agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1964 - 1973

Nhìn về THSV 40, 50 năm về trước - Phần 2

(Tiếp theo phần 1)

Riêng ảnh hưởng đối với Tổng Hội thì trong khoảng thời gian không đầy 2 năm đó, sinh viên được phép ồ ạt sang Pháp rồi Pháp lại bị cấm đoán hoàn toàn để họ phải xoay sang đi Bỉ, đi Thụy Sĩ.

Vì sự chống phá của phe thân cộng rất mạnh mẽ nên phải mất đến mấy năm, cho đến cuối năm 1963 thì mới có được một Ủy Ban Lâm Thời làm đại diện cho sinh viên. Họ là một nhóm người năng động 7 của tổ chức chính trị Tự Lập đứng ra. Qua năm 1964 họ tổ chức được một trại hè ở Sète, thuộc miền Nam nước Pháp. Trên đà đó mấy tháng sau, qua mùa thu, họ lập được một liên danh và ra ứng cử như Ban Chấp Hành đầu tiên và chính thức của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris cho niên khóa 1964-1965 với anh Nguyễn Trọng Huân làm Chủ tịch. Liên danh được đa số sinh viên tin cậy, được bầu 8 và do đó năm khai sanh của Tổng Hội mới được ghi nhận là năm 1964.

Như thế ta phải nhìn nhận là cái công lớn cho sự hình thành của Tổng Hội thuộc về nhóm chính trị Tự Lập. Nhưng lại phải thêm là ngay từ BCH 1965-1966 của anh Nguyễn Gia Kiểng thì thế hệ các sinh viên sang Pháp trong những năm đầu của thập niên 60 đã đứng ra nắm giữ vận mệnh của Tổng Hội, đưa hội thoát khỏi ảnh hưởng của Tự Lập. Chính họ đã tạo dựng được cái tinh thần cao đẹp và độc đáo của Tổng Hội khiến nó trở thành một truyền thống mẫu mực, tiếp tục sống mãi trong bao nhiêu năm sau ngày họ rời xa Tổng Hội vào các năm 1972-1973 để trở về phục vụ đất nước. Họ trở về, làm chứng cho sự hiện thực của một Phong trào hồi hương do họ dấy lên, chưa từng có ở xứ Pháp.

Bối cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam vào thời điểm đó đã đòi hỏi ở Tổng Hội một vai trò bất bình thường ra ngoài khuôn khổ của một hội đoàn sinh viên kiểu ái hữu theo đúng nghĩa của nó. Tổng Hội không những phải xác định rõ ràng một lập trường chính trị quốc gia mà còn phải dấn mình vào cuộc đấu tranh giữa hai phe quốc gia và cộng sản. Điều lạ là những người đàn anh mở đường, thực hiện được chuyện đó một cách tự nhiên, thích ứng được với những khó khăn to lớn do tình thế đặt để. Dù chẳng hề được huấn luyện cho một vai trò vượt sức, họ cùng nhau học hỏi và thể hiện được câu ‘hợp quần gây sức mạnh’.

Lire aussi/Đọc thêm  Album Hình 1964 - 1973

Thật là kỳ diệu khi bỗng dưng ở Paris, trong lúc các chính quyền quốc gia tại quốc nội đang trên đà suy yếu, một số sinh viên trẻ có ý thức cao, gặp nhau và can đảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đi ngược lại trào lưu thời thượng, dễ dãi và giả dối của câu tuyên truyền ‘Chống Mỹ, Cứu Nước’ để làm sáng tỏ lý tưởng Quốc gia. Phải chăng là họ ‘Gặp thời thế, thế thời phải thế’.

Kết quả là Tổng Hội ngăn chặn được sự việc một số sinh viên của miền Nam rơi vào cái bẫy của lòng yêu nước bị lợi dụng và đẩy đi nhầm đường. Tổng Hội trở thành môi trường thuận lợi cho việc gây dựng ý thức chính trị. Người sinh viên lúc đầu đến chơi thể thao hay đi xem văn nghệ dần dần có dịp làm quen, rồi làm thân với các anh em có ý thức cao hơn để tự mình thay đổi tư duy theo lối ‘mimétisme’, một quy luật tự nhiên mà ta có thể gọi một cách văn vẻ là ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’. Chẳng cần gì học tập đến lý thuyết này, lý thuyết nọ. Có khi như vậy lại thích hợp với cá tính của con người quốc gia vốn yêu chuộng tinh thần tự do, chán ghét cái gì bó buộc, cái gì được đoàn ngũ hóa quá đáng.

Vì Tổng Hội đâu phải, và cũng không có mục đích, là một đảng phái chính trị. Mặc dù vậy, trong việc làm, anh em Tổng Hội đã tỏ ra tuân thủ một thứ kỷ luật thép, loại kỷ luật mà chính mình tự đặt cho mình. Đặc biệt là các tính chất tự nguyện, tự phát có được điều kiện thuận lợi để phát triển mang đến sự sáng tạo phong phú. Cho nên chúng ta không thiếu tổ chức, cũng chẳng thiếu đoàn kết và chúng ta cùng nhau làm được những chuyện phải nói là rất lớn lao so với bản chất của một hội đoàn sinh viên.

