agevp60.com

Phỏng vấn anh Trần Ngọc Giáp về Văn Đoàn Lam Sơn

Chào anh Giáp, xin anh giới thiệu cho mọi người biết đôi điều về Văn đoàn Lam Sơn (VĐLS).

Có thể nói tôi đã có mặt trong Văn đoàn Lam Sơn từ lúc đầu. VĐLS được thành lập vì đó là một nhu cầu. Sau năm 1975, những bản nhạc phổ biến trước đó đã không còn phù hợp khi Tổng Hội Sinh Viên (THSV) tổ chức Tết hay thực hiện những sinh hoạt chung, do đó, một số anh em đã tụ lại để làm và phổ biến một số bản nhạc như Ta còn sống đây, Cờ Bay Trên Thành Quảng Trị, … Trong những đêm Tết 1972 đến 1975, anh Hà có thu trực tiếp một số bài hát trình bày trong các đêm Tết, rồi gom những bài hát đã trực tiếp thu thanh và làm thành hai cuộn băng “Du Ca 1 & 2”, nhưng số bài hát đã thu không đủ để hình thành hai cuộn băng đó, nên đã phải thu thêm một số bài khác. Vì vậy, âm thanh của hai cuộn băng này không được tốt lắm do đa số các bài hát được thu âm trực tiếp.

Khi chưa có trụ sở, anh chị em trong Tổng Hội đã mướn trung tâm CEFRAL để sinh hoạt mỗi cuối tuần.

Sau 1975, THSV không còn trụ sở để tiếp tục sinh hoạt, nhưng lại tìm được một địa điểm tên là CEFRAL để gặp nhau mỗi ngày chủ nhật, cùng hàn huyên, hay tập hát… Sau một thời gian, theo lời đề nghị của anh Hưng, thay vì chỉ tập hát suông, phải có mục đích : cho ra đời băng nhạc “Du Ca 3” gồm một số sáng tác mới. Sau khi “Du Ca 3” ra đời, các bản nhạc sáng tác đều để tên “Nhóm Sáng Tác THSV” chứ không ghi tên cá nhân. Từ đó, nảy ra ý định lập một ban văn nghệ để phổ biến các sáng tác mới. Anh chị em nghĩ: bên cạnh nhạc, cần có thêm văn, thơ… nên mới quyết định lập một văn đoàn, khoảng năm 1977-78, lấy tên Lam Sơn, vì đó là lúc phong trào kháng chiến đang lên, nên mọi người có ý nghĩ muốn nhắc đến cuộc kháng chiến trường kỳ suốt mười năm của Lê Lợi chống quân Minh.

Ở những ngày đầu thành lập, VĐLS gồm những ai, thưa anh? Ai là người đưa ra ý kiến thành lập VĐLS ?

Văn đoàn Lam Sơn được thành hình từ các cuộc trao đổi, các buổi nói chuyện hay tập dợt văn nghệ của các anh chị em trong ban văn nghệ. Người đưa ra ý kiến thành lập VĐLS là anh Hưng, cột trụ và linh hồn của ban văn nghệ.

Lire aussi/Đọc thêm  Video nhạc Lam Sơn

Những người sáng tác nhạc, thơ hay văn trong THSV đều có thể nói là trong VĐLS. Để đánh dấu sự thành lập VĐLS, THSV đã phát hành băng nhạc “Lam Sơn 1”. Từ đó, phong trào sáng tác phát triển, có thêm rất nhiều người tham gia. Một số người, tuy không giỏi nhạc lý, vẫn hăng hái sáng tác. Tôi nhớ một số khuôn mặt trội bật : Lê Đăng Khả viết nhạc, Đinh Tuấn làm thơ rất nhiều và VĐLS đã xuất bản mấy tập thơ và nhạc như “Cho ngày mai lúa chín”, “Tình Ca Quê Hương”, “Ai về Xứ Việt”, “Một Ngày Tất Đến”…

Nói đến các bài hát, tôi cũng xin nhắc đến một tổ chức bạn là Nhân Bản Dân Tộc Văn Nghệ Đoàn ở Liège mà VĐLS có hát nhiều bài hát do Đoàn này sáng tác trong các đêm Tết và trong các băng nhạc Lam Sơn.

Ngoài việc xuất bản băng nhạc, tập thơ, VĐLS còn có những hoạt động nào khác không, như làm việc chung với báo Nhân Bản, tham gia các chương trình văn nghệ Tết, các hoạt động chung của cộng đồng người Việt tại Pháp ?

VĐLS được xem như ban văn nghệ, là một cơ cấu trực thuộc THSV, thực hiện các chương trình Tết và đại diện THSV đi hát ở các nơi khác, nhưng không lấy danh nghĩa là VĐLS mà thường xuất hiện với tên THSV. Hoạt động chủ lực của VĐLS là tổ chức chương trình Tết, nên các bài hát trình bày trong đêm Tết thường được sáng tác theo một chủ đề được chọn trước. Có người làm thơ, có người phổ nhạc, có người trình bày, nên nhiều bài được xem là tác phẩm chung mà không biết rõ những ai là tác giả. Người chủ chốt, phải nhắc đến anh Phan Văn Hưng, dù tự nhận có kiến thức sơ sài về nhạc lý, nhưng lại rất giỏi trong việc tập, điều khiển người hát, sáng tác nhiều ca khúc rất hay.

Tôi cũng muốn nhắc đến một người đã đóng góp nhiều bài thơ giá trị được phổ nhạc và in trong các tập thơ nhạc do VĐLS xuất bản, đó là bạn Lương Hữu Tưởng, lúc đầu lấy bút hiệu là Lương Y Khoa về sau ký là Ngô Thái Nguyên. Đến nay thì không có tin tức gì về bạn Tưởng hết.

