agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1974 - 1983

SBS Úc Châu phỏng vấn vài anh chị THSV về anh Bá (phần 2)

Chúng tôi xin mạn phép ghi lại dưới đây những lời phát biểu của các anh Nguyễn Như Lưu, Phan Văn Hưng, Trần Đình Thục, và của chị Phan Thị Ngọc Dung
về con người và hành động của anh Bá  (chị Phương Oanh phỏng vấn)

Mô tả con người và hành động của anh Bá lúc ở THSV

anh Hưng :

Nếu mô tả anh Bá thì về vóc dáng bề ngoài, anh không phải là một người hào hoa phong nhã, anh không phải là một người đẹp trai, và anh cũng không phải là một người ăn nói hùng hồn. Anh nhỏ người, gầy ốm, khuôn mặt có những sắc rất là dị. Thành ra một người, khi gặp anh lần đầu tiên, khó có lòng thiện cảm với anh. Đó là một cái vẻ ngoài rất là tầm thường. Nhưng phải quen biết anh lâu hơn mới thấu được những cái đức tính ở bên trong của anh. Tôi chắc rằng tất cả các anh em THSV khi đã quen biết anh, làm việc với anh một thời gian, thì mới thấy rằng anh là một con người rất là khác người, một người xuất chúng trên nhiều mặt.

anh Lưu :

Tôi có một nhận xét thế này về anh Bá : anh Bá là một người xuất thân từ một gia đình rất là bề thế ở Việt Nam. Thân phụ anh là ông Trần Văn Văn. Nhưng một cái điểm rất là đặc biệt, là tuy anh xuất thân từ một gia đình rất là bề thế như vậy, anh là một người rất là hòa đồng, anh giao du với đủ các nhóm, anh lê la đi liên lạc với người này người kia, anh kết giao với các nhóm chính trị, các nhà báo ngoại quốc, bất cứ với giới nào. Lúc nào anh cũng biểu lộ như một người có một ưu tư duy nhất, đó là cái lòng thiết tha đến vận mệnh của đất nước. Do đó dù là anh kết giao với nhiều người, nhưng mà ai cũng kính trọng cái lòng thiết tha của anh, dù là nhiều khi không chia sẻ cái lòng khát khao của anh. Tôi cũng thấy là anh có thay đổi sau năm 1975, tính tình của anh khá trầm lặng, ít nói, anh cũng là một người hơi dè dặt chút xíu, không phải là một người hùng. Sau 1975 anh trở nên một người suy tư hơn. Anh bắt đầu hút ống píp. Lúc ngồi sinh hoạt đông đảo với anh em, nhiều khi mình có cảm tưởng là tâm tư của anh ở đâu đó.

chị Dung :

