Tổng Hội của tôi
Những ngày đẹp nhất
Cuối năm 69, tôi đặt chân đến Paris, một du học sinh non nớt lần đầu rời xa gia đình bị ném vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Chỉ vài tháng sau, tôi tập tễnh bước vào Tổng Hội Sinh Viên : tôi được chiêu mộ vào giúp việc trong Đêm Tết của Tổng Hội !
Hồi đó, “Tổng Hội” chưa có cái âm hưởng trìu mến mà nhiều năm sau hai chữ đó gợi lên cho tôi mỗi lần nhắc lại những kỷ niệm đầy thân ái và hào hùng của tuổi đôi mươi. Hồi đó, tôi cũng hoàn toàn không thể nào ngờ được rằng quyết định vô cùng tầm thường kể trên lại biến đổi cuộc đời tôi một cách sâu đậm, đem lại cho tôi cả một vùng học hỏi quý báu và những niềm vui tuyệt vời như thế.
Năm đầu tiên làm Tết, tôi đứng gác cửa hậu trường. Nhiệm vụ của tôi là án ngữ ngay cửa vào của hậu trường để thanh lọc người ra vào. Tôi được giảng là vai trò này vô cùng quan trọng : hậu trường thì hẹp mà số cộng sự viên lại đến hơn trăm người, nếu để kẻ vô phận sự lọt vào trong thì sẽ hỗn độn biết mấy. Tôi thầm nghĩ : “một tay mới” như mình mà lại được giao phó trách nhiệm hiểm yếu như vậy thì đáng hãnh diện làm sao ! Tôi cố gắng chu toàn công việc, khi Đêm Tết xong xuôi, anh trưởng ban Trật Tự lại gặp tôi vỗ vai : “Tốt lắm ! chỉ có chú là mới có thể làm việc được này thôi. Chú mới qua không quen biết ai hết nên đỡ bị bạn bè bà con làm áp lực tình cảm để lẻn vào chơi hậu trường, loạn hết ! “. Tôi ngã ngửa !
Năm thứ nhì, tôi leo lên được sân khấu. Lại được cầm đàn hát nữa ! Nhờ vậy tôi hiểu hơn về sự phức tạp trong việc tổ chức Đêm Tết. Đêm Tết không phải chỉ là những gì khán giả nhìn thấy trên sân khấu. Nếu chỉ dựa trên khía cạnh trình diễn sân khấu để đánh giá sức mạnh của tập thể thanh niên thì có thể lầm to. Lý do là vì chỉ cần một vài diễn viên xuất sắc là đã có thể có một màn diễn hay ho, nhưng để có một Đêm Tết như Đêm Tết Tổng Hội thì phải có lòng yêu nước và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Lòng yêu nước này có tụ lại thành một chủ ý chính trị thì mới có thể quy hợp được hàng trăm người tham gia hăng hái vào công việc chung, bỏ ra hàng ngàn giờ và nhiều hơn nữa để đêm Tết thành hình. Đến hôm trình diễn, xui xẻo có thể xảy đến khiến cho phần văn nghệ không được như ý. Nếu khán giả vội chê “Năm Nay đêm Tết không hay, chắc Tổng Hội không mạnh” thì e lầm to.
Nhưng đa số đồng bào đi xem Tết không như vậy. Tôi còn nhớ hình như đêm Tết 74, 75 gì đó. Năm đó, vì lý do thiếu tiêu chuẩn chống hoả hoạn, nguyên giàn cảnh trí bị ban quản trị rạp Maubert không cho đem ra dùng. Tôi còn nhớ rõ nét mặt thiểu não của L. và toàn ban “đề co” và sự phẫn uất của tất cả anh chị trong ban văn nghệ. Bao nhiêu ngày đêm công phu sửa soạn biến thành dã tràng. Hai tấm “phông” lớn không thể đem ra căng, cảnh núi rừng hùng vĩ đành phải mong khán giả tưởng tượng dùm. Ban hợp xướng không có bục đứng nên hàng ngũ không thể chỉnh tề. Thậm chí, chị K. diễn màn chèo thuyền thì thuyền chẳng có mà chèo thì cũng không ! Chị không nao núng, dùng điệu bộ và tài diễn xuất làm sống động cảnh thôn nữ chèo thuyền dập dềnh trên sông vắng dưới ánh trăng bàng bạc. Cả rạp rung động trong tràng pháo tay, như để cổ võ đoàn cầu thủ nhà xông pha giữa nghịch cảnh.
