agevp60.com

Lê Văn Đằng

Anh Lê Văn Đằng cựu chủ tịch THSVVN tại Paris nhiệm kỳ 1966-1967 đã mất. Anh đã ra đi vĩnh Viễn vào cái tuổi 52, cái tuổi “tri thiên mệnh”, anh ra đi không bệnh tật, trong khi đang phát biểu tại một cuộc họp chính trị với các anh em chí hữu của anh vào sáng ngày thứ bảy 04/06/1994, tại Lognes, ngoại ô phía đông thành phố Paris.

Sau cựu chủ tịch Huân, cựu chủ tịch Bá, Đàng là chủ tịch thứ ba đã ra đi. Chúng ta cũng không quên sự ra đi của Trai, một thành viên đắc lực khác của THSVVN tại Paris. Sự ra đi của các anh đã để lại nhiều thương tiếc, đau đớn nơi bà con bạn bè nói chung và hội viên THSV nói riêng.

Cuộc ra đi của Trần Văn bá, như mọi người đều biết, mang thông điệp của môt anh hùng, sự ra đi của Lê Văn Đằng mang thông điệp của tinh thần dấn thân không ngừng nghỉ.

Sinh ngày 5-6-1942, tại Hương Thủy (Huế), trong một gia đình nghèo, anh mồ côi cha vào năm ba tuổi., mồ côi mẹ vào năm lên sáu. Anh sống thời thơ ấu và niên thiếu nhờ sự nuôi nấng của các anh chị. Định mệnh đã tạo cho anh từ thuở ấu thơ ý chí tự lập, phấn đấu, vượt qua gian khổ tiến lên trong cuộc đời : cuộc sống với các anh chị dầu sao cũng không bằng sự đùm bọc của chính cha mẹ. Cái tinh thần đó đã giúp anh theo đuổi một cách thành công các năm dài trung học tại trường Võ Tánh (Nha Trang).

Tôi với anh Đằng có những cảm thông không nói ra nhưng rất sâu đậm thấm thía khi vô vô tình chúng tôi đã nói chuyện với nhau về khoảng đời niên thiếu. Về Hương Thủy, nơi chôn nhau cắt rốn của anh và cũng là nơi đã gợi cho tôi nhiều kỷ niệm của thời dĩ vãng thật xa xôi, thời cha mẹ tôi kể chuyện cho tôi nghe khi còn là cậu bé con, những thăng trầm trên hoan lộ của ông nội tôi khi nhậm chức tại huyện Hương Thủy. Về trường trung học Võ Tánh của quê hương cát trắng, nơi mà các ông hiệu trưởng Lê Tá, Lê Nguyên Diệm là những cựu giáo sư trường Khải Định (Huế), nơi mà phụ thân tôi đã phục vụ nhiều năm sau khi hồi cư.

Sau khi đậu tú tài, anh đã trúng tuyển đại học Sư Phạm Sàigòn ban Toán. Cùng một lúc, anh đã được học bổng đi Pháp. Sang Pháp, đáng lẽ học Prépa để thi vào các trường đào tạo kỹ sư danh tiếng của Pháp, con đường huy hoàng mà phần đông các sinh viên Việt Nam du học vào thời điểm này đã lựa chọn, nhất là anh có sở trường về Toán. Nhưng không, anh đã có một lựa chọn khác. Một lựa chọn theo anh có thể có nhiều triển vọng giúp nước một cách hữu hiệu hơn và toàn diện hơn : ngành kỹ thuật có tính chất quá “kỹ thuật”, lại có nhiều sinh viên Việt Nam theo đuổi, tương lai đất nước sẽ thừa các kỹ thuật gia cao cấp loại này, trong khi đó thế giưới đang đi vào con đường kinh tế “tự do trao đổi”, Việt Nam rất cần những người hiểu biết về kinh tế, tài chánh với những luật chơi tân tiến của thế giới kháp kín này, chỉ dành cho những người rành rẽ những bí quyết của nó. Hơn nữa số du học sinh theo đuổi ngành này rất ít so với các ngành kỹ thuật.

