agevp60.com

Thập niên 1964 - 1973

10 năm Tổng Hội (2)

II. Mười năm đấu-tranh chánh-trị

Như phần trước đã trình  bày, cuộc tranh đấu chính diễn ra dưới danh nghĩa chính thức Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Trong những năm Tổng Hội không có thái dộ chính trị sáng sủa, một lực lượng nồng cốt của Tổng Hội được chuẩn bị và từ cuối năm 1965, Tổng Hội công nhiên tự nhận định như một đoàn thể quần chúng quốc gia.

Trước năm 65, dữ kiện chính trị tại Pháp như sau:

– sự hiện diện của một lực lượng Cộng Sản hùng mạnh, với luận điệu tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” rất ăn khách.

– trước mặt họ, là nhóm Tự Lập, một nhóm quốc gia lừng khừng, hổ thẹn vì mình là quốc gia, không giám dứt khoát đường lối.

– một vài phần tử trưởng giả, phản động, tham vọng, chỉ được coi là “quốc gia” vì lập trường phản động của họ.

Trước hoàn cảnh ấy, công việc đầu tiên là tạo một nồng cốt quốc gia. Nồng cốt này đã được thành lập và chuẩn bị trong hơn ba năm trời. Kể từ ngày 1/11/1965, Tổng Hội đi vào một chiều hướng mới cho tới ngày nay.

Có thể nói những năm 63, 64, 65 là những năm quan trọng nhất của phong trào quốc gia. Nhờ những năm chuẩn bị đó mà chúng ta đã đào tạo được một số đông đảo cán bộ để gìn giữ phong trào trong nhiều năm.

Điều ngạc nhiên nhất là hai lực lượng Cộng Sản và Tự Lập đều không ngờ, mặc dầu lực lượng quốc gia được thành lập một các rất công khai. Nhóm Tự Lập không ngờ là sau này họ bị đào thải rất nhanh chóng. Cộng Sản cũng không ý thức được sự chổi dậy của một lớp người quốc gia mới. Cho tới năm 68, lúc mà Tự Lập hầu như đã tan rã rồi, Cộng sản vẫn còn cho là Tổng Hội do Tự Lập lãnh đạo, các truyền đơn của họ vẫn còn chú trọng đả kích nhóm Tự Lập. Có lẽ chỉ tới năm 68, Cộng Sản mới biết họ lầm.

° 1965 – 1966 : Năm chuyển hướng của Tổng Hội

Trong năm này, mục tiêu chính của Tổng Hội là củng cố về phương diện chính trị. Ban Chấp Hành đã có một thái độ vô cùng mềm dẻo và cởi mở. Thay vì khai chiến với nhóm Tự Lập như một số sinh viên nóng nảy đòi hỏi, Ban Chấp Hành đã chủ trương hợp tác thành thực vớI nhóm Tự Lập vì nhận định họ cũng là người chống Cộng. Nhóm Tự Lập ngược lại cũng tiếp tay đắc lực với Ban Chấp Hành .

Nhận định của Ban Chấp Hành là nhóm Tự Lập trước sau cũng tan vì nền tảng không vững. Nhận định quả không sai, nhiều người trong nhóm Tự Lập sau này đã bỏ nhóm để trở thành những người quốc gia dám nói dám làm.

Lực lượng Tổng Hội lên và gây tin tưởng nên các nhóm quốc gia riêng rẽ như phong trào Sinh Viên Quốc Gia, Hội Trường Luật, Hội Trường Chính Trị đã tự động hủy thể, tập trung cố gắng trong lòng Tổng Hội.

Ba cư xá Đông Dương (bây giờ là Đông Nam Á), Pháp Việt, Lutèce (bây giờ là Đất Việt) cũng tự coi là thành viên của Tổng Hội và bỏ hết mọi hoạt động chính trị riêng rẽ để hỗ trợ họat động chánh trị của Tổng Hội.

Tinh thần đoàn kết và lòng tin tưởng lẫn nhau lên rất cao. Tổng Hội đã không bị cuộc khủng hoảng Phật Giáo miền Trung làm lay động.

Cuộc hội thảo “Thanh Niên và Thời Đại” diễn ra trong ba tuần liền đã đạt được kết quả tốt đẹp hơn dự định. Nó đã đánh dấu một sinh hoạt chính trị mới trong phong trào. Mọi thắc mắc, mọi lập trường đều được mổ xẻ và tinh thần nhất trí đã tiến một bước dài. Cũng năm đó, Tổng Hội thách thức UNEF mở cuộc tranh luận công khai nhân dịp tuần lễ V.N. do UNEF tổ chức để ủng hộ V.C., UNEF tháo chạy, lòng tin tưởng của anh em sinh viên quốc gia cũng lên.