Một năm khác, tôi thấy mặt T.V. tái mét khoảng nửa tiếng trước khi màn múa mà T.V. phụ trách bắt đầu. Hỏi ra thì được biết cô ta đã để quên bộ áo múa ở nhà trong lúc bù đầu thu xếp đến rạp. Thế là mất toi nguyên một tháng trời lụm khụm cắt may ! Lục lọi trong đống đồ mang theo, mấy cô moi ra được mấy chiếc áo nhăn nhúm, đem ra ủi lại dùng tạm. Thế mà không ai hay biết sự đổi chác.
Một lần khác, hình như năm 78 thì phải, trong khi đang điều khiển ban hợp xướng trong bài ca mở đầu, tôi lùi lùi thế nào mà lại vấp phải cái lỗ của người nhắc tuồng. Lần đầu, tôi chỉ vấp sơ sơ, lao đao đôi chút rồi lấy ngay được thăng bằng. Trong lúc say sưa với bản nhạc, tôi lại lùi tiếp. Lần này thì rợi tụt hẳn xuống lỗ. D. là người nhắc tuồng vừa la ơi ới vừa luống cuống đẩy tôi đứng dậy. Điều lạ là trong khi ca trưởng lâm nạn thì toàn ban hợp xướng điềm nhiên tiếp tục như không có gì xảy ra ! Tôi hoàn hồn đứng dậy, lấy lại thế đứng và bắc lại nhịp bài nhạc. Cả hội trường nổi lên tràng pháo tay, có lẽ chưa bao giờ một ca trưởng lại được tán thưởng giữa bản nhạc nồng nhiệt như lần đó.
Điều cần hiểu là đồng bào đi xem Tết không phải để xem văn nghệ. Nếu văn nghệ hay thì càng tốt. Nhưng cốt yếu là cái tinh thần. Khán giả đến Maubert để hít thở cái tinh thần trong sáng, dấn thân và vô vụ lợi. Để hỗ trợ, không phải chỉ riêng Tổng Hội Sinh Viên, mà nguyên lớp người mà Tổng Hội Sinh Viên là biểu tượng. Để thấy trong lớp người đó tương lai của quốc gia, để nuôi nấng cái tinh thần kia cho lớn mạnh hơn và nuôi luôn những ước vọng của chính mình đối với xứ sở. Nếu tinh thần mạnh mà hình thức có khuyết điểm, đồng bào sẵn sàng tha thứ.
Cái “truyền thống” đó bắt nguồn từ đâu ? Ngay từ khởi đầu, Tổng Hội Sinh Viên đã là phong trào của những người thanh thiếu niên bình thường, giàu hoài bão nhưng ít phương tiện. Nó đã dám dứng lên, không tính toán, đương đầu với những thế lực mạnh hơn gấp bội. Paris của những thập niên 60 và 70 là cái nôi của những phong trào thiên tả. Là người sinh viên chống cộng thời đó là phải lẻ loi khẳng định lập trường của mình giữa rừng dư luận chống đối, là phải kiên cường nói lên sự thật giữa chế riễu của bạn bè sinh viên mọi quốc tịch, là can đảm chống lại sự khuynh loát ồ ạt của các tổ chức thân Việt cộng tại Pháp. Phải làm tất cả những thứ đó với hai bàn tay trắng, rất ít kinh nghiệm bản thân và hỗ trợ từ ngoài.
Tôi còn nhớ Tết năm 72, nguyên Ban Chấp Hành chỉ có một người là anh chủ tịch B. là có xe hơi. Chỉ một chiếc xe hơi để chạy bao nhiêu công việc ! Dĩ nhiên phần lớn anh phải đáp métro đi tổ chức Tết, kể cả các công việc liên lạc, chuyên chở nặng nhọc như giấy làm báo, khiêng “đề co” và dụng cụ. Chắc hãng RATP không thể nào ngờ rằng toàn giàn trang trí Đêm Tết năm đó đã được di chuyển bằng hệ thống xe điện của hãng ! Tôi còn nhớ rõ L. hì hục đóng những chiếc bục gỗ lớn ngay giữa hành lang ra vào của immeuble đường Monge trước khi khiêng chúng xuống đường hầm !
