agevp60.com

Chuyến đi định mệnh

Bài này đã được đăng trong Đặc San Sinh Viên Xuân Bính Thìn 1976.

Ghi chú của Đặc san :

12g trưa 30 tháng 4, 1975, khi chiếc thiết giáp Nga sô do người cán binh Bắc Việt viễn chinh điều khiển, ủi sập hàng rào Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh từ 30 năm, con tàu Trường Xuân vẫn cắm neo bất động tại Kho Năm Khánh Hội. Một giờ sau tàu Trường Xuân rẽ sóng sông Sài-gòn, khởi đầu một chuyến đi mạo hiểm với 3 750 người (a) trên một boong tàu diện tích 422 thước vuông. Tàu chết máy và mắc cạn tại vùng xình lầy Rừng Sát và được lôi theo một chiếc tàu kéo tí hon với tốc độ tối đa 2 hải lý một giờ. Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên Thái Bình Dương, Trường Xuân được tàu Đan Mạch Clara Maersk tiếp cứu. Luật sư Nguyễn Hữu Thông (b) đã kể lại “Chuyến đi định mệnh” này trong một tài liêu Anh văn dài ba ngàn chữ : “I have escaped from South Vietnam on M/S Truong Xuan and Clara Maersk”. Chúng tôi xin dịch thuật hầu quý vị độc giả và các bạn sinh viên.

Ghi chú phụ của agevp60.com :
Chúng tôi có thêm vào một số ghi chú để làm sáng tỏ một vài sự kiện hay số liệu.

Tôi không có ý định ra đi.

Thứ hai 28 tháng tư, tân Tổng thống chỉ định Dương Văn Minh yêu cầu toàn thể cố vấn quân sự Hoa Kỳ hồi hương trong vòng 24 giờ. Từ ngày qua, CS pháo kích dữ dội phi trường Tân Sơn Nhứt làm đình chỉ các chuyến bay. Các trực thăng mạo hiểm đáp xuống móc các thân nhân và viên chức Hoa Kỳ từ sân thượng các cao ốc.

Chiến dịch “Phượng Hoàng” về di tản kết thúc nửa đêm thứ ba 29. Nhiệm vụ hoàn tất, các phi công Mỹ đang liên hoan trên mặt sóng Thái Bình Dương. Trong một khung cảnh đầy hoang mang và khiếp đảm, tôi đã đi đến quyết định : ở lại. Lòng tha thiết với quê hương là một động cơ tình cảm. Kinh nghiệm Nam Vang là một lý do khách quan.

Tại Cao Miên, Quốc Hội Hoa Lỳ đã quyết nghị cấm Mỹ can thiệp bằng hàng không, viện trợ Hoa Kỳ đã rút giảm tới mức tối thiểu. Vậy mà Nam Vang đã đứng vững trong nhiều tháng. Trong điều kiện đó, Sài gòn không thể sụp đổ, ít nhất trong vòng 1 năm. Tháng 3.75, cuộc “Tổng công kích mùa Xuân” của Cộng Sản đã đạt được những thắng lợi quyết định. Từ Tây Nguyên, quân lực Quốc Gia rút lui không giao chiến (một cuộc rút lui mà lịch sử sẽ phán đoán). Chiến dịch “Tây Nguyên đồng khởi” đã được phát giác từ tháng bảy 1974. Dưới chiêu bài “Dân tộc tự quyết”, phe FULRO (c) đã nêu cao khẩu hiệu “Tây Nguyên của người Tây Nguyên” !

Ông Thiệu đã không ý thức hiểm họa này. Thiệu chỉ là một quân nhân và không có tầm vóc một chiến lược gia.

Thuyết “Domino” bắt đầu được áp dụng. Sau Phước Long và Đức Lập, đến lượt Ban Mê Thuột, Phú Bổ, Kontum và Pleiku. Rồi cả miền duyên hải náo loạn. Một thất bại không giao chiến. Không phải một cuộc “Di tản chiến thuật” mà Thiệu thường nói mà là 1 “thất bại chiến lược”.

