agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1974 - 1983

Ai về xứ Việt

Bài hát do Phan Văn Hưng phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh năm 1978 khi cả hai đều sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Minh Đức Hoài Trinh giữ một cột báo thường trực trên nguyệt san Nhân Bản tựa đề “Lá Thư”, còn Phan Văn Hưng làm văn nghệ và làm báo.

Bài hát được Phan Văn Hưng trình bày lần đầu tiên nhân một buổi văn nghệ do THSV tổ chức tại Foyer International trên Boulevard Saint Michel, Paris 5, dành đặc biệt cho các tác phẩm của Minh Đức Hoài Trinh. Kèm đây là bản viết tay bài hát, chỉ giữ được dưới dạng sao chụp nên nét chữ đã mờ nhạt nhưng còn có thể đọc tên tác giả là “Nhóm Sáng Tác THSV”. Thời đó, mọi sáng tác của anh chị em THSV đều ký tên chung như vậy, đến khi Văn đoàn Lam Sơn thành lập mới đăng tên thật.

Bài Ai Về Xứ Việt được thu âm trên băng cassette Du Ca 3 – Trong Lòng Quê Hương năm 1979 và xuất bản trên giấy trong sách nhạc Ai Về Xứ Việt năm 1981 với lời giới thiệu của Nguyễn Đức Quang.

Khi Ai Về Xứ Việt được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp trình bày, đặc biệt là Khánh Ly, bài hát nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu của thời hậu 1975. Bài hát cũng đánh dấu một sự chuyển hướng trong tâm tư người Việt tỵ nạn bấy giờ từ một tâm trạng mất mát, thương nhớ quê hương sang một thái độ tích cực đòi hỏi tự do dân chủ cho dân tộc Việt.

Lire aussi/Đọc thêm  Nghe nhạc Lam Sơn 5

Phan Văn Hưng

Vài giai thoại khác

Lúc nguyên thủy, tựa bài hát là “Ai trở về xứ Việt” nhưng không hiểu sao đến khi đưa và tập nhạc cùng tên vào năm 1981 thì mất đi chữ “trở”. Sau này, trong các sinh hoạt của Tổng Hội Sinh Viên, bài hát vẫn duy trì tên “Ai về xứ Việt”.

Trong một lần trò chuyện với một chị trong nhóm phụ trách nguyệt san Nhân Bản, nhà thơ Minh Đức Hoài Trình cho biết là đã viết bài thơ cho những tù nhân bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt khi chống lại việc ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Lúc viết bài thơ này vào năm 1962, Minh Đức Hoài Trinh đang ở Paris nên mới có câu Ai Trở Về Xứ Việt. Bài sau này được đăng trong tập thơ Mơ (Sáng Tạo phát hành năm 1964 tại Sài gòn).

Tuy thơ làm trong bối cảnh đệ nhất cộng hòa nhưng khi đọc, nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã cảm thấy rất hợp với tâm tư của mình thời hậu 1975 nên mới mượn lời phổ thành nhạc. Phan Văn Hưng cho đây là một điều tuyệt diệu của nghệ thuật. Có những tình cảm phổ quát về đau khổ và hạnh phúc mà đã làm người thì ai ai cũng rung động như nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.

Có một lần gặp lại nhạc sĩ Phan Văn Hưng tại Little Saigon (Hoa Kỳ), Minh Đức Hoài Trinh đã thố lộ : “Hưng có thấy bài này còn nhiều mùi vị lãng mạn lắm không? Nếu chị phải viết lại cùng bài này trong thời CS thì hẳn sẽ rừng rực căm hờn chứ không tình cảm nhẹ nhàng như thế đâu !

Lire aussi/Đọc thêm  Nghe nhạc Du Ca 2

Bản viết tay nguyên thủy

Ai Trở Về Xứ Việt – Minh Đức Hoài Trinh

(Gửi các bạn tù trong những năm quê hương rách nát)

Ai trở về xứ Việt
Nhắn giùm ta người ấy ở trong tù
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên siết
Dài lắm không ?… Đằng đẵng mấy mùa thu

Ai trở về xứ Việt
Thăm giùm ta người ấy ở trong tù
Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc
Thay giùm ai mầu trời ngục âm u

Các bạn ta ơi bao giờ được thả
Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi
Được lắng nghe tiếng chim cười trong gió lá
Đến bao giờ ?
Bao giờ hờn uất mới nguôi ?

Người bạn tù ơi, ta không quên đâu
Nhớ hôm xưa nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình ngâu
Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích

Anh sửa soạn lên đường về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
Và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo

Còn bạn nữa, biết nhau từ ngày ấy
Ta sẽ về đón ở cửa âm u
Đời sẽ đẹp, mùa xuân hồng biết mấy
Dầu ngoài kia mây có trĩu mùa thu.

Trích dutule.com

Cùng chủ đề

VIDEO

Thành viên Tổng Hội Sinh Viên

Phan Văn Hưng (2002, trụ sở THSV)

Tố Lan (2010, Hội Tết Canh Dần)

Bích Thủy, Y Lan, Sơn, Đan (2017, Tết Đinh Dậu)

Phát video

Ca sĩ khác

Khánh Ly

Ngọc Lan

Tuấn Anh