agevp60.com

Logo AGEVP 60 ans

Thập niên 1974 - 1983

Trần Văn Bá, hành động thương yêu tối hậu và triệt để

Tôi được biết anh Trần Văn Bá vào đầu năm 1975 khi tôi nhập giòng sinh hoạt Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris cho tới năm 1980 khi anh về Việt Nam gia nhập Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Nam Việt Nam, chống lại bạo quyền cộng sản. Tháng 11-1975, tôi tham gia Liên Danh “Đấu Tranh” do anh Bá làm chủ tịch, ứng cử Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên niên khóa 75-76 và tôi là Ủy Viên Báo Chí trong liên danh của anh.

Nhân việc thành phố Paris ký giấy cho phép dựng một bia tưởng niệm anh Trần Văn Bá tại Paris, tôi đã tìm đọc lại bài anh viết trong tờ Thông Tin Sinh Viên Paris vào tháng 11 năm 1975 để dõi soi những suy tư, tâm niệm và tình cảm của anh. Tôi muốn được tiếp xúc với tâm tư Trần Văn Bá. Tôi muốn hiểu anh nghĩ gì, con tim anh xót xa gì trong thời buổi đen tối đó của đồng bào miền Nam. Tôi muốn thắp một ngọn nến lòng, kính cẩn nhẹ bước vào không gian tâm hồn anh để tưởng niệm anh từ bên trong như thế. Tôi đọc lại bài “Nhận Định” anh viết và đăng trên tờ Sinh Viên Thông Tin của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris ấn hành tháng 11 năm 1975. Trong những văn bản anh để lại, tôi nhớ có bài này và tập tài liệu báo Xuân Nhân Bản năm Canh Thân 1980 mà anh viết chung với anh Nguyễn Xuân Nghĩa, mang tựa đề là: “Cộng Sản Việt Nam: Không Mặt Nạ, Không Tương Lai”.

Anh Bá không phải là nhà văn. Chữ nghĩa anh viết không hoa hòe mà thành thật từ đáy lòng anh ra. Trong cuộc sống, anh cũng vậy: ít nói, nói ít lời, biểu lộ tình cảm một cách chừng mực, nhưng tôi luôn luôn cảm nhận được một con người giàu tình cảm, nồng hậu  và chứa chan. Tình cảm của anh giàu ăm ắp như ruộng đồng miền Nam hiền hoà và bao la. Khi bước vào không gian tâm hồn anh trong bài viết, tôi cảm nhận được những nét chính sau đây: lòng yêu nước của anh là lòng yêu người dân Việt bình thường và ước muốn họ có được một cuộc sống tự do, chủ động và có nhân phẩm, sự kính trọng của anh đối với đồng bào thiểu số và muốn họ được quyền tự trị, cái nhìn của anh về trách nhiệm người lãnh đạo, sự khiêm nhường của anh, sự việc anh thấy rõ con đường của anh và sự xả thân triệt để của anh cho lý tưởng cứu nước cứu dân.

Câu hỏi nhiều người đã đặt ra là cái gì đã nung nấu anh để anh trở về Việt Nam đối kháng. Với thân thế gia đình của anh, sự quen rộng của anh, học lực và bằng cấp của anh, anh có thể dễ dàng chọn cho mình một cuộc sống sung túc, ổn định và thành công ở xứ người. Nhưng ngay sau 1975, anh đã chọn lựa trở về. Anh trở về vì anh thương đồng bào và anh muốn một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc. Chúng ta có thể cảm được sự thống thiết của anh khi anh viết về những thảm trạng mà đồng bào đã phải gánh chịu vào thời điểm 1975. Anh viết:

“Hoà bình thế nào khi có vợ gởi thơ cho chồng bảo rằng ‘Trời SàiGòn lúc này nóng lắm, anh chớ về vội kẻo bịnh’, khi mẹ viết cho con nói ‘Cha giận mẹ bỏ nhà ra đi ba tháng không có tin tức gì’, khi chị cho em hay ‘là cả nhà bình yên, duy chỉ tội đứa em gái út, nó buồn vì chồng nó phải đi xa lâu lắm. Hoà bình thế nào khi những người có liên quan đến chế độ cũ đều phải đi học tập, đi làm mà không có được một đồng lương, nếu vì thế mà sinh ra trộm cắp thì đã có những cuộc xử bắn để cảnh giác rồi.  Người công dân sống trong bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng phải hưởng những điều kiện vật chất tối thiểu mới có thể phát triển được. Không có hình thức huỷ hoại con người nào kinh tởm bằng hình thức kinh tế. Thế mà hiện nay chưa có sự kiện nào cho ta thấy đa số công dân miền Nam hưởng được những điều kiện vật chất tối thiểu đó.”

Rõ ràng là động lực thúc đẩy anh trong đấu tranh là người dân, hạnh phúc của người dân. Anh quan tâm tới đời sống người dân, cảm thông được người dân bị khổ sở như thế nào khi bị cấm đoán di chuyển, không được tiếp đãi người thân trong nhà. Ngay cả đến chuyện người dân không lên được quận nghe hát cải lương cũng quan trọng đối với anh. Anh làm cách mạng vì dân anh khổ, không phải vì quyền lực, không phải vì chủ thuyết. Anh viết:

Lire aussi/Đọc thêm  Trang liên lạc

“Bất cứ người lạ nào đến cũng phải khai báo, nếu ở lại đêm thì phải xin phép… Đời sống gia đình của người dân không được tôn trọng nữa. Dân Việt Nam tính hiếu khách, bà con thường hay đến cư ngụ bất thường nhưng ngày nay không còn được tự do tiếp đãi nữa. Quyền tự do hội họp đã mất rồi. Khi di chuyển từ khu này qua khu khác phải xin phép. Trên thế giới ít có xứ nào có được luật lệ như thế. Ai cũng biết, trong đời sống hàng ngày người nông dân thường đi từ làng lên tỉnh để mua một số vật dụng mà nhiều khi ở làng không có, cứ mỗi lần phải khai báo thì khổ sở biết chừng nào. Chưa kể những lúc có gánh hát cải lương đến quận, họ đi cả hai mươi cây số để đến xem và ngủ lại một nhà bà con cho đến sáng về. Bây giờ thì hết rồi, vì không khai báo, đâu ở lại được. Loại giải trí như vậy cũng không còn, nói chi đến những người muốn đổi tỉnh để làm ăn dễ dàng hơn, tất xin phép phải lâu lắm và chắc gì đã được chấp thuận.”

Đối với đồng bào thiểu số, anh đưa ra một giải pháp nhân ái, dân chủ và tôn trọng văn hóa nếp sống khác biệt của họ. Anh viết

“Ngoài miền Nam và miền Bắc có thể dành một khu vực gồm ba tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột cho các sắc tộc thiểu số với toàn quyền tổ chức đời sống và phát triển văn hóa của họ. Hình thức này không phải là một phương tiện chia rẽ, trái lại nó rất công bằng và hợp lý, vì trong tương lai nó sẽ tránh những phong trào như FULRO và các cuộc nổi loạn của dân Thượng. Chúng ta không thể ép buộc ai sống chung với chúng ta được, họ phải thấy sống trong cộng đồng quốc gia là điều lợi, quyền lợi được bảo đảm, dùng bạo lực cưỡng bách sẽ tai hại vô cùng. Đây là những hình thức tổ chức quốc gia mới lạ đối với dân Việt Nam, vấn đề cần phải được đào sâu và nghiên cứu chu đáo.”

