm hồn

Con trai tôi cũng đã từng tham gia ban chấp hành THSV (do anh Đặng Quốc Nam làm chủ tịch) khoảng hơn mười năm trước đây. Nó không lạc quan lắm về tương lai THSV. Có lẽ đây phải là quan tâm chính của các anh chị em gắn bó với THSV. Tôi xin đóng góp hai ý kiến nhỏ.

Ý kiến thứ nhất là cần có một nhóm nòng cốt có cùng một quyết tâm làm THSV lớn mạnh lên. Quyết tâm đó theo tôi sẽ chỉ có được nhờ sự gắn bó với đất nước Việt Nam. Tình bạn và tinh thần ái hữu không đủ. Theo tôi sự gắn bó với đất nước Việt Nam trong lúc này chủ yếu thể hiện qua quyết tâm đóng góp cho cuộc đấu tranh để dân tộc Việt Nam thoát khỏi chế độ độc tài này và có tự do, dân chủ. Cuộc đấu tranh này về bản chất không khó vì dân chủ là hướng đi của thế giới hiện nay và chế độ cộng sản đang sống những ngày cuối cùng. Tôi đã gặp nhiều sinh viên và thực tập sinh từ Việt Nam sang Pháp, nhiều người là con em của những quan chức cộng sản. Tôi không hề thấy một ai đồng tình với chế độ độc tài này cả. Đây là một khối người mà THSV có thể tranh thủ và họ cho chúng ta một bằng chứng rằng cuộc chuyển hóa của Việt Nam về dân chủ không khó và cũng không  còn xa.

Ý kiến thứ hai là trở ngại lớn nhất hiện nay là tinh thần dân tộc đã mờ nhạt. Chế độ cộng sản đã khiến người Việt Nam chán đất nước Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam tại Pháp đã hội nhập vào nước Pháp và lãng quên Việt Nam, không khác tuổi trẻ Việt Nam ở các nước khác. Nhiều người không còn nói thạo tiếng Việt nữa. THSV cần có một thông điệp hợp tình hợp lý để nói với tuổi trẻ Việt Nam và tranh thủ họ giúp Việt Nam. Thông điệp đó có thể là nước Pháp đã giúp họ nhưng nước Việt Nam đang cần họ. Nước Pháp là cha mẹ nuôi đáng yêu nhưng nước Việt Nam là cha mẹ đẻ đáng thương. Giúp nước Pháp là đúng, giúp Việt Nam là đẹp. Phục vụ nước Pháp là bổn phận của lý trí, phục vụ Việt Nam là nghĩa cử của tâm hồn.

Thân mến chúc các bạn một Tết Giáp Thìn thật vui và một tương lai thật đẹp.

Nguyễn Gia Kiểng