agevp60.com

Thập niên 1994 - 2003

Một con tim, một màu cờ

Vào năm 1998, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris (THSV) mong muốn tổ chức sinh hoạt kỷ niệm 50 năm vinh danh lá cờ của Việt Nam Cộng hòa. Cờ vàng ba sọc đỏ như chúng ta vẫn thường nói trong cộng đồng người Việt tự do, hay nói một cách thân thiện hơn là “cờ vàng”.

Ngay sau ngày Hội Tết Mậu Dần, THSV đã gởi thư mời nhiều hội đoàn người Việt Nam tự do tại Ba-Lê và vùng phụ cận để thảo luận về dự án. Trong số đó đã có khoảng 12 hội đoàn đã đồng ý tham gia ban tổ chức và đều muốn giao trách nhiệm tổ chức cho THSV. Vì vậy mà anh Vũ Quốc Thao, cựu chủ tịch THSV và người khởi xướng dự án, và anh Nguyễn Gia Hiển, đương kim chủ tịch, lần lượt được ủy nhiệm làm trưởng ban và thủ quỹ của Ban Tổ Chức “Đại lễ 50 năm Quốc kỳ Việt Nam”.

Ngay từ lúc đầu, ý định đã là tổ chức một cuộc diễn hành trong quận Á tức là khu phố của quận 13 của Ba-Lê, tương tự phần nào với cuộc diễn hành của các thương gia để chào mừng Tết Nguyên Đán. Đây là một thử thách đối với các hội đoàn Việt Nam vì chúng ta không có nguồn lực hậu cần và tài chánh như các hiệu thương mại lớn trong khu phố.

Ngày diễn hành được ấn định là chủ nhật 21/06 vì đây là ngày gần nhất với ngày 5/06/1948, ngày chính thức ra mắt lá cờ. Một khi thông tin về lễ kỷ niệm này được chính thức công bố, THSV rất xúc động khi nhận được những thông điệp ủng hộ từ các hội đoàn người Việt tự do và các cơ quan báo chí trên khắp thế giới. Cặp mắt của cả thế giới đổ nhìn về Ba-Lê và sinh hoạt với giá trị biểu tượng cao cả sắp tới của nó.

Lire aussi/Đọc thêm  Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc

Tuy nhiên, việc tổ chức lễ kỷ niệm phức tạp hơn nhiều so với dự kiến, Ban Tổ Chức Đại lễ 50 năm đã phải quyết định hoãn cuộc diễn hành đến ngày 13/9. Sự trì hoãn này đã gây ra một số lo âu trong cộng đồng người Việt tự do tại hải ngoại vì tất cả đang rất mong chờ lễ kỷ niệm này.

Rốt cuộc, ban tổ chức đã xác nhận sẽ có một diễn hành ngày 13/09. Ngày nay, mọi việc đã xong, nhiều người tưởng là tổ chức diễn hành là đơn giản nhưng vào thời điểm đó, sự căng thẳng lên đến cực điểm. Đây là lần đầu tiên người Việt tổ chức cuộc diễn hành tại phố chợ Á trên đại lộ d’Ivry, bắt đầu từ đại lộ Masséna và kết thúc tại đại lộ Choisy. Chúng ta không có phương tiện hậu cần (bãi đậu xe, tầng hầm) như những tiệm buôn lân cận. Các dụng cụ tổ chức được chuẩn bị ở nhiều nơi khác nhau và tất cả đều tập trung ráp lại tại Halle Georges Carpentier vào sáng sớm hôm đó.

Trong lúc chuẩn bị xuất quân thì trời bỗng mưa nhẹ. Sự lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt của Ban Tổ Chức nhưng tất cả vẫn quyết định thực hiện cuộc diễn hành. Khi bắt đầu khởi hành, đột nhiên mưa tạnh. Tất nhiên, không khí còn hơi lạnh đối với phụ nữ mặc áo dài nhưng vẫn có thể diễn hành được khi khoác lên người một chiếc áo ấm. Trong suốt hai tiếng đồng hồ diễn hành, không còn một giọt mưa nào rơi xuống nữa. Ông trời còn thương người Việt tự do !