Anh nghĩ gì về mẫu người làm chính trị, mẫu người lãnh đạo xứng đáng? Giọng văn toàn bài viết của anh ôn hoà, nhận định bình tĩnh dựa trên những sự kiện khách quan, nhưng đôi lúc, anh như lên tiếng mắng những người đã có trách nhiệm trong sự đọa đày dân tộc. Anh viết:

“Bất cứ gia đình nào cũng có người đi học tập, vì đâu có ai sống ở miền Nam mà không đi lính hoặc không làm công chức, ngoại trừ những người có thế lực. Họ đã phải hy sinh quá nhiều đưới chế độ trước, nay họ còn phải bị chế độ này kềm kẹp nữa sao? Chính quyền cũ đã không bảo đảm nổi đời sống của họ, gây nên cảnh tham nhũng, chính quyền mới trừng trị họ vì tham nhũng. Tham nhũng là một quốc nhục ai cũng biết, nhưng phải chăng đó là tình trạng chẳng đặng đừng. Đó đâu phải là cái tội khi họ không thể nhẫn tâm thấy gia đình họ đói kém, đâu ai bắt buộc người khác anh hùng được. Khi cơ cấu xã hội không bảo đảm được đời sống bình thường cho người dân thì chắc chắn có nạn tham nhũng. Bi cảnh này do đâu mà ra, ai chịu trách nhiệm, phải có can đảm chỉ mặt họ. Họ ở Hà Nội, họ ở SàiGòn, họ ở trong bưng, ở Moscou, ở Paris, ở Bắc Kinh, ở Washington. Họ không tránh được một cuộc chiến cho Việt Nam, cuộc chiến nào lại không có tệ đoan; ai dám lên án họ, ai dám trừng trị họ, người ta chỉ đày đọa những kẻ thất trận mà không trốn chạy, những kẻ chỉ là nạn nhân chứ không phải chánh phạm. Phải rồi Graham Greene đã viết rất đúng! ‘Việt Nam là xứ mà sự liêm khiết dẫn thẳng xuống địa ngục’.

Qua những lời viết ở trên, chúng ta thấy rõ anh quan niệm rằng người lãnh đạo phải tạo được một môi trường và cơ cấu kinh tế, luật pháp và lao động khiến cho người dân ấm no mà không cần phải làm việc tham nhũng trái phép. Thay vì đổ lỗi cho người dân, anh nhìn vấn đề trên bình diện rộng lớn hơn và đặt thẳng trách nhiệm lên vai người lãnh đạo.

Lire aussi/Đọc thêm  Tưởng nhớ

Anh xem 1975 là một cơ hội để những người lãnh đạo sáng suốt và thực sự yêu dân yêu nước thực hiện hòa giải hòa hợp thật sự, xoá bỏ hận thù để xây dựng hoà bình và phát triển. Mô thức của anh đưa ra là một Liên Bang Việt Nam có hai miền và mỗi miền có một cơ chế riêng tôn trọng thực tại chính trị và ước muốn khác biệt của người dân hai miền, đồng thời cũng có những thẩm quyền Liên Bang giống như trường hợp nước Tiệp Khắc. Chúng ta thấy được lý tưởng nhân bản và nhân ái của anh trong vấn đề thống nhất hai miền. Anh viết:

“Sự phân chia lãnh thổ phản ảnh sự phân chia trong tư tưởng, vĩ tuyến 17 bắt nguồn trong đầu óc, trong con tim. Thống nhất lãnh thổ thực hiện được khi dòng sông Bến Hải biến khỏi trí não người Việt Nam, khi nào cộng đồng quốc gia được hoà giải và hòa hợp, khi nào người Việt Nam nhìn nhau mà không bỡ ngỡ, tha thứ cho nhau tất cả những lỗi lầm.”

