agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Em bé tát dầu

Viết cho em bé tát dầu bị bắn chết ở cầu H, xưởng Ba Son, tháng 11, 1977…

Em bé tát dầu

Tôi muốn viết vài giòng cho em. Em bé tát dầu ! Những tờ giấy trải trước mắt vẫn im lặng chờ đợi. Sự xúc động âm ỉ kéo dài từ trưa đến giờ. Không bật vỡ được, dù một vài chữ nguệch ngoạc, dù chỉ một vài nét chấm than ! Tôi nhìn ra mặt sông, chiều đã xuống thấp, những hàng dừa bên kia bờ Thủ Thiêm đổi màu đen xám. Mặt nước xám dần, buồn bã trôi. Máu của em đã trôi về đâu ?

Về nguồn để khóc oà trong lòng mẹ Việt Nam? Vào biển rộng, loãng dần và tan biến theo thời gian ? Hay máu của em đã chảy ngược vào tim tôi, vào tim của những con người còn chút lương tri, ít nhiều cảm xúc. Em chết hay cả một thế hệ tuổi nhỏ đã chết ?

Người ta đẩy các em ra ngủ bờ ngủ bụi. Xua em ra công viên, vỉa hè. Em ngơ ngác như gà con lạc mẹ. Em lo âu nỗi lo âu của người lớn, em dành giựt, em kiếm sống, em thủ đoạn, gian ngoan ở lứa tuổi lẽ ra chỉ biết học, biết chơi. Ở nhà trường người ta muốn biến các em thành máy, thành những công cụ tốt cho Đảng bằng chiếc khăn quàng đỏ, màu của máu, của hận thù, của chiến tranh. Mớ chủ thuyết vô thần ngoại lai đang làm hoen ố trí óc trinh nguyên của các em, dạy các em xa cội, xa nguồn. Hỡi Mẹ Việt Nam, mẹ chắc đau thắt, nhìn lũ nhỏ ngày một xa vú mẹ, đến lúc nào đó, nó nhìn mẹ với cặp mắt vô hồn, đôi mắt của một người dã chết lương tri.
Đ.M ! Người ta bắn nó như một kẻ thù.
Thằng Long có vẻ phẫn nộ, nói năng không giữ gìn. Tôi nhắc khẽ :
Ở đây không thiếu “ăng-ten”, mày khẽ mồm !

Đã có nhiều người trong quán chú ý đến câu chuyện của chúng tôi. Long hơi nhột, nó đứng dậy đi ra, ném lại cho tôi một câu :
Mày ở lại cày, tao phải về sớm, tối nay đi học tập về nghị quyết Đảng, tao đã bị cảnh cáo hai lần vì vắng mặt.

Tôi ở lại cày và nó về nhà tiếp tục bừa. Bừa tung cả óc. Cày nát lá phổi. Tôi trở vào xưởng những bước chân mệt mỏi và uể oải, tưởng như mình đang quay trở lại nhà giam, nơi tù hãm và rút mòn sinh lực của công nhân.

Suốt tuần nay, không đêm nào tôi ngủ trên năm tiếng. Sắp hết năm rồi, nhà máy vẫn còn lẹt đẹt chạy bộ rượt đuổi chỉ tiêu của Đảng giao, một con số ngoài tầm tay với. Toàn thể công nhân phải nỗ lực làm ngày, làm đêm cho kịp với chỉ tiêu. Tôi được giao làm luôn hai ca, từ 7 giờ sáng đến 16 giờ và 17 giờ đến 24 giờ, luôn cả ngay chủ nhật.

Thứ bảy rồi, Danh Chuột – biệt hiệu của công nhân đặt cho chính trị viên của phân xưởng vì mặt gã nhỏ thó, mỏ dài, mắt lúc nào cũng láo liên, xục xạo khắp nơi, kể cả mấy cái tủ đựng quần áo của công nhân để kiểm soát. Hắn đến các tổ phát huấn thị của Chính Ủy nhà máy, kêu gọi công nhân ý thức quyền làm chủ tập thể, tình nguyện làm thêm giờ, thêm ca, để hoàn thành chỉ tiêu của Đảng giao. Sau đó, Danh Chuột lập danh dách những người tình nguyện. Không thiếu một ai cả. Những bàn tay giơ lên nặng nề như cái đòn dộng. Danh Chuột có vẻ hài lòng :
– Thế thì tốt ! Tinh thần xung phong tình nguyện là một đức tính không thể thiếu của người công nhân xã hội chủ nghĩa.