Tổng Hội tham dự hai cuộc thảo luận của trung tâm văn hóa quốc tế với phát biểu đặc sắc và tiến bộ, đồng thời bắt liên lạc thường xuyên với các đoàn thể sinh viên Pháp và ngoại quốc khác. Sinh viên Pháp và ngoại quốc bắt đầu ý thức sự hiện diện của một lực lượng sinh viên quốc gia tiến bộ.

Ý thức quốc gia dần dần được bộc lộ rõ rệt qua Tổng Hội. Ý thức đó từ chối thẳng thắn chủ nghĩa sa đọa Cộng Sản, chấp nhận sự can thiệp của Hoa Kỳ như một giải pháp cứu nguy ngắn hạn, chủ trương củng cố, xây dựng chánh thể V.N.C.H. mỗi ngày một lành mạnh, đi tới độc lập hoàn toàn với thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Ý thức đó chủ tịch Tổng Hội đã nói với sinh viên Hoa Kỳ qua cuộc phỏng vấn vô tuyến truyền hình CBS: “Chúng tôi cần người Mỹ trong lúc này để chống cộng nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận sự kiện này trong tương lai.”

Lire aussi/Đọc thêm  Tết Bính Thìn 1976

Nói chung, từ năm 65, Tổng Hội đã xuất hiện như đoàn thể của những người quốc gia không mặc cảm, hãnh diện vì lập trường quốc gia của mình và tin tưởng tuyệt đối vào tương lai.

Cũng cần nói lên một khó khăn năm 66. Thái độ độc lập và thẳng thắn của Tổng Hội đã làm ông Tổng Lãnh Sự VNCH bất bình đi đến quyết định đuổi Tổng Hội ra khỏi trụ sở 80 đường Monge, nhưng ông Tổng Lãnh Sự đã bị triệu hồi trước ngày của tối hậu thư ông gởi cho Ban Chấp Hành.

° 1966-1967. Sự trưởng thành của Tổng Hội

Ban chấp hành kế tiếp tự cho mình sứ mệnh củng cố nền tảng Tổng Hội. Vấn đề quản trị Tổng Hội được đặt nặng hơn. Về mặt chánh trị, đường lối vẫn như năm trước, những buổi học tập được tổ chức thường xuyên mỗi tuần nhằm mục đích đào tạo cán bộ nồng cốt. Số cán bộ tăng gấp đôi và tầm hoạt động bắt đầu lan ra các tỉnh. Nhờ tiền lời đêm Tết, Tổng Hội đã có phương tiện gởi cán bộ đi các tỉnh, thảo luận, thúc đẩy tinh thần đấu tranh của các ái hữu.

Trong năm này, một cuộc thảo luận về Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa giữa đại diện Tổng Hội, đại diện Tự Lập, một đại diện nhân sĩ lưu vong và một đại diện nghiệp đoàn Việt Nam đã một lần nữa đánh dấu sự trưởng thành của ý thức quốc gia.

Tiếp tục phát huy lập trường quốc gia tiến bộ do Tổng Hội đề xướng, Ban Chấp Hành đề nghị với nhóm chính trị thảo luận công khai với mục đích đập tan các huyền thoại về các chánh trị gia lưu vong, nhưng tất cả đều từ chối vì thật ra lập trường họ không có gì vững vàng.

Tổng Hội cũng đã lố bịch hóa cuộc vận động của một số trí thức lưu vong muốn lập chính phủ ma, khiến họ phải bỏ cuộc “đại hội” tại Hotel Lutecia.

Ban chấp hành tuyên bố công  khai sẵn sàng tranh luận với đại  diện Cộng Sản về mọi vấn đề  nhưng không có hồi âm. Nói  chung trong năm 67, Tổng Hội  đã thành một đoàn thể quần  chúng đấu tranh hùng hậu, có lực lượng mạnh và lập trường sắc bén.

