agevp60.com

20 năm với chế độ Cộng Hòa

Ghi chú :
Bài phân tích sau đây đã được đăng trong Đặc san Sinh Viên Bính Thìn 1976 do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris phát hành. Do sự cận kề về thời gian tính với các sự kiện, diễn biến liên quan đến chủ đề, bài viết có nhiều cơ may cho thấy được phần nào những cảm nghĩ chân thật của nhiều người vào lúc đó, khi toàn cõi Việt Nam chỉ mới đi vào chế độ Cộng Sản không đến 1 năm. Có thể ngày hôm nay, một bài về một chủ đề tương tự sẽ được viết khác đi, một khi đã thấm đậm hơn tính chất “nguội lạnh” của 50 năm lịch sử. Ở cuối bài, chúng tôi có thêm một vài ghi chú để làm sáng tỏ hơn một số sự kiện hay chi tiết…

Sau Đệ nhị Thế Chiến, phong trào tranh đấu giành độc lập của những quốc gia bị trị bùng nổ mạnh mẽ khắp nơi. Dân tộc Việt Nam ý thức được vai trò của mình trước cao trào tranh đấu giành độc lập và chủ quyền lại cho dân tộc sau 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Khắp nơi, dân chúng tự động đứng dậy tham gia phong trào tranh đấu.

Thay vì trao trả độc lập cho dân tộc ta, thực dân Pháp tìm mọi cách duy trì chính sách đô hộ : thủ tiêu những lãnh tụ quốc gia tranh đấu cho độc lập và cho chủ quyền dân tộc, đổ bộ Hải Phòng và tiến đánh Hà Nội. Chiến tranh giải phóng bùng nổ ngày 19 tháng 12 năm 1946. Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra đời. Nhưng sau đó, để khỏi bị thủ tiêu, những lãnh tụ quốc gia phải rút ra khỏi chính phủ Liên hiệp Quốc-Cộng chạy sang Tàu hay chạy về chiến khu của Đảng. Cuộc kháng chiến võ trang ngày một lớn mạnh. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 buộc người Pháp phải tham dự cuộc đàm phán tại Genève.

Trong phần thứ nhất sẽ được đề cập đến nền Đệ nhất Cộng Hòa và tiếp theo là diễn tiến những biến chuyển quan trọng dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa cho tới biến cố quân sự ngày 30.4.1975. Những nguyên nhân đưa tới sự sụp đổ Chế độ Cộng Hòa tại miền Nam sẽ được trình bày trong phần thứ hai.

Đệ nhất Cộng Hòa : 7.7.1954 – 1.11.1963

Trước những biến chuyển dồn dập tại Việt Nam, Nội các Bửu Lộc tỏ ra bất lực trong việc lãnh đạo khối người quốc gia, vì tính cách tùy thuộc ngoại bang. Tình hình quốc tế và quốc nội sôi động mạnh mẽ buộc Bửu Lộc phải từ chức. Ông Ngô Đình Diệm được “Quốc Trưởng” Bảo Đại mời thành lập nội các mới. Ông Diệm nhận lãnh chức vụ Thủ Tướng chính phủ Quốc-Gia Việt Nam ngày 7.7.1954 và ngày 7.7.1954 này mở đầu cho nền Đệ nhất Cộng Hòa.

Khi ông Diệm đang lo thành lập chính phủ quốc gia, Hội Nghị Genève vẫn tiếp tục bàn về một giải pháp giải quyết vấn đề Việt Nam. Ngày 20.7.1954 tại Hội trường Liên Hiệp Quốc tại Genève, đại diện Bắc Việt thỏa thuận với thực dân Pháp chia hai Việt Nam :
• Miền Bắc (từ ải Nam Quan cho tới vĩ tuyến 17 và ranh giới đình chiến giữa hai miền là sông Bến Hải) thuộc quyền chính phủ Bắc Việt do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo,
• Miền Nam (từ sông Bến Hải vào cho đến mũi Cà Mau) dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Nhưng dân chúng miền Nam đã đoàn kết tranh đấu đánh đuổi thực dân Pháp và bọn tay sai ra khỏi miền Nam. Phải chăng miền Bắc đã có ý đồ miền Nam cho thực dân để họ có lý do xách động quần chúng dưới chiêu bài “mọi người dân yêu nước tham gia và tích cực tranh đấu, tích cực sản xuất để giải phóng thành công của tổ quốc miền Nam. Nhưng dân chúng miền Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp trước khi Hà Nội xách động quần chúng để giải phóng miền Nam.