Lần đầu tiên, khi còn là một thanh niên 18 tuổi, Đằng đã làm một lựa chọn, một lựa chọn đúng, được kiểm chứng sau này khi anh về nước làm việc trong thời đệ nhị Cộng Hòa của miền Nam cũng như những chuyến công tác tại đất nước gần đây với tư cách chuyên gia của Ngân Hàng Ngoại Thương Pháp trong khuôn khổ trợ giúp của Club de Paris. Nhưng lựa chọn này vô cùng khó khăn, mang đến cho anh nhiều vấn đề nan giải. Trước hết, đó là vấn đề ngôn ngữ, anh vốn là học sinh trường Việt, vốn liếng tiếng Pháp sau tú tài chẳng bao nhiêu, đi học trường thương mại là một trở ngại. Ngoài ra, như mọi sinh viên du học lúc bấy giờ đều biết, đổi ngành học sẽ bị “cúp” học bổng hoặc chuyển ngân như chơi. Đằng đã bất chấp những trở ngại và đã vượt qua một một cách thành công. Sau khi tốt nghiệp Thương Mại tại Nancy vào năm 1965, anh đã lên Paris tiếp tục học về Chính Trị và Cao Học Kinh Tế.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (3)

Được hành trang đầy đủ, anh tham gia các hoạt động xã hội và chính trị. Tổng thư kus THSV nhiệm kỳ 65/66, chủ tịch nhiệm kỳ 66/67. Tổng thư ký Liên Minh Sinh Viên và Công Nhân Việt Nam tại Âu Châu năm 1969. Trại hè Tổng Hội được tổ chức tại Tarragona (miền đông bắc Espagne, biển Địa Trung Hải) vào năm 1967 là một thành công lớn, mở đầu cho phong trào trại hè TH những năm về sau. Hôm dự đám hỏa thiêu Đằng tại Valenton, tôi gặp H. một anh bạn cũ, đã nhắc lại kỷ niệm với Đằng tại trại hè này. H hiện nay là giáo sư toán tại đại học New Mexico bên Mỹ, đang ở Paris, nghe Đằng mất đã tự động đến chào lần cuối. H. hồn còn hàn vi tại Cité Universitaire, nổi tiếng túng thiếu, cho biết là tại trại Tarragona, Đằng đã giúp anh rất nhiều về tài chánh “nếu không, anh đã đói dài tại trại hè”.

Vào đầu thập niên 70, khi hòa đàm Paris đang sôi nổi, Đằng là thành viên sáng lập nhóm Ý Thức Đấu Tranh Quốc Gia, một tổ chức có mục tiêu tranh thủ quần chúng vói phe cộng sản, đang bị dư luận Pháp với sự trợ giúp tích cực của phe tả, áp đảo tinh thần. Chúng tôi đã thách thức phe CS Việt Nam một cuộc tranh luận về tình hình đất nước tại rạp Maubert, nơi hàng năm TH vẫn tổ chức Tết. Phái đoàn CS gồm có phát ngôn viên của phái đoàn Bắc Việt, cựu chủ tịch Liên Hiệp Sinh Viên và cựu chủ tịch Liên Hiệp Trí Thức (hiện nay đang giữ một vai trò quan trọng tại Hà Nội). Chương trình cũng như thể thức tranh luận đã được chấp thuận, nhưng vào giờ phút chót, phe CS đã đơn phương rút lui.

Vào năm 1973, sau khi đã hoàn thành những công tác trên, Đằng đã cùng một số anh em về nước. Đây lại là một lựa chọn đồng nghĩa với một thách đó. Chế đọ Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm này đang ở tình trạng dầu sôi lửa bỏng về mọi mặt : quân sự, chính trị và hậu thuẫn quốc tế. Về nước phục vụ lúc này vừa là một thử thách cho chính cá nhân người lấy quyết định về, mà còn là thách đố đối với phe cộng sản.

