Một vài cảm nghĩ (sau cuộc biểu tình 28.04.1975)
Bài này được đăng trong Đặc san “Sinh Viên” do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris chủ trương. Báo được phát hành nhân Hội Tết Bính Thìn cũng do THSV VN tại Paris tổ chức tại hội trường Mutualité ngày 30 tháng 1 năm 1976. Bài viết chia sẻ cảm nghĩ của tác giả liên quan đến cuộc biểu tình diễn ra ngày 28 tháng 4 năm 1975 tức 2 ngày trước khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Trước khi mất Sài gòn vài ngày, Tổng Hội Sinh Viên tại Paris lên gặp chúng tôi để kêu gọi tham gia cuộc biểu tình với ý nghĩa “Để tang cho người Việt Nam đã, đang và sẽ nằm xuống trong cuộc nội chiến”. Tuy lúc ấy quân đội Bắc Việt đánh gần đến Sài gòn, một vài anh em chúng tôi cũng nhận tham gia với mọi sinh viên khác.
Ngày hôm sau địa điểm xuất phát được chọn là cư xá Đất Việt, nơi chúng tôi ở và đoàn biểu tình bắt đầu khởi hành khoảng 3 giờ trưa. Biểu ngữ được trương ra, khăn tang trắng được vấn lên đầu. Đi đầu đoàn biểu tinh là bàn thờ tổ quốc cùng lá cờ Việt Nam. Dọc đường, truyền đơn giải thích cuộc biểu tình được phát ra. Tôi nhận thấy rằng không có một ai có thái độ chống đối chúng tôi cả.
Đoàn biểu tình đi ngang vườn Luxembourg rồi hướng lên Concorde tiến về tòa Đại sứ Mỹ. Sở dĩ lộ trình được chọn như thế vì trong vòng vài ngày sau Quốc Hội Mỹ sẽ biểu quyết tiếp tục viện trợ cho miền Nam hay không, do đó Ban Chấp Hành THSV có ý định đi ngang tòa Đại sứ Mỹ tại Paris để ngỏ ý trách Mỹ muốn bỏ rơi một quốc gia thối nát vì sự nhúng tay của họ vào nội bộ quốc gia đang sắp sửa mất vào tay cộng sản. Tại đây chúng tôi gặp một hàng rào cảnh sát Pháp, và với ý ban đầu là bất bạo động chúng tôi đã dừng lại. Một anh trong nhóm rút một lá cờ Mỹ ra định đốt, bị cảnh sát ngăn lại, anh trải lá cờ xuống đất và kêu gọi mọi người dẫm chân lên, trước nhất là người đang đỡ bàn thờ tổ quốc trên tay, cảnh sát Pháp nhanh hơn đã giằng lấy lá cờ. Tuy nhiên, những hành động ấy không qua khỏi ống kính các phóng viên báo chí. Lúc ấy tôi tự hỏi rằng hành động ấy có chắc là hay hay không ? Sau đó, cảnh sát Pháp hộ tống chúng tôi xuống đại lộ Saint Germain, dọc đường truyền đơn vẫn không ngớt tung ra. Rồi chúng tôi chuyển lộ trình, hướng về tòa Đại sứ Bắc Việt, tại đây lại một hàng rào cảnh sát nữa. Cảnh sát không ngờ chúng tôi tiến về đây nhưng trên đường đưa đến tòa Đại sứ Bắc Việt, có hai thanh niên Pháp, không rõ là nhân viên an ninh có nhiệm vụ theo dõi chúng tôi hay là nhóm thân cộng đã vội chạy đi báo cảnh sát mặc sắc phục. Chúng tôi đành phải rẽ vào trường đại học luật Assas, nơi đây các sinh viên rất có cảm tình với miền Nam Việt Nam và có tinh thần chống cộng rất cao. Chúng tôi còn ở lại đây dự buổi họp hội của họ nhưng có thể xem như cuộc biểu tình của chúng tôi chấm dứt tại đây vào khoảng 17g30.
Tại Paris những năm gần đây, cư xá Đất Việt là cái nơi của tất cả những sinh viên yêu chuộng tự do, không chấp nhận chính quyền tàn bạo và chính sách phi nhân của người cộng sản Bắc Việt. Một số lớn sinh viên trẻ của Cư Xá đều tham dự cuộc biểu tình. Ngoài ra, các sinh viên cũng rất trẻ của Đại Học Xá Orsay, những người có tinh thần quốc gia, cũng tham dự rất đông, số còn lại là các sinh viên ở riêng, khắp nơi trong Paris và ngoại ô.
Những cảm nghĩ của riêng tôi về cuộc biểu tình này thực linh tinh phức tạp, tôi tự cảm thấy không đủ khả năng để viết ra thật mạch lạc để người đọc có thể hiểu rất rõ được, tuy nhiên tôi cũng vẫn cố gắng hết sức để những người chưa từng biết đến Tổng Hội hoặc đã lâu không gặp lại TH có thể có một ý niệm nhỏ về THSVVN tại Paris.