Chúng ta hãy lắng nghe con tim của Trần Văn Bá, sự thiết tha thực sự về hòa giải và tha thứ, tâm hồn rộng lượng bao la vượt lên trên những hận thù và lỗi lầm quá khứ để nhìn về tương lai chung. Anh cũng nói lên sự cẩn trọng cao độ của người lãnh đạo để đừng bỏ lỡ một cơ hội hàn gắn ngàn năm một thuở. Trần Văn Bá viết tiếp:

“Giờ phút này là giờ phút hàn gắn những vết thương đau chứ không phải lúc luận tội hay trừng phạt. Tìm kiếm làm chi nữa những thủ phạm để cho những vết thương chưa lành phải rỉ máu tiếp. Thôi ! Hãy cố quên đi những chuyện đau buồn, hãy nén hết những uất hờn để cùng nhìn về tương lai vì lần đầu tiên mới có được cơ hội thống nhất thuận tiện. Bổn phận chúng ta phải tìm tất cả những thể thức thống nhất để cứu xét xem thể thức nào thích nghi nhất. Thống nhất lãnh thổ là một công trình dài bởi không thể một sáng một chiều mà có được, một sai lầm nhỏ trong việc áp dụng thể thức có thể phá tan thành quả của mấy mươi năm…”

Cũng trong tờ báo này, anh có viết một vài dòng tưởng niệm một vị trung tá tự tử trước quốc hội ngày SàiGòn thất thủ. Bài được viết trong nỗi xúc động dâng tràn nói lên rất rõ hoài bão của anh về người anh hùng chân chính. Anh nói về ông như người đàn anh đáng phục, thà chết chứ không trốn chạy trách nhiệm, chết chớ không phản bội quê hương, chết để trọn vẹn với Tổ quốc và với chính mình. Sau đó anh nguyện chính anh sẽ giữ vững truyền thống chí thành với đất nước để vong linh những người đã khuất không tủi hổ và để đất nước còn có tương lai. Trong khoảng năm 1981, anh em Tổng Hội Paris cũng đã nhận được một lá thư ngắn của anh trong đó anh viết lại cùng những dòng suy tư đó. Anh cho biết là con đường anh chọn nhiều cam go, khó khăn. Anh sống cực khổ lắm nhưng anh vẫn vững niềm tin về tương lai tươi sáng của đất nước và anh yên tâm vì anh được sống trọn vẹn với con người mình và trọn vẹn với tổ quốc. Ngày hôm nay, nhìn lại, anh đã làm những gì anh viết. Đôi khi sự khác biệt giữa người thường và người anh hùng chỉ ở chỗ đó: làm những gì mình nói. Những lần nghe anh nói chuyện, tôi cảm nhận anh đặc biệt quý mến anh em trong quân đội. Từ nhiều năm, anh say mê góp nhặt dữ kiện về các tướng lãnh và quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Anh quý cái tinh thần dám làm của người quân đội. Anh quý bất cứ ai có tinh thần dám làm. Chúng ta hãy nghe anh nói và thấy được quan niệm của anh về người anh hùng:

“Hình ảnh vị Trung Tá tự tử trước quốc hội ngày SàiGòn thất thủ đã làm chúng ta bàng hoàng xúc động. Cái chết này tượng trưng phần nào cái chết của chúng ta hay đúng hơn phần nào của chúng ta đã chết. Chết một cách âm thầm, chết trong sự lãnh đạm của mọi người. Có kẻ cho rằng cái chết đó thừa thãi, lỗi thời, không khác nào đời Tam Quốc, Thái Ưng đã chết vì Đổng Trác. Dù sao đi nữa, dù không được biết cá nhân ông như thế nào, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của ông, người đàn anh đáng phục thà chết chứ không trốn chạy trách nhiệm, chết chớ không phản bội quê hương. Ông xả thân cho đất nước, như bao anh hùng liệt sĩ đã chết để trọn vẹn với Tổ Quốc và với chính mình. Cái chết của ông đã rửa mặt cho lũ đàn anh, có thể tự hào cho rằng trong thời buổi nhiễu nhương của đất nước có lắm kẻ sớm đầu tối đánh vì miếng xôi miếng thịt, còn có được những đàn anh đã giữ được truyền thống trung kiên của bốn ngàn năm văn hiến.

Ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại lũ đàn em bơ vơ, biết được đường phải đi, nhưng không người dìu dắt. Những đàn anh của chúng tôi đã chết như ông hoặc đã phản bội chúng tôi cả rồi. Từ nay chúng tôi sẽ cố gắng giữ vững truyền thống chí thành với đất nước để cho vong linh của những người đã khuất không phải tủi hổ, để cho quốc gia còn có tương lai.

Vĩnh biệt người đàn anh vừa nằm xuống.

Trần Văn Bá.”

Anh Bá cũng đã nằm xuống. Nhưng anh trở thành bất tử. Hình hài nhỏ bé của anh có thể tan vào lòng đất mẹ nhưng tinh thần Trần Văn Bá, dám làm, yêu dân, nhân ái, và hy sinh sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ tiếp nối. Bên cạnh một Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học, chúng ta đã có thêm một Trần Văn Bá.

Lire aussi/Đọc thêm  Phỏng vấn SBS Úc Châu 200808 (1)

Khi bạo quyền đem anh ra xử án và hành quyết, thì lương tâm nhân loại có một phiên toà khác. Trong phiên toà đó tử tội là ý thức hệ và sự tàn bạo của người cộng sản Việt Nam và người anh hùng là Trần Văn Bá.

Lâu lâu trong một tập thể, có một cá nhân hiển lộ và thể hiện được những đức tính cao quý nhất, xuất chúng nhất của tập thể đó. Cá nhân đó chính là tinh anh của tập thể. Anh đã không run sợ trước bạo lực và trở về đối kháng. Anh đã có hành động yêu thương tối hậu nhất và triệt để nhất: hy sinh tính mạng mình để mưu cầu một tương lai tự do và có nhân phẩm cho người Việt.

Tháng 9 này, tại thành phố Paris, thành phố đã khai sinh ra tư tưởng dân chủ vào thế kỷ 18, nơi ký kết nhiều hiệp định định đoạt tương lai dân tộc, và cũng là nơi anh nương náu và gày dựng cộng đồng tự do hải ngoại trước khi về nước, một tấm bia sẽ được khánh thành để vinh danh anh.

Hôm nay tại Adelaide, Nam Úc, nửa vòng trái đất xa Paris, tôi đọc lại bài anh viết để tưởng nhớ anh. Xác thân anh đã tan vữa trong lòng đất mẹ nhưng tinh thần anh bất biến trường tồn.Tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ và làm theo hai bài học anh để lại cho chúng tôi: dám làm và thương yêu triệt để.

21-07-2008
Phan thị Ngọc Dung

Phụ Chú :

1. Đọc lại nguyên bản bài viết Nhận Định của anh Trần văn Bá :
    https://agevp60.com/wp-content/uploads/2024/02/ThongTinSinhVien_197511_NhanDinh_TVB.pdf

2. Nghe lại bài đọc này của qua giọng đọc của chị Phương Oanh (đài SBS Úc Châu) và chị Phan thị Ngọc Dung :
    https://agevp60.com/wp-content/uploads/2024/02/20080708_SBS_phongsu_Tranvanba_chiNgocDung.mp3

3. Vào lúc cuối cùng, chính phủ Pháp phải nhượng bộ trước áp lực của chính quyền CSVN Hà Nội :
    https://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2008/09/23/quand-la-france-cede-aux-pressions-du-vietnam-a-propos-d-une-stele-d-un-square-parisien_1098526_3216.html

20080927_VinhNiemTVB_02_w
20080927_VinhNiemTVB_02_w

Đáng lý ra, khu vườn nhỏ tại số 47 avenue d’Ivry – Paris 13 là nơi đã được tòa Đô Chánh Paris chấp thuận cho gắn bia vinh niệm Trần Văn Bá. Tuy nhiên, do áp lực mạnh của nhà cầm quyền Việt cộng, chính phủ Pháp đã ngăn cấm dự án đặt bia được cụ thể hóa. Ngày 27.09.2008, sau một buổi lễ long trọng tổ chức tại phòng khánh tiết quận 13, mọi người đã đến địa điểm này để đặt bia tượng trưng.

Các bài viết liên quan đến Trần Văn Bá