Thập niên 1964 - 1973
10 năm Tổng Hội (1)
I. Tổng Hội thành lập, sự xuất hiện của một sức mạnh mới
Sự ra đời của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã đánh dấu một hiện tượng rất mới: lần đầu tiên một tổ chức tranh đấu lấy quần chúng làm nền tảng của phe quốc-gia xuất hiện tại hải ngoại.
Trước đó, tổ chức Cộng Sản hoàn toàn tự do thao túng môi trường chánh trị tại Pháp nói riêng và Âu Châu nói chung. Họ không gặp một trở ngại đáng kể, một vài nhóm quốc gia lẻ tẻ năm ba người không những không ngăn chặn được họ mà còn gián tiếp trợ lực cho họ qua những hành động và lập trường vừa ấu trĩ vừa đáng ghét, qua lối sống vừa trưởng giả vừa phản động.
Chúng ta đang ở năm 1960.
Bối cảnh lịch sử không thuận lợi cho hoạt động quốc đứng đắn. Những người đi du học ai cũng biết ít nhiều về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, v.v… tất cả đã đều “lê gót nơi quê người”, tất cả đều nhờ những hoạt động ngoạn mục tại nước ngoài mà thành nổi tiếng, rồi thành anh hùng dân tộc hay nắm vận-mệnh quốc gia. Riêng vế phe quốc gia, chúng ta chỉ được thấy những nhân vật du học ngoại quốc về nước làm Bộ Trưởng, Thủ tướng. Bởi vậy, những sinh viên du học, cũng như những nhân sĩ lưu vong, hoặc là không có ý thức chánh trị gì hết hoặc là tự cho mình một sứ mệnh quá lớn đối với khả năng và tài đức của mình. Do đó, không ai chú trọng đến việc thành lập một tổ chức đấu tranh quần chúng, và nếu có nghĩ đến thì cũng không cho mình là thành phần quần chúng mà lại dành vai trò lãnh tụ. Ai cũng muốn trước hết tạo một danh tiếng cho cá nhân mình.
Trong tình trạng sa đọa tinh thần trầm trọng đó, tổ chức Cộng Sản có đủ ưu thế. Trước hết, họ đã đấu tranh, đã thành công, đã có quy củ, có tổ chức hẳn hoi, ai gia nhập đoàn thể họ phải bắt đầu từ hạ tầng cơ sở, làm cán bộ tay chân rồi dần dần mà lên. Do đó, họ có cả tướng lẫn quân, nghĩa là có quần chúng chứ không phải như phe quốc gia chỉ có tướng, phần lớn là tướng giả.
Hai nữa, Cộng Sản có hào quang kháng chiến, có trận Điện Biên Phủ, nghĩa là có nhiều điều kiện để thu hút quần chúng. Những người không theo họ lúc đó đa số là những phần tử trưởng giả phản động hay nhát sợ trước đe dọa mất học bổng, thông hành, những người quốc gia chân chính chống cộng vì lý tưởng là một thiểu số nhỏ nhoi.
Một Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp ra đời năm 1960.
Tổng Hội này do một số sinh viên thân Ngô Đình Diệm lãnh đạo, với sự cộng tác của một vài sinh viên quốc gia đứng đắn nhưng khả năng kém cỏi. Tổng Hội này chẳng làm được gì ra hồn. Thành tích vận động quần chúng của họ không hơn một vài đêm nhảy đầm. Thành tích chánh trị của họ không hơn một vài cuộc tiếp kiến các bộ trưởng của Ngô Đình Diệm. Lập trường chánh trị của họ chỉ là một số luận điệu cũ rích nghe cũng thấy ngượng. Tác phong của những người chủ xướng cũng chẳng có gì đáng khen.
Họ tàn lụi đi rất mau chóng, và hoàn toàn bị đào thải với chế độ Ngô Đình Diệm.
Hiện tượng đáng kể lúc đó là sự thành lập của nhóm Tự Lập (tên chính là nhóm sinh viên Tương Thân) do bác sĩ Lê Văn Hùng lãnh đạo. Ông Hùng, nhờ nếp sống giản dị, nhờ tác phong đứng đắn, nhờ ý thức hoạt động lành mạnh đã quy tụ được một số sinh viên khá đông đảo. Nhóm Tự Lực đã trở thành một trở ngại lớn cho Cộng Sản và bị Cộng Sản thường xuyên đả kích.
Nhóm Tự Lập đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris của chúng ta ngày nay, mặc dầu họ không phải là yếu tố thành công của Tổng Hội.
Nhóm Tự Lập chủ trương thành lập một Tổng Hội của tất cả mọi khuynh hướng trong đó dĩ nhiên hai lực lượng chính là Tự Lập và Cộng Sản, và Tự Lập cố gắng đấu tranh để nắm ưu thế. Phải nhìn nhận là nhóm Tự Lập hành động rất có kỷ luật và phương pháp, do đó họ đã ngăn chặn được phe Cộng Sản.
Xung đột giữa Tự Lập và Cộng Sản
Một cuộc xung đột sôi nổi diễn ra giữa hai phe, và dĩ nhiên việc thành lập Tổng Hội đi vào chỗ bế tắc. Cuộc họp nào cũng gay cấn, cũng cãi vã om xòm và cuối cùng ai cũng bất mãn. Phe Cộng Sản chỉ muốn như vậy, đằng nào họ cũng có đoàn thể của họ rồi, mục đích của họ là ngăn cản sự thành lập của một đoàn thể mới mà họ hoàn toàn không kiểm soát được.