Lire aussi/Đọc thêm  Nhạc hội Lam Sơn 22.09.2024

Anh có thể kể tên 5 bài hát, bài thơ của VĐLS mà anh nhớ nhất không ?

Từ hình ảnh bà mẹ cắt tay lấy máu ăn thề trong một cuộc biểu tình, anh Hưng đã viết “Giọt nước mắt của mẹ” để diễn kịch trong đêm Tết. Bài “Ai trở về xứ Việt”, thơ của chị Minh Đức Hoài Trinh (văn thi sĩ), khi anh Phan Văn Hưng chuyển thành ca khúc, lại mang tên “Ai về xứ Việt”. Khúc Lan có những sáng tác rất hay : “Hát trong ngày về” chẳng hạn. Nguyễn Hoài Thanh có bài “Trong lòng quê hương” được bốn thế hệ đồng ca trong chương trình Tết Xuân Giáp Thìn mừng THSV tròn 60 tuổi. “Ngày mai ta sẽ”, một bài hát êm đềm, ban đầu chỉ nhắc đến tình yêu, tình cảm dịu dàng, nhưng sau đó anh em có sửa đổi một số lời để bài hát mang nhiều tính tranh đấu hơn.

Hình ảnh đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Phan Văn Hưng sáng tác bài “Nước mắt của mẹ”


Còn những thành quả mà VĐLS thực hiện được: các chương trình đặc biệt, tập nhạc, tập thơ…?

So với chương trình Tết của các hội đoàn khác, chương trình Tết của THSV thường mang tinh tranh đấu và có chủ đề rõ ràng cho từng năm. Thí dụ, năm 1976, mang tên “Ta còn sống đây”. Bài hát này không phải của VĐLS mà là một sáng tác của Đoàn Văn công Chí Linh, hình như vậy. Mỗi năm, chương trình Tết THSV có một tên với chủ đề khác nhau: “Tết kháng chiến”, “Nuôi chí vững bền”, “Theo bước chân anh”, “Đêm Lam Sơn”… Về băng nhạc, có “Lam Sơn 1 – Tiếng gọi lên đường”, “Lam Sơn 2 – Em bé Việt Nam” gồm những sáng tác viết cho thiếu nhi của VĐLS và các nhạc sĩ khác, như “Bài ca cho bé Hải”, “Rước đèn Trung Thu”, “Ông Ninh ông Nang”…, “Lam Sơn 3 – Thằng bé tát dầu”, “Lam Sơn 4 – Con đường ta đi”, “Lam Sơn 5 – Theo bước chân anh”, “Lam Sơn 6” là một CD mang tên “Nhạc tuyển”, gồm các bài hát chọn lọc từ 5 băng nhạc “Lam Sơn” trước đó.

Anh tham gia vào bộ phận nào trong VĐLS ?

Tôi không sáng tác nhạc, cũng không làm thơ, nhưng tôi tham gia vào tất cả các sinh hoạt của THSV. Hồi 1973-74, tôi có viết kịch cho tết THSV, Sớ Táo Quân cho Đặc San Xuân Nhân Bản nhưng sau này, thấy có nhiều người có khả năng hơn, nên tôi không làm nữa. Có thể nói phần lớn thời gian, là tôi làm phụ tá cho anh Hưng. Trong khi anh Hưng lo sáng tác, tập hát, tôi lo tìm người, điều động, quản lý logistique, cố gắng thực hiện thật tốt những công việc được giao phó.

Lire aussi/Đọc thêm  Thằng bé tát dầu
Trần Ngọc Giáp

Tất cả những điều vừa trao đổi đã thuộc về quá khứ. Trong tương lai, anh có nghĩ là THSV, hay một hội đoàn khác của Việt Nam ở Pháp, Âu châu hay Mỹ, sẽ thành lập một VĐLS thứ hai, với những sáng tác hướng về đất nước, trong mong ước xây dựng một nước Việt Nam mới, tốt đẹp hơn hiện nay, hay không ?

Điều này cũng khó nói, vì còn tuỳ thuộc vào mọi người, họ có muốn làm chuyện đó hay không. Mình đâu thể biết được. Còn VĐLS hiện nay không hẳn đã ngừng hoạt động, vì đó là một tổ chức nằm trong THSV, nên tinh thần của nó vẫn luôn còn đó, dù không có gì rõ ràng, như không hề có một đêm văn nghệ Lam Sơn chẳng hạn.

Anh có mong trong những ngày sắp tới, THSV sẽ có “hiện tượng” VĐLS tiếp nối, theo một đường hướng khác, hay một hoạt động tương tự không ?

Lúc nãy tôi có nói, VĐLS được thành lập là do một nhu cầu. Bây giờ, nhu cầu này gần như không còn nữa. Nhưng khi có một nhu cầu mới, theo tôi nghĩ, THSV sẽ có một VĐLS mới, sẽ khơi dậy tinh thần của VĐLS. Thành thử, mình không thể nói trước chuyện đó được. Hiện tại tôi nhận thấy có nhiều người đã từng sinh hoat trong các hội đoàn khác như Thư Viện Diên Hồng, Hội Ái Hữu Orsay, Quang Trung đã tham gia các sinh hoạt của THSV nhất là văn nghệ Tết, đó là điều đáng quý và đáng mừng, vì nhờ đó mà THSV được phát triển mạnh.

Và biết đâu nhờ vào đó mà THSV có thêm nhân lực mới để sẵn sàng đáp ứng với những đòi hỏi, yêu cầu mới, hướng tới một mục đích cụ thể, rõ rệt.

Cảm ơn anh Giáp rất nhiều.

Nguyễn Linh Quang
4.02.2024