Thiệu rút lui ngày 21. Đây không phải là một hành động hy sinh mà là một sự đào ngũ, một sự phản bội. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay thế được đúng 1 tuần. Rồi tướng Minh nắm chính quyền. Tân chính phủ dầu chưa gây được một xúc động tâm lý, nhưng cũng mang lại nhiều triển vọng. Mọi người mong chờ ngưng bắn. Người Mỹ đã ra đi, người Việt có thể thương thảo dễ dàng hơn. Ánh sang Hòa Bình ló dạng sau 30 năm chinh chiến.

Tôi không tin tưởng ông Dương Văn Minh với lập trường mập mờ của phe ông ta. Tuy nhiên, thủ tướng Vũ Văn Mẫu là bạn tôi và phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền là bạn đồng nghiệp. Tôi biết cả hai người đều không cộng sản.

Do đó tôi đã đến quyết định : tôi sẽ ở lại. Thiệu đã ra đi mang theo bất lực, tham nhũng và hèn nhát. Đất nước ngày nay trong sạch hơn, những người thiện chí có cơ duyên phục vụ. Với những tư tưởng trấn an đó, cùng với người em, chúng tôi lên xe đi một vòng Sài gòn sáng sớm thứ tư 30 tháng tư. Đêm qua pháo kích đã thưa thớt, Sài gòn được hưởng ngày an bình đầu tiên. Xe chạy qua đường Thống Nhất qua tòa đại sứ Hoa Kỳ. Cảnh náo lọa diễn ra ! Người ta công khai phá rào khuân đi các bàn ghế, dụng cụ văn phòng… Thì ra từ 4 giờ sáng, đại sứ Graham Martin đã “cuốn cờ ra đi”, lá quốc kỳ tượng trưng cho sự đồng minh sinh tử ! Tôi nhớ lại hình ảnh “cuốn cờ ra đi” của đại sứ Dean Gunther tại Nam Vang. Thế là hết, sự tan rã quá đột ngột.

Quang cảnh hỗn độn trước đại sứ quán Hoa Kỳ
Vị nguyên thủ chót của nền đệ nhị Cộng Hòa kêu gọi binh sĩ đầu hàng

Từ nhiều ngày qua Đài Phát Thanh Việt Cộng loan báo họ sẽ làm sinh nhật Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 5 tại Sài gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày Việt cộng càng tỏ ra cứng rắn. Họ bắt đầu đòi phe Quốc Gia phải giải giới “đơn phương và toàn diện”. Đó là một đầu hàng ngụy trang. Hình ảnh “Chính phủ liên hiệp” chỉ là một ảo ảnh hay một cái bẫy. Tướng Minh của 1975 không có cơ may của thống chế Pétain trong những năm 40. Hy vọng hòa đàm tiêu tan với sự ra đi của lá cờ Mỹ. Và rồi tôi cũng phải ra đi.

Lire aussi/Đọc thêm  Giai đoạn chuyển mình

Chúng tôi hướng về bến Bạch Đằng. Trên sông quang cảnh đìu hiu. Tối qua toàn thể hạm đội đã vượt biển Đông. Tại Kho Năm Khánh Hội, chỉ còn thưa thốt vài thương thuyền, bỏ trống. Không có tiếng còi tàu, không có khói đen mà cũng không thấy thủy thủ.

Cổng Kho đóng kín, lính bồng súng gác và cấm ngặt ra vào. Em tôi cũng trầm tư như tôi. Là một sĩ quan cao cấp với một hồ sơ đầy thành tính chống cộng. Đối với chúng tôi, không còn chế tài nào khác là thanh trừng. Bỗng nhiên, cổng Kho kéo lên. Một chiếc xe Jeep vội vã vượt qua. Thật là dịp may hiếm có. Em tôi xuống xe và với một món “quà”, chúng tôi được pháp vào Kho. Chúng tôi lên tàu Tân Nam Việt. Tàu này chuẩn bị vượt biển chiều qua, nhưng thủy thủ đoàn bỗng dưng biến mất. Cùng một trường hợp “máy móc phá hoại và thủy thủ đào ngũ” là các tàu Tân Nam Việt, Bông Hồng 9, Việt Đức và Trường Xuân. Việt Nam Thương Tín của các nhà kinh tài là một ngoại lệ.

