Tổng Hội của tôi
Những ngày du học
Bài này đã được nhà văn Thụy Khuê phổ biến vào mùa Thu năm 1989. Do có nhiều đoạn liên quan đến Nguyễn Trọng Huân, vị chủ tịch đầu tiên của THSV Paris. Cũng có đoạn nói về Phạm Trọng Cầu khi nhạc sĩ này còn bên Pháp và hợp tác với THSV. Do đó nên chúng tôi đã xin phép nhà văn để đăng lại bài.
Cái nhớ nhà cũng như cái ăn, cái ngủ, mỗi người cảm nó một cách khác nhau. Nhưng hình như đến Tết, người ta cảm nặng hơn chút nữa.
Nỗi nhớ quê hương kỳ dị lắm, nó không nên thơ, rạo rực như nhớ người yêu, cũng chẳng trìu mến như nhớ gia đình; nó thực tế như ta nhớ bát phở tái gầu, nhớ mùi cá kho, nó đến với tất cả mọi người, kể cả những người chưa bao giờ biết nhớ, biết yêu.
Tôi còn nhớ những chiều đông gần Tết, cách đây đã gần 30 năm, khi mới sang Pháp, nhận được một lá thư nhà hay món quà đến tự quê hương, chao ôi, sao mà quý thế: khi có ruốc bông, khi mứt gừng, mứt bí, khi chỉ vỏn vẹn một phong thư nhưng gói ghém những dòng chữ xiêu vẹo của mấy con bạn lựu đạn bên nhà, chúng nó thay phiên nhau kể chuyện bù khú ở Sàigòn, cho mình ăn hàm thụ, càng thêm ngơ ngẩn nhớ.
Những năm tháng ấy, chúng tôi cũng tổ chức đón xuân. Khi sinh viên du học còn ít, thường chỉ tụ nhau ca hát, ăn mứt, cắn hạt dưa và tán gẫu cho đỡ nhớ nhà. Sau thì có hẳn cái “Tết quốc gia”, dù thuở ấy, cũng ba chìm bẩy nổi.
Khoảng 1960, tòa Đại sứ đứng ra tổ chức tết tại Salle Pleyel, có thuê ca sĩ Tây nhà nghề hát. Có quan khách long trọng. Không phải ai cũng được mời. Mãi đến 1963, 64, toà Đại sứ mới nhường hẳn cho sinh viên làm Tết.
Lúc ấy, mối dây liên lạc giữa sinh viên và tòa đại sứ -Việt Nam Cộng Hòa- không lấy gì làm tha thiết. Mỗi khi phải lên tòa đại sứ xin học bổng hay làm giấy tờ là một lần là vạn bất đắc dĩ. Tôi còn nhớ, nhân viên thường trực tòa đại sứ lo việc tiếp sinh viên -một anh mặt trắng, má hồng, đẹp như con gái- khinh khỉnh, hất hàm hỏi:
– Lên đây làm gì ?
– Dạ, tôi lên xin học bổng.
Anh mặt trắng má hồng lẳng lặng cúi xuống tập (có vẻ là) hồ sơ, trịnh trọng tiếp tục nghiên cứu, không thèm đếm xỉa gì đến kẻ hèn trước mặt. Có khi anh còn chạy sang phòng bên tham khảo ý kiến đồng nghiệp cả tiếng đồng hồ.
Đương sự cứ tiếp tục đợi, đôi khi hắng giọng cho người ta nhớ đến sự hiện diện của mình. Để giết thì giờ, đương sự có thể ngắm nghía các tranh ảnh treo trên tường: rặt hình ông bà cố vấn. Nào ông cố vấn thăm ấp chiến lược, nào bà cố vấn tiếp đại sứ Huê Kỳ, cái chụp nghiêng, cái chụp thẳng, cái chụp nửa người… thỉnh thoảng ông tổng thống cũng được ké vào vài pô, coi cũng ngộ.
Xem hình đã, đương sự lại giả đò ho, đánh liều lên tiếng:
– Xin anh làm ơn, tôi chờ lâu quá, sắp tới giờ có “cua”.
Lập tức anh mặt trắng quắc mắt, vừa lườm, vừa hứ, nói sẵng:
– Mới đợi có năm phút mà đã rối cả lên.
Nếu đương sự khôn hồn, ngậm tăm, ngồi đợi thêm độ nửa tiếng nữa thì cũng xong việc đấy, còn nếu cứ ngoan cố nhì nhằng lôi thôi mãi, thì đành vác mặt ra về, chờ lần sau, may ra.