Anh đã làm việc tại Việt Nam hai năm, giữ trách nhiệm cố vấn liên tiếp cho ba Tổng Trưởng Tài Chánh và đã có đóng góp không nhỏ vào những quyết định oornh định đồng bạc Việt Nam giữa khung cảnh chiến tranh càng ngày càng mãnh liệt với những ngân quỹ quốc phòng càng tăng trong khi viện trợ Mỹ càng ngày càng giảm. Anh cũng đã đóng góp tích cực vào việc nối lại liên lạc trong khuôn khổ tài chánh giữa Việt Nam và Pháp. Tôi còn nhớ ảnh của Đằng chụp với cựu Tổng Thống Valéry Giscard d’Estaing, vào thời điểm này, là Tổng Trưởng Tài Chánh của chính phủ Pháp.

Lire aussi/Đọc thêm  Tinh Thần Tổng Hội

Sau 30/04/1975, anh đã may mắn qua Pháp trong những giờ phút đầu của cuộc di tản. Anh trở lại làm việc với Ngân Hàng Ngoại Thương Pháp, đã thành công trên con đường nghề nghiệp và trở thành thành viên của Hội Đồng Quản Trị của ngân hàng này.
Không quên đất nước, đồng bào trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tự do dân chủ, anh đã, lại một lần nữa, dấn thân. Vào cuối thập niên 80, anh tham gia nhóm Thông Luận và trở thành một thành viên nòng cốt của phong trào này.

Vào năm 1993 và 1994, anh đã về Việt Nam trong khuôn khổ cố vấn và kiểm tra của Ngân Hàng Ngoại Thương Pháp, một ngân hàng đã tham gia chương trình viện trợ cho Việt Nam của các nước thuộc Club de Paris. Về Việt Nam, khi gặp gỡ các nhân vật quan trọng của chế đọ vì lý do nghề nghiệp chuyên môn, cũng như khi được mời làm việc với công an, anh vẫn giữ thái độ kiêu hãnh, chỉ trích không nhân nhượng những sai lầm trầm trọng của chế độ. Diễn văn bằng lời của anh là diễn văn bằng bút mà anh vẫn thường xuyên viết trên Thông Luận.

“Người ta cứ lầm tưởng và thường cho rằng Việt Nam không tiến được vì thiếu nhân tài, thiếu kỹ thuật và thiếu vốn. Vẫn biết rằng vấn đề vốn là vấn đề quan trọng, tuy nhiên trong một nước chậm tiến như trường hợp của Việt Nam vấn đề vốn không phải là vấn đề gay gắt như người ta thường nói và có thể giải quyết được. Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam không thiếu kỹ thuật và nhân tài như ta tưởng. Do đó vấn đề chính phải ở nơi khác. Theo chúng tôi, trọng tâm là vấn đề chính trị. Giải quyết vấn đề chính trị tức là bắt đầu mở đường cho những biện pháp chấm dứt những quốc nạn buôn lậu tham nhũng. Vì chính quyền độc tài hiện nay là nguyên nhân và tác giả của hai quốc nạn trên. Không diệt được buôn lậu và tham nhũng thì không có cách gì để phát triển kinh tế, và cũng không có cách gì để ổn định xã hội, nền tảng của mọi chính sách chấn hưng và phát triển. Ngược lại, chế độ độc tài này chỉ có thể đua đến sự giải thể quốc gia Việt Nam một cách nhanh chóng mà thôi.

Nói cho cùng, nguyên nhân sâu xa nhất của sự khủng hoảng hiện nay là sự mất tin tưởng của dân chúng. Giấc mơ của người Việt Nam hiện nay là giấc mơ được đi ngoại quốc, làm công dân các nước Mỹ, Đức, Pháp… Người trong nước không còn tương lai và cố làm để sống qua ngày. Do đó để có đầu tư, tiết kiệm, tăng sản xuất… vấn đề là phải chấm dứt chế độ đọc tài chuyên chính và đi tới một nhà nước ‘pháp trị’ thật sự dân chủ. Những thay đổi mạnh dạn về chính trị phải được thi hành sớm để đất nước ta không bỏ mất một cơ hội nữa. Chúng tôi có quả quyết rằng chừng nào Việt Nam chưa có một chế độ dân chủ thực sự chừng đó dân tộc chúng ta vẫn sống trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói.