Sau Hội Nghị Genève 20.07.1954, sông Bến Hải trở thành ranh giới chia đôi đất nước Việt Nam.

Chính phủ quốc gia vừa thành lập sau hai tuần phải đối phó với những khó khăn cấp thời
• Di chuyển những cơ sở của chính phủ vào miền Nam
• Di cư và định cư một triệu đồng bào bỏ miền Bắc vào miền Nam tìm tự do với hai bàn tay trắng.

Vào tới Sài Gòn chính phủ còn phải lo lắng giải quyết nhiều vấn đề gai góc trước mắt
• Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân làm hậu thuẫn cho chính phủ để cùng lo gánh vác trách nhiệm trước những khó khăn do thực dân và bọn tay sai tạo ra để cản sức tiến của dân tộc.
• Tổ chức lại quân đội, hành chánh và giáo dục…
• Định cư một triệu đồng bào di cư và bình thường hóa đời sống kinh tế.
• Bảo đảm an ninh cho dân chúng dưới sự đe dọa của bọn lục lâm thảo khấu do thực dân dung dưỡng với ý đồ “chia để trị” mà chúng vẫn thường dùng.

Trong một cuộc họp các nhân sĩ tại tòa đô chính Sài Gòn, các vị đồng ý truất phế Quốc Trưởng Bào Đại, vì trước hiện tình đất nước Quốc Trưởng vẫn ở tại Pháp dưới sự khống chế của người Pháp. Thế rồi phong trào lan rộng đưa đến cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955. Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế. Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hòa và trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng thống Diệm phải đương đầu với cuộc nội chiến do Bình Xuyên phát động tại Sài Gòn và một số phần tử võ trang thuộc các giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài không chịu hợp tác với chính phủ Cộng Hòa. Nhờ sự đoàn kết và ý chí tranh đấu cùa toàn dân, an ninh được vãn hồi và uy quyền quốc gia được tái lập. Một số loạn tướng phải chạy ra nước ngoài. Sau đó quân đội viễn chinh Pháp triệt thoái khỏi Việt Nam Cộng Hòa.

Sau đây là những biến cố quan trọng dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa :
• Ngày 26.10.1956 : ban hành Hiến Pháp.
• Năm 1958 : biến cố Ban Mê thuột. Tổng thống Diệm thoát khỏi vụ ám sát tại Hội Chợ Kinh tế Ban Mê Thuột.
• Ngày 17.1.1960 : cộng quân tấn công thị xã Bến Tre thuộc tỉnh Kiến Hòa mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa.
• Mùa thu 1960 : cộng quân tấn công Kon Tum, Pleiku nhưng bị lực lượng nhảy dù đẩy lui.
• Ngày 11.11.1960 : một số sĩ quan cấp tá thuộc lực lượng nhảy dù tổ chức cuộc đảo chính, nhưng quân chính phủ do các Đại-tá Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu kịp thời điều động về giải vây Sài Gòn. Đại-tá Thi, Trung-tá Đông, ông Thụy (a) chạy qua ngả Nam Vang. Ông Đán (a) bị cầm tù vì chạy không kịp.
• Ngày 20.12.1960 : Mặt Trận Giải Phóng miền Nam ra đời ở Hà Nội.
• Tháng 2.1962 : hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái máy bay bắn phá dinh Độc-Lập mưu sát Tổng thống Diệm. Nhưng ông Diệm không bị thương tích gì. Phi công Quốc bị bắt giữ sau khi máy bay bị lực lượng phòng không hải quân bắn hạ gần xa-lộ Biên Hòa.
• Tháng 3.1963 : để làm áp lực bắt ông Diệm phải thiết lập một nền dân chủ cho miền Nam giống như ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh cắt đứt mọi viện trợ kinh tế và quân sự dành cho miền Nam. Từ tháng 3.1963 cho đến 1.11.1963, mặc dù không có viện trợ Mỹ, miền Nam vẫn đứng vững được.
• Tháng 5.1963 : vụ lộn xộn nhân ngày Phật Đản tại Huế và sau đó là Phong Trào Phật Giáo do Thượng tọa Thích Trí Quang điều động và tổ chức để lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.
• Ngày 1.11.1963 : một số tướng tá ăn tiền của Mỹ qua trung gian và sự tổ chức của cơ quan tình báo trung ương Mỹ với sự đỡ đầu của Đại Sứ Mỹ Henry Cabot Lodge lật ông Diệm.
• Ngày 2.11.1963 : ông Diệm và ông Nhu bị bắn chết trong một xe thiết giáp từ Chợ Lớn về bộ Tổng Tham Mưu.