Tòa đại sứ có cả một hệ thống sổ đen, đứa nào giao du với phường thân Cộng, đời kể như lúa. Của đáng tội, có kẻ cũng đáng đời, nhưng cũng nhiều tên bị oan. Những tay oan uổng, phần nhiều lớ ngớ bị bắt quả tang ăn cơm ở quán cụ Hồ. Lúc ấy Paris có hai quán ăn: cụ Ngô và cụ Hồ. Quán cụ Hồ ăn ngon mà rẻ, lại có các anh học giỏi, sẵn sàng dạy toán không mất tiền, lại còn dẫn đi chơi. Mới sang, có biết ai là ai đâu, chỉ ham ăn rẻ và ham đi chơi, thế là bị tình nghi thân cộng, bị cúp chuyển ngân cái rụp. Đang bơ vơ, không biết nương tựa vào đâu, mấy anh nhào ra giúp đỡ, cho ăn chùa, cho ở lậu, lâu dần cảm tấm lòng tốt của họ, bèn theo thật.
❝ Tòa đại sứ có cả một hệ thống sổ đen, đứa nào giao du với phường thân Cộng, đời kể như lúa. Của đáng tội, có kẻ cũng đáng đời, nhưng cũng nhiều tên bị oan. ❞
Đến lễ quốc khánh và Tết, ông Đại sứ tiếp tân tại tư dinh, quận 16, lịch sự lắm, đại diện sinh viên cũng được mời. Các bà các cô thi nhau khoe áo dài mới may cô Thới. Dạo ấy cô Thới độc quyền may áo dài ở Paris, công mỗi chiếc khoảng 150 quan. (Tôi được nửa học bổng, mỗi tháng có 200 quan, đấy là học bổng của chính phủ, muốn được phải đỗ bình. Học bổng của Tây khá hơn, mỗi tháng 480 quan, nhưng ở Sàigòn cầm đơn đi xin học bổng Tây thì bị hỏi ngay: Có bà con làm bộ trưởng không mà xin?)
Trong buổi tiếp tân, ai cũng hả hê sung sướng, thức ăn ngon mà lại được ăn thả cửa, nào giò, nào chả, gỏi cuốn, bánh đậu xanh… toàn những món hiếm hoi, thuở ấy là quý lắm. Chè chén xong, các bà các cô bắt đầu mở ví, lấy túi ny lông tự tiện trút vào.
Bà nọ bảo chồng:
– Chả giò cua bể hết sẩy, mình ơi! Mang dià cho xấp nhỏ !
Ông kia la vợ:
– Bà hốt hết trơn dĩa nộm sứa, nước mắm rớt tùm lum, dơ hết vét-tông tui rồi nè !
Đằng sau có tiếng mắng con chan chát:
– Tiên sư cha cái thằng phải gió, ngu ơi là ngu, món ngon không lấy, cứ tọng toàn bánh phồng tôm cả, sao mà ngu thế hở giời !
Đến cả những bông hoa cắm trong bình cũng được chiếu cố, chợ ông Tạ cũng không náo nhiệt bằng.
Khi sinh viên bắt đầu đứng ra tổ chức Tết, không khí đã khác đi nhiều vì không có… ăn uống, và cũng vì thiếu thốn đủ đường.
❝ Báo Le Monde hồi đó giá 0,30 quan một tờ; bữa ăn ở quán cơm sinh viên 1 quan 20; nhưng nước mắm tới 17 quan một chai ❞
Như trên tôi đã nói, ai được nửa học bổng chính phủ, mỗi tháng có 200 quan. Không có học bổng toàn phần, muốn được học bồng toàn phần phài đỗ ưu, mà đỗ ưu hiếm lắm. Những người đi tự túc được chuyển 500 quan theo hối xuất chính thức. Báo Le Monde hồi đó giá 0,30 quan một tờ; bữa ăn ở quán cơm sinh viên 1 quan 20; nhưng nước mắm tới 17 quan một chai, mà không phải dễ kiếm, chỉ nhà Nam Long mới có. Nhà này có gần đủ thực phẩm Việt Nam đem sang, lại có hai cô con gái đẹp nổi tiếng, nên các cậu sinh viên nghèo cũng cố bịa chuyện mua cái này cái kia, kỳ thực để ngắm các nàng.
