agevp60.com

Thập niên 1964 - 1973

10 năm Tổng Hội (3)

III. Mười năm sinh-hoạt

Mười năm sinh hoạt sinh viên của Tổng Hội là mười năm tương trợ sinh viên qua các lớp học, các buổi tiếp rước sinh viên mới sang, những buổi thăm sinh viên tại các bệnh xá, các cuộc can thiệp giúp các sinh viên bị khó khăn về học bổng, chuyển ngân hay thông hành v.v…

Mười năm đó cũng là các buổi học tập chung với nhau tới hai ba giờ sáng, những cuộc cãi cọ gay cấn, những tiếng cười hồn nhiên sau lúc cảm thông.

Mười năm đó cũng là mười Đêm Tết, mười cái Trại Hè, bốn Đêm Hè, mười cái Đại Hội Thể Thao, hai Đêm Văn Nghệ cứu trợ đồng bào quốc nội. Tóm lại, đó là mười năm của thân ái , một thân ái làm nền tảng cho đấu tranh chính trị.

° Các Đêm Tết

Đêm Tết đầu tiên làm tại Cité Universitaire, với hơn ngàn người tham dự. Tuy không đồ sộ như những năm về sau, đêm Tết này đã mở đầu và đặt nền tảng cho sinh hoạt văn nghệ của Tổng Hội.

Ban hợp ca năm nào cũng đồ sộ và ngoạn mục nhất dầu chỉ chiếm sân khấu chừng 15, 20 phút

Các đêm Tết sau làm tại nhà Maubert Mutualité với sấp sỉ ba ngàn kiều bào tham dự. Từ năm năm nay, phòng lúc nào cũng chật cứng, chỗ ngồi hết mà chỗ đứng cũng không còn, kiều bào tới trễ phải đứng ngoài hành lang nghe âm thanh. Đêm Tết nào cũng như đêm Tết nào. Từ hai tháng trước, anh em ráo riết chuẩn bị tại Viện Pháp Việt. Ban hợp ca năm nào cũng đồ sộ và ngoạn mục nhất dầu chỉ chiếm sân khấu chừng 15, 20 phút. Chuẩn bị hợp ca tốn kém nhất và cũng vui nhất. Các cô bao giờ cũng được ưu ái, mỗi năm một mầu áo một kiểu khăn.

Chuẩn bị đêm Tết nào cũng là dịp để cãi vã, xô xát, và sau đó là những cái vỗ vai, bắt tay hòa giải vồn vã, những nụ cười hồn nhiên.

Hai trách nhiệm bạc bẽo nhất của đêm Tết có lẽ là thủ công và … ẩm thực. Anh nào bị đề cử vào ẩm thực cũng méo mặt, chề môi. Hàng tuần phải mua cam quít cho các “nghệ sĩ”, sau một buổi tập dượt lại phải nhặt vỏ quét nhà. Năm nào người ta cũng gàn cổ kêu gào phải kỷ luật, phải vệ sinh không được ném vất bừa bãi và năm nào người ta cũng hốt rác như thường lệ.

Lire aussi/Đọc thêm  Những ngày tháng ấy

Ban thủ công may áo, làm nón, đẽo kiếm gỗ, làm đề-co, năm nào cũng làm việc liên tiếp mỗi ngày tới một hai giờ sáng. Năm nào cũng có kế-họach hoàn tất mọi trang bị trước một tuần nhưng năm nào cũng hoàn tất mọi công việc vài giờ trước khi trình diễn. Những anh vụng về tay chân lại bị thêm giọng ống loa rỉ thì bị xung vào ban trật tự, dán bích chương và… ngồi bót cảnh sát.

Tết năm nào cũng như năm nào, có khác là ở chủ đề và kỹ-thuật mỗi năm mỗi tiến, phương tiện mỗi năm mỗi khá. Năm đầu tiên 64 phải đi nhặt thùng rác vất đi ở mấy đóng rác để đóng cũi cho Phi Khanh. Năm 66, toàn ban tổ chức chỉ có một chiếc xe Dauphine chạy vài cây số lại nằm đường. Những người tham dự tổ chức Tết năm này hẳn chưa quên màn chuyên chở vật liệu. Năm đó trời rét ghê rợn, nhiệt độ xuống tới -15 độ trong một tuần-lễ liền. Phương tiện chuyên chở không có lại bị anh trưởng ban trang trí muốn làm lớn. Anh em phải lem nhem vác đồ tới nhà Mutualité từ 12 giờ trưa tới 7 giờ tối mới xong, có anh phải đi lại sáu bảy chuyến. Đường trơn vì tuyết cứng thành đá mà gió lại lạnh, có anh té chổng bốn vó lên trời, đề-co bay cả sang bên kia đường.

Có năm máy ghi âm bị vật lộn thế nào không biết mà lúc đemtới ì ra không chạy. Bốn năm kỹsư điện toán toát mồ hôi mà nóvẫn đình công. Khán giả thì đãđầy phòng rồi. Sau đó bỗng dưngnó chạy. Thật hết hồn! Từ đó mỗinăm anh em rút kinh nghiệm,năm nào cũng đem theo hai máy !

Có năm anh chủ tịch tới nơi tuyên bố mất diễn văn, hai anh nhân viên trật tự đang gác bị triệu hồi tức khắc vào hội trường làm bồi bút !

Nói tới đêm Tết cũng không nên quên các chuyến đi tỉnh để giúp các ái hữu làm Tết, cũng như các đêm văn nghệ cư xá. Năm nào ban văn nghệ Tổng Hội cũng giữ vai trò đắc lực. Tại một cư xá, có một năm giữa lúc diễn kịch đến màn cụp lạc một “kịch sĩ mới vào nghề mắc cở quá lững thững đi vào hậu trường, tội nghiệp cho “kịch sĩ” còn lại phải “cương” ẩu ra, nhưng khán giả không biết !

Lire aussi/Đọc thêm  Một con tim, một màu cờ

° Các đêm hè

Các đêm văn nghệ hè bây giờ không còn được tổ chức nữa vì nó làm giảm tỷ lệ thi đậu quá dễ sợ và phòng cũng không dễ tìm ngày giờ định cũng khó. Thay vào đó là các buổi văn nghệ nhỏ và thân mật.

Các đêm hè hầu hết được tổ chức tại Mairie 14è. Đêm hè nào cũng vui nhộn , không khí giản dị và cởi mở hơn đêm Tết. Nạn nhân chính của đêm hè là Ban Chấp Hành năm sau vì đêm hè nào cũng lỗ vốn.

° Các trại hè

Trừ một năm bị bất ngờ giờ chót, năm nào trại hè cũng được tổ chức chu đáo. Trại hè đầu tiên, 1964, được tổ chức tại Sète, trại hè năm sau tại Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là xứ được ưu ái nhất vì về sau còn hai trại hè khác cũng ở Tây Ban Nha.

Trại hè “tốc-xích” nhất là trại 1966, tối nào cũng phải học tập chánh trị. Trại hè vui nhất là trại hè tại Ý năm 1968, trại hè tổ chức thành làng