Lire aussi/Đọc thêm  Đoàn Thể Thao
26.10.1956 : Lễ Quốc Khánh đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa
 

Qua những biến chuyển dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, người ta nhận thấy rằng

Về phương diện chính trị :
o Người ta tiếc rằng với khí thế đang lên và lòng yêu nước nhiệt thành của toàn dân vào những năm 1954, 1955, 1956 Tổng thống Diệm đã không làm một cuộc cách mạng cải tổ toàn diện miền Nam về phương diện chính trị, quân sự, xã hội và giáo dục… Vì sau 80 năm bị thực dân đô hộ và bóc lột, chúng ta cần phải mạnh bạo gạt bỏ những tàn tích, tệ đoan và xây dựng một xã hội mới.
o Tổng thống Diệm đã lầm lẫn không chấp thuận đề nghị Hiệp-thương hai miền Nam Bắc do chính phủ Hà Nội khởi xướng vào những năm 1957, 1958. Hậu quả của sai lầm này là cuộc chiến tranh kéo dài đến ngày 30.4.1975.
o Sinh hoạt chính trị trong nước không có môi trường nẩy nở vì chính phủ không chấp nhận đối lập. Chỉ có những người gia nhập đang Cần Lao được trọng dụng.
o Đối với những yêu sách cùa người Mỹ ông Diệm tỏ ra quá cứng rắn. Điều này chứng tỏ ông là người yêu nước, không muốn tùy thuộc vào ngoại bang, nhưng người Mỹ đã tìm mọi cách để loại trừ ông.
o Chính sách tố cộng do ông Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành đưa ra chỉ tạo thêm sai lầm và nghi kỵ tuy rằng sau đó chính phủ có sửa sai và cách chức ông Bộ trưởng.
o Vì thiếu thời gian sửa soạn và thiếu cán bộ hạ tầng và trung cấp, quốc sách “Ấp chiến lược” không mang lại kết quả mà dân chúng mong đợi.

Về phương diện quân sự :
Từ một quân đội lộn xộn do Pháp để lại, chính phủ đã tổ chức được những quân binh chủng tương đối hiện đại. Quân đội miền Nam khá thiện chiến. Vấn đề học tập chiến tranh chính trị trong quân đội chưa được đặt ra và người ta cũng chưa nghĩ đến việc “nhân dân hóa” quân đội. Tinh thần và sự đoàn kết trong quân đội luôn luôn được duy trì một cách tốt đẹp.

Trên lãnh vực kinh tế :
o Nhà cầm quyền chú trọng nhiều đến nông nghiệp, vì dân số hoạt động trong ngành này chiếm giữ một tỷ lệ khá cao và vì những ưu đãi thiên nhiên về nông nghiệp của miền Nam. Nông nghiệp là chìa khóa phát triển kinh tế miền Nam.
o Cuộc cải cách ruộng đất được phát động năm 1956, nhưng cho đến 1963 vẫn chưa hoàn thành. Cuộc cải cách này được thực hiện rất ư là chậm chạp. Trong thời gian này, chính phủ cấp phát cho 121.460 gia đình tá điền 418.000 mẫu đất.
o Mỗi gia đình nông dân được cấp phát trung bình vào khoảng 3,45 mẫu tây đất. Đây không phải là cuộc cải cách điền địa có tính cách toàn diện mà đa số nông dân miền Nam mong đợi, tuy rằng chương trình cải cách ruộng đất ấy có mang lại một vài kết quả. Nhưng số đại điền chủ vẫn còn làm mưa làm gió ở miền Nam : một thiểu số 2,45% điền chủ nắm giữ 45% tổng số đất đai canh tác của cả nước. Những cảnh tá điền bị bóc lột vẫn còn tiếp diễn !
o Ngành trồng tỉa cây kỹ nghệ và cây ăn quả khá tiến triển trong thời kỳ này. Cao su đứng hàng đầu trong những hàng xuất cảng, nhưng miền Nam chỉ xuất cảng mủ cao su. Kỹ nghệ biến chế xử dụng cao su không được chính phủ nâng đỡ để thiết lập.
o Nếu kỹ nghệ ghi nhận một vài kết quả như việc thành lập nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy xi măng Hà Tiên, xưởng dệt Vinatexco… ngành thương mại và phân phát vẫn còn nằm trong tay một thiểu số gian thương như hồi còn mồ ma Đại thế giới của anh Bảy (b) !

