Thập niên 1984 - 1993
Thế giới trong các năm 1984 - 1993
Đề cập đến thập niên này, chúng ta hãy cùng nhìn các sự kiện, các thời điểm qua 2 góc cạnh :
– Thế giới trong các năm 1984-1993 (bài này)
– Thập niên của Tổng Hội
Thế giới sôi sục, nước Pháp lục đục
Trước khi đề cập đến Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, chúng ta hãy cùng nhớ lại vài sự kiện xảy đến với thế giới, với nước Pháp cũng như với Việt Nam.
Lúc bấy giờ tình hình thế giới khá sôi sục vì nhiều vụ nổ. Nào là nổ trầm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl vào tháng 4 năm 1986, nào là những tiếng bom mìn của khủng bố cho nổ vào các năm 1985-1986 ngay trong thành phố Paris, nào là những tiếng thét đau đớn của thanh niên sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn trước họng súng nổ đàn áp của hồng quân vào tháng 6 năm 1989. Súng đạn cũng đã nổ vang trên lãnh thổ nước Koweit trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất năm 1992 và bom khủng bố cũng lại nổ một lần nữa tại World Trade Center năm 1993 tại New York.
May thay, ngoài những tiếng hét than khóc, thế giới còn được nghe những tiếng hò hét vui sướng của người dân Đông Đức khi phá hủy bức tường Bá Linh vào năm 1989 hoặc của nhân dân các nước Đông Âu khi hay biết đế quốc Liên Xô tan rã.
Hoàn cảnh nước Pháp thì ngoài các vụ khủng bố nhắm vào Paris, tình hình chính trị cũng sôi sục không ít. Mặc dầu có một tổng thống tả phái Mitterrand được đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp và cầm quyền trong 14 năm trời nhưng chính trường không phẳng lặng dưới áp lực của ông Chirac, thủ lãnh hữu phái. Đến độ phải nhượng vai trò thủ tướng từ tháng 3/1986 đến tháng 5/1988 khi hữu phái thắng đa số tại quốc hội.
Hy vọng tan biến
Đối với nhiều tầng lớp người Việt ở trong nước hay tại hải ngoại, thập niên 1984 – 1993 lại chất chứa nhiều thất vọng.
Những kẻ đã từng “hồ hởi” tin vào những hứa hẹn “Đổi mới chính trị” của Đại Hội 6 của đảng Cộng Sản cầm quyền vào tháng 12/1986 có lẽ phải chua chát nhận xét rằng thay đổi nếu có chỉ là một phần nào trên phương diện kinh tế với vài cải tổ trong nông nghiệp và việc xí nghiệp tư hữu được chấp thuận. Tệ hại hơn, với Hiến Pháp mới được ban hành tháng 4 năm 1992, vai trò độc tôn của đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục được duy trì trong Điều 4, cho phép họ làm bất cứ chuyện gì có thể gây hại cho đất nước, cho dân tộc mà không luật pháp nào trừng phạt được !
Vì không chấp nhận chế độ cộng sản toàn trị mà hàng triệu dân Việt đã phải bỏ đi, bằng đường biển hay bằng đường bộ bất chấp những hiểm nguy đến từ hải tặc, từ cướp đường, từ phong ba bão táp.
Trong thập niên trước, người tỵ nạn Việt được nhiều cánh tay thiện nguyện, nhiều quốc gia trên thế giới niềm nở đón rước. Nhưng rồi trước sự gia tăng không ngớt của lớp người tỵ nạn, những thiện ý, những vồn vã ban đầu đã nhường bước cho những nghi kỵ, những xua đẩy, những bạo hành. Nhà cầm quyền Hồng Kông, rồi các quốc gia Đông Nam Á như Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tận hay Thái Lan, lần lượt ban hành những biện pháp khắc nghiệt hơn để ngăn chặn thuyền nhân cập bến hoặc để suy xét quy chế tỵ nạn.
Hội Nghị Quốc Tế về vấn đề thuyền nhân tổ chức tại Genève các ngày 13 và 14 tháng 6, 1989 thông qua Kế hoạch Hành Động Toàn Diện và chấp nhận nguyên tắc thanh lọc các thuyền nhân cũng như nguyên tắc hồi hương tự nguyện. Từ lúc này, số người hy vọng đến được một chân trời tự do qua ngả tỵ nạn giảm thiểu mạnh và sang thập niên sau, khoảng năm 1996 thì coi như ngừng hẳn.
