agevp60.com

Thập niên 1974 - 1983

Tia sáng cho tương lai

Cách đây 8 năm, tôi vẫn còn nhớ, lúc tôi được anh Bá mời vào cộng tác trong ban chấp hành THSV 1978-79. Anh chỉ nói vỏn vẹn một câu : “Chú vào giúp hội, làm ủy viên Văn Hóa“. Cùng thời với đợt cuối sinh viên sang du học Pháp vào năm 1974, tôi được dịp gặp anh Bá lần đầu tiên trong lần bầu BCH anh Tố vào năm 1975 tại rue de Rennes. Lúc bấy giờ anh đã tỏ ra thật bình dị và luôn sống hòa đồng với các anh em khác trong hội. Sự trưởng thành thật sự, có lẽ, đã bắt đầu đến với anh sau biến cố đau thương 30-04-1975, cũng như với mọi anh em trẻ khác, vẫn không chịu quay đầu, bỏ cuộc vào khoảng thời đen tối nhất ấy.

Đêm hội Tết Bính Thìn 1976 “TA CÒN SỐNG ĐÂY”, báo hiệu cho sự phát sinh của những phong trào đấu tranh tại Âu châu vào những năm sau đó. Tôi vẫn còn nhớ mãi, lần đó tôi đã khóc thật như bao đồng bào khác tại Maubert – đó là một trong những lần rất hiếm – khi tôi thấy anh Bá trong bộ áo dài khăn đống đứng bên cạnh lá quốc kỳ thân yêu. Tôi cảm thấy như bao anh linh của dân tộc đã quay trở lại, phù hộ cho những người con Việt, đã dám đứng lên tự chọn cho mình một con đường, một con đường tranh đấu thật trong sáng,  giữa những chơ vơ,  tủi hờn và bạc nhược. Anh Bá và các anh chị trong THSV lúc bấy giờ đã can đảm đứng lên làm việc khơi mào cho ngọn triều. Ngọn triều sẽ đưa anh và các chiến hữu khác đến tận cùng trong hành động. Anh đã bình thản trở về chiến đấu trong lòng dân tộc.

Tôi đã thật sự bị lay chuyển vì những khác biệt quá lớn đó : giữa những bất định, chơ vơ đầy tủi nhục của một lý tưởng đã sụp đổ, mà mình nghĩ sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại được nữa, và lòng quyết tâm DỰNG LẠI NGỌN CỜ của các đàn anh chúng tôi trong đêm hội Tết 1976 đó. Tôi đã thật sự quyết định và bước hẳn vào môi trường đấu tranh của hội, trong những năm sau đó. Lúc đó tôi có giữ cái tự hào – vẫn trẻ con của tôi mà tôi vẫn còn giữ được đến giờ – là được trưởng thành trong một tập thể có uy tín, tranh đấu trong sạch trong cộng đồng hải ngoại. 

Lire aussi/Đọc thêm  ĐHTT 1983 Châtenay-Malabry

Những năm sau đó, dù tôi rất bận rộn với cái nghiệp thi cử, tôi vẫn tản bộ cuối tuần tại CEFRAL, và thường xuyên chạy lại căn nhà rất kỳ dị của anh Bá và các anh khác tại Bourg-La-Reine. Nơi được các anh em trong hội, các anh em khắp Âu châu, lui tới nhiều hơn là trụ sở tại Albert Camus nữa.

Trong căn nhà thật bẩn, và một cuộc sống lăn lóc, thật đạm bạc, thật bất thường trong một xã hội xa hoa của thủ đô Ba-Lê, anh Bá đã “dẻo” hơn, dù phải bận bịu với trách vụ thật nặng nề là chủ tịch THSV, vừa phải là đầu tàu cho môi trường thanh niên sinh viên tại Âu châu, vừa phải dìu dắt hội qua mọi thử thách tại môi trường đầy sóng gió của Paris. Anh đã dần khai phá, đặt những nền móng đầu của con đường mình sẽ đi. Con đường trở về chiến đấu tại quê hương. Tôi rất ngạc nhiên khi mỗi lần được anh giới thiệu về những “thân hữu” ngoại quốc của anh ấy. 

Tôi không ngờ những người có tiếng tăm, địa vị trong xã hội, lại có thể có những tương đồng về chính trị sâu đậm, những tình bằng hữu với một người “ngoại khổ” như anh Bá. Có lẽ những giá trị thật sự của con người không thể nào được thể hiện hoàn toàn qua xe hơi nhà lầu, qua hè nóng hè lạnh. Và đã có những người đánh giá được đúng mức những giá trị đó, qua lớp vỏ bề ngoài, không đặc sắc của những con người như anh Bá. Một đôi lời, anh cũng đã có dịp trình bày cho thế hệ đàn em trong hội, thấu hiểu những biến chuyển trên tình hình quốc tế liên quan đến đất nước, những mâu thuẫn bề sau của môi trường, những suy tư trên nhiều nan đề của đại cuộc. Những lần đó, không riêng gì tôi, mà tất cả những anh em khác đều say mê theo dõi, và ước gì đạt được phần nào những hiểu biết sâu sắc, phần nào ý thức về con đường trước mặt như anh ấy.