Về phương diện xã-hội :
o Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, xã hội miền Nam chưa bị xáo trộn vì ảnh hưởng vật chất và nếp sống xô bồ của ngoại bang. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy và duy trì làm nền tảng cho một xã hội nhân bản, khác hẳn với một xã hội cá nhân vị kỷ của Tây phương hay một xã hội “ngộp thở” vì màng lưới “công an nhân dân” trong một nước cộng sản.
o Chúng ta cần có một xã hội lành mạnh, trong đó những tệ đoan xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, đĩ điếm… phải được hủy bỏ và thay thế vào đó, phát huy phong trào thể dục thể thao….

Đệ nhị Cộng Hòa : 1.11.1963 – 30.4.1975

Trong khoảng thời gian gần 12 năm này, nhiều biến chuyển dồn dập xảy ra vì sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Đối nội, sau khi lật và giết anh em ông Diệm, người ta thấy lỗ hổng chính trị khó hàn gắn vì
o sự can thiệp trực tiếp của ngoại bang vào nội bộ Việt Nam Cộng-Hòa
o sự xuất hiện của những quái thai thời đại và những tên hề cải lương chính trị
o sự thiếu khả năng lãnh đạo và chính trị của một bọn quân phiệt tập tễnh làm chính trị. Vì vậy, thay vì nghĩ đến truyện “định quốc an dân”, họ đã giết quốc gia bằng cách vơ vét tài sản của đất nước, buôn lậu, đầu độc giới trẻ bằng xì ke, ma túy…
o sự hiện diện của quân đội ngoại quốc trên đất nước ta làm đảo lộn trật tự và những giá trị truyền thống tốt đẹp trong xã hội chúng ta. Những tệ đoan xã hội nhờ đó lại có dịp sinh sôi nảy nở vì đồng Mỹ kim do lính ngoại quốc vung vãi trên đất nước chúng ta : cờ bạc, xì ke, ma túy, đĩ điếm. Người ta chỉ nghĩ đến việc làm tiền bằng đủ mọi cách và chẳng cần nghĩ đến đất nước.

Ngày Quân Lực dưới thời đệ nhị Cộng Hòa

Chúng ta sẽ lần lượt quan sát những biến cố quan trọng xảy ra từ 1.11.1963 đến ngày 30.4.1975.