Cuối cùng, phẫn nộ trước thái độ phá hoại của Cộng Sản, một số sinh viên quốc gia đã liều lĩnh chặn cửa không cho phe Cộng Sản vào phòng họp, vì thế một Uỷ Ban Lâm Thời Tổng Hội Sinh Viên đã ra đời phần lớn là những người của Tự Lập. Sở dĩ Cộng Sản thất bại hôm đó là vì họ bị bất-ngờ, họ đã quá quen với các buổi họp không kết quả và đã rút kết luận là chỉ cần hai ba chục người lớn mồm là đủ phá vỡ một buổi họp. Hôm đó chính vì đến ít mà họ đã không dám dùng võ lực để xông vào.
Nhưng đến đây, nhóm Tự Lập đi vào một sai lầm chiến lược to lớn : mặc dầu họ đã nắm được Uỷ Ban Lâm Thời nhờ trục xuất Cộng sản, họ không dứt tình được với Cộng Sản và vẫn chủ trương thành lập một Tổng Hội rộng lớn bao gồm cả Cộng Sản. Dĩ nhiên, họ bị Cộng Sản tẩy chay nhưng họ vẫn không đủ sáng suốt sửa đổi đường lối. Thay vì giữ vai trò lãnh đạo phong trào Quốc Gia, một vai trò mà họ có thể đóng được, Tự Lập có tham vọng lãnh đạo tất cả.
Tham vọng này buộc nhóm Tự Lập giữ một thái độ không dứt khoát với Cộng Sản, đưa họ vào một bế tắc về đường lối với những lập luận càng ngày càng lúng túng không thỏa mãn được không ai, ngay cả trong lòng Tự Lập, do đó chính nhóm Tự Lập cũng đã rạn nứt từ nội bộ. Lực lượng họ hao tổn dần, cuối cùng chỉ còn lại vài “lý thuyết gia” không nắm vững vấn đề với năm ba người ở lại vì tình bạn.
Lực lượng của những sinh viên trẻ
Trong lúc Cộng Sản và Tự Lập đụng độ dữ dội, một lực lượng quốc gia mới mẻ đuợc thành lập : lực lượng của những sinh viên trẻ, mới từ Việt Nam qua. Lực lượng này thường được gọi là nhóm “Prépa” vì lý do nhóm không có tên và do những người học dự bị thi vào các trường kỹ sư lãnh đạo.
Tuổi trẻ giản dị nên anh em đồng ý với nhau rất dễ dàng. Lập trường của anh em không bao giờ có bàn cãi về đường lối chính trị. Nhóm bành trướng rất nhanh, và có thể nói là ngay lúc Tự Lập lên cao nhất, lúc thành lập Uỷ Ban Lâm Thời, nhóm Prépa cũng đã mạnh hơn nhóm Tự Lập và việc trục xuất Cộng Sản ra khỏi phòng họp để Ủy Ban Lâm Thời ra đời cũng có bàn tay của họ nhúng vào. Tuy vậy, anh em cố hết sức để không xuất hiện như một lực lượng, thỉnh thoảng họ tiếp tay cho nhóm Tự Lập nhưng sau đó lại lặn sâu ngay.
Anh em dự định sẽ nắm Tổng Hội và biến nó thành một đoàn thể quốc gia quần chúng, giản dị với sứ mệnh khiêm nhường là chống cộng tại Pháp như những dân vệ giữ gìn một thôn xã. Anh em dự định ngay từ lúc đầu sẽ loại dần các lý thuyết gia, các chánh trị gia tự cho mình sứ mệnh trọng đại muốn dùng Tổng Hội làm bàn đạp tiến thân. Anh em muốn đóng vai trò công dân.
Chuẩn bị cho ngày “nắm Tổng Hội”
Từ năm 1962 cho đến năm 1965, nhóm không xuất hiện vì hai lý do :
- Đường lối chưa được vững vàng, kinh nghiệm đấu tranh chưa có.
- Phần lớn những cán bộ xuất sắc đều đương học Math Sup. hay Math Spéc. và ở nội trú không có thì giờ hoạt động.
Để chuẩn bị cho ngày “nắm Tổng Hội”, anh em học tập rất hăng hái về mọi vấn đề lịch sử, chánh trị, phương pháp hoạt động, đồng thời theo dõi cuộc tranh chấp giữa Cộng Sản và Tự Lập để rút kinh nghiệm .
Năm 1964, lúc Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris chính thức ra đời với một Ban Chấp Hành vá víu, anh em hầu như đã thành lực lượng duy nhất trước mặt Cộng Sản rồi, dầu vậy nhóm nhất định chuẩn bị thêm một năm nữa.
Năm 1965, nhóm nắm Tổng Hội một cách dễ dàng và Tổng Hội biến thành một đoàn thể công dân, với một sứ mạng đơn giản là chống tuyên truyền Cộng Sản hải ngoại, với những cán bộ không một chủ ý cá nhân nào trong đầu.
Lần đầu tiên, một đoàn thể quần chúng quốc gia xuất hiện. Tinh thần đó, anh em bao giờ cũng gìn giữ. Tổng Hội không còn là bàn đạp tiến thân của một số người tham vọng nữa. Nó thành dụng cụ đấu tranh của công dân Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, trong khuôn khổ lớn của cuộc đấu tranh chống chế độ Cộng Sản của nhân dân Việt Nam.
Lâp trường đó vẫn là lập trường của Tổng Hội hôm nay và sẽ còn là lập trường của Tổng Hội ngày mai.
Xem tiếp “10 năm Tổng Hội (2)” >>>
Nguyễn Gia Kiểng
(bài được viết vào thời gian kỷ niệm 10 năm thành lập THSV)
Các bài cùng thập niên