Tôi nhìn anh Thạch, người tổ trưởng già nua và dễ dãi, anh đã gày đi nhiều, những cơn ho không thể ngăn nổi mỗi khi anh làm việc nặng. Đợt thi đua “Mừng Cách Mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9” đã cướp đi nhiều sức khỏe của anh. Nhưng trên đôi má hóp, đôi mắt vẫn trũng sâu, cúi xuống chịu đựng. Anh có tám đứa con và người vợ chưa tìm được việc làm. Một lần ái ngại cho lá phổi của anh, tôi khuyên nên đi chụp hình phổi. Anh nghe theo làm đơn 2, 3 lần. Bệnh xá trả lời :
Hết phim chụp hình phổi. Chờ thông báo sau.

Tôi ấm ức, nói với anh :
Mới hôm qua, em còn thấy thằng Sơn, kỹ sư “dởm” (1) xưởng mình đi chụp hình phổi.
Anh cười buồn :
Thì vậy ! Tiêu chuẩn cho cán bộ còn, nhưng cho công nhân đã hết !

Tôi nhìn anh thương xót. Phần còn lại của lá phổi. Chút sinh lực của người đàn anh về chiều sẽ phải hy sinh nốt cho nhà máy, Đảng. Cả tôi nữa, tuổi đôi mươi thèm tung cánh đại bàng bay ngàn dặm, khao khát tình như là thèm uống giọt sương đầu. Tôi rồi cũng già người trong xưởng máy, đôi tay chai đầy lốm đốm những mụn dầu, đốt sinh lực mình trong những tháng này thi đua liên miên, 2 ca rồi 3 ca, lao động xã hội chủ nghĩa ngày chủ nhật, tự túc lương thực trên rừng già Xuyên Mộc, học tập ngoài giờ để thông suốt và hiểu rõ vai trò làm chủ…

Lire aussi/Đọc thêm  Thằng bé tát dầu

Tôi sẽ trở thành một cái máy trong nhiều cái máy được những tên cán bộ Đảng ngồi chỉ tay 5 ngón điều khiển, hay thành một con trâu suốt đời lê mãi một cái cày.
Phải chi tao là những cặn dầu đang trôi bềnh bồng trên mặt nước kia.

Long có vẻ ngạc nhiên về ý tưởng lạ lùng của tôi. Từ bên trên cảng nhìn xuống, những cặn dầu đen ngòm, hôi hám được thải ra từ nhà máy, từ những con tàu, nổi lều bều trên mặt nước, lấp lánh ngũ sắc dưới ánh mặt trời. Dầu bám vào chân cầu, ôm lấy những cánh lục bình, nhuộm đen những ngọn cỏ ven sông.

Những vết dầu thung dung tự tại. Nước lên, dầu lên, nước xuống, dầu xuống, nước trôi, nó theo giòng trôi mãi. Nó bao trùm hết thảy, vươn rộng như rừng hoang. Điều quan trọng, nó là đồ phế thải, không ai thèm xài. Nó tự do !
Mày lầm. Thế mày không biết những chiếc xuồng con của mấy thằng bé tát dầu, ngày ngày xuôi ngược trên bến Bạch Đằng, lân la đến gần nhà máy và bị bộ đội hải quân đuổi ra. Đó là mấy em bé tát dầu. Chính chúng săn đuổi những cặn dầu.

Tôi ngạc nhiên :
Để làm gì ?
Để sống. Chúng vớt cặn dầu trôi trên mặt nước, đem về lọc lại và bán. Người ta dùng cặn dầu này để nấu lại làm nhớt.

Sau 30/4 quả có nhiều lối kiếm sống quá. Một dạo, tôi ngạc nhiên để ý những thân cây mọc ven hai bên đường phố Sàigòn, từ Cường Để, Gia Long đến Duy Tân, Hồng Thập Tự, những thân cây bị cạo trụi nhẵn, lớp vỏ sần sùi bên ngoài biết mất, thân cây loang lổ như một con chó ghẻ, vì những vết cạo, vết cào. Thủ phạm là mấy chú nhóc tì, đứng cặm cụi hàng giờ, dùng dao dùng búa, cạy cái lớp vỏ cây sần sùi đó mang về nấu cơm nấu nước. Chất đốt ở Sàigòn dạo này mắc như vàng, những gia đình không có tiền để mua củi, họ phải kiếm sống bằng cách đó.