Để ngăn chặn phong trào di tản bằng đường hàng không, Việt Cộng pháo kích phi trường Tân Sơn Nhứt. Trên bến nước, các tổ đặc công phá máy và đe dọa các tài công. Tuy nhiên đây chỉ là sự phá hoại chừng mực. Vì ngày mai, mồng 1 tháng 5, ngày Lao Động Quốc Tế, “Ủy Ban Tiếp Thâu Tàu Biển” sẽ cống hiến cho Đảng các tàu buôn còn kẹt lại.

Trên tàu Tân Nam Việt, chúng tôi được mời vào môt ca-bin có quạt máy, nước đá và bánh mì (ông chủ tàu là một bười bạn vong niên). Nhưng vì cầu tàu đã kéo lên mà gia đình chúng tôi chưa đến kịp, chúng tôi đi dạo phố từ 7g sáng, nên chúng tôi đành nhảy xuống và cùng với gia đình chúng tôi lên tàu Trường Xuân. Chúng tôi đâu có quyền lựa chọn. Việt Đức và Bông Hồng 9 quá nhỏ mà Việt Nam Thương Tín lại bỏ neo giữa giòng sông.

Trường Xuân là một tàu buôn chở hàng, trọng tải 2 500 tấn. Tàu dự định khởi hành từ 10g sáng. Tới 12g trưa, tàu vẫn nằm trơ không nhúc nhích. Trước đó ông Minh kêu gọi binh sĩ đầu hàng để tránh cảnh tắm máu. Sự trao quyền sẽ diễn ra hồi 12g trưa. Trái với ước nguyện của ông Minh, Việt Cộng không chấp nhận thương thảo. Đúng 12g ngày 30 tháng 4, một chiếc thiết giáp Nga sô do người cán binh Bắc Việt viễn chinh điều khiển, ủi sập hàng rào và tiến chiếm Dinh Độc Lập (trong vòng 10 hôm, Dinh Độc Lập tang thương chứng kiến cảnh 3 ông tổng thống lần lượt trao quyền cho một viên tư lệnh thứ tư)…

Thuyền trưởng tàu Trường Xuân Phạm Ngọc Lũy (d) tiếp nhận tất cả mọi người. Hoàn toàn miễn phí. Ông Lũy có nét khuôn mặt của Hồ Chí Minh, nhưng có từ tâm của Phật Ca. Hồi 10g trên tàu có chừng 2 000 người. Khi tàu khởi hành hồi 1g trưa, có tới 3 700 người trên một diện tích chừng 420 thước vuông.

Trường Xuân

Trong số 27 nhân viên thủy thủ đoàn, chỉ còn sót lại 4 người : thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy và phụ tá Trần Văn Chất ; truyền tin Nguyễn Ngọc Thanh (e) và xếp máy Lê Hồng Phi. Số còn lại đều là những nhân viên mới trưng dụng : trung tá Hùng không quân, trung tá Hảo cảnh sát, trung tá Thinh hải quân, thiếu tá Nghĩa dù…

Ba tổ đặc công theo lên tàu với nhiệm vụ phá hoại máy móc, lũng đoạn tinh thần, gieo rắc hoang mang. Tàu hỏng máy và hư bánh lái. Thuyền trưởng Lũy phải chỉ huy bằng khẩu lệnh. Con tàu nặng nề rẽ sóng sông Sài gòn. Xa xa từng đoàn giang thuyền hải quân chạy ngược về, tấm áo trắng rách nát bay phất phới trên họng súng, để tang một quốc gia. Rồi máy tàu im lặng. Con tàu bập bềnh trên sông, trôi dạt vào vùng sình lầy, cách Vũng Tàu 15 hải lý. 2 chiếc giang thuyền hải quân quay mũi tới kéo tàu Trường Xuân. Tốn công vô ích vì tàu chở đầy sắt và người. Trong giây phút vô vọng này thình lình có tàu kéo Song An xuất hiện. Hai giang thuyền chạy tới, năn nỉ, van xin, hứa hẹn và áp lực. Sau khi đã buộc giây, con tàu tí hon Song An, như một con kiến tha một con dế, kéo tàu Trường Xuân. Như người say rượu, tàu quẹo trái, quẹo phải, rồi trái, rồi phải. Tốc độ tối đa là 2 hải lý một giờ.