A. Diễn tiến những biến chuyển quan trọng

• Sau khi giết xong anh em ông Diệm, Trung tướng Dương văn Minh được “hội đồng tướng lãnh” bầu làm Quốc trưởng và ông Nguyễn Ngọc Thơ được ông Minh mời thành lập chính phủ.
• Ngày 22.11.1963 : Tổng thống Mỹ Kennedy, người chủ trương can thiệp và đưa quân vào miền Nam Việt Nam bị bắn chết tại Dallas, tiểu bang Texas. Phó tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhận chức Tổng thống Mỹ.
• Ngày 31.1.1964 : Hiến chương Vũng Tàu, tên hề chính trị Nguyễn Khánh được bầu làm “Chủ tịch Việt Nam Cộng Hòa” do sự chấp thuận của “Hội đồng Quân Đội Cách Mạng”
• Ngày 20, 21 và 22 tháng 8.1964, sau một tuần lễ ra đời, “Hiến chương Vũng Tàu” bị dân chúng xé bỏ và tên hề cải lương chính trị Nguyễn Khánh đả đảo chính mình. Tình trạng vô chính phủ xảy ra tại Sài Gòn vào những ngày 20, 21 và 22 tháng 8 1964. Từ tình trạng vô chính phủ này sinh ra cái quái thai “Tam Đầu Chế” : Dương văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm.
• Tháng 9.1964 : cuộc biểu dương lực lượng của các tướng Dương văn Đức và Lâm Văn Phát lật Nguyễn Khánh nhưng Nguyễn Khánh được quan thầy Taylor, Đại sứ Mỹ cứu thoát.
• Tháng 10.1964 : Chính phủ Trần Văn Hương chủ trương tái lập lại uy quyền quốc gia và trật tự xã hội sau những biến động vừa qua, nhưng chính phủ lại bị Phật giáo Việt Nam Quốc Tự, do Thượng tọa Tâm Châu cầm đầu chống đối mãnh liệt biểu tình, tuyệt thực và thuyết pháp chống chính phủ mỗi ngày. Thủ tướng Trần Văn Hương chủ trương đưa chính trị ra khỏi tôn giáo và học đường.
• Ngày 31.1.1965 : Chính phủ Trần Văn Hương bị Nguyễn Khánh lật đổ. Ông Phan Khắc Sửu được Hội đồng Nhân sĩ bầu làm Quốc trưởng và “Nội các Y Khoa” do bác sĩ Phan Huy Quát đứng đầu.
• Ngày 6.2.1965 : một số sĩ quan và Đại tá Phạm Ngọc Thảo với sự tham dự của một số đoàn thể và sinh viên đảo chính lật Nguyễn Khánh nhưng không thành. Nguyễn Khánh khăn gói ra đi với cấp bậc Đại Tướng do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu phong cùng lúc với Trung Tướng Dương văn Minh. Sau này Đại Tá Thảo bị giết chết.
• Tháng 5.1965 : Công giáo chống chính phủ Phan Huy Quát. Sau nhiều cố gắng để giữ cái ghế Thủ tướng một cách vô hiệu quả, ông Quát và ông Sửu ra đi và trao trả quyền hành cho quân đội.
• Ngày 19.6.1965 Hội đồng Quân Lực bầu
– Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch Hội đồng lãnh đạo quốc gia.
– Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương (chức vụ Thủ tướng chính phủ)
• Tháng 3.1966 : Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đòi tự trị cho miền Trung. Tiếp theo là “Phật xuống đường” theo lời kêu gọi của Thượng tọa Trí Quang tại Huế. Nhưng chính phủ trung ương cử các tướng Loan, Đống, Lãm ra dẹp yên.
• Ngày 1.4.1967 : ban hành Hiến Pháp Đệ nhị Cộng hòa.
o Tháng 9.1967 : Tướng Thiệu đắc cử Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cùng liên danh với Tướng Kỳ.
• Ngày 30.1.1968 : mở đầu tổng công kích và tổng nổi dậy Tết Mậu Thân. Trong cùng một đêm, Cộng quân mở nhiều trận tấn công vào các tỉnh lỵ Việt Nam Cộng Hòa.
• Ngày 31.3.1968 : Tổng thống Nixon loan báo triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam.
• Ngày 10.6.1969 : thành lập chính phủ Cách Mạng Lâm thời của Mặt Trận Giải Phóng.
• Ngày 3.9.1969 : ông Hồ Chí Minh từ trần.
• Ngày 29.4.1970 : quân đội Việt Nam Cộng Hòa mở rộng hành quân sang lãnh thổ Kampuchea sau cuộc đảo chính lật đổ ông Hoàng Sihanouk.
• Ngày 8.2.1971 : chiến dịch Lam Sơn hành quân Hạ Lào
• Tháng 9.1971 : ông Thiệu tái đắc cử chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
• Ngày 30.3.1972 : Cộng quân ào ạt vượt qua vĩ tuyến 17, mở đầu cuộc Tổng tấn công Xuân-Hè 1972. Những tên An Lộc, Quảng Trị, Kontum, Huế… đi vào lịch sử.
• Ngày 18-20 tháng 12.1972 : tái oanh tạc miền Bắc
• Ngày 27.1.1973 : Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa miền Bắc, Mặt Trận, miền Nam và Mỹ.
• Ngảy 29.3.1973 : người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.
• Tháng 10.1974 : Phong trào tranh đấu tại các đô thị nổi dậy mạnh mẽ, đòi ông Thiệu phải từ chức. Các phong trào Công Giáo, Phật Giáo và báo chí tranh đấu mãnh liệt đòi ông Thiệu phải ra đi, nhường chỗ cho một chính phủ tranh đấu cho Hòa bình, nhưng để trả lời, một mặt ông Thiệu ra lệnh đàn áp, đánh đập hầu dập tắt ngọn lửa tranh đấu và một mặt cứ ngồi ì ra đấy. Để xoa dịu phần nào dư luận, ông ra lệnh cách chức Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã.
• Ngày 7.1.1975 : Phước Bình thất thủ và toàn tỉnh Phước Long bị lấn chiếm.
• Ngày 10.3.1975 : Ban Mê Thuột bị tấn công và thất thủ ngày 12.3.1975.
• Ngày 17.3.1975 : ông Thiệu ra lệnh di tản quân đội ra khỏi Cao Nguyên trong một cảnh hỗn loạn, vô trật tự, vô tổ chức về Nha Trang hay những tỉnh ven biển. Nhưng đoàn quân rút vô kế hoạch này bị chận đánh làm cho hàng ngàn dân tỵ nạn phải chết trên con đường từ Pleiku về Tuy Hòa.
o Ngày 26.3.1975 : Huế thất thủ trong cảnh hỗn loạn.
• Ngày 29.3.1975 : Đà Nẵng rơi vào cảnh hỗn loạn, vô trật tự và mang cùng số phận như cố đô Huế.
• Ngày 21.4.1975 : vòng đai Xuân Lộc phòng thủ Sài Gòn bị làn lửa đạn của đối phương chọc thủng. Cùng ngày ông Thiệu từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và trao trà quyền hành lại cho Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương.
• Ngày 28.4.1975 : ông Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Nguyễn Văn Huyền, Phó tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu Thủ tướng, lo lập chính phủ Hòa giải, Hòa hợp dân tộc để điều đình với Mặt Trận.
• Ngày 30.4.1975 : ông Dương Văn Minh nhân danh Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cho tất cả mọi đơn vị quân đội ngưng chiến và đầu hàng vô điều kiện.