Lire aussi/Đọc thêm  Tổng Hội Sinh Viên Paris và chuyện hồi hương
Từ phải sang trái : Bùi Ngọc Vũ, Phạm Tất Đạt, Nguyễn Ngọc Danh. Năm 1970, khi BN Vũ đi Gia Nã Đại (Canada) học thì được 2 Phó CT là Phạm Tất Đạt và Nguyễn Ngọc Danh thay thế.

Việc cấm du học Pháp năm 1965 có thể giải thích phần nào chuyện đa số BCH 1969-1970 phải ở lại xử lý thường vụ vì không có sẵn ngay tầng lớp trẻ hơn đứng ra thay thế các đàn anh một cách liên tục như trước đó. Hai anh Phó Chủ tịch của BCH cũ Nguyễn Ngọc Danh, Phạm Tất Đạt, lên làm đồng Chủ tịch. Khó khăn này cũng chỉ xảy ra cho niên khóa 1970-1971 vì một số các sinh viên đi du học từ năm 1965 tại Bỉ, Thụy Sĩ, chỉ một hai năm sau lại mò sang Pháp học.

Nếu cứ tính là phải từ 2 đến 4 năm sau ngày đến Paris người sinh viên mới có điều kiện để tích cực tham gia vào một BCH Tổng Hội thì ta tìm ra hai trường hợp điển hình là Phan Văn Hưng và Nguyễn Như Lưu trong BCH 1971-1972 của Đỗ Ngọc Bách. Họ rõ là thế hệ nối tiếp, đúng lúc nhiều đàn anh của Tổng Hội mà tôi gọi là Tổng Hội I rời Pháp, hồi hương.

Ta có thể xem BCH 1971-1972 như điểm khởi đầu cho thế hệ này xây dựng cái Tổng Hội II. Đâu ai biết trước là các anh em Tổng Hội II này sẽ đưa hội qua đột biến hãi hùng của các tháng 3 và 4 năm 1975 và đẩy nó vươn mình tới một vai trò lịch sử chủ yếu không thể ngờ được.

Ngay đến lúc ra BCH 1969-1970 và sau đó, tôi cũng chẳng bao giờ có dịp học tập chính trị. Bài học chính trị độc nhất tôi học được trong môi trường Tổng Hội là trong đêm Tết đầu năm 1976 với tiếng hét ‘Ta còn Sống đây’ lồng trong những lời ca bi hùng của các bài hát do Phan Văn Hưng, người đã trở thành một nhạc sĩ tài ba sáng tác.

Tinh thần và lý tưởng quốc gia hiện ra nguyên vẹn, hơn thế, lại còn trong sáng hơn bao giờ vì hết còn những kẻ bất xứng lạm quyền thay mặt. Nó đã và vẫn nuôi dưỡng ý chí của anh em Tổng Hội II mà điển hình là những Hưng, Lưu, Hương, Dung, Tố, Bá, Trung, Giáp, Liêu, Sơn, Chí, Nhơn, Bảo, Nam, Thanh, Tuấn, H.Vân,…(tôi có lỗi vì không thể kể hết được các em tôi biết ít hơn). Tất cả lại còn dành những cố gắng, hy sinh vượt bực và đáng ghi nhớ để cho ra đời tờ Nhân Bản, nguyệt san quốc gia đầu tiên ở hải ngoại. Để nói lên cái hy vọng và niềm tin cho một ngày Tình người đến với dân tộc Việt.

Lire aussi/Đọc thêm  DHTT 1970

Và cái cảnh anh em ngồi la liệt dưới đất, xếp báo suốt đêm ở nhà Hưng đã khiến tôi trở lại với Tổng Hội II.

Giờ đây nhìn về quá khứ tôi chẳng biết Tổng Hội II đã chuyển thành Tổng Hội III lúc nào và chắc đã có đến Tổng Hội IV, hoặc V… Dù sao tôi biết Tổng Hội Sinh Viên Paris vẫn sống đó trong một vai trò phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế. Và quan trọng hơn cả là vẫn còn cái tinh thần Tổng Hội, tinh thần của những người tuổi trẻ biết trách nhiệm, dấn thân, hy sinh làm việc chung, đóng góp cho tập thể trong một tinh thần vô vụ lợi.

Tinh thần Tổng Hội trong sáng, rạng ngời vẫn soi đường.


7. Giáo sư Lê Văn Hùng dẫn đầu tổ chức này.
8. Anh Huân cũng không làm hết nhiệm kỳ và từ chức vào tháng 4 năm 65.

Bùi Ngọc Vũ

Các bài cùng thập niên