Phát triển đòi hỏi những hy sinh, đóng góp rất lớn từ mọi người. Tạo được sự đồng thuận quốc gia rộng rãi nhất trên những giá trị cơ bản của nhân loại là việc cần phải bắt dầu ngay lập tức. Và đồng thuận không thể chung quanh một ý thức hệ nào, chưa nói là một ý thức hệ đã phá sản, mà chung quanh đều vẫn là nền tảng của mọi sinh hoạt chính trị, nghĩa là dân chủ.”

Lire aussi/Đọc thêm  Tết Bính Thìn 1976

Trên đây là kết luận một bài viết của Đằng ngay trước khi anh vĩnh viễn ra đi.

Định mệnh đã cướp đi một đứa con Việt Nam, tràn đầy sức khỏe, nghị lự và ý chí đấu tranh, lại là một đứa con có đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm, sáng suốt và thẳng thắn đóng góp xây dựng đất nước. Một mẫu người như anh rất hiếm như lá mùa thu. Anh sẽ không được trông thấy thực hiện “giấc mơ của anh và một số chiến hữu của anh từng ấp ủ , giấc mơ thấy một nước Việt Nam thực sự giải phóng khỏi sợ hãi, khốn cùng và thấy nhân phẩm, danh dự được trả lại cho mỗi con người sống trên mảnh đất đó”.

“Thôi, từ nay nơi miền cực lạc ở chốn trăng sao anh hãy tiêu dao. Khoảng cách giữa mộng và thực trong giấc mơ Việt Nam chung, dân tộc Lạc Hồng sẽ thâu ngắn dần như anh vẫn thường mơ ước”.

Huỳnh Hùng
Nhân Bản số 205, tháng 5.1994

Trích từ Cáo Phó của Thông Luận đăng trong Nhân Bản số 205, tháng 5.1994

Lê Văn Đằng 5.06.1942 – 4.06.1994

Sinh ngày 5-6-1942 tại Thừa Thiên, Lê Văn Đằng mất cha từ năm 3 tuổi và khi lên 6 tuổi thì mất mẹ. 

Nhờ học hành xuất sắc, năm 1961, ông được học bổng đi du học tại Pháp. Lê Văn Đằng đã tốt nghiệp thương mại, chính trị, luật và kinh tế. Về nước năm 1973, ông làm cố vấn tổng trưởng tài chánh, đồng thời giảng dạy ở đại học về kinh tế tài chánh cho đến ngày 30-4-1975. Từ sau 1975, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân Hàng Ngoại Thương Pháp, sau cùng là thành viên của hội đồng quản trị.

Rất tha thiết với vận mệnh đất nước, Lê Văn Đằng đã tham gia hoạt động chính trị chống độc tài từ lúc còn là học sinh trung học tại Việt Nam. Trong thời gian du học tại Pháp, ông từng làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, rồi tổng thư ký Liên Minh Công Nhân và Sinh Viên Việt Nam tại Âu Châu. Từ sau 1975, Lê Văn Đằng là một trong những nhà lý luận chính và là một thành viên lãnh đạo của Thông Luận.

Ngày 4-6-1994, giữa lúc đang phát biểu trong một buổi họp Thông Luận, Lê Văn Đằng đột ngột ngất lịm và được huyên chở tức khắc vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây các bác sĩ xác nhận ông bị xuất huyết não rất nặng và đã từ trần về mặt y lý, mặc dầu ông vẫn còn thở và tim vẫn còn đập. Thể hiện lý tưởng nhân đạo và quảng đại mà trong suốt đời ông đã theo đuổi và phát biểu, bà Cẩm Phượng, phu nhân ông Lê Văn Đằng, đã hiến tim, gan, thận và phổi của ông để cứu các cuộc sống khác.

Ông là một người Việt Nam yêu nước, một người Việt Nam lương thiện và quảng đại, một trí thức. Sự ra đi của ông Lê Văn Đằng không những là một đau đớn cho gia đình ông và cho Thông Luận mà còn là một mất mát lớn cho đất nước và cho cuộc đấu tranh vì dân chủ.