Lire aussi/Đọc thêm  Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc
3.09.1967 : bầu cử Tổng Thống (11 liên danh) và Thượng Nghị Viện (48 liên danh)

Từ những biến chuyển dồn dập trên đây, người ta có thể nhìn gần 12 năm dưới nền Đệ nhị Cộng Hòa qua các khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội.

B. Những nguyên nhân đưa đến vụ quân biến ngày 30.4.1975

Những nguyên nhân chính sau đây : chính trị, quân sự kinh tế và xã hội sẽ được đề cập tới.

1. Nguyên nhân chính trị
Trong khoảng 20 năm của nền Cộng Hòa, chúng ta nhận thấy rằng về lãnh đạo chúng ta không có.

Thật vậy một số lớn lãnh tụ quốc gia hoặc bị thực dân giết hoặc bị cộng sản thủ tiêu. Hơn nữa, khi được độc lập, đảng phái quốc gia không có môi trường hoạt động, nên không thể có những lãnh tụ xuất thân từ các đảng phái.

Dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, chỉ có mỗi đảng “Kaki” mà thôi. Những người lên nắm chính quyền là do thời cuộc xô đẩy, vì vậy họ không có một cái nhìn lâu dài cho đất nước, họ không có những kế hoạch và chính sách để định quốc an dân. Vì thế, mặc dù ông Thiệu có làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, người dân vẫn không coi ông là một lãnh tụ !

Ông tưởng rằng có thể cai trị bằng một số thủ đoạn như dùng tiền, dùng thế lực để mua chuộc một số đàn em biến họ thành những tay sai đắc lực của mình. Ông đã sai lầm trầm trọng khi coi việc quốc gia cũng như việc trong gia đình của ông. Vì vậy ông chỉ cần kiếm một số tay sai, gia nô và điếu đóm là ông có thể ngồi vững trên cái ghế Tổng thống. Ông không biết cai trị bằng vương đạo, mà chỉ nghĩ đến những trò ma giáo như mua chuộc, đe dọa, tù đày… như những biện pháp hữu hiệu để cai trị.

