agevp60.com

Chúng tôi giúp dọn sứ quán

Lúc biến cố 30 tháng 4, 1975 xảy đến, một số chúng tôi đang cư ngụ tại cư xá Lutèce, còn gọi là nhà Đất Việt, do tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tài trợ để giúp các sinh viên Việt Nam có nơi tạm trú khi mới qua Paris du học. Khi ấy, tin tức trên truyền hình Pháp cho chúng ta thấy ngày mất miền Nam đã gần kề. Gần như ngày nào, dân cư xá cũng tụ tập quanh cái tivi dưới phòng khách của cư xá. Ngoài việc chuẩn bị tham dự các cuộc biểu tình của Tổng Hội (TH) để phản đối Quốc Hội Hoa Kỳ lấy quyết định bỏ rơi miền Nam VN hoặc khẳng định quyết tâm tranh đấu cho tự do của miền Nam, các anh em cũng còn phải lo tiếp tục học, đi làm thêm để có đủ tiền sinh sống, và lo âu cho tương lai của đất nước và gia đình còn ở lại quê nhà.

Gần như ngày nào chúng tôi cũng tìm cách liên lạc với tòa đại sứ VNCH để tìm hiểu xem tương lai của mình sẽ ra sao nếu nhỡ miền Nam thất thủ. Trong thâm tâm, có lẽ ai cũng chỉ mong muốn thấy một cuộc di tản chiến thuật rồi Quốc Hội Hoa Kỳ đổi ý tiếp tục giúp miền Nam đánh bật quân miền Bắc trở về bên kia vĩ tuyến 17. Một số anh em cũng nghĩ đến con đường trở về VN để ở gần gia đình và cùng nhận lãnh số phận chung dù xấu hay tốt. Những ngày đó, tòa đại sứ giống như cái chợ. Biết bao nhiêu người kéo đến, người nào cũng có âu lo riêng, nhưng hầu như không ai tìm được câu trả lời hay giải pháp thích đáng cho mình.

Những ngày hôm ấy, các anh bên Ban Chấp Hành TH cũng liên tục lui tới tòa đại sứ. Nếu nhớ không lầm thì anh Trần Văn Bá cũng thường xuyên có mặt nơi đó. Lúc ấy tình hình vẫn còn lộn xộn lắm, không ai biết số phận của tòa đại sứ (và cư xá Đất Việt) sẽ ra sao. Thế rồi một tối sau 30-4 vài ngày, có lẽ là hôm thứ sáu 2/05, anh em chúng tôi ở Đất Việt được tin là cần giúp một tay để đốt bớt một số tài liệu trên tòa Đại Sứ vì họ không muốn nó lọt vào tay phe bên kia nếu lỡ có quyết định bàn giao tòa đại sứ VNCH cho Bắc Việt. Thế là bọn tôi khoảng 6, 7 người rủ nhau lấy métro, phương tiện chuyên chở nhanh nhất cho những thanh niên 18, 19 tuổi để lên tòa đại sứ đại lộ Villers thuộc quận 17. Tuy trí nhớ của mỗi người không còn chắc chắn nữa nhưng nơi chúng tôi đến có lẽ là tổng lãnh sự quán ở số 45 đại lộ Villiers trong khi đại sứ quán ở số 89 cùng đường. Sinh viên, kiều bào thường đến tòa tổng lãnh sự để lo giấy tờ.

Lire aussi/Đọc thêm  Người anh hùng muôn thuở của sinh viên Paris
Hình chụp tháng 2, 1971 sau khi bị nhóm biểu tình thân cộng sản đi ngang qua ném đá vào các cửa kính

Lên đến nơi, chúng tôi được đưa ngay vào và trong khi các anh lớn bàn bạc với các viên chức của tòa tổng lãnh sự, đám chúng tôi được dẫn xuống tầng hầm nơi hàng chục thùng hồ sơ đang nằm đợi bên cạnh lò đốt mà có vẻ là lò sưởi trung tâm của căn nhà. Chúng tôi liên tục lôi các hồ sơ đó ra và thay phiên nhau đưa vào lò đốt. Trong khi đốt hồ sơ, chúng tôi có tò mò mở một vài tập hồ sơ ra xem và thấy khá nhiều là hồ sơ lý lịch của các sinh viên đã sang Âu châu du học và chạy theo phe cộng sản (CS). Có người thì theo vì gia đình đã nằm vùng cho CS ở miền Nam, có người thì theo vì phạm tội hình nên không dám ở lại với phe quốc gia vì sợ bị trục xuất về nước.

Chúng tôi đốt trong nhiều tiếng đồng hồ mà hồ sơ do nhân viên sứ quán đưa xuống vẫn liên tục. Đến thật khuya thì nhân viên xuống nói chúng tôi về rồi hôm sau trở lại. Chúng tôi về trong tâm trạng nửa buồn nửa vui. Buồn vì thấy càng lúc càng rõ viễn ảnh mất nước, và vui vì ít nhất đã làm được một điều gì để giúp cho công việc đất nước dù nó có nhỏ nhoi đến mấy đi nữa.