Anh Bá có một cái nét đặc biệt là anh có một cái bớt màu đỏ ở phía trán ở bên trái của anh, vì vậy anh em gọi anh “Bá Đầu Đỏ” và cái tên đó anh có từ thời học nội trú ở Trường Yersin ở Đà Lạt. Da của anh sậm đen. Anh ăn mặc rất là bình dị và xuề xòa. Nếu anh ngồi trong một đám đông thì cách ăn mặc và cư xử của anh thế anh không có nổi ra đâu mà anh sẽ hiện diện trầm lặng mà thôi. Tính tình của anh rất là bình gì anh được anh em thương mến, anh là một người dè dặt, kín đáo, ít nói, và nếu anh gặp người lạ kệ, anh rất là cẩn trọng, anh ngồi, anh chú ý tới người ta, lắng nghe người ta chứ anh không có biểu lộ hay là nói nhiều. Trong cách cư xử, anh Bá rất là ôn tồn, dịu dàng. Đọc văn của anh Bá thì mình sẽ thấy cái ôn tồn dịu dàng đó đã được thể hiện trong cách viết văn của anh. Và cái điều lạ lùng là hành động của anh thì quyết liệt, dũng cảm, nhưng mà giọng văn của anh thì rất là ôn tồn nhẹ nhàng đầy cái tình thương yêu và nợ y như là cách cư xử ngoài đời của anh ở Tổng hồ sinh viên Paris anh bá quy tụ được nhiều anh em chung quanh anh lắm, và thương nhau như ruột thịt. Trong cách cư xử ăn hòa nhã anh thẳng thắn tinh thần bạn, anh hết lòng với anh em. Ai cũng tin rằng nếu cần một việc gì mà tới nhờ anh, là anh sẽ sẵn lòng anh làm.
Khi nói chuyện với các cô trong tổng hội thì anh khá vụng về, anh không có quen nói chuyện với phái nữ, và có lẽ là những gì anh nghĩ trong đầu nó toàn là chuyện Việt Nam và truyền chính trị mà thôi. Tôi nhớ một kỷ niệm anh nói chuyện với tôi chẳng hạn là có một lần ở quán Chalet du Parc, là một quán cà phê đối diện với cư xá sinh viên quốc tế, là nơi anh em sinh sinh viên quốc gia thường lui tới để uống cà phê và gặp gỡ lẫn nhau, có một hôm anh gặp tôi ở quán Chalet du Parc và đây là câu chuyện anh nói với tôi anh nói chuyện với phái nữ như thế này anh bảo là : “Dung à,  moa có một việc moa nói cho Dung biết. Dung để ý đi, vài ngày nữa Dung theo dõi báo chí, sẽ thấy là Thái Lan sẽ có một cuộc lật đổ chính quyền do quân đội đảo chánh“. Khoảng 3 ngày sau tôi mở báo thì thấy có chuyện đó xảy ra thật.
Cũng có khi anh tinh nghịch lắm, anh kể chuyện vui cho anh em nghe, nhưng mà tuy là ánh mắt của anh sáng lên tinh nghịch, nhưng mà ngay cả lúc đó nụ cười của anh cũng buồn lắm, và cả cái thời gian mà tôi biết anh Bá, không bao giờ tôi nghe anh cười dòn dã cả. Ngay cả nụ cười của anh cũng rất là buồn. Những người biết anh Bá thì không bao giờ tưởng tượng là anh trịnh trọng được hết, không bao giờ tưởng tượng được là anh mặc complet, dáng dấp của anh không phải là dáng dấp của một người thư sinh ra mặt đâu. Anh em luôn để ý anh là một người giàu tình cảm, anh hào sảng, anh tận tình giúp đỡ bạn bè. Anh rất là ít nói, những chuyện anh thích nói nhiều nhất là chuyện chính trị, nghĩ tưởng niệm đồng ruộng miền Nam, và anh cũng thích nói về quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Cách sống của anh như là nói lên một cái thông điệp, là cái nơi chốn này tôi đang ở là đời sống tạm bợ đây, không phải là quê hương của tôi, tôi chỉ sống tạm ở đây thôi. Kể từ năm 75 trở đi, anh không đi làm, anh không có nghĩ đến chuyện lập gia đình, anh đi khắp Âu châu để móc nối với rất là nhiều người. Anh ngủ nay nhà này mai nhà khác. Rõ ràng anh sống triệt để cho cái lý tưởng của anh. Những năm sau, anh sống rất là khắc khổ, anh không có sở hữu gì hết, có một cái túi có vài bộ quần áo, để khi anh tới nhà ai mà anh cần ngủ lại đêm thì anh có thể ngủ lại đêm.

Lire aussi/Đọc thêm  Phỏng vấn SBS Úc Châu 200808 (1)

Bây giờ phải nói tới một khía cạnh khác của con người của anh.  Đó là con người Chính trị cách mạng thì nó mới đầy đủ. Thứ nhất, anh là một người nghiên cứu Đảng CSVN kỹ lưỡng. Anh thuộc hết những nhân vật trong đảng CSVN. Không những anh thuộc tên chức vụ, anh còn biết cái ảnh hưởng của họ trong Đảng như thế nào. Anh có viết một cái hồ sơ cùng với anh với Nguyễn Xuân Nghĩa vào năm 1980, đăng trên đặc san Nhân Bản Canh Thân, và hồ sơ đó mang tên là “Cộng sản Việt Nam không mặc là không tương lai”. Và trong cái hồ sơ đó những ký hiểu biết của anh về đảng CSVN rất là chi tiết. Anh nghiên cứu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, luôn luôn theo dõi tin tức về Việt Nam trên quốc nội, tình hình chính trị Việt Nam. Khoảng cuối tháng 12/75, vì nhu cầu tình hình thông tin phía bên quốc gia, thì THSV quyết định ra cái tờ Thông Tin Sinh Viên mỗi tháng đều đặn hơn thay vì định kỳ. Anh em lúc đó có xin anh Bá ghi lại danh sách những người quan trọng để biếu báo. Anh ngồi xuống viết, và một lúc sau anh đưa cho chúng tôi một danh sách 150 người trong  đó có những người Việt Nam và các hội đoàn ở Pháp và ở Âu châu. Điều đó cho thấy là cái nỗ lực nối kết của anh với những người hoạt động ở Pháp và ở Âu châu rất là mạnh mẽ.

anh Thục :

Nói về anh Bá thì phải nói đến sự tuyệt vời của anh đối với bạn bè. Vì học nội trú từ nhỏ nên môi trường là chung đụng, là bạn bè, là tập thể, là tự lập, là tranh đấu, và cũng từ đó là chia sẻ, là rộng lượng, là đùm bọc. Anh không phải là một công tử, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, để cao ngạo. Không, anh không đẹp trai. Anh ốm yếu, anh xuề xòa trong cách ăn mặc, nhưng ngược lại, anh rất điềm đạm, kín đáo, từ trong giọng nói đến tư cách bề ngoài. Anh bình thường lắm, bình thường đến độ mà, nếu để anh một mình, nó anh sẽ mất hút vào. Nhưng có một điểm mà mình nên lưu ý, nếu con người bình thường này đã quy tụ một số đông bạn bè chung quanh, nếu anh đã thuyết phục họ có chung cùng một ý nghĩ với anh, cùng một tư tưởng với anh, để cùng ra hoạt động cho một điều hướng mới, thì anh phải khác người lắm, là người có khả năng, có tác phong, có sức thu hút, để có được sự cảm mến và kính trọng của bạn bè.