° 1967-1968. Đấu tranh trên bình diện Âu Châu

Tổng Hội đã mạnh, nền tảng Paris đã vững vàng, hỗ trợ tại các tỉnh cũng đầy đủ, cố gắng bắt đầu đi lên bình diện Âu Châu, mặc dầu nồng cốt cán bộ tại Paris được tuyên-huấn ráo riết. Cuộc thảo luận sôi nổi “Việt Nam những ngày sắp tới” giữa đại diện Tổng Hội và đại diện Tự Lập đã là hồi chuông vĩnh biệt của nhóm Tự Lập. Tổng Hội từ đây hoàn toàn chỉ đạo các lực-lượng không Cộng Sản, qui tụ lại thành một lực lượng duy-nhất : Tổng Hội.

Tết Mậu Thân với cuộc tấn công lén lút và hèn nhát của CS đã đưa phong trào lên cao độ. Trước thái độ nham nhở ăn mừng chiến thắng của Cộng sản, Tổng Hội đã thúc đẩy mạnh họat động trên hai mặt :

A/ Quyên tiền trợ giúp đồng bào trong nước, vừa giúp phần nào đồng bào vừa nói lên sự tàn phá của chiến tranh do CS gây ra.

B/ Bẻ gẫy tuyên truyền Cộng Sản, phân tích ý nghiã cuộc tổng tấn công, bộc lộ sự suy đồi về quân sự của CS song song với bế tắc về đường lối.

Cố gắng trên mức độ Âu Châu đã đưa lại một kết quả mỹ mãn cuộc mít-tinh 5/7/68 với gần 2000 kiều bào tại Âu Châu, lần đầu tiên nói chung một tiếng nói quốc gia tiến bộ yêu nước, chống ngoại nhập, chống CS đồi trụy. Cuộc mít-tinh đã là một dịp để người quốc gia vững thêm niềm tin, trút bỏ những mặc cảm cuối cùng, mọi người quốc gia từ đây vững tin chúng ta chống cộng vì Cộng Sản là một chủ nghiã dở, lỗi thời, mù quáng vì mục đích của ta theo đuổi đúng hơn, cao hơn hợp với đà tiến hoá của nhân loại hơn.

Những cố gắng hoạt động và rèn luyện đã thành công vì từ đấy chúng ta có thể chống cộng một cách tin tưởng, một cách khinh bỉ. Mặc cảm đã hết, hoàn toàn hết !

Điều đáng để ý là trước đó vài tuần phe CS cũng có tổ chức một cuộc mít-tinh với các lãnh tụ cao cấp của họ ở trên diễn đàn : Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thị Bình nhưng họ đã thất bại vì người tham dự không quá 500 lại toàn ông già bà cả đi nghe nhạc vì có chương trình văn nghệ. Thật là thiểu não.

Chúng ta đã vượt xa lực lượng CS. Cũng chính vì vậy mà bắt đầu từ năm 68, Tổng Hội bắt đầu phải đối phó với một chiến thuật mới của Cộng Sản Việt Nam tại Pháp : dùng các tổ chức thân cộng Pháp để tấn công Tổng Hội. Chúng ta đêu nhớ vụ tấn công nhà Đông Dương, các biểu tình tại Cité Universitaire, vụ Antony. Vụ nào cũng như vụ nào, hai ba chục tên Việt Cộng mặt mày lơ láo đi sau cả mấy trăm tên du đãng người Pháp, ả Rập, người Phi Châu mang gậy gộc hung hăng gây hấn. Trước mặt họ là những sinh viên VN yêu nước can đảm đối phó.

Lire aussi/Đọc thêm  Tổng Hội Sinh Viên Paris và chuyện hồi hương

Còn bao nhiêu vụ lẻ tẻ nữa, một số bạn chúng ta phải vào nhà thương điều trị, nhưng tinh thần vẫn còn vẹn nguyên. Ban Chấp Hành đã cố giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa, không nổi nóng trước những khiêu khích ấy. Trong một vài dịp chúng ta đã bắt buộc phải trả đũa để dằn mặt bọn côn đồ, nhưng lập trường của chúng ta không lúc nào không hòa nhã, đứng đắn.

Tập quán ươn hèn của CS đem ngoại quốc đánh anh em VN mãi tới gần đây mới thấy hết. Không biết là do CS đã đổi hướng hay vì bọn côn đồ ngoại quốc đã hết hồn sau vụ Grenoble ?

