agevp60.com

Thập niên 1964 - 1973

Nhìn về THSV 40, 50 năm về trước - Phần 1

Những lời bình luận trong  bài phản ánh góc nhì riêng của tác giả.

Bài này được viết như một đóng góp nho nhỏ theo lời kêu gọi của một số anh em đang cố gắng viết lại trang sử của đại gia đình THSVP, nơi qui tụ những người cùng một lý tưởng Quốc gia.

Tôi thuộc thế hệ sang Pháp du học năm 1964.

Tình cờ tôi được tham dự trại hè đầu tiên của Tổng Hội vào hè năm 1965 sau năm học đầu ở Versailles. Lúc đó tôi chưa biết Tổng Hội là gì và đó cũng là lần gặp gỡ đầu tiên. Phải chờ đến năm 1967 khi đã đỗ vào trường Ponts & Chaussées và về Paris sống trong nhà Lào-Việt tôi mới thật sự biết đến.

Năm 1967-1968 tôi sinh hoạt trong Ban Đại Diện nhà Lào-Việt nhiều hơn và đó là dịp quen biết các anh trong BCH Tổng Hội. Tôi bắt đầu tham gia Tổng Hội và vì chẳng có tài năng đặc biệt tôi chỉ đi tập hát và gia nhập Ban Hợp Ca cho Đêm Tết. Một công việc thật dễ vì có hát lạc giọng cũng chẳng mấy ai biết đến.

Hè 1968 tôi dự trại hè Tổng Hội ở Italie. Tôi nhớ năm đó có cả sinh viên từ Thụy Sĩ như Lê Phương Mai và Bỉ như Hạnh Quỳnh và vài người khác nữa tham dự. Điều này cho thấy tiếng tăm của Tổng Hội không còn giới hạn trong vùng Paris.

Sau hè tôi cũng không có chân trong liên danh của anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Điều này cho thấy là sự đóng góp của tôi không có gì tích cực cho lắm. Vẫn chỉ là đi tập hát vài tháng trước Đêm Tết.

Tổng Hội ra đời trong một hoàn cảnh rất khó khăn vì số người Cộng sản và thân Cộng ở Paris hoạt động rất mạnh. Giới trí thức Pháp, đa số là thiên tả, mang mặc cảm thua trận trong một cuộc chiến thực dân nên có thái độ muốn tự chuộc tội ; họ hướng dẫn dư luận theo một chiều hướng rất thiên vị và dành nhiều cảm tình cho chính quyền Hà Nội.

Ta cũng đừng quên là ngay sau khi về nước nắm quyền ông Diệm đã yêu cầu Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam thật sớm và chỉ được giữ lại một ít quyền lợi tối thiểu về kinh tế và văn hóa. Thành ra ngay từ đầu, trong môi trường Pháp, chính thể VNCH bị mang tiếng xấu, bị gài vào một thế đấu tranh chính trị bất lợi mà Cộng sản sở trường. Các lời mạ lỵ ‘Mỹ- Diệm’ rồi ‘Độc tài- Gia đình trị’ nhanh chóng xuất hiện. Trong khi đó chính quyền ông Diệm không những không tìm ra biện pháp để phản tuyên truyền, lại còn với thời gian, có những hành vi khiến cho các lời vu khống lúc đầu có chút hiện thực và có thêm cơ sở.

Lire aussi/Đọc thêm  Những ngày tháng ấy

Trong giai đoạn đó “tòa Đại Sứ có đỡ đầu cho một Tổng Hội Sinh Viên do anh Tống Song cầm đầu,nhưng chỉ có một số sinh viên rất nhỏ theo Tổng Hội này còn đa số sinh viên tẩy chay vì họ cho rằng Tống Song là tay sai của Tòa Đại Sứ, nghĩa là tay sai của chế độ Diệm”  1.

Đến năm 1963 vụ Phật giáo bùng nổ với xuống đường đấu tranh, dẫn đến vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức khiến cả thế giới lên án Sài Gòn.

Ta có thể đánh giá được không khí chống chính phủ Sài Gòn khi thấy hội trường tụ tập ở Institut Franco-Vietnamien đã làm đổ bể dễ dàng buổi thuyết trình của dân biểu Hà Như Chi, đại diện cho bà Nhu trong chuyến đi ‘giải độc’ của bà ở Paris. Lúc đó chính quyền ông Diệm đang mang tiếng thật nặng nề là đàn áp Phật Giáo. Kết cục là có đảo chánh và hai anh em ông Diệm, ông Nhu bị thảm sát với sự đồng lõa của Cabot Lodge viên đại sứ Mỹ. Có người cho đây là khởi nguồn của sự xụp đổ năm 1975 ; họ không hoàn toàn không có lý dù ta biết là còn rất nhiều nguyên do trực tiếp hay gián tiếp khác.

Sau này lịch sử sẽ phán xét về Công hay Tội của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đương nhiên sẽ lộ ra các phần tích cực cũng như các phần tiêu cực nhưng không ai có thể bỏ qua cái công to lớn của ông khi ông đóng nền xây dựng một chính thể cộng hòa. Ông đã biến đổi và ổn định một xã hội trong tình trạng thuộc địa chậm tiến, chi phối bởi những lực lượng cục bộ và phe nhóm của các giáo phái và Bình Xuyên ; nó còn bị đe dọa rơi vào hỗn loạn rồi tan rã lúc Chủ nhân thực dân cũ ra đi.