Có cái hân hạnh quen biết một số anh chị đã từng hoạt động trong Ban Chấp Hành Tổng Hội những năm về trước, tôi có được một ý niệm khá ró rệt về hoạt động của Tổng Hội những năm về trước, có thể nói nói tắt là rất mạnh và đường lối quốc gia rất rõ rệt. Vì vậy, trong thời gian gần đây, tôi cảm thấy thất vọng phần nào vì thái độ nửa vời của Ban Chấp Hành Tổng Hội năm vừa qua. Nhận thức rằng giờ phút ấy không phải là lúc chia rẽ nhau vì những bất đồng quan điểm không đáng kể, chúng tôi đã hết sức làm tất cả những gì Tổng Hội mong đợi ở chúng tôi.
Tổ chức trong những ngày gần mất nước hầu hết mọi người đều có rất nhiều can đảm khi tham dự. Không quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra cho gia đình nếu gia đình tại Việt Nam rơi vào tay chính quyền Bắc Việt, không sợ hãi trước lực lượng lớn lao của đám cộng sản ngoại quốc có mặt khắp nơi trên đường phố Paris. Hơn 150 người chúng tôi, cả trai gái, những người được thông báo kịp thời và những người gia nhập vào đoàn trên đường đi, đã biểu lộ tấm lòng hướng về một quê hương tự do đến tột cùng.
Tôi nhớ biết bao nhiêu những chị thật bé nhỏ nhưng cũng đã bặm môi cầm một tay biểu ngữ suốt mấy cây số đường. Tôi biết các chị mệt nhưng các chị bất khuất, không muốn cho người ngoại quốc thấy rằng phụ nữ Việt Nam yếu đuối.
Các anh cũng thế, người đi trong đoàn thay phiên nhau cầm biểu ngữ, phát truyền đơn, giải thích cho người ngoại quốc ý nghĩa cuộc biểu tình, người ở ngoài đoàn thì không ngừng chạy lên chạy xuống, chặn xe cộ tại các ngã đường giữ chỗ cho đoàn biểu tình qua, người thi đi cặp sát bên hông sẵn sàng đề cao cảnh giác những cuộc tấn công bất thình lình của nhóm thân Bắc Việt. Bao nhiêu cố gắng nỗ lực. Tất cả để dâng lên các vong hồn Việt Nam tấm lòng yêu nước, yêu tự do, hòa bình của những người lên đường xa quê hương với nguyện vọng thành tài về phục vụ quốc gia, nhân dân. Nhưng than ôi, mộng chưa xây thành sự thực thì đã bị cuộc xâm lăng đỏ đạp vỡ tan tành. Gia đình thất tán, bố mẹ, anh chị em bị hành hạ hoặc thoát nạn, cuộc xâm lăng ấy đã đưa chúng tôi đến những ngã rẽ mới.
Người may mắn có gia đình thoát nạn, tạm cư tại các quốc gia tự do trên thế giới thì an tâm nhưng cũng mất đi phần nào ý thức tranh đấu cho tự do bị chà đạp tại quê hương. Người chẳng may gia đình phải ở lại sống với chính quyền phi nhân thì bị xâu xé bởi những vấn đề đặt ra : theo chính phủ mới thì phản lại quyền lợi dân tộc, phản lại tự do, phản lại gia đình, không theo thì sợ gia đình bị hãm hại. Hơn 150 người tham dự cuộc biểu tình có bao nhiêu người thoát ra khỏi những ray rứt đó. Bao nhiêu cố gắng của họ hầu như trở thành vô ích.
Tổng Hội sau biến cố 30.4.75 đã im hơi lăng tiếng một thời gian dài và đến mùa Đông cuối 75 bắt đầu vươn mình dậy. Lần này có lẽ sẽ không phải để tổ chức những cuộc biểu tình bất ngờ vì sự thúc giục từ mọi phía nữa, mà để đấu tranh đòi hỏi tự do thực sự, độc lập thực sự, hòa bình dân chủ thực sự cho dân tộc Việt Nam, để góp phần vào công cuộc đấu tranh của tất cả các nhóm sinh viên Việt Nam có ý thức quốc gia, nhân quyền và nhân phẩm tại hải ngoại đang bừng sôi khắp nơi trên thế giới trước sự phản bội dân tộc, lừa bịp nhân loại của tập đoàn cộng sản tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay.
Và lần đấu tranh này, tôi hy vọng sẽ có một căn bản tổ chức vững mạnh hơn trước kia, với mộ tinh thần chuộng tự do cao độ, một lập trường chống các chế độ phi nhân vững mạnh hơn, sắt đá hơn, để có được một kết quả tốt đẹp hơn, để nguyện ước của chúng tôi có ngày sẽ thành sự thật… Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hợp tác với THSV để đạt được nguyện ước chung ấy, như trước đây chúng tôi đã hết lòng hợp tác với Tổng Hội trong cuộc biểu tình để tang cho những người Việt Nam đã, đang và sẽ chết trong cuộc nội chiến này, cuộc nội chiến tranh đấu cho tự do dân tộc và thế giới.
Đặng Vũ
Sinh Viên Bính Thìn 1976
Cùng chủ đề