Một điều cũng vui vui và có lẽ khá trẻ con: trong khi giúp việc ở tòa tổng lãnh sự, anh em chúng tôi nhặt được một số giấy mang tiêu đề thư chính thức của tòa đại sứ. Không biết bạn nào đã gợi ý cho chúng tôi là nếu muốn, chúng tôi có thể đóng con dấu tòa đại sứ trước và giữ các tờ giấy đó lại để sử dụng làm giấy bảo lãnh cho thân nhân hay hôn thê sau này. Thế là bọn tôi thay nhau tự đóng dấu cho mình mỗi người vài tờ. Có lẽ một vài người trong nhóm hồi đó cũng còn giữ một tờ ấy đâu đó trong mớ hồ sơ cũ của mình. Còn ai đã sử dụng được một tờ giấy ấy để bảo lãnh cho người thân của mình thoát khỏi cái nhà tù khổng lồ sau ngày 30-4 thì chắc không có rồi.

Lire aussi/Đọc thêm  Tia sáng cho tương lai
Thông hành được gia hạn thêm đến tháng 12, 1980 nhưng dĩ nhiên mất hiệu lực với chế độ cs

Ngày hôm sau, chúng tôi lại rủ nhau quay trở lại thì khi đến cửa tòa tổng lãnh sự, một trong những viên chức tại đây đã không cho chúng tôi vào nữa mà chỉ bảo là họ được lệnh của chính phủ là phải giữ mọi thứ đâu ở đó để chuẩn bị bàn giao cho phe bên kia. Anh em chúng tôi đành phải ra về, và mãi mãi không trở lại nơi ấy nữa.

Ngoài việc thiêu hủy các hồ sơ, chúng tôi cũng đã đem đi được nhiều tài liệu, văn phẩm, phim ảnh. Các anh chị ở nhà Camus đã chất nhiều sách vào một chiếc xe hơi. “Nhà Camus” ở thị xã Bagneux là một căn hộ được một số anh lớn trong THSV mướn để ở chung với nhau. Trong một thời gia dài sau khi bị trục xuất khỏi hội quán số 80 đường Monge, đây là một trong những địa diểm dùng để sinh hoạt Hội. Do đó mà một lô sách lớn đã được chở đến, với hy vọng một ngày nào đó sẽ dùng làm thư viện THSV. Có nhiều thước phim nhựa cũng đã được “di tản” và sau năm 1979 được cất vào nhà kho của trụ sở ở đường Damesme, quận 13. Trong nhiều năm, các phim 16 ly như “Chúng tôi muốn sống”, “Con búp bê nhồi bông” đã được THSV chiếu trong những lần sinh hoạt nội bộ. Rất tiếc nhiều năm sau, do phải rời trụ sở Damesme, do không còn máy chiếu và cũng do kinh phí để số hóa các phim nhựa quá cao, các thước phim đành bị bỏ đi.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (1)
Một sản phẩm xuất phát từ sứ quán VNCH

Ngoài các văn phẩm, tài liệu, phim ảnh giao cho THSV giữ, có một tin đồn đã được lưu truyền trong giới sinh viên thời đó. Đó là tấm chi phiếu của sứ quán “tặng” Tổng Hội. Theo anh Giáp, một nhân chứng sống, thì câu chuyện như sau. Hàng năm tòa đại sứ vẫn giúp Tổng Hội một số tiền để tổ chức Tết và Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Việt Nam Âu Châu. Nhưng cho năm 1975 thì sứ quán chưa có số tiền để bảo trợ Tổng Hội có lẽ vì đã “lỡ” dùng số tiền đó vào việc tổ chức đi đón tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Đức năm 1974. Hình như sứ quán có xin bộ Dân Vận ở bên nhà hoàn trả số tiền đó để có thể cấp cho THSV và bộ này cũng đã đồng ý. Việc tổ chức Đại Hội Thể Thao tại Lille sau đó nhận được trợ cấp thẳng từ Việt Nam. Để anh em Sinh Viên tại Pháp có quỹ tiếp tục sinh hoạt trong thời gian tới, anh Trần Văn Bá mới yêu cầu tòa đại sứ cấp ngay tiền trợ cấp đã hứa. Kỳ kèo mãi đến chiều thứ sáu 2/05 thì sứ thần Mạc Giao mới đưa một tấm chi phiếu ghi số tiền là 50.000 quan Pháp (25 ngàn cho Tổng Hội Sinh Viên và 25 ngàn cho các hội sinh viên Âu châu). Lúc đưa thì các ngân hàng đã đóng cửa nghỉ cuối tuần. Sang đến thứ hai khi để chi phiếu vào ngân hàng thì bị từ chối vì tài khoản của tòa đại sứ đã bị phong tỏa rồi. Sau đó nhiều hội đoàn Âu châu cũng có thắc mắc về số tiền đó, có người con nghi ngờ THSV ôm hết cho mình.

Những ngày sau cuộc thu dọn sứ quán, nhiều anh em chúng tôi đã chạy qua văn phòng phụ trách tỵ nạn chính trị của Liên Hiệp Quốc để xin thẻ tỵ nạn chính trị và tiếp tục hoạt động chống CS và vận động tự do cho miền Nam VN.

Tài liệu thông hành dành cho người tỵ nạn ở Pháp. Được đi khắp nơi ngoại trừ Việt Nam và Thái Lan.

Dựa theo ký ức của Danh, Giáp, Hưng, Lưu C, Nhuận, Thao, Trân, Tuấn C