Nếu như có hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm Tự Do, cũng có rất nhiều người chọn ở lại đấu tranh vũ trang và họ lập căn cứ ngay trong nước hay tại các quốc gia lân cận. Từ khoảng cuối thập niên trước cho đến giữa thập niên đang nói tới, hầu hết các cộng đồng người Việt ở hải ngoại đều hướng vào việc yểm trợ các lực lượng kháng chiến. Các ủy ban yểm trợ, các chiến dịch gây quỹ nở rộ ở khắp nơi. Trong cao trào yểm trợ đó, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam có vẻ như được ưu đãi nhiều nhất.
Thời điểm cuối 1984 đầu 1985 một biến cố bất ngờ xảy đến. Tin nhiều thành viên của Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam bị bắt giam trên lãnh thổ Việt Nam rồi ngay sau đó, ngày 8 tháng 1 năm 1982, tin 4 người Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh và Trần Văn Bá bị xử tử sau một phiên tòa cấp tốc chẳng khác chi sét đánh lên đầu người Việt chống cộng. Trong tức thời, mọi người đã có chứng cớ kháng chiến quân có hoạt động thực sự ở Việt Nam. Nhưng rồi nhiều người cũng phải chấp nhận một thực tế phũ phàng : kháng chiến võ trang khó có thể là giải pháp hữu hiệu để lật đổ chế độ cộng sản.
Vài năm sau đó, ngày 27 tháng 8 năm 1987, đến lượt ông Hoàng Cơ Minh, lãnh tụ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam bị tử vong trong một chiến dịch xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Mặc dầu chỉ được công khai hóa vào năm 1991, sự cố này cùng với những xáo trộn trong nội bộ Mặt Trận cũng như những hoài nghi về các hoạt động trái luật của tổ chức tại Hoa Kỳ khiến cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại vơi đi rất nhiều kỳ vọng vào công cuộc kháng chiến võ trang.
Tuy thế, ý chí chống lại chế độ cộng sản vẫn còn mạnh mẽ và dần dần các cộng đồng chuyển sang yểm trợ các nỗ lực tranh đấu cho Nhân Quyền ở Việt Nam. Khắp nơi, các tổ chức đảng phái, các đoàn thể thanh niên hay lớn tuổi hơn gia tăng những hoạt động nhằm cản phá ảnh hưởng của chế độ cộng sản ở hải ngoại. Biểu tình, hội thảo được liên tục tổ chức mỗi lần kỷ niệm biến cố 30 tháng 4 1975 hay những Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Có nhiều khi, các tổ chức, các đoàn thể còn họp nhau lại để phối hợp hành động.
Chắc chúng ta còn nhớ chiến dịch Chống kinh tài cộng sản trong các năm 1986, 1987. Ngày 10 tháng 10 năm 1987, các hội đoàn đã cùng nhau tổ chức cao điểm của chiến dịch với ngày Hải ngoại chống kinh tài Việt cộng. Tại Paris, nhiều hội đoàn đã cử người đến nhiều điểm kinh tài của Việt cộng để phát truyền đơn và khuyến khích người tiêu dùng đi nơi khác mua sắm. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức trong quận 13 để kêu gọi tảy chay các cửa hàng ngoại vi cộng sản.
Và chắc chúng ta cũng còn nhớ các nỗ lực của nhiều hội đoàn và cá nhân tập họp trong Ủy ban tố cáo tội ác Hồ Chí Minh nhằm yêu cầu UNESCO rút lại quyết định vinh danh nhân vật này trong khuôn khổ sinh nhật thứ 100 của ông ta. Nhiều cuộc biểu tình xuống đường đã diễn ra ở nhiều nơi, một trong những cao điểm là ngày 21 tháng 5 năm 1989 tại quảng trường Trocadéro. Nhiều ấn phẩm, sách nghiên cứu cũng đã được phát hành để làm sập đổ huyền thoại Hồ Chí Minh. Nổi bật nhất có lẽ là cuốn sách “Sự thật về Hồ Chí Minh” với nhiều cây bút hợp tác. Cuối cùng ban giám đốc UNESCO đã lùi bước và không tổ chức gì chính thức trong năm 1990. Ngay cả chính phủ Pháp cũng không cấp một khoản tài trợ nào trước áp lực của các hội cựu chiến binh cũng như của dư luận Pháp.
Năm 1993, Pháp đã có hành động thân thiện hơn với chế dộ cộng sản Hà Nội. Qua cuộc công du từ 9 đến 11 tháng 2 năm 1993, tổng thống Mitterrand trở thành nguyên thủ Tây Âu đầu tiên đến viếng thăm chính thức Việt Nam.
Hoàng Mai
Cùng thập niên