Trong những năm trách nhiệm THSV, trước khi lên đường về nước, anh Bá gần như không màng đến các hoạt động nội bộ của THSV. Anh Bá chỉ tham gia cho có, tất cả mọi anh em đều có cảm tưởng môi trường đấu tranh thanh niên sinh viên quả thật là hạn hẹp so với chí cả của anh. Những năm trong BCH anh Bá, tôi đã học hỏi được nhiều nan đề, cập nhật hóa được một số kinh nghiệm thật cần thiết cho con đường trước mặt. 

Lire aussi/Đọc thêm  Nhân Bản, những bước đầu

Vào khoảng tháng 04-1980, khi anh Bá nhất quyết không ra BCH một năm nữa, mà nhường lại nhiệm vụ chủ tịch cho anh Hiếu, lúc bấy giờ là Tổng thư ký, mọi người đều đoán được là đã đến lúc anh lên đường để thực hiện lý tưởng của mình. Sự ra đi của anh Bá vào tháng 6-1980 thật là một bất ngờ cho mọi anh em. Gần như vào khoảng thời gian đó, không ai biết được rõ ràng anh ấy làm cái gì, và chỉ mãi đến hơn bốn năm sau, khi anh và hai chiến hữu đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng tự do của dân tộc, thì anh em trong hội mới hiểu rõ hơn.

Riêng tôi tôi chẳng ngạc nhiên gì cả, tôi đã biết chắc là anh ấy sẽ đi con đường anh đã định. Và tôi luôn thầm hy vọng, là trong một ngày mai huy hoàng của dân tộc, tôi sẽ được dịp gặp lại anh, trên một quê hương không còn áp bức và hận thù. Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi. Con đường giải phóng dân tộc vẫn còn dài đằng đẳng như văn mùa thu, với biết bao gương hy sinh âm thầm, biết bao anh hùng dân tộc vô danh.

Ngày 18 tháng 12 1984, khi nhận diện ra anh Bá trên màn ảnh truyền hình Pháp, tôi có cảm tưởng như một cái gì quặn thắt trong tôi. Tôi luôn biết là những người  ra đi như thế, các anh ấy đã chấp nhận tất cả, kể cả mạng sống của mình, để cố gắng đóng góp vào trang sự oai hùng của dân tộc. Nhưng tại sao định mệnh lại quá khắt khe như thế ? Tại sao những người con Việt thật ưu tú lại luôn làm những viên gạch lát con đường đầy hiểm trở Giải Phóng Dân Tộc ? Một Phùng Tấn Hiệp, một Trần Văn Bá và còn những ai nữa … Tại sao những người còn lại, những người không có đủ can đảm dấn thân và làm chuyện thật, lại có cơ mang, sống yên bình trong một xã hội Việt Nam tương lai, thật sự tự do và thái hòa ? Đó là vài giây phút tôi đã tỏ ra thật hẹp hòi khi thầm nguyền rủa định mệnh. Có lẽ vòm trời của thế giới này không đủ rộng cho những chí cả anh tài trên vẫy vùng chăng.

Lire aussi/Đọc thêm  Người anh hùng muôn thuở của sinh viên Paris

Những người như anh sẽ chẳng bao giờ yên nghỉ trước bao dối trá, lừa đảo, bất công của một xã hội tầm thường trên thế giới văn minh ngày nay. Và còn giờ này, chắc có lẽ anh đang vẫy vùng trên một vòng trời khoáng đạt, bao dung hơn.

Anh Bá ! Tôi thật hãnh diện có những đàn anh như anh, những người đã thật sự nằm xuống để dân tộc Việt mãi trường tồn.

Anh linh của anh Bá và mọi chiến hữu vô danh khác, xin các anh hãy phù hộ cho hàng vạn người con yêu của tổ quốc đã từng chen vai sát cánh với anh, nay đang lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, hay ngay trong lòng quân thù, để mong một ngày khôi phục lại tiền đồ.

Xin các anh hãy cho chúng tôi thêm nghị lực, những người chưa hoàn toàn đi hẳn vào đấu tranh với tất cả niềm kiên trì, bao dung và chịu đựng son sắt.

Anh Bá ! Dù tôi không còn dịp cùng anh một ngày mai nào, chen vai sát cánh trên con đường kháng chiến giải phóng dân tộc. Nhưng tôi và các anh em khác sẽ nguyện xứng đáng với tinh thần hy sinh của anh. Sẽ theo đuổi lý tưởng của anh và đó cũng là lý tưởng chung của cả dân tộc. Chúng ta sẽ nhất quyết GIẢI PHÓNG VIỆT NAM.

Đó mới là phần đền bù xứng đáng nhất của cả dân tộc dành cho anh và tất cả các chiến sĩ vô danh khác đã hy sinh cho dân tộc.

Nguyễn Ngọc Bảo