Đoàn người và xe khởi hành vào khoảng 10 giờ sáng với biểu ngữ kỷ niệm 50 năm và một lá cờ lớn ở đầu đoàn. Ngay phía sau là một chiếc xe tải có treo những dải ruy băng lớn màu vàng và đỏ. Tất cả giao thông đã bị chặn. Chúng ta vừa chiếm lấy đại lộ Ivry !

Lire aussi/Đọc thêm  Đại Hội SVVN Âu Châu 08.1977
Cinquantenaire du Drapeau du VN

Mục đích của Ban Tổ Chức là thực hiện một đại lễ sống động và vui tươi, vì vậy cuộc diễn hành thường xuyên dừng chân để có những màn hoạt náo như múa lân, biểu diễn võ thuật và những màn múa trong chương trình văn nghệ của ngày Hội Tết (và anh chị em ban văn nghệ THSV đã thấy được sự khác biệt giữa đường phố và sân khấu ngày Hội Tết).

Một chiếc loa phóng thanh giải thích ý nghĩa của lễ kỷ niệm. Những lá cờ nhỏ được phân phát cho người bên đường. Không có một biến cố an ninh trật tự nào xảy ra mặc dù ý nghĩa chính trị của đại lễ. Ngược lại, một số người Việt đi chợ trong quận 13 – trong số đó có người đến từ các tỉnh hoặc các nước lân cận – đã tham gia cùng đi một quãng đường.

Cuộc diễn hành đã là một thành công rực rỡ. Không khí vui tươi, tốt lành và trên hết là đoàn kết. Và điều đáng lạ nhất là khi đoàn rước đi hết lộ trình và đến Halle Georges Carpentier, trời bắt đầu đổ mưa trở lại trên những vỉa hè trải đá mà vài phút trước đó còn tràn đầy sức sống.

Phần hai của đại lễ diễn ra trong nhà. Phong cách cổ điển hơn nhưng không kém phần thú vị. Bắt đầu là nghi lễ chào cờ và phút mặc niệm. Sau đó, các nhân vật của cộng đồng đã có bài phát biểu liên quan đến lá cờ. Các nghệ sĩ đã đến tham gia trong phần văn nghệ. Cuối cùng, kết quả thăm dò với chủ đề “hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trong cộng đồng người Việt tại Ba-Lê” đã được trình bày và bình luận.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (1)

Đại lễ tưởng niệm đã kết thúc trong bầu không khí đầy cảm xúc. Khán giả chậm rãi ra về như muốn kéo dài buổi lễ thêm một chút nữa. Phòng Halle Georges Carpentier đã chật kín, trẻ em ra về tay vẫy những lá cờ nhỏ mà các em đã nhận được. Về cuộc diễn hành, cảnh sát ước tính có khoảng 500 đến 600 người tham gia và chúng ta nên biết rằng theo thường lệ con số này phải được tăng ít nhất là gấp đôi.

Sau ngày đại lễ tưởng niệm, một tập kỷ yếu đã được xuất bản để ghi lại sự kiện này cho hậu thế. Tất cả các tài liệu liên quan đến buổi lễ được đăng trên trang web kỷ niệm 60 năm của THSV.

Tác dụng của sinh hoạt này là gì ? Ý chí vinh danh cờ vàng đã lan rộng trong cộng đồng người Việt tự do trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Úc, mỗi nơi đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm theo cách riêng của địa phương. Từ đó cũng đã khai sinh ra những lễ kỷ niệm sau này như 60 năm và sau đó là 70 năm. Chúng ta sẽ chắc chắn rằng THSV vẫn duy trì tinh thần này đến dịp kỷ niệm 80 năm. Một lần nữa, tổ chức “Đại lễ 50 năm Quốc kỳ Việt Nam” chứng minh khả năng tưởng tượng, can đảm nhận thử thách và giữ vai trò chủ động để trở thành động lực của cộng đồng người Việt Nam tự do.

Nguyễn Gia Hiển

Bích chương quảng bá Đại Lễ