Lire aussi/Đọc thêm  Trang liên lạc

anh Lưu :

Tôi có dịp đến thăm gia đình anh vào năm 1973. Đó là năm mà anh em chúng tôi tổ chức trại hè về Việt Nam, để cộng đồng đồng hương ở Paris thấy tận mắt thực trạng của xã hội VNCH, khác với các tuyên truyền bôi nhọ của cộng sản. Năm đó, đại diện của THSV về Việt Nam chỉ có tôi và anh Bá, do đó cho nên hai anh em chúng tôi làm việc rất là cận kề trong suốt thời gian này. Và tôi cũng có dịp nhiều lần đến thăm nhà anh Bá. Căn nhà ở cuối đường Phan Thanh Giản ra xa lộ Biên Hòa. Điểm đặc biệt là phòng khách ở nhà anh trưng bày như một bảo tàng viện, bàn, ghế, tủ đều là đồ gỗ chạm trổ rất là đẹp. Hai bên lối vào từ phòng khách vào nhà trong có hai câu đối từ thời vua Gia Long, và các đồ nhà chạm trổ rất là tinh xảo. Điểm rất là đặc biệt là nhà anh dù có bề thế như vậy, nhưng bà mẹ anh sống rất là giản dị. Trong nhà không có người làm, chuyện đi chợ tự bà đi cả.
Cũng để nói về cái phong thái của gia đình anh, tôi nhớ một hôm anh Bá có mời tôi và ông Đỗ Ngọc Yến đến dùng cơm tối ở nhà anh. Trong dịp này anh có nhờ một bà cô đến nấu nướng và dọn cơm. Trong bữa cơm tối, anh Bá và ông Yến nói chuyện thao thao rất là hợp lý về các quân đội của VNCH, và Quân Sử của các đơn vị VNCH. Bà cô, tuy đang đứng hầu bàn, cũng đóng góp rất là nhiều chi tiết rất chính xác về các binh chủng VNCH. Tôi rất ngạc nhiên, tôi nghĩ là bà cô tới giúp nấu nướng, nhưng thật sự là một người rất là hiểu biết. Tôi mường tượng gia đình anh Bá là một gia đình rất là thông hiểu tình hình chính trị, rất yêu văn hóa dân tộc, một gia đình rất có thế lực, nhưng lại có một lối sống bình dị. Và có lẽ là một gia đình tạo được nhiều sự yêu mến và một sự hỗ trợ trung thành của những người thân. Một số những đặc điểm này cũng là những đặc điểm mà tôi có thể nhận được nơi con người và cách hành xử của anh Bá. Anh sống rất là bình dị, nhưng anh cũng là người đã tạo được sự yêu mến, sự trung thành ở những người chung quanh của anh. Một sự trung thành không phải do cái quyền lực gì của anh nhưng mà vì do cảm mến cái con người của anh.

anh Hưng :

Anh Bá không phải là một người lãnh tụ kêu gọi tất cả anh em đi theo mình. Anh không bao giờ có gương mặt người lãnh tụ hết. Tất cả những việc làm của anh nó rất là âm thầm, rất là nhẹ nhàng. Và nó đi nhẹ nhàng vào con người mình và nó đi sâu vào và nó đi rất là trầm trọng thôi thế là không có phải là có mục hào nhoáng bên ngoài như là một người lãnh tụ đứng ở trên sân khấu và hô hào để cho người ta theo mình. Anh Bá không phải như vậy. Suốt nguyên cái thời gian đó, anh Bá như là cái nam châm, là cái trung tâm để tất cả các anh em khác quy tụ chung quanh anh, nhưng mà anh không bao giờ tự coi là cái trung tâm hết. Anh không làm gì để trở thành cái trung tâm đó cả. Đó là cái điều rất là lạ lùng ở nơi anh.

chị Dung :