Lire aussi/Đọc thêm  Tết Bính Thìn 1976

Đây là đêm dài nhất. Từng lúc giây đứt phải nối lại, từng lúc cánh quạt mắc lưới câu phải gỡ ra. Ánh trăng sáng tỏ và Vũng Tàu thấp thoáng ánh đèn phía xa xa.

Sau lưng chúng tôi, Sài gòn đang liên hoan với từng chùm pháo bông. Chúng tôi qua Vũng Tàu hồi 7g sáng ngày 1 tháng 5. Các binh sĩ Việt Cộng chờ chúng tôi đã giải tán hết. Họ còn đang chuẩn bị liên hoan (1). Thế rồi tàu chúng tôi cũng nổ máy lại. Theo lệnh thuyền trưởng, chúng tôi lạc quyên để đền ơn tàu kéo Song An (một số đặc công cộng sản đã nhảy xuống tàu Song An. Trên đường về, chúng ám hại thuyền trưởng và các thủy thủ, chiếm tàu và đoạt 6 triệu đồng bạc đã quyên trên tàu Trường Xuân).

Chúng tôi tổ chức một bộ chỉ huy để duy trì trật tự. Thiếu tá Nghĩa huy động một trung đội dù để bảo vệ an ninh, tước võ khí, phân phối nước và yểm trợ xếp máy Phi. Tôi được lệnh phụ tá thuyền trưởng để đọc và thảo điện tín.

Trường Xuân

Hồi 10g30 chúng tôi ra đến hải phận quốc tế. Chúng tôi đánh tín hiệu S.O.S đầu tiên. Mười phút sau, tàu Washington (thuộc tiểu bang Washington) phúc đáp : Washington đang liên lạc với Đệ Thất Hạm Đội và ra hiệu cho Trường Xuân chạy theo. Chúng tôi định rõ vị trí : 9°50 Bắc, 107°09 Đông. Chúng tôi ra tới mức 17 hải lý theo Đệ Thất Hạm Đội, nhưng chẳng thấy bóng dáng các tàu chiến Hoa Kỳ !

Rồi tàu Washington chạy tới. Tàu tới ngay sát cánh trái chúng tôi. Nỗi hân hoan tràn ngập. Một sĩ quan quá khích động, bắn hỏa pháp. Thật ra cũng chửng có gì đáng ngại. Tuy nhiên tàu Washington hoảng vía đã đi thẳng mất dạng. Bao nhiêu tín hiệu kế tiếp của chúng tôi đều không có hồi âm.

6g chiều, chúng tôi gọi S.O.S thứ hai : “từ tàu Trường Xuân/XVLX. Có trên 3 ngàn người tỵ nạn từ Sài gòn. Đói và khát. SOS không trả lời. Nhiều trẻ em hấp hối. Xin được trợ giúp cấp bách (2)”. Trong giờ phút hoang mang, tiếng động cơ im bặt. Khi mọi người đều chăm chú nhìn về phía tàu Washington, đặc công xâm nhập phòng máy và đóng kín đầu van. Không có khói bay trên boong tàu, đèn ca-bin tắt ngấm. Chúng tôi đã chịu đựng trong 2 ngày 2 đêm với đói khát và hấp hối. Một giọt nước là một giọt vàng. Đã có người tự tử vì tuyệt vọng, sóng quá êm và nước mát đầy quyến rũ (3).

Tôi không dám nhìn con tôi. Trong nhiều tuần, tôi đã không chuẩn bị cứu gia đình khi tôi còn có thể cứu được. Thay vì sự bình an, tôi đã mang cho đứa con thơ bao nhiêu cay đắng và có thể cả sự chết chóc. Tôi không dám nhìn vợ tôi. Với tôi, nhà tôi đã phải qua bao nhiêu điêu đứng. Vì bản tính cứng rắn, tôi đã làm lơ nhiều cơ hội. Trong 20 năm hành nghề, tôi chỉ sắm được cho gia đình một chiếc xe cũ và một căn nhà 60 m2. Tôi không biết nói khéo. Tính tôi hay nói thẳng. Châm ngôn của tôi là : “thanh thiên bạch nhật, chính đại quang minh”.