Lire aussi/Đọc thêm  Ai về xứ Việt

Giờ nghe Long giải thích, tôi biết thêm một lối kiếm sống nữa. Vớt cạn dầu. Đây là một kết hợp giữa sự kiên nhẫn và nhịp nhàng, khéo léo. Hai chú bé, một ngồi ở đầu mũi, một ở sau lái, kiên nhẫn đi săn tìm những cạn dầu nổi trên mặt sông. Đứa sau lái cho xuồng nghiêng qua một bên, be xuồng sát mặt nước, đứa kia dùng tay dầm hay một mảnh gỗ, gợt nhẹ lên mặt nước, để hắt lớp cạn dầu vào khoang xuồng phải khéo léo lắm, vì lớp dầu rất mỏng, nếu không quen tay chỉ hoàn toàn tát nước vào khoang. Thật đáng buồn, có những thứ người ta vứt đi, không cần đến, lại được kẻ khác chắt chiu, tìm kiếm, vì nhờ nó mới có bữa cơm rau và một chút sữa cho em.

Những nơi có nhiều cặn dầu thường gần nhà máy, cơ xưởng sửa chữa tàu bè. Đó là vùng quân sự, cấm ghe thuyền lai vãng. Nhưng những em bé tát dầu, vì miếng ăn, vì sự sống, bất chấp lịnh cấm, rình rập lúc bộ đội kiểm soát lơ đễnh, cho xuồng vào sâu trong cảng sửa chữa để tát dầu. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe tiếng súng xua đuổi, thấy mấy cái tát tai của bộ đội cảnh vệ in đậm nét trên má những thằng bé tát dầu bị bắt, và gần chỗ tôi làm, đã có hơn 10 chiếc xuồng bị tịch thu, vất ở đó. Mỗi chiếc xuồng là một gia tài, là phương tiện kiếm sống, là chén cơm, là ly sữa. Nên từ lúc có lệnh tịch thu và bắt giữ người chèo xuồng lai vãng vào cảng, tôi ít thấy một bóng xuồng con nào thấp thoáng gần cảng. Người ta sợ phá hoại, sợ gián điệp. Vì người ta đã từng sai em Lê Văn Tám ôm bom vào kho đạn, nên hôm nay phải đề phòng cả những đứa con nít.

Thủ Thiêm
Thủ Thiêm lụp sụp vài mái nhà lá
Thủ Thiêm
Bên này là thành phố hoa lệ, bên kia bóng tối vẫn phủ xuống giữa ban ngày.

Cho đến trưa hôm nay, sau một giờ ăn và nghỉ trưa, công nhân trở về vị trí làm việc, bụng còn óc ách bo bo, cái thứ lương thực khó tiêu làm sao ! Tôi và Long phụ trách sửa chữa bộ tục kết của một chiếc duyên kích đậu ở cầu H. Buổi trưa hầm máy nóng như thiêu, mùi dầu mỡ xông lên nồng nặc khó thở. Sau hơn hai tiếng loay hoay trong lò lửa đó, tôi và Long rủ nhau lên boong tàu nghỉ một lát. Gió từ khoảng đồng trống kia thổi về mát rượi. Lau tay sạch sẽ, vấn một điếu thuốc rê, tôi và Long ngồi thở khói nhìn ra mặt sông. Bên kia là Thủ Thiêm lụp sụp vài mái nhà lá thấp thoáng sau bóng dừa cao. Hình ảnh hai cuộc đời, tôi nghĩ thế. Bên này là thành phố hoa lệ, bên kia bóng tối vẫn phủ xuống giữa ban ngày. Cách nửa vòng trái đất, thằng bạn thân học cùng trường ngày xưa, đang lái xe đi nghỉ hè, ở đây tôi khoác chiếc áo công nhân loang lổ dầu mỡ, kéo lê cuộc đời nô lệ gông cùm.
Xem kìa, mấy thằng bé tát dầu !