Cũng trong năm 1968, trước dấu hỏi lớn lao của lịch sử, Liên Minh Công Nhân và Sinh Viên Việt Nam tại Âu Châu ra đời. Sự thành lập của Liên Minh có mục đích tạo một dụng cụ đấu tranh đặc biệt phòng ngừa trường hợp đấu tranh chánh trị Quốc Cộng thay thế cho đấu tranh võ trang. Tới năm 1971, khi mọi phân tích chính trị đều đưa tớI kết-luận là sẽ không có một giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ thuần túy chánh trị, Liên Minh tự quyết định giả tán. Tổng Hội lấy lại vài trò đấu tranh trường kỳ.

Cũng trong năm 68, tờ “Đây Sinh Viên” ra đời. Tờ báo này ra hai tuần một lần với mục đích hoàn toàn chánh trị. Nhóm Đây Sinh Viên là nồng cốt lãnh đạo Tổng Hội Nhận định của chúng ta lúc đó cho thấy sự cần thiết của một nồng cốt thường trực hỗ trợ và dẫn đạo các Ban Chấp Hành thay đổi hàng năm để đối phó với đảng Cộng Sản. Tờ Đây Sinh Viên ngừng sau khi ra được 45 số.

° 1968-1973

Bốn Ban Chấp Hành (và một ban xử lý thường vụ) từ cuối năm 68 trở đi, trên đường đã vạch sẵn, liên tục cố gắng trau dồi và phát huy lập trường quốc gia tiến bộ.

Sự liên tục này nói lên tính cách bền vững của Tổng Hội. Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn nhận rằng dần dần những họat động ái hữu như Đại Hội Thể Thao, đêm Tết bắt đầu chiếm nhiều thì giờ. Mặt khác đường lối quốc gia đã vững, chỗ đứng của VNCH đã mạnh khiến cho điều học tập, rèn luyện không còn là ưu tư số một nữa. Tổng Hội biến thành hội sinh viên của một quốc gia mà số phận không bị đe dọa nữa, cố gắng chính trị tuy vẫn mạnh, nhưng chỗ đứng của các hoạt động hiếu hỉ, thân thiện quan trọng hơn trước.

1968 : biểu tình trước trung tâm hội nghị để phản đối đàm phán Mỹ – Bắc Việt

Trong những năm này, ta có thể kể :

– Biểu tình tại hội trường Kléber trong ngày khai mạc hội nghị bốn phái đoàn.

– Thảo luận giữa đại diện Tổng Hội và Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn về các vụ xuống đường tại Sàigòn.

– Biểu tình chiếm cứ tòa Tổng Lãnh Sự. Tổng Hội đánh điện cho Tổng Thống, Thủ Tướng, chủ tịch hai viện lập pháp đòi trả tự do cho cac sinh viên bị bắt giữ.

– Trong kỳ đại hội sinh viên tháng 12/69, nhóm Hướng Về Đất Việt bị công khai lên án, Tổng Hội dứt khoát thái độ với một nhóm thiên cộng hoạt động trong hàng ngũ quốc gia.

Nói tới nhóm Hướng Về Đất Việt, thiết tưởng cũng nên nhắc lại quá khứ. Thành lập từ năm 65, nhóm này do sự kết hợp của một số Tự Lập ly khai và một số sinh viên không muốn hoạt động ra mặt, mặc dầu tiếp tay khá đắc lực cho Tổng Hội. Họ là một nhóm quốc gia với hoài bão tìm một lập trường quốc gia tiến bộ. Các Ban Chấp Hành đều không thấy gì trở ngại với sự hiện diện của họ. Trái lại, trong mỗi Ban Chấp Hành đều có sự hiện diện của một hay hai người trong nhóm HVĐV. Sự chuyển hướng của họ bắt đầu từ Tết Mậu Thân. Trước cuộc tấn công dữ dội của CS, họ hoảng sợ (mẫu số chung của những người trong nhóm HVĐV là nhát sợ) và bắt đầu dọn đường thân thiện với CS.

Tổng Hội đã nghiêm khắc cảnh cáo họ. Một cuộc đả thông đã diễn ra giữa các đại diện HVĐV và nhóm Đây Sinh Viên, nồng cốt lãnh đạo Tổng Hội lúc đó, và đã đi đến thỏa hiệp. Nhưng rồi HVĐV vẫn tiếp tục lập trường bại trận và phản bội của họ, Tổng Hội đi đến kết luận phải loại trừ nhóm HVĐV. Chiến thuật loại trừ gồm hai giai đoạn :

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (1)

– Trước hết cảnh giác các hội viên Tổng Hội một cách kín đáo giải thích thái độ của nhóm HVĐV trong môi trường Tổng Hội, ngăn chận hoạt động của họ.

