Thập niên 1994 - 2003
Nhân Bản, 20 năm sau
Làm báo trước thời @ là thời của báo giấy, vui lắm, cực nhưng vui, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Vào thập niên 1990, một số người còn chưa có điện thoại cầm tay hoặc địa chỉ email, nói gì đến laptop, YouTube, Facebook, Twitter, WhatsApp, Viber, Messenger hoặc các chương trình visioconférence.
Ấn định ngày giờ họp trước (một số người chỉ liên lạc được qua điện thoại bàn), Ban Biên Tập gặp nhau tại trụ sở của hội được dùng làm “tòa soạn” báo. Họp bàn về chủ đề, trao đổi nội dung, phân chia công việc cho mỗi biên tập viên, với ấn định hạn cuối để “nộp bài” cho kịp lên khuôn.
Rồi các bài viết lần lượt được trao cho chủ bút. Phần nhiều được viết bằng tay trên trang giấy học trò (!), khá hơn là trong một đĩa mềm (floppy disk) bằng nhựa màu đen, với các bài viết bằng telex (bo? da^/u be^n ca.nh nhu* the^/ na\y), trước khi có font chữ Việt VPS hay VNI.
Thế là mỗi tối sau giờ làm việc là ghé tòa soạn, cặm cụi ngồi gõ và gò lại các bài viết. Thời đó chưa có xe riêng, mà sau 1g sáng là hết xe lửa công cộng. Khi phải làm việc quá nửa đêm, nếu không có anh chị nào đưa về nhà, thì kê ba cái ghế làm giường, ngủ tại trụ sở đến sáng, đánh răng, đóng bộ thắt cà vạt là đến sở làm tỉnh bơ, chiều chạy về nhà tắm rửa thay đồ nhanh rồi quay lại tòa soạn làm việc tiếp.
Kế đến là công việc lên khung (sau này sử dụng Quark XPress tiện dụng hơn rất nhiều). Khung thì bị giới hạn bởi số trang, bài vở thì mạnh ai nấy viết, nên rất thường phải dục bỏ bớt, hoặc khi có bài giá trị thì chia thành nhiều tập để đăng trong các số báo sau.
Và cuối cùng giây phút hồi hộp và nhộn nhip nhất là khi làm “maquette finale”. Ngày này toàn thể Ban biên tập cùng có mặt, in ra và dán 2 trang A4 lại với nhau theo chiều cao thành khổ A3. In xong là dán hình.
Các hình ảnh minh họa thường được vẽ tay hoặc là hình chụp. Hình vẽ gốc, được đặt trước với chuyên viên vẽ để theo đúng chủ đề bài viết, được cẩn thận cắt đúng kích thước khung bài đã được đo trước. Hình chụp thì phải đem ra tiệm rửa. Trên khung bài đã chừa sẵn ô trống để dán hình vẽ hoặc hình chụp lên.
Sau quá trình in, cắt, dán là mẫu maquette của tờ báo được cầm trong tay, cẩn thận vì sợ hư-rách làm dơ, mân mê vì đây là quá trình của nhiều tuần làm việc. Từng tờ giấy báo được trải thứ tự theo số trang trên bàn lớn để mọi người đọc lại lần cuối.
Thường xuyên xảy ra việc ai đó khám phá ra một lỗi đánh máy hay mẫu tờ báo bị lem, hình dán không thẳng… thế là phải làm lại trang đó từ đầu.
Giai đoạn cuối là đem maquette ra nhà in. Phải chờ 3 ngày sau mới đến lấy báo. Ngày “báo về” là ngày mà tòa soạn đông đủ nhất. Hồ hởi cầm tờ báo trên tay, lật từng trang của đứa con tỉnh thần với nụ cười nhẹ rõ trên gương mặt. Rồi xếp báo, bỏ bìa thư dán địa chỉ độc giả để ngày hôm sau đem gửi bưu điện khắp năm châu. Phần còn lại đem bỏ mối ở các chợ Á đông, nhà sách và cửa hàng Việt Nam.
Thời buổi chưa có kết nối toàn cầu, cách tiếp cận miễn phí nhanh nhất với Việt Nam là qua điện thư. Mình nhớ đã phải mua danh sách vài chục ngàn địa chỉ email tại VN, để thực hiện việc “chuyển lửa về quê nhà” bằng cách chuyển tin tức qua email. Mà AOL chỉ cho phép gửi mỗi lần tối đa là 500 địa chỉ. Bao đêm thức trắng để thực hiện 100 lần cùng một thao tác : dán nội dung thông tin vào thân điện thư, thêm từng 500 địa chÍ được sắp xếp theo thứ tự ABC dưới dạng cci/bcc mới xong hết danh sách. Chỉ để chuyển một tin tức, đến một nơi vô định. Những hồi âm nhận được là “báo cáo địa chỉ sai“, hoặc những lời chửi rủa “phường phản động“, “yêu cầu được xoá tên khỏi mailing list“. Nguyệt san Nhân Bản cũng đã được gửi vào trong nước dưới hình thức ấy.
Tờ báo tháng này vừa được gửi đi là đã phải chuẩn bị tờ báo của tháng sau. Song song với việc tìm độc giả mới và đi bán quảng cáo nơi các công ty, nhà hàng để trang trải ấn phí.
Thời đó làm báo cạo phối là vậy. Một năm 12 tháng là 11 nguyệt san và 1 đặc san Tết. Hầu như làm báo liên tục không bao giờ nghỉ ngơi. Không dễ dàng như bây giờ với vô vàn phần mềm trợ giúp. Cũng không có Google để tìm kiếm nhanh chóng dữ liệu, thông tin, hình ảnh cho các bài viết.
Lại càng không thể đến tay độc giả dễ dàng nhanh chóng. Ngày nay, thời đại thông tin công nghệ và điện tử, khi toàn thế giới có thể xích lại gần nhau trong giây lát qua một nút nhấn, không còn mấy ai chuộng đọc báo giấy.
Nghĩ lại những năm tháng sống bụi làm báo ngày xưa, những bữa ăn nhanh chống đói, những bia rượu tìm cảm hứng viết bài, những cà phê thuốc lá chống buồn ngủ, mà tủm tỉm cười : mình đã già.
Phạm Dương Đức Tùng
Các bài cùng thập niên