agevp60.com

Thập niên 1994 - 2003

Bềnh bồng một chiếc thuyền nan hội đoàn

Thập niên 1994-2003 là một thời sóng gió cho THSVVNP.

Về mặt chính trị, sự mở cửa kinh tế của Việt Nam đã là một món đòn giáng mạnh vào tinh thần đấu tranh. Số người Việt lưu vong trở về nước vì lý do gia đình, du lịch hoặc kinh doanh càng ngày càng tăng.

Sự hồi hương của những người Việt này, mà phần đông đã đến nước ngoài với tư cách tỵ nạn, là cái cớ để các trại ở Thái Lan và ở các nơi khác đã mượn để dần dần đóng cửa. Các chương trình viện trợ người tỵ nạn dần dần bị giảm bớt. Hô hào đấu tranh cho tự do ở Việt Nam được coi là một sinh hoạt chính trị và giới trẻ đã tránh THSV để chọn lựa tham gia vào những hội đoàn mang nhãn hiệu phi chính trị. Tinh thần đấu tranh mà từ trước đến nay đã gây niềm tự hào cho THSV bây giờ đã trở thành một khuyết điểm cho Hội.

Một số hội đoàn mới hoặc đã có mặt tại Paris đã được củng cố nhờ sự thay đổi này. Lúc đó, THSV đã phải đương đầu với những sự cạnh tranh, hoặc sự thách thức nếu như nói một cách tế nhị hơn, bởi các hội đoàn này, và một số đã họp với nhau để tổ chức những sinh hoạt mới. Điển hình cho những tổ chức năng động nhất thời đó là các hội đoàn như Hội Quang Trung, Thư Viện Diên Hồng, Hội Ái Hữu Người Việt vùng Bắc Paris, Lớp Hoang, Sampan Lychee, v.v.

Mặc dù các đêm văn nghệ Tết của Tổng Hội vẫn còn tiếng tăm nhưng số khách tham dự đã giảm đi một phần đáng lo. Vào thời điểm đó, các đêm Tết của Hội Ái Hữu Việt Kiều Vùng Nam Paris, còn gọi là “ Tết Orsay”, có vẻ được cộng đồng yêu chuộng hơn. Thêm vào Tết của tòa đại sứ cộng sản tổ chức làm tăng thêm sự cạnh tranh với Tết Tổng Hội.

Lire aussi/Đọc thêm  ĐHTT 1997 Paris

Nguồn nhân lực ngày càng giảm, nguồn tài chính ngày càng vơi, giá thuê Palais de la Mutualité ngày càng tăng, cuối cùng THSV đành phải rời bỏ rạp “Maubert” lịch sử để sang Palais des Arts et des Congrès ở Issy-les-Moulineaux (PACI viết tắt). Ý định này đã được bàn cãi từ lâu và đã đi đến quyết định năm 1995, năm cuối cùng của Tết Tổng Hội tại Maubert.

Sang năm 1996, với cùng số tiền thuê phòng, THSV đã chiếm toàn bộ PACI, “từ trên xuống dưới”, để tổ chức một ngày Hội Tết mà THSV muốn thật hoành tráng. Kết quả đã là một thành công rực rỡ. Hội chợ Tết chiếm hai tầng trệt và tầng một với khu vực tiếp tân dành riêng cho khách danh dự. Phòng hội chợ cũng có một sân khấu nhỏ dành cho dàn nhạc hoặc bất kỳ loại biểu diễn nào. Phòng văn nghệ không còn bị hạn chế thời gian phải biến lúc nửa đêm, giống như Cô Bé Lọ Lem, thành phòng khiêu vũ. Vì vậy, không còn vấn đề phải loại bỏ một màn múa khi bị trễ so với thời khóa biểu, điều luôn tạo ra căng thẳng gây gổ trong hậu trường. Hai không gian khiêu vũ đã được thiết kế, một bên dành cho dạ vũ (cho ông bà già theo quan niệm của giới trẻ) và một bên cho nhảy choi choi (cho bọn trẻ theo nhận xét của người già).

Một khó khăn nữa không kém phần quan trọng mà THSV đã gặp phải vào thời điểm đó là khu vực của trụ sở số 52-54 rue du Château des Rentiers ở quận 13 đang được xây lại vào năm 1995, khiến THSV không còn cơ sở để chuẩn bị cho những sinh hoạt của mình. Lúc đầu THSV chỉ có một hộp thư tại Centre des Deux Moulins nằm ở số 185-187 rue Château des Rentiers, sau đó là hộp thư thứ hai tại nhà bưu điện gần Place d’Italie. Mãi đến cuối năm 1997, THSV mới được cấp một cơ sở ở đại lộ 132 đại lộ d’Italie để làm trụ sở và vẫn còn tồn tại năm 2024.