Đảo chánh 1 tháng 11, 1963. Quang cảnh ngã tư Lê Thánh Tôn và Pasteur

Đảo chánh 1-11-1963 dẫn đến 18 tháng khủng hoảng và xáo trộn chính trị ở Sài Gòn. Sau có ba tháng cầm quyền các tướng đảo chánh chủ chốt Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính bị tướng Nguyễn Khánh làm cuộc ‘chỉnh lý’ loại bỏ 2.

Ông Bùi Diễm cho là “Rút cuộc, thay ông Diệm là một nhóm tướng lãnh thiếu ý thức và kinh nghiệm chính trị, lại bị phân hóa, rồi mấy tháng sau một ông tướng khác lại cướp chính quyền, tất cả như đóng hề trên sân khấu.” 3.

Lire aussi/Đọc thêm  Tết Bính Thìn 1976

Lúc đó tướng Đỗ Mậu là Phó Thủ tướng kiêm Văn Hóa-Xã Hội, ông kể “Tôi chủ trương phải tạo lại thế chủ động cho kiều bào và sinh viên quốc gia hầu đánh tan cái uy thế của Hà Nội trên đất Pháp. Năm 1964, tôi đề nghị với chính phủ Nguyễn Khánh gia tăng số sinh viên du học tại Pháp mà giảm bớt số sinh viên du học tại Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi… Đề nghị của tôi lúc đầu bị một số bộ trưởng phản đối vì sợ quốc gia sẽ mất đi một số ngoại tệ lớn…Nhưng rồi cuối cùng tướng Khánh và một số nhân viên của chính phủ thấy vấn đề chống Cộng của Việt kiều trên đất Pháp là cần thiết nên đã chấp thuận cho trên 800 sinh viên ra đi, mà lần này đa số là các sinh viên đã từng theo học chương trinh Việt ở bực Trung học chứ không phải hoàn toàn từ các trường Tây như trước” 4.

Nhờ thế năm 1964 rất đặc biệt ở chỗ lần đầu tiên có một số lớn sinh viên được đi Pháp du học. Một số anh em nói trên hẳn đã có mặt trong buổi họp bầu BCH đầu tiên và đóng góp vào sự ra đời cũng như sự lớn mạnh của Tổng Hội sau đó.

Song cái khổ là ‘tuồng hề của ông Bùi Diễm‘ vẫn tiếp diễn và trở thành thảm kịch cho miền Nam cho đến ngày đóng màn năm 75. Tháng 11 năm 1964 tướng Nguyễn Khánh trao quyền lại cho một chính phủ dân sự do ông Trần Văn Hương dẫn đầu. Chính phủ này cầm quyền không được 3 tháng rồi được thay bởi chính phủ Phan Huy Quát ngày 27-1-1965. Chính phủ Quát cũng chẳng ổn định được tình hình nên từ chức ngày 5 tháng 6 1965 trả lại quyền điều khiển quốc gia cho Quân Đội.

Trong khoảng thời gian đó tướng Khánh đã lui về làm Chủ tịch Hội Đồng Quân Lực lại bị Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Bảo Kiếm 5 đảo chánh, ép bỏ nước ra đi vào ngày 24 tháng 2 1965.

Hội Đồng Quân Lực lại đưa tướng Nguyễn Văn Thiệu vào vai trò Quốc Trưởng với danh xưng Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc gia và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng với danh Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Đến ngày 24-6-1965 chính phủ Kỳ họp báo tuyên bố tình trạng chiến tranh, đoạn giao với Pháp nên năm đó chắc không còn sinh viên nào được đi Pháp nữa.

Lire aussi/Đọc thêm  Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc

Phải dông dài chút xíu về tình hình chính trị ở Sài Gòn trong giai đoạn này vì nó chắc chắn đã có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử của miền Nam Việt Nam. Ta phải nhớ là Hoa Kỳ cho hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng vào lúc thủ tướng Phan Huy Quát đang tại chức mà ông cũng không được báo trước. Cuộc chiến đấu của người quốc gia cũng mất đi chính nghĩa từ ngày đó và đây cũng là một trong các lý do đưa đến sự xụp đổ của miền Nam 6.

Xem tiếp phần 2


1. Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, trang. 879
2. Lúc chính tướng Khánh cũng bị đảo chánh ông tự bào chữa với tướng Đôn « Anh Đôn à. Tôi không dính dáng gì trong vụ chỉnh lý cả, nhưng sau đó tôi lợi dụng dịp này để nắm quyền. » và đổ lỗi cho tướng Khiêm chủ mưu. Trần Văn Đôn Việt Nam Nhân Chứng, trg. 362
3. Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, trang 191.
4. Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, trang. 880-881.
5. Về sau mới biết được hai người cuối là Cộng sản
6. Chính sách và đường lối của ông L. B. Johnson được nghiên cứu tỉ mỉ trong hai chương “La ‘guerre limitée’ de Johnson : 1. L’escalade – 2. L’impasse.” của sách Les Quốc gia 1960-1975 ou Histoire des Perdants de la 2e guerre du Việt Nam, Bùi Ngọc Vũ, éditions Nombre7. Chắc ít người biết là Johnson liên kết với nhóm tài phiệt của Military-Industrial Complex để ám sát Tổng Thống Kennedy rồi lên làm Tổng Thống. Ông trả nợ họ qua việc cho đổ quân sang Việt Nam hòng tiêu thụ quân giới và làm giàu cho kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Đây không phải là chuyện của một ‘théorie complotiste’ nào mà do nhiều nhà nghiên cứu sử đưa ra. Tên và sách của họ đều có trong Les Quốc Gia 1960-1975.

Bùi Ngọc Vũ