Phưong tiện thì ít nhưng hoài bão lại nhiều. Điển hình là Đêm Tết 76, Đêm Tết đầu sau cuộc chấn động năm 75. Vào những ngày sau 30/04/75, anh em Tổng Hội Sinh Viên trải qua một cơn khủng hoảng dữ dội. Đâu là đường đi cho dân tộc khi ta biết rằng chưa một quốc gia nào rơi vào lệ thuộc cộng sản mà thoát ra được khỏi chúng ? Đâu là chỗ đứng của tuổi trẻ không cộng sản trong một hệ thống chỉ dung thứ kẻ ngoan ngoãn tôn thờ ? Chẳng ai nói ai, mỗi người trong tập thể Tổng Hội Sinh Viên phải tự khẳng định lại lòng mình. Đêm Tết 76 đã là cơ hội để tất cả những tâm tư đó hội tụ và bùng nổ.
Phải, chúng ta phải khẳng định rằng có một tương lai tự do cho Việt Nam. Chúng ta phải hát quốc ca và giương cờ vàng ba sọc ! Cờ và quốc ca biểu tượng cho một cái gì còn cao quý hơn cả thể chế mà chúng ta vừa mất. Nó biểu tượng cho những lý tưởng mà ngay cả thể chế đó cũng chưa thể hiện được. Chúng ta phải tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và tình người.
Mười mấy năm sau, với sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu và sự thoái hóa của cộng sản khắp thế giới, lập trường vừa kể của Tổng Hội Sinh Viên đã tỏ ra là một lập trường sáng suốt cho dù không tính toán.
Tôi còn nhớ mãi Đêm Tết năm đó, khi lá cờ vàng được từ từ đưa ra sân khấu, hội trường im bặt ngẩn ngơ trong sự xúc động tột cùng. Rồi quốc ca trổi lên, mộc mạc, thành khẩn, hùng dũng. Trong hội trường, có người hát theo nhè nhẹ như tự thầm nhủ. Đa số đứng im, nghẹn ngào, nước mắt chảy quanh. Tôi còn nghe rõ những tiếng bật khóc, còn thấy rõ những bàn tay quệt vội khoé mắt. Một bầu không khí linh thiêng, uất nghẹn và trầm hùng trùm xuống mọi người cho đến khi bài hát chấm dứt thì nó nổ tung trong những tiếng hô “Việt Nam muôn năm” vang dội ! Lần đầu tiên sau ngày 30/04/75, quốc ca lại được hát, quốc kỳ lại được giương lên. Nhưng lần này là một khởi sự mới.
Có thể nói những Đêm Tết sau 75 là những Đêm Tết được đồng bào hưởng ứng nồng nhiệt nhất. Tiếng vang của Đêm Tết Tổng Hội Sinh Viên ngày càng lớn đến độ trở thành một cái mốc không thể thiếu của sinh hoạt người Việt. Nó mang một ý nghĩa vượt hẳn khuôn khổ của một hội sinh viên. Từ đó những sinh hoạt khác của Tổng Hội Sinh Viên cũng tăng cấp một bực và góp phần đáng kể hơn trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc.
Có một điều mà tôi luôn luôn cảm nhận rất rõ khi nói đến ảnh hưởng của Đêm Tết đối với chính bản thân tôi : đó là sự học hỏi muôn hình vạn trạng mà tôi đã rút tỉa suốt hơn mười năm làm Tết. Sự học hỏi này bàng bạc, không ai truyền cho tôi, nhưng nó đã thấm vào người tôi một cách sâu đậm đến nỗi nhiều năm sau, trong nghề nghiệp hay trong cuộc sống hàng ngày, tôi tự bắt gặp mình còn suy nghĩ và phản ứng như thời làm Tổng Hội. Thời đó, chúng tôi chúa ghét những kẻ trục lợi, đặt quyền lợi riêng tư lên trên tập thể, chúng tôi bác bỏ những kẻ chỉ đứng bàn, mà không làm, chúng tôi không chấp nhận những ai từ chối hy sinh và hòa mình vào tập thể.
Những tiêu chuẩn vừa kể, nghe qua có thể hơi quá khích nhưng chúng đã nhào nặn tính tình của chúng tôi, và nhờ đó mà Tổng Hội Sinh Viên mới trở thành một tập thể hoà đồng, thuần nhất và đầy hiệu năng.