Mặc dù ông không có kế sách để định quốc an dân, nhưng ông không ưa những người có khả năng và nhiệt tâm yêu nước. Cái chết của Từ Chung, của Nguyễn văn Bông, của Phạm Minh Trí làm chúng ta phải suy tư trước cái mà ông gọi là “dân chủ”.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (4)

Môi trường chính trị ngộp thở, trong khi đó, tình trạng mua quan bán tước xảy ra rất ư là lộ liễu : muốn làm chức nọ chức kia phải biếu sẵn bao nhiêu triệu đồng cho lệnh bà hay quan tướng Đặng văn Quang (c). Nạn tham nhũng, hối lộ lan tràn như nạn dịch vậy : lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ. Trong khi đó dân chúng đói rách khổ sở, lầm than vì chiến tranh, vì tham nhũng thối nát của quý vị cầm quyền.

Khi “thượng bất chính thì hạ tắc loạn” như những phong trào quần chúng tranh đấu đòi ông Thiệu phải ra đi hồi tháng 10 năm 1974. Mặc dù ngồi ở chính quyền 10 năm, nhưng ông chỉ biết dựa vào ngoại bang. Vì thế, khi không còn hậu-thuẫn của họ, thì miền Nam phải sụp đổ trước đối phương hùng mạnh và có tổ chức. Khi chính quyền không biết lo cho dân, thì dĩ nhiên là dân chúng không thể tin tưởng hay ủng hộ nhà cầm quyền. Dân chúng khi nào tin tưởng vào một thiểu số người chỉ biết vơ vét tiền của đất nước và sống trên đầu trên cổ nhân dân. Tóm lại người ta thấy bốn nguyên nhân sau đây : thiếu lãnh tụ, thiếu sinh hoạt chính trị, tham nhũng thối nát và quyền hành dựa vào ngoại bang.

2. Nguyên nhân quân sự
Dù rằng quân đội Cộng Hòa khá thiện chiến, nhưng các cấp bực chỉ huy cùa họ lại thiếu khà năng chỉ huy và tác chiến. Ngoài một thiểu số tướng có khả năng và có kinh nghiệm chiến đấu, số còn lại nhiều khi được giữ chức nọ, chức kia, chì vì họ là tay chân của Tổng thống hay họ đã ghé qua văn phòng của quan tham nhũng số một họ Đặng. Quân đội mình chỉ biết đánh giặc theo kiểu nhà giàu nên không biết tiết kiệm và bảo toàn quân trang và quân dụng. Hậu quả tất nhiên là tình trạng thiếu nhiên liệu và thiếu đạn dược xảy ra. Công binh lại chưa đủ khả năng sửa chữa những quân dụng bị hư hỏng để thay thế.

Với chức vụ Tổng tư lệnh tối cao quân đội, ông Thiệu vẫn không lành mạnh hóa quân đội được. Điều này không làm ai ngạc nhiên, vì cố vấn quân sự thân cận ông chỉ là một tên tướng bất tài, không có khả năng chuyên môn về quân sự, nhưng rất thông thạo về những trò ma giáo, tham nhũng, bẩn thỉu. Việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong quân đội như Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng hay Tư lệnh quân đoàn đều qua tay tên tướng hạm tham nhũng này. Như vậy quân đội làm sao vững mạnh được.

Một cuộc di tản không kế hoạch và trong hỗn loạn khiến chỉ trong 55 ngày cả thể chế Cộng Hòa bị sụp đổ

Khi ra lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên trước sự bao vây và tấn công mãnh liệt của đối phương, ông Thiệu mắc vào sai lầm về chiến thuật và chiến lược độc nhất trong quân sử của thế kỷ 20 này. Đó chỉ là cuộc rút lui không có kế hoạch, không có chiến lược gì cả, tạo nên một đoàn người chạy loạn ô hợp hỗn loạn, trước những họng súng thật là tối tân mà đối phương đã mai phục từ trước. Điều này chứng tỏ mặc dù cũng là tướng, ông không thấu triệt và am hiểu vị trí chiến lược sống còn của Tây Nguyên. Từ cuộc di tản này, chỉ trong vòng 55 ngày đưa miền Nam đến vụ quân biến ngày 30.4.1975.