– Sau cùng, bắt đầu từ đại hội tháng 12/69 trở đi, khi thấy chuẩn bị đã đầy đủ, Tổng Hội công khai lên án.

Từ đó, nhóm HVĐV tàn lụi hẳn đi, bây giờ đa số người theo đã bỏ nhóm. Một hai người còn lại bị CS thu hút.

Cũng nên nói đến hai trại hè về VN. Hai trại này, tuy nằm trong khuôn khổ sinh họat ái hữu sẽ nói ở phần sau, nhưng cũng có ảnh hưởng chính trị đáng kể. Một số sinh viên từ trước không mấy đấu tranh, sau khi về thăm quê hương, đã trở thành cán bộ đắ lực.

Cũng không nên quên các buổi nói chuyện do Tổng Hội tổ chức, với sự tham dự của các nhân vật quan trọng trong cũng như ngoài chánh quyền và cuộc biểu tình trong ngày ký hiệp định Paris với sự tham gia của hơn hai trăm sinh viên từ khắp địa điểm Âu Châu. Biến cố quan trọng nhất của những năm này có lẽ là cuộc mít tinh 14/5/72 tố cáo cuộc xâm lược của quân lực Hà Nội. Sinh viên Việt kiều tại Âu Châu một lần nữa chứng tỏ sự ràng buộc tha thiết với quê hương và chánh nghĩa quốc gia. Khả năng động viên dư luận của Tổng Hội còn nguyên vẹn.

° 1973-1974. Một sinh khí mới

Năm 1974 đánh dấu mười năm đấu tranh của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Một Ban Chấp Hành mới đông đảo và trẻ trung nắm vận mệnh Tổng Hội. Họ là những người xấp xỉ đôi mươi đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Khi Tổng Hội dược thành lập cũng như trong những ngày đấu tranh khó khăn nhất của Tổng Hội, họ còn để chỏm hoặc đang mài đũng quần trong các trường trung học VN. Hôm nay họ lãnh đạo Tổng Hội.

Khẩu hiệu của những người này là “Mười năm mạnh tiến”. Họ muốn tiến mạnh trong sự liên tục, họ muốn tận dụng mọi tiềm năng cũ mới của Tổng Hội. Chương trình của họ nhằm dành ưu tiên cho đấu tranh chánh trị. Họ là một bước tiến, một luồng sinh khí mới của Tổng Hội và của phong trào quần chúng quốc gia hải ngoại.

Tóm lại, mười năm đấu tranh chánh trị của Tổng Hội là mười năm phấn đấu kiên nhẫn, mềm dẻo và can trường. Trước tổ chức chặt chẽ và dồi dào phương tiện của CS, chúng ta đã biết chống trả một cách khoa học và hữu hiệu. Trước chủ trương lầm lẫn của nhóm Tự Lập, chúng ta đã có đủ kiên nhẫn với lòng tin là lập trường thực tế và tích cực sẽ thắng lợi và chúng ta không lầm. Trước sự phản bội của HVĐV, chúng ta cũng đã biết đối phó một cách có phương pháp. Chúng ta luôn luôn biết dằn nóng nẩy để không vì giận con cá mà đập bể bình.

Và Tổng Hội cứ tiến, vượt qua mọi trở ngại, mỗi ngày thêm sức mạnh, thêm đoàn kết. Lịch sử của Tổng Hội là một phần lịch sử của một thế hệ mới mạnh dạn và hướng thượng. Trong những năm đen tối nhất của lịch sử, chúng ta đã can đảm từ bỏ lập luận có sẵn, những khẩu hiệu dễ dãi, những thái độ đi theo thời trang. Chúng ta đã bất chấp dư luận Âu Châu bị tuyên truyền CS mê hoặc, chúng ta đã chấp nhận sự thù ghét của một số đồng bào đơn sơ bị CS lừa bịp. Chúng ta đã kiên cường chống trả lại cả một tổ chức CS quốc tế mà tổ chức CS Việt Nam tại Pháp trong lúc suy tàn, dựa vào để đàn áp chúng ta. Chúng ta trước mọi trở ngại đã kiên trì phấn đấu cho một lý tưởng mà chúng ta thấy phù hợp với tiền đồ dân tộc.

Hiện tại đã cho chứng tỏ chúng ta đúng.

Tương lai sẽ chứng tỏ chúng ta hoàn toàn đúng.

Nguyễn Gia Kiểng

(bài được viết vào thời gian kỷ niệm 10 năm thành lập THSV)