Một điều khác tôi học được khi làm Tết là hoà âm và sáng tác nhạc. Chuyện đó đã đến với tôi một cách gần như bất đắc dĩ. Biến cố 75 xảy đến, khiến cho nhiều bản nhạc tranh đấu của thời trước 75 trở thành lỗi thời, giả dối. Không lẽ chúng tôi tiếp tục hát nhạc Trịnh Công Sơn để “nối vòng tay lớn” với kẻ ác ? Không lẽ chúng tôi lại xào nấu lại những bài ca phản chiến khi trước mắt chúng tôi, hoà bình đạt được chỉ là thứ hoà bình giả nhân ? Ngay cả những bản tình ca của thời trước 75 cũng trở thành lạc điệu.
Chúng tôi chỉ có một lối thoát duy nhất : chúng tôi phải sáng tác lấy nếu muốn tiếp tục hát và làm văn nghệ. Hai bản “Còn ai thương dân tôi” và “Nuôi chí vững bền” phổ thơ của T. lúc đó còn học Trung Học, đã được tôi viết trong hoàn cảnh đó. Viết xong, tôi không thấy hay, nhưng khi được T.T. và B.V. hát lên trong đêm Tết 76, hai bản đã tạo được sự xúc động tột cùng. Rồi bản “Ai về xứ Việt” ra đời cũng do sự ngẫu nhiên của một đêm văn nghệ dành cho Minh Đức Hoài Trinh.
Dần già, càng sáng tác càng dạn, lại được sự hưởng ứng của nhiều anh em Tổng Hội khác, biến soạn nhạc thành một phong trào sống mạnh, tôi đâm ra trở thành “nhạc sĩ”, một nhạc sĩ bất đắc dĩ và mù tịt nhạc lý.
Hoà âm cũng đến với tôi một cách cưỡng bách. Cha L., là người vẫn thường điều khiễn hợp xướng suốt mấy Đêm Tết, năm đó bị bận công chuyện. Cha bảo cha sẽ soạn bè, xong đưa tôi bài bản về tập cho anh em, đến hôm trình diễn cha sẽ đích thân điều khiển ban hợp xướng. Tôi đem bản nhạc về nhà, mò mãi mới vớ ra được cách hát. Tôi liều mạng tập tành cho anh em, trong bụng chỉ mong thầm cha xong công việc cho sớm, trở về đảm nhiệm chuyện hát hò.
Xui xẻo cho tôi, cha L. không trở về Tổng Hội Sinh Viên. Năm đó, cha bị bận liên miên, rồi năm sau, và năm sau nữa. Tôi nghiễm nhiên trở thành “nhạc trưởng”, phải hoà âm, soạn bè và, điều đau khổ nhất, phải… ký âm. Năm 91, gặp lại cha tại Sydney, tôi hỏi cha còn nhớ thời vàng son không, cha trả lời trong nụ cười thân thuộc : “Nhớ chứ, quên sao được ! ”
Giờ đây, âm nhạc vẫn là một phần quan trọng trong đời tôi. Trớ trêu thay, ngày hôm nay, tôi am hiểu nhạc Việt Nam hơn là hồi mới rời nước ra đi. Sau hai mươi lăm năm sống lưu đày nơi xứ người, tình cảm của tôi đối với quê hượng lại có phần sâu đậm hơn. Do đâu ? Xin trả lời không cần suy nghĩ : Tổng Hội Sinh Viên, Đêm Tết.
Tôi viết đến đây mà bao nhiêu khuôn mặt quen thuộc của thời hoạt động Tổng Hội bỗng trở lại với tôi, hiện rõ trước mắt, thân thương, u uất, hào hùng. Xin gửi lời cám ơn tất cả các bạn đã chia sẻ với tôi bao nỗi vui buồn, những ngày khổ nhục và những giờ hạnh phúc. Xin cám ơn những bạn còn và những bạn đã khuất. Tôi chắc rằng các bạn, khi nhắc lại thuở chung vai sát cánh, sẽ cùng một ý nghĩ như tôi : “Những ngày đẹp nhất mà tuổi trẻ có thể sống qua“. Phan Văn Hưng
(trích Nhân Bản Xuân Giáp Tuất 1994)