3. Về phương diện kinh tế
Ưu tiên về phát triển vẫn dành cho khu vực nông nghiệp. Tuy chính phủ cố gắng thực hiện cuộc cải cách ruộng đất năm 1970 và có mang lại một vài kết quả, nhưng bắt đầu từ đầu năm 1974, việc sản xuất bị ngưng trệ. Miền Nam, vựa lúa của cả nước với 6.130.000 mẫu ruộng lại không sản xuất đủ để cung cấp lúa gạo cho 20 triệu người.

Người ta có thể nghĩ rằng chiến tranh phá hoại làm cản trở sức sản xuất khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, người ta cũng không thể quên bọn gian thương dùng mọi mánh lới đầu cơ tích trữ để thủ lợi. Bọn gian thương này được các tham quan ô lại đỡ đầu, nên chúng càng được thế tung hoành khắp nơi và ra sức vơ vét tài sản của đất nước, cũng như mồ hôi nước mắt của dân nghèo : nông dân làm mướn và thợ thuyền. Bọn gian thương cấu kết với bọn quan lại tham nhũng tạo thành đoàn quân thứ tư góp phần tích cực vào việc sụp đổ của chế độ Cộng Hòa tại miền Nam. Vì ngoài các binh chủng hải quân, lục quân và không quân, quân đội và chính phủ Hà Nội khai thác triệt để “đạo quân thứ tư” này làm lợi khí tuyên truyền cho họ đối với dư luận trong cũng như ngoài nước.

Nạn lạm phát phi mã đe dọa trầm trọng đời sống đại đa số dân chúng miền Nam, trong một xã hội không sản xuất sống trên một đời sống tiêu thụ giả tạo, phù phiếm dựa vào ngoại bang. Số người thất nghiệp mỗi ngày mỗi gia tăng, đưa đến nạn đói kém, trộm cướp…

Đập thủy điện Đa Nhim, một thành tựu của nền Cộng Hòa đến nay vẫn còn được khai thác.
 

4. Về phương diện xã hội
Xã hội Việt Nam bị đảo lộn với sự hiện diện của quân đội ngoại quốc. Những giá trị tinh thần, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc bị đồng Mỹ kim chà đạp và phá hoại. Người ta thấy xuất hiện những cách ăn mặc, lối sống bắt chước ngoại bang một cách lố bịch, phản lại những truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên chúng ta để lại.

Xã hội Việt Nam ngày càng sa đọa với sự nhập cảng ồ ạt nền văn minh vật chất cùa người ngoại quốc. Những tệ đoan xã hội ngày một gia tăng : giới trẻ bị đầu đọc vì xì ke ma túy, trộm cướp, cờ bạc và đĩ điếm do quân đội ngoại quốc để lại. Buôn lậu xì ke ma túy là nghề của những vị tham quan ô lại có chức bậc cao tại các phủ…
Người ta thấy rằng một thiểu số người không có khả năng lãnh đạo và trị nước, chỉ biết nhờ vả vào ngoại bang để giữ địa vị riêng tư của họ, chứ không phải vì họ thật tâm yêu nước, đã làm sụp đổ chế độ Cộng Hòa do toàn dân xây dựng. Họ có tội trước lịch sử và dân tộc.

Vụ quân biến ngày 30-4-75 chỉ đánh dấu một khúc quanh trong đời sống dân chúng Việt Nam, chứ chưa phải hoàn toàn kết thúc. Vì cuộc tranh đấu cho tự do và hòa bình của dân tộc Việt Nam bất khuất vẫn được tiếp tục.

Ghi chú :

(a) Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán
(b) Đại Thế Giới là một sòng bạc ở Chợ Lớn có tầm vóc lớn nhất nhì Đông Dương thời đó và từng là một cứ điểm làm ăn của Bảy Viễn (thủ lãnh Bình Xuyên).
(c) Theo tác giả Merle L. Pribbenow viết trong sách “Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan”, tướng Quang sống trong tình trạng nghèo túng khi ông cuối cùng được Mỹ chấp nhận cho định cư vào năm 1989. Có lúc ông cũng phải sắp xếp hành lý tại phi trường Los Angeles. Sự kiện này đã giúp giải oan cho ông.

Nguyễn Tấn Quốc
Đặc san Sinh Viên Xuân Bính Thìn 1976