Cái đóng góp đặc biệt của anh Bá là anh quy tụ những cái tầng lớp người khác nhau của TH, mà trước thế hệ của anh không có cái sự kiện đó xảy ra. Từ năm 72 trở đi, khi mà anh đã làm chủ tịch TH, đêm Tết lúc nào cũng có những người lo về trật tự, và những người lo về trật tự đó là khoảng 200 anh em, thường là thuộc giới giang hồ và lò võ. Tất cả 200 anh em này là do anh Bá huy động. Khoảng năm 1976, THSV đã tổ chức một đêm võ thuật Việt Nam. Các thế hệ THSV trước không có được quen biết những anh em võ thuật để tổ chức một cái đem võ thuật Việt Nam. Như vậy thành ra là những thành phần gia nhập làm việc với TH từ thời kỳ 72 không còn thuần túy sinh viên hay là người trí thức nữa. Đó là những người thanh niên, trong đó có những anh em đi học, có những anh em không đi học, giới nghệ sĩ, có giới giang hồ, và có tất cả thành phần của kiều bào. Đó là một điểm khác biệt. Điểm thứ nhì là cái cách làm việc của anh Bá. Anh tụ rất là nhiều người tài ở trong TH, anh để cho người đó làm việc, anh không xen vào. Mọi người đến với anh tại vì cái đường hướng của anh, cái chính nghĩa của anh nó rõ. Anh em làm việc, không phải là dưới một ngọn cờ của một lãnh tụ, mà vì chia sẻ cái đường hướng tranh đấu và cái chính nghĩa tự do mà anh em đồng ý với anh Bá.

Lire aussi/Đọc thêm  Trần Văn Bá, hành động thương yêu tối hậu và triệt để

anh Thục :

Năm 72, anh Bá thắng cử chức chủ tịch của sinh viên quốc gia thì anh đã biến đổi hẳn cái bộ mặt của THSV trước đây. Ảnh hưởng của anh Bá trong giới sinh viên Âu châu rất là sâu đậm. Anh luôn là cái móc nối giữa Paris và các hội bạn ở các nước khác ở bên Âu châu. Con người của anh rất là nhã nhặn. Anh biết chia sẻ và anh biết đùm bọc, nên anh đã thực hiện được rất nhiều việc trong tinh thần quốc gia. Nhất là từ sau 75, khi lớp người tị nạn không còn một quốc gia hay một chính phủ yểm trợ cho họ, thì cái THSV Paris do anh Bá lãnh đạo đã đóng một vai trò “gà trống nuôi con”. Hội không còn là một hội thuần túy ái hữu cho sinh viên nữa. Hội lúc bây giờ đã trở thành một cái nôi quây quần những người Việt không cộng sản lại với nhau.

anh Lưu :

Theo tôi, giai đoạn trước và sau 1975 là một giai đoạn cực thịnh của ý thức hệ Cộng sản trên thế giới. Những năm đó, cộng sản quốc tế lan rộng về thế lực chính trị và quân sự ở Châu Á, Châu Phi, và vùng Cận Đông, qua những phong trào thân Nga ở các nước Angola, Ethopia, và Việt Nam, Miên, Lào. Vào lúc đó ở bên Âu châu, đặc biệt là ở Pháp, cái ý tưởng chung là ý thức hệ cộng sản và quyền lực của Liên Xô sẽ càng ngày càng mạnh. Cũng trong cái thời điểm đó thì các phong trào chống chiến tranh Việt Nam rất là mạnh mẽ. Dư luận Tây Phương chỉ trích hành động của nước Mỹ, và họ cho là chính quyền VNCH là một chính thể độc tài, thối nát và tay sai của Mỹ. Chúng tôi đi học thì thấy là trong các trường đại học ở Pháp, các sinh viên đa số đều thiên tả, giới trí thức của Pháp đại đa số cũng thiên tả, báo chí phần đông đều là thiên tả cả. Năm 1968 tại Paris có nhiều cuộc biểu tình lớn của sinh viên. Và sau đó thì các tổ chức sinh viên thiên tả gọi là “gauchiste” có một tổ chức rất là chặt chẽ, họ có nhân lực, có khi họ dùng bạo lực, họ dùng gậy gộc, họ dùng bom xăng trong các cuộc biểu tình của họ. Chúng tôi rất là thường khi bị các sinh viên Pháp chất vấn về vấn đề Việt Nam. Rất nhiều thanh niên đi từ Việt Nam cũng bị áp lực tinh thần từ những người bạn sinh viên Pháp, đi tới chuyện chỉ trích quốc gia của mình. Tôi muốn nói là cái khung cảnh sinh hoạt của người Việt Nam ở Paris trong những năm trước và sau 75 là một khung cảnh rất là thất lợi cho mình. Chúng tôi có một ý muốn rất là mạnh mẽ là phải nói lên cho thế giới nghe sự thật, chứ không thể nào tin vào những lời tuyên truyền cộng sản và các thành phần thiên tả thân với họ.

<<< Phần 1

Phần 3 >>>

Các bài viết liên quan đến Trần Văn Bá