Chúng tôi làm bánh cuốn bằng bánh tráng nhúng nước, với nhân thịt băm (như cuốn chả giò) rồi hấp lên ăn được lắm. Các hiệu ăn ở khu La-tinh như Nam Định, Sàigòn cũng làm bánh cuốn theo lối ấy cả. Còn bún hay miến, mua loại mì sợi nhỏ của Tây (vermicelle hay cheveux d’ange) luộc lên, thả vào nước đã bỏ sẵn bouillon hay Kub (thay bột ngọt), khi ăn xịt thêm maggi. Trời rét, thức khuya học, ai có rề-sô trong phòng, nấu tô miến ăn như thế cũng ấm bụng. Phở làm tương tự, chỉ thay bằng vermivelle to sợi và bỏ Kub bò.
Giò chả miễn bàn, chỉ khi nào người nhà ở Việt Nam sang mới được ăn. Nhiều lắm là một ký, đem chia cho bạn bè, mỗi người được vài miếng, chỉ tổ thèm thêm. Chúng tôi lấy saucisse francfort ăn thay giò. Sau này ở Sceaux có bà Giáp làm được giò, nhưng cũng chỉ bán cho người quen.
Những ngày gần Tết, anh chủ tịch sáng lập Tổng hội sinh viên, Nguyễn Trọng Huân, phải chạy long tóc gáy lên tòa Đại sứ, xin sùi bọt mép mới được một chút xúp-văng-xiông để thuê phòng làm văn nghệ cho đêm Tết. Nay Huân đã qua đời. Anh mất trong những ngày Sàigòn đổi chủ.
Huân thực thụ học tiếng Việt từ khi sang Pháp. Lúc ở nhà, gia đình không cho nói tiếng Việt, sợ “yếu” tiếng Tây đi. Huân thích nói tiếng Việt, nhưng chỉ dám nói lậu, nói lén, sợ cụ bô nghe được thì khốn nên anh nói như con vẹt, và khi đọc, anh chỉ hiểu rất lơ tơ mơ. Sang Pháp, không có các cụ bên cạnh quản thúc, anh tha hồ học tiếng Việt, khi nào không hiểu thì hỏi bạn bè nên anh tiến nhanh lắm. Chúng tôi dậy lẫn nhau là thường, học trò trường Pháp dậy tiếng Tây cho học trò trường Việt. Tính Huân thích thơ, lại đa sầu đa cảm và yêu người con gái tên Thu. Anh góp nhặt tất cả những vần thơ có chữ thu vào một tập, ra vào nghiền ngẫm ngâm nga suốt ngày.
Trời vào thu, lá ngả vàng, màu vàng óng như tơ, vườn Luxembourg thần tiên dưới nắng. Gió thu nhẹ, mơn man, vài chiếc lìa cành, là là lượn xuống, quyến trên tượng trắng… Chúng tôi đi bên nhau, im lặng ngắm cảnh thần tiên ấy. Chưa bao giờ thấy thu dịu dáng và nên thơ đến thế, Huân lấy giọng Tản Đà se sẽ ngâm:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa nhánh bao ngành biệt ly…
Khi trời đã cuối thu, lá vàng đậm, ngả đỏ, tan tác dưới chân; trời xám ngắt, lạnh buốt, cây trơ trụi, cái buồn thấm vào sương tủy, Huân chuyển sang giọng Tương Phố:
Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu ngả bóng bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng.
Tóm lại toàn những thu lạc đề, không liên can gì đến Thu của Huân cả.
Yêu thơ, anh bắt đầu mò mẫm đến Kiều. Một hôm, vắt chân chữ ngũ, rung đùi đọc Kiều, Huân lẩm bẩm:
– Khỉ quá, truyện Kiều sao mà thấy lắm Thúc Sinh thế nhỉ ?
Tôi càu nhàu:
– Thôi chết, ông lại mua nhầm sách rồi chứ gì !
Huân nhe răng cười hề hề, vỗ đồm độp vào quyển sách:
– Nhầm đâu mà nhầm ! Kim Vân Kiều rành rành đây. Từ nãy đến giờ “anh em” thấy ít nhất ba Sinh rồi !
Nói xong, anh hít hơi, lấy giọng ngân nga:
Sinh đà có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng
Thoa này bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?
Tôi phì cười:
Người anh em ơi, sinh này là học trò đấy ạ. Mặt Huân ngớ ra: Thế hả ?