Lire aussi/Đọc thêm  Giai đoạn chuyển mình

Bất chấp những dòng nước trái ngược này, THSV đã cố gắng giữ vững tay chèo để vẫn tiếp tục nổi trên mặt nước. Vì vậy mà ngay từ năm 1996, Hội Tết đã vãn hồi sức thu hút của mình. Cùng năm đó, THSV cũng đã khởi xướng và lôi kéo nhiều hội đoàn tham gia dự án Asiathon nhằm đóng góp cho chiến dịch Telethon trong việc tài trợ việc nghiên cứu và chữa trị những chứng “bệnh mồ côi”. Các buổi hòa nhạc cổ điển, biểu diễn đa văn hóa với sự góp mặt của các đoàn thể người Việt, Ấn Độ và Đài Loan diễn ra ở nhiều nơi trong Paris và vùng phụ cận, các buổi biểu diễn võ thuật được tổ chức ngoài trời tại Château de Versailles và ở Place d’Italie (Paris 13) để kêu gọi quyên tiền.

Trang đầu của Nhân Bản tháng 4 1997 giới thiều bài phỏng vấn tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của thể chế Việt Nam Cộng Hòa

Nguyệt san Nhân Bản tiếp tục xuất hiện trong hoàn cảnh vật chất, tài chánh khó khăn. Tuy thế, năm 1997, nhân dịp kỷ niệm ngày 30/04, ban biên tập đã gặt được một thành công lớn với cuộc phỏng vấn của Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, người không có một lời với bất kỳ cơ quan báo chí nào của Việt Nam kể từ khi chánh quyền Sài Gòn sụp đổ. Kỳ công này đã một lần nữa tạo cho nguyệt san Nhân Bản trở thành tâm điểm chú ý trong cống đồng người Việt tại hải ngoại.

Cũng vào năm 1997, THSV đã tổ chức Đại Hội Thể Thao Việt Nam Âu Châu lần thứ 32. Sinh hoạt thể thao mang tầm vóc Âu Châu này sau đó đã chấm dứt kể từ năm 2000. Không những đã tổ chức sinh hoạt nặng nề công sức này, Tổng Hội còn tổ chức song song Đại Hội Nhạc Trẻ Việt Nam Âu Châu, một cuộc thi ca nhạc qui mô với một ban giám khảo gồm nhiều thành viên nổi tiếng. Điển hình là nhà sáng tác nhạc Phạm Duy đã đến từ Hoa Kỳ, cũng như nhạc sĩ Trường Kỳ, một trong những đầu tàu của làn sóng nhạc trẻ Việt Nam trong những thập niên 1970, 1980. Nhiều ban nhạc đến từ khắp châu Âu để tranh tài. Mục đích và tham vọng của THSV là quy tụ giới thể thao và văn nghệ Việt Nam ở Âu châu cùng một lúc tại thủ đô Paris. Lễ trao huy chương và giải thưởng đã diễn ở cùng một nơi. Thực hiện hai sinh hoạt có tầm vóc châu Âu cùng một lúc, ít đoàn thể nào có thể tự hào có khả năng này.

Lire aussi/Đọc thêm  Tổng Hội Sinh Viên Paris và chuyện hồi hương
Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, các ban nhạc dự thi quay quần Saigon Band, ban nhạc trúng giải hạng nhất tại Đại Hội Nhạc Trẻ Việt Nam Âu Châu 1997

Tiếp năm sau, 1998, THSV đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Quốc kỳ Việt Nam Tự Do. Một thành công lớn khác có phạm vi vượt xa nước Pháp.

Năm 1999, THSV lợi dụng vỉa hè rộng lớn của đại lộ Italie ngay phía trước trụ sở để tổ chức Lễ hội âm nhạc “kiểu Việt” bằng cách sắp đặt một sân khấu với một quầy giải khát và bán thức ăn Á châu. Sự kiện này đánh dấu sự hiện diện của THSV trong khu phố và với dân cư.

Còn nhiều sinh hoạt nổi bật khác của thập niên (mà chúng ta không thể nêu ra hết các chi tiết) như : đêm “Thắp sáng niềm tin” trên quảng trường Trocadéro (1999), tham gia diễn hành Tết Nguyên đán (2000) cùng với các thương nhân và hội đoàn Á Châu trên đường phố quận 13,…

Ngày hôm nay, năm 2024, khi nhìn lại quãng đường đã trải, chúng ta phải công nhận nhiều đoàn thể đã ngừng hoạt động. Chỉ còn THSV là vẫn đứng vững, hô cao khẩu hiệu “Ta còn sống đây !”. Tổng Hội luôn biết cách đối mặt với nghịch cảnh, ngay cả khi chìm trong trũng sâu của sóng, để cuối cùng lại nổi lại trên mặt nước với cánh buồm căng gió. Rất xứng với tôn chỉ của thành phố Paris, “fluctuat nec mergitur” (bị sóng vùi nhưng không đắm).

Nguyễn Gia Hiển