Clara Maersk
Clara Maersk

Mồng 2 tháng 5
6g45. Đối với chúng tôi, mặt trời mọc hồi 6g45. Đây là giờ đanh các tín hiệu SOS. 3 phút hoàn toàn im lặng. Thanh đánh SOS thứ ba, bằng tay vì hỏng máy : “Tàu tôi hỏng máy, tàu tôi đang chìm !”

15 phút dài đằng đẳng trôi qua. Rồi chúng tôi nhận được tín hiệu từ OWIK (Clara Maersk) :
“Bạn đã liên lạc với hải quân Mỹ chưa ?”
“Chưa” chúng tôi đáp. Tôi không có tần số. Và bằng cả Anh lẫn Pháp văn :
“Pouvez-vous contacter US Navy ?”
OWIK : “Có, tàu Mỹ đang tới ! Tàu Mỹ đang tới !”
Và chúng tôi chờ đợi và chờ đợi… Và chẳng thấy bóng dáng tàu Mỹ đâu !

Gần 8g. Với dây giày, dây thung và vô số dụng cụ lạ lùng khác, xếp máy Phi sửa đươc máy cái. Nhưng Trường Xuân bắt đầu ngập nước. Đêm qua sau buổi hội thảo, thuyền trưởng Lũy quyết định trở mũi về Nam. Trường Xuân không đủ sức chạy tới Phi Luật Tân. Mà Đệ Thất Hạm Đội thì biệt âm vô tín (4). Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được vài tiếng vọng trên sóng nước chung quanh “Tàu nào sắp đắm ? Tàu nào sắp đắm ?”.

Gần 9g. Thanh mang lên một điện tín mà OWIK tức Clara Maersk :
“Chúng tôi đang định vị trí của bạn. Chúng tôi sẽ tới trong 3, 4 giờ. Chúng tôi có thể cung cấp đồ ăn và thức uống. Nhưng chúng tôi không chở được nhiều người”.
Gần 11g. Trường Xuân gửi Clara Maersk :
“Cám ơn bạn nhận cứu chúng tôi. Xin bạn nhận cứu giúp tất cả những người tỵ nạn. Rất cần đồ ăn thức uống. Vị trí của tàu hồi 3g GMT 8°57 Bắc, 106°58 Đông, tốc độ 6 hải lý, lộ trình 175”.
Clara Maersk gửi Trường Xuân :
“Tôi có thể cho một số người nhưng không thể nhận tất cả. Sẽ tiếp tế đồ ăn thức uống và dược phẩm !”

Lire aussi/Đọc thêm  Vụ án Trần Văn Bá

Chừng 12g30. Chúng tôi cử một phái đoàn qua Clara Maersk bằng ca-nô. Thuyền trưởng Anton Olsen (f) tiếp chúng tôi trong ca-bin. Ông cho biết trong vòng 2g sẽ có 1 tàu Đan Mạch khác cũng thuộc Maersk Lines. Do đó ông đề nghị Clara Maersk sẽ đón đàn bà trẻ em trước. Thanh niên sẽ lên tàu kia sau. Chúng tôi nhìn thấy sự khó khăn. Vì tàu kia chưa tới, nếu chỉ cho đàn bà trẻ em kên Clara Maersk sẽ có hỗn loạn, chen lấn. Các phần tử hung hãn (đa số) sẽ chà đạp lên đàn bà trẻ em để lên tàu. Rồi sẽ có cả đoàn người nhảy xuống biển để đi trước. Kết cuộc đàn bà trẻ em sẽ chẳng ai lên được. Cho nên chúng tôi đề nghị thuyền trưởng Olsen xin làm ơn cho chót bằng cách chấp thuận cho tất cả lên tàu.

Gần 1g. Chúng tôi trở lại Trường Xuân bằng ca-nô. Thuyền trưởng Lũy gửi điện tín cho phụ tá Chất hay tắt máy để hai tàu đáp nhau. Nhưng đột nhiên, Trường Xuân càng ngày càng phóng nhanh. Trong khi chúng tôi thương thảo trên Clara Maersk, đặc công phá hoại các ống bơm nước. Và nước ngập tới mức độ nguy hiểm 40 phân. Do đó Trường Xuân phải phóng hết tốc độc để phun nước ra.