Rồi Huân vẫn tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt. Anh học say mê và rất khoái dùng chữ Hán Việt, thích lối văn cổ, câu dài tràng giang đại hải của Phạm Quỳnh. Huân bảo:
– Ông bô tôi học trường Bưởi, giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, vì thầy cứ nhồi sáng version, chiều thème. Nay ta cứ cóp nguyên régime ấy là ăn chắc.
Nói rồi làm liền. Có hôm thấy Huân đọc thuộc lòng một đoạn bài Les deux infinis của Pascal, ai cũng phục sát đất. Hôm sau thấy Huân thuộc lòng đoạn dịch của Phạm Quỳnh, cả bọn sảng luôn. Nghiền ngẫm mãi lối văn chương “bác học” ấy, Huân thấy mình rất gần với… Khổng Tử. Gặp đứa bạn nào xỏ lá, anh mắng ngay: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân !” Dĩ nhiên kẻ phàm phu tục tử kia đâu có hiểu mô tê mù tịt gì, lần sau hắn vẫn tiếp tục chơi khăm như thường.
Tuy là đồ đệ Khổng Tử, nhưng Huân lại rất bình đẳng và chiều đàn bà. Mỗi khi họp nhau ăn uống, anh thưòng đi chợ, làm bếp. Ăn xong, cô nào định đứng lên rửa bát, anh gạt phắt đi: “Giời này nước lạnh lắm, con gái rửa bát hỏng hết tay đấy! Để tôi làm cho !” (Ngày ấy, những chỗ sinh viên trọ không có nước nóng trong phòng như bây giờ.)
Huân có món “mắm giả” làm bằng anchois tuyệt khéo. Anchois mua về, anh chế thêm rượu đế, thính, riềng, đường, dứa, ủ mấy ngày. Mắm ngấu, lấy ăn với thịt ba chỉ luộc, táo xanh, chanh, gừng, xà lách và rau thơm, chao ơi là tuyệt. Bây giờ, phố Tầu có đủ các thứ mắm, nào mắm tôm chua, mắm thái, mắm sặc, mắm lóc… tôi vẫn không thấy có mắm nào ngon bằng “mắm giả” của Huân.
Khi có vấn đề quan trọng, Huân vẫn có thói quen nghĩ bằng tiếng Pháp, lúc nói thì anh dịch sang tiếng Việt một cách rất trí thức văn hoa. Tiếng Việt anh dùng thường do tra từ tự điển mà ra như ngôn từ, vô thức, tư duy… nên rất khó hiểu. Bài diễn văn Huân đọc hôm Tết là cả một công trình vĩ đại, soạn thảo dịch thuật trong ngót tháng trời. Cuối cùng ra một sản phẩm hổ lốn đầy danh từ Hán Việt, vừa lủng củng, vừa bí hiểm, bọn ngồi nghe ngủ gật một nửa.
Trong đám bạn tôi chơi thân lúc đó, anh Huân vào loại tán gái đã giỏi, nhưng anh Đ. còn giỏi hơn. Anh này chuyên tán đầm. Nghệ thuật của anh độc đáo lắm và thường thành công đến 99%. Trong túi anh bao giờ cũng có sẵn hai cuốn cẩm nang nhỏ, một cuốn tiếu lâm của Tây và một cuốn Conficius Say.
Đi métro, buồn tình, anh dở hai bửu bối ấy ra tụng thuộc lòng, để sẵn trong đầu phòng khi dùng đến. Lúc anh tán đầm, tự nó cứ phọt ra như các cụ ngày xưa làm thơ, dzọt ra điển tích. Anh lại sẵn cả óc phân tích lẫn tổng hợp, nên khi vừa xổ ra một câu tiếu lâm của Tây, anh liền trộn thêm vài lời đạo mạo rất Khổng Tử, giống như ta tra mắm muối bằng triết lý thánh hiền, do đó chuyện tiếu lâm của anh rất độc đáo. Ai mới nghe, chẳng cứ gì đầm, tưởng anh kỳ tài, xuất khẩu thành văn, sáng tác chớp nhoáng những câu chuyện vừa khôi hài vừa thâm trầm sâu sắc, làm gì không phục.
Kết quả, phòng anh ở trong cư xá nhà Đông Dương, tối thứ bẩy nào cũng treo bảng “ne pas déranger” (đừng làm rộn), anh đang bận tiếp khách thập phương tầm đạo. Có lần tôi hỏi anh:
– Sao anh không đổi chiến thuật, thử tán con gái Việt Nam xem nào ?
