agevp60.com

Thập niên 1974 - 1983

Chuyện Một Tấm Hình

Paris, 3 giờ chiều ngày 27/04/1975

Tấm hình luân lưu trên mạng internet lâu rồi, dễ có năm hơn. Tôi thấy tấm hình hai lần, lần đầu trên một tờ báo lớn tiếng Việt phát hành bên Hoa-Kỳ ; lần sau trên một tờ báo của xứ Úc xa xôi. Ấy vậy mà tấm hình lại được chụp ở Paris, vào quãng cuối tháng tư năm 1975.

Tấm hình dùng kỹ thuật đen trắng, có lẽ chủ ý bởi người nhiếp ảnh viên. Đen trắng thể hiện khung cảnh tang thương, đau buồn. Đó là hình ảnh của một đoàn thanh niên nam nữ, đầu chít khăn tang, tay trương biểu ngữ, nghiêm nghị, trầm tĩnh, chầm chậm đi giữa con đường Gay-Lussac trong phố latin, khu phố của đại học và của sinh viên Paris.

Ba ngày trước cuối tháng tư, khi biết tất cả các thế lực đã buông rơi Việt Nam Cộng Hòa, một ý tưởng nóng bỏng tức thời nẩy ra trong đám anh chị em du học sinh. Để đánh động lương tâm thế giới tự do lần cuối cùng, một cuộc biểu tình thầm lặng, để tang cho miền Nam, tri ân các chiến sĩ anh dũng bảo vệ nền cộng hòa, đã phát động. Dù tự phát nhưng các anhchị cũng điều động tổ chức buổi tuần hành hết sức trang nghiêm, chu toàn. Từ nhà khách Lutèce đường Berthollet (nhà trọ dành cho các sinh viên mới sang tạm trú những tháng đầu), lúc ấy gần như là trụ sở của Tồng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris (THSV), đoàn biểu tình rẽ trái đường Claude Bernard, rồi tiến về đường Gay-Lussac, hướng đại lộ Saint-Michel và vườn Lục Xâm Bảo.

Suốt tháng tư năm ấy, sinh hoạt học tập của các sinh viên Việt Nam hầu như đình trệ. Không ngày nào không có mít-tinh, ở đại học này hay đại học kia, của cả phe sinh viên thân Hà Nội lẫn sinh viên tự do phản đối miền Bắc leo thang chiến tranh. Vài tuần trước đó THSV cũng đã tổ chức, trong bầu không khí thoáng âu lo, một buổi văn nghệ và bán đấu giá các tặng phẩm, với mục đích gây quỹ yểm trợ khối lượng dân chúng di tản từ các tỉnh miền Trung vào Sài Gòn.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (1)

Ở thời điểm đó ẩu đả thường hay xảy ra, trong khuôn viên đại học, trong ký túc xá, trong quán cơm sinh viên, ra đến cả ngoài đường phố. Sinh viên Việt, sinh viên Pháp, tả khuynh và hữu khuynh, chọi nhau lẫn lộn. Nón casque mô- tô, vợt ten-nít, xích sắt, gậy bóng chày, thậm chí dao găm, kiếm Nhật đã được đem ra hù dọa. Ở khu cư xá quốc tế Paris « CitéUniversitaire », trong vài cuộc xô xát hỗn loạn với phe quá khích cực đoan, một số sinh viên Việt và Pháp bị chấn thương, máu đổ.

Phải nói từ những năm 1970, rất đông trí thức và tả phái Âu Châu hùa nhau chống Mỹ, kéo theo dư luận quần chúng Pháp ủng hộ Hà Nội. Chật vật lắm các anh chị em THSV mới bảo vệ được chính nghĩa của miền Nam. Nhưng với sự kiên trì và một thành phần nhân sự xuất sắc, họ đã tổ chức được những sinh hoạt ái hữu cộng đồng và chính trị đáng kể.

Nhiều hội đoàn sinh viên được thành lập tại các nơi có đông sinh viên Việt Nam theo học : Bordeaux, Toulouse, Grenoble, Montpelier, Lyon, Rennes, Lille… và vùng Paris. THSV Việt Nam tại Paris đã giữ vai trò đầu tàu của các hoạt động.

Tháng giêng năm 1973 hiệp định Paris được ký kết. Trên nguyên tắc hiệp định sẽ bảo đảm tái lập hòa bình chấm dứt chiến tranh, tiến đến thống nhất đất nước bằng phương thức chính trị, nhưng từ xứ ngoài người ta thấy ngay tình trạng rất bấp bênh của miền Nam. Tuy vậy, với tấm lòng trong sáng, nhiều anh chị đã trở về Việt Nam phục vụ, để rồi một phần lớn bị kẹt lại trong cơn biến động của tháng tư 1975.