Trường Xuân kêu cứu Clara Maersk : “Tôi không thể bỏ neo, tàu tôi hít hơi, phải chạy mau và đang ngập nước. Tàu tôi chở nặng quá và bắt đầu chìm. Nhờ bạn ghé sát bên tôi. Nếu không tôi sẽ chạy ghé sát bên bạn”.

Hai thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy (Trường Xuân) và Anton Olsen (Clara Maersk)

3g45. Bỏ tàu. 3 sĩ quan và thuyền trưởng rời Trường Xuân sau cùng. Đúng trên boong tàu Clara Maersk tôi thấy Trường Xuân quá rộng lớn và vắng vẻ. Thuyền trưởng Anton Olsen khẽ nói với tôi :
“Tàu đang chìm” (5)

Trong cuốn nhật ký Trường Xuân, Thanh ghi : “Bỏ tàu, toàn thể mọi người”.

Sự thật không hẳn như vậy. Trường Xuân đang chìm mang theo một lữ khách cô đơn : đại tá Vong A Sang, lãnh tụ Nùng, nguyên dân biểu Quốc Hội lập hiến, nghị sĩ, tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh. Hưởng thọ 72 tuổi.

Tạ ơn
Tàu Trường Xuân thoát hiểm là một phép lạ. Tôi cảm tạ Thượng Đế đã cứu vớt chúng ta. Tôi đề nghị cấp giải Hòa Bình Nobel năm 1975 cho thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy của Trường Xuân và thuyền trưởng Anton Olsen của Clara Maersk. Cặp Phạm Ngọc Lũy – Anton Olsen xứng đáng hơn cặp Lê Đức Thọ – Kissinger của năm 1974. Hai người sau đã trực tiếp hay gián tiếp nhúng tau vào cuộc đổ máu tại Việt Nam. Hai người trước không giết người. Họ cứu vớt gần 4 ngàn người. Sau giờ ngưng bắn. Trong khi Hòa Bình.

(1) Việt cộng bắn các tàu Việt Nam Thương Tín và Tân Nam Việt gây tử thương cho nhà văn Chu Tử cùng một số thương vong.
(2) Tàu chở 3 750 người, kể cả 3 em bé mới ra chào đời trên các tàu Trường Xuân và Clara Maersk.
(3) Một đại tá cảnh sát, rút súng tự bắn vào thái dương.
(4) Việt cộng không chấp nhận hải phận với 12 hải lý và đòi 50 hải lý. Do đó tàu Mỹ đành chờ tít ngoài khơi 50 hải lý. Trường Xuân ra tới 17 hải lý, vô vọng, đành quay mũi về Nam.
(5) Thực ra sau khi người lên, Trường Xuân lại bồng lên và không chịu chìm.

Ghi chú phụ :
(a) Theo nhiều nguồn khác, số thuyền nhân được cứu là 3 628 người trong đó có 2 bé sinh ra trên tàu

(b) Trước năm 1975, luật sư Nguyễn Hữu Thống là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa (1966-67). Ông từng là chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam tại California và giữ vai trò cố vấn pháp luật của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cho đến khi qua đời ngày 10 tháng 9 năm 2018.
(c) FULRO là tên tắt tiếng Pháp của Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh của các Sắc Tộc bị Áp Bức
(d) Cụ Phạm Ngọc Lũy qua đời ngày 21/12/2022 tại Sterling, Virginia, Hoa Kỳ hưởng thọ 103 tuổi.
(e) Ông là một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Paris trong các thập niên 1980 – 1990 trước khi qua đời.
(f) Có lẽ tác giả viết sai hay báo đã ghi sai. Tên đúng của vị thuyền trưởng không phải là Alsen Sorenson mà là Anton Olsen

Trại tỵ nạn Hồng Kông, tháng 5.1975
Nguyễn Hữu Thống

Con tàu Định Mệnh (Asia 32) – Mạnh Đình & Diệp Thanh Thanh
Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trên tàu Trường Xuân.

Trường Xuân Vượt Tuyến – Thanh Trúc (THSV Paris)
Sáng tác :  Nhân Bản Dân Tộc Văn Nghệ Đoàn Liège