Anh cười khà khà:
– Tán con gái Việt Nam chán bỏ mẹ, em chã em chã, vừa mất thì giờ lại chẳng sơ múi gì, “anh em” chả dại !
Anh nói thế chứ tôi biết anh không nghĩ thế. Anh bị thất tình khá nhiều lần, lần nào thư từ đi lại cũng lâm ly và có cả thề thốt cùng nước mắt dầm dề nữa. Có lần, tôi nhớ mãi, anh mê đặc một cô trong hai chị em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước, đều xinh, ngoan, đánh đàn dương cầm và học giỏi. Họ lại làm bếp khéo. Thứ bẩy, chủ nhật, cậu nào có diễm phúc lắm mới được họ mời tới nhà ở Hồng Sơn ăn tô mì, bát phở. Có điều họ giống nhau quá, bạn bè ai cũng nhầm. So với bọn “tép riu” chầu rìa hồi đó, anh “gồ ghề” lắm: vừa đỗ cao vào trường cầu cống, mặt mũi sạch sẽ, cao ráo, con nhà giàu, ăn nói có duyên, thế mà chuyện vẫn không thành. Sau này, tôi hỏi hai chị em, họ bảo:
– Í cái ông dấm dớ ấy, hoa muốn đánh cả cụm, ai biết đâu mà rờ !
Hỏi anh, té ra đầu đuôi câu chuyện thế này: Hôm ấy, anh đến chơi, nhà vắng, chỉ có hai chị em. Cô em trong bếp. Anh lợi dụng tình thế, tỏ tình với cô chị ngoài phòng khách. Cô chị gật gù vào bếp, cô em trở ra, anh tưởng vẫn là nàng, cứ thao thao bất tuyệt, nói tiếp… chỗ còn dở lúc nãy. Nàng chỉ làm thinh. Đến khi người chị trong bếp đi ra, anh mới biết mình lầm, nhưng hỏng rồi, không sao cứu vãn được nữa.
❝ Anh say mê hai thứ song song: hội họa và tình yêu…
Khi anh đã thất tình nhiều bận, ngòi bút anh nghiêng hẳn về phía Buffet, màu mè đen tối ❞
Anh say mê hai thứ song song: hội họa và tình yêu. Lúc đầu, lòng còn trong trắng, chưa yêu ai, anh nghiên cứu hội họa cổ điển. Maîtres của anh là Botticelli, Michel Ange… Anh vẽ toàn thiên thần có cánh hay đàn ông trần trùng trục, lực lưỡng, bắp thịt cuồn cuộn. Ít lâu sau, anh đổi thầy, chuyển sang Renoir với Boucher, vẽ các cô khỏa thân, cô nào cô nấy mập ú như các khách thập phương anh tiếp trong phòng mỗi thứ bẩy. Một thời gian sau, ngấy mỡ, anh chuyển hướng sang Modigliani. Các cô trong tranh, cô nào cổ cũng cao ngòng như cổ cò, người còm như ho lao sắp chết… Khi anh đã thất tình nhiều bận, ngòi bút anh nghiêng hẳn về phía Buffet, màu mè đen tối, tranh khô không khốc, anh vẽ toàn cây trụi lá, rễ chổng lên trời, hoặc các khu tha ma mộ địa, trên mồ cắm cây thánh giá.
Sau Buffet, tôi không thấy anh vẽ nữa, anh cũng bỏ Paris, sang Mỹ học thêm rồi ở hẳn.
Nhắc lại những ngày tháng ấy, không thể nào quên được anh Cầu (nhạc sĩ Phạm Trọng). Anh phụ trách và điều khiển chương trình ca nhạc những đêm Tết của chúng tôi. Anh được chính phủ cho đi tu nghiệp ở Conservatoire de Musique de Paris. Anh hơn chúng tôi khoảng 10-15 tuổi, bị mất một chân hồi kháng chiến, nhưng không bao giờ anh nhắc đến kỷ niệm đó. Ngày đi học nhạc, tối anh giúp việc cho quán Hiền Lương của nhóm Tự Lập (nhóm này chủ trương trung lập miền Nam nhưng cũng chỉ có vài người theo: trí thức như bác sĩ Hùng -sáng lập-, nghệ sĩ như anh Phạm Trọng Cầu, và vài sinh viên đang học). Chúng tôi chỉ lo học, không mấy khi để ý đến chính trị, trừ vài buổi xuống đường tuyệt thực phản đối bà Nhu, ông Diệm đàn áp Phật giáo.