Long không chỉ, tôi cũng đã thấy. Một chiếc xuồng nhỏ, dài khoảng 2 thước, vẫn hai thằng bé, một ngồi ở lái, một ở mũi, chúng đang cho xuồng tiến nhanh vào cảng, như những thợ săn lành nghề. Chúng đã thấy ở gần chân cầu, lớp dầu mỏng lóng lánh dưới mặt trời, ngon lành như một cục xương vừa được chú chó tìm thấy trong đống rác. Thằng bé ngồi sau lái độ 12, 13 tuổi, ở trần, da xạm đen vì nắng, tay cầm dầm, cho xuồng nghiêng qua một bên, miệng hối thúc thằng nhỏ ngồi ở mũi, có lẽ là em nó, độ 10 tuổi, cũng chỉ trần xì xà lỏn. Tiếng nói theo chiều gió vẳng đến :
Dầu nhiều quá anh ơi ! Tha hồ tát ! Phen này cho tụi thằng Cư lé mắt luôn, anh há ?
Tát nhanh lên ! Nhanh lên, kẻo bộ đội thấy…

Tôi nhìn vào trong. Hình như thằng bộ đội cảnh vệ ngồi gác ở đầu ụ nổi đã thấy, nó xô ghế chạy ra. Hai thằng bé say sưa tát, chiếc xuồng hết nghiêng bên này rồi bên kia.
Dầu nhiều quá anh ơi…
Tát nhanh lên, nhanh lên…

Xuồng bè dần đến chân cầu. Tôi e ngại cho chúng. Thằng Long không kiêng nể gì, đứng bật dậy, chụm hai tay làm loa, la lớn ra mặt sông :
Bộ đội ra đó, nhanh lên !

Không kịp rồi. Tên bộ đội nhỏ người, gương mặt xương xẩu có vẻ hơi hung ác, mặt đanh đanh lại, đứng trên mũi một chiếc duyên kích đỉnh đậu ở vị trí 3, nhìn hai thằng bé tát dầu hốt hoảng bơi hết tốc lực về bên kia sông, thằng nhỏ ngồi sau lái, vừa quơ tay dầm, vừa ngoái cổ nhìn lại, vẻ mặt sợ hãi, khiếp sợ. Gã bộ đội dùng còi thổi lên một tràng, giơ tay ngoắc ra hiệu hai thằng bé dừng lại.
Nhanh lên ! Bơi nhanh lên !

Thằng Long nhảy cỡn trên boong, hò hét khuyến khích hai thằng bé đang cố gắng trốn chạy, trước khi “ho-bo” tuần tiểu đến. Gã bộ đội có vẻ tức giận về sự ngoan cố của hai thằng bé, tức giận vì lời khuyến khích của Long. Hắn lạnh lùng nâng súng lên. Đoàng… ! Ba tiếng nổ xé tan bầu không khí yên lặng của nhà máy sắp tới giờ ngừng việc.
Trời ơi !

Tôi không ngăn nổi tiếng kêu. Thằng bé ngồi sau lái ngã nhào tới trước, buông rơi chiếc dầm trong tay, mặt úp vô be xuồng, tay buông thõng xuống mặt nước, lật lìa, bất động. Máu từ lưng nó tuôn ra, nhuộm đỏ tấm thân xạm nắng, chạy dài theo cánh tay, nhỏ xuống nước. Thằng nhỏ ngồi ở đầu xuồng, bỏ tay dầm, nhảy chổm đến ôm anh nó lên, khóc nức nở.

Lire aussi/Đọc thêm  Nghe nhạc Lam Sơn 3

Chiếc xuồng không người lái, chao nghiêng, xoay tròn và trôi theo chiều nước rút.

(1) Sau 30/4/75, cộng sản đưa vào Nam những kỹ sư miền Bắc để nắm những chức vụ quan trọng điều hành trong hãng xưởng. Công nhân gọi là “kỹ sư dởm” vì kiến thức của những kỹ sư này không hơn gì một anh thợ mới vào nghề.

Nguyễn Song Pha
Bài đã đăng trong đặc san Xuân Nhân Bản 2.1980

Rất cảm động sau khi đọc bài “Em bé tát dầu”, nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã sáng tác nhạc phẩm “Thằng bé tát dầu” cùng năm 1980.

Cùng chủ đề