Lire aussi/Đọc thêm  Các chủ tịch THSV

Cơn biến động đổi đời, tưởng sẽ đem lại một thời kỳ mới tươi đẹp cho Việt Nam, nhưng ác mộng thay nó là mốc khởi đầu của một chuỗi sai lầm, trả thù, bất công, toàn trị . Kết quả là nước Việt Nam đã không phát triển được theo hướng tốt đẹp, như tiềm năng của nó cho phép.

Trong bối cảnh xao động rã hàng đó, THSV đã nhanh chóng lấy một quyết định dứt khoát, để chỉnh đốn lại lòng tin và hàng ngũ sinh viên. « Ta còn sống đây » là một lời khẳng định, phát động một hướng đi mới cho tập thể sinh viên. Mùa xuân năm 1976, hai ngàn người đã tham dự ngày hội tết THSV tại nhà hát Maubert Mutualité Paris, đánh dấu sự trỗi dậy của những đoàn thể sinh viên tại khắp nơi trên đất Pháp.

Từ đó như chúng ta đã biết, báoNhân Bản, văn đoàn Lam Sơn với nhiều sáng tác còn luân truyền đến hôm nay, Đại hội thể thao Âu Châu, công tác tiếp đón đồng bào tị nạn? những sinh hoạt đã đem làn gió mới đến cộng đồng người Việt. Chính nghĩa của tự do và dân chủ lại được tiếp sức giương cao.

Một nửa thế kỷ trôi qua và bây giờ, THSV vẫn còn sinh hoạt đều đặn, trở thành đoàn thể lâu đời nhất của người Việt tại Pháp nếu không nói quá là của hải ngoại nói chung. Tuy nhiên với sự ra đời của các đảng phái chính trị và các đoàn thể người việt, vai trò và trách nhiệm chính trị của THSV đã được biến cải. THSV tiếp tục là một đoàn thể năng động của cộng đồng người Việt, tiếp tục đóng góp vào nỗ lực đấu tranh cho dân chủ tại quê nhà, tiếp tục tương trợ những thanh niên sinh viên gốc Việt hay từ Việt Nam sang Pháp du học, tiếp tục xây dựng một cộng đồng dân sự lành mạnh, hòa nhịp với thế giới văn minh ngày càng tiến bộ.

Lire aussi/Đọc thêm  Một con tim, một màu cờ

Một cộng đồng lành mạnh, tạo niềm hãnh diện cho người Việt trên đất Pháp, đồng thời tiếp tay cho xã hội dân sự trong nước đang từng bước gây sức ép, buộc đảng cộng sản phải thoái quyền, sẽ là một công trình chung của nhiều lớp tuổi.

Lớp tuổi của thế hệ các bạn trẻ trưởng thành trong thế kỷ 21 và đang đảm trách các sinh hoạt THSV, của thế hệ những người từng lưu dấu chân trên đường Gay-Lussac, và của cả thế hệ thời thành lập THSV những năm đầu tiên.

Đứng ở ngã tư Berthollet và Claude Bernard, tôi nhìn về nhà trọ Lutèce, bây giờ là một khách sạn ba sao, rồi đi ngược trở lên đường Gay-Lussac, theo lộ trình tuần hành của đoàn thanh niên năm nào, lòng xôn xao thấy lại bóng hình của các bạn sinh viên này.

Vào các niên khóa từ 1972 đến 1974, họ chỉ vừa bước lên ngưỡng cửa đại học, là phải đối diện ngay với nhiều gian truân khó khăn nhất khi biến động 1975 xảy đến. Vậy mà mấy chục năm đã qua, dù họ lưu lạc đến những phương trời khác đi nữa, ở đâu đó họ vẫn trung kiên với Việt Nam, họ vẫn đang làm nhiều việc hữu ích, cho thế hệ đi sau, và cho cộng đồng người Việt.

Nguyễn Trường Ca

Phụ chú

  1. Đài RFA có đăng một bài thuật lại về cuộc biểu tình này ngày 10/03/2015 :
    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/40-years-memory-ab-the-photo-ta-03102015122439.html
  2. Một bức hình tương tự đã được nhà văn Huy Phương sử dụng làm trang bìa của tác phẩm “Ngậm ngùi tháng tư” của ông. Bức hình này đã được tác giả, anh Trần Đìng Thục, nhượng lại cho cộng đồng người Việt ở California :
    https://vietbao.com/a221980/ngam-ngui-thang-tu-voi-huy-phuong