Trình độ nhạc lý của chúng tôi hồi đó i tờ, chỉ đủ để hát nghêu ngao bản Trường Làng Tôi. Tết năm nào cũng nhai đi nhai lại bài Sinh Viên Hải Ngoại Hành Khúc. Bài nhạc hùng của anh hát lên khá hay và hợp với hoàn cảnh chúng tôi:
Từ đất quê người gặp nhau, tay cầm tay tiến tới
Trên bước đường khó khăn đón chờ chúng ta
Dầy xéo muôn ngàn chông gai
Anh em ta kết đoàn
Sinh viên hải ngoại Việt Nam
Một bài nữa anh làm trong thời kỳ kháng chiến, rất hay, hình như về chuyện tình của anh nên càng thấy ngậm ngùi. Bài ấy có những câu:
Mùa lá ấy, anh theo hồn non sông
Ngày anh đi mắt em nhòa bâng khuâng
rồi vào điệp khúc:
Rằng: ngày anh trên chiến trường
ngày em trở về
ôm cầm em bước sang thuyền ai.
Điệp khúc đó hát làm ba bè, có giọng cao, giọng thấp, giọng ồ ồ. Mỗi khi tập hát, anh thường cầm đũa, khoa chân múa tay, chỉ trỏ như chef d’orchestre điều khiển giàn nhạc vậy. Ai hát sai, anh lấy đũa gõ vào đầu. Hôm ấy, thấy anh nhăn mặt, ra dấu cho tất cả yên lặng, trừ bè ba cô “Marie Curie” phải hát lại, câu cuối. Các chị cứ tà tà, vững vàng thả nhịp: Ôm quần em bước sang thuyền ai… mà không thấy phốt.
❝ Anh Cầu sáng tác bản Mùa Thu Không Trở Lại, anh hát thử cho chúng tôi nghe, như vịt nghe sấm ❞
Mùa thu năm nào đó, tôi không nhớ rõ, anh sáng tác bản Mùa Thu Không Trở Lại, anh hát thử cho chúng tôi nghe, như vịt nghe sấm. Chẳng thấy đứa nào khen, chắc anh cũng rầu.
Sau này, khi anh đã về Việt Nam, bản Mùa Thu Không Trở Lại được Thái Thanh hát, gửi băng qua Paris, mỗi lần nghe giọng truyền cảm tuyệt vời của Thái Thanh vang lên qua tiếng nhạc :
Em ra đi mùa thu
Mùa lá rơi ngập ngừng
Đếm lá úa mù thu
Đo sầu ngập tim tôi…
chúng tôi mới thấy thấm thía, mới “chết lịm” trong hồn, mới nhớ những chiều lang bạt ở khu La-tinh, nhớ đến những đêm gần Tết tập hát với anh, và hối hận thời kỳ anh ở gần, đã chẳng đứa nào biết đến “thiên tài” của anh !
Thế rồi sau này, nghe nói anh theo… cách mạng và sau 75, anh ở lại miền Nam.
Cuối năm 1984 về Sàigòn, tôi có ghé thăm anh hai lần. Lần đầu, hẹn trước, thấy anh quần áo chỉnh tề, tươm tất lắm. Anh tiếp tôi, có trà, nước và bánh ngọt nữa. Chuyện vãn. Cũng chỉ nhắc lại kỷ niệm xưa. Anh hỏi thăm bạn cũ, không ai nói đến chính trị. Thấy mọi người khổ, anh tương đối khá, nhà cửa gọn gàng, tôi đã mừng cho anh.
Lần sau, buổi tối, tôi đến bất chợt không báo trước, anh mặc bộ đồ pi-ja-ma rách như tổ đỉa ra tiếp, nhưng với tôi hình như anh không ngượng. Cũng vẫn chuyện gẫu về những ngày xưa cũ cách xa đã hai mươi năm. Khi về, tôi hỏi đùa:
– Bao giờ anh đi chui ?
Anh cười, không lộ rõ vui buồn:
– Sang đấy, làm gì sống ? Chẳng lẽ đi hát xẩm ngoài đường sao ?
Nhắc đến Huân, anh chép miệng thở dài:
– Thằng ấy dại quá !
30-4-75, Huân tổ chức vượt biên cho mình và một số đồng nghiệp. Không thành. Huân tự tử.
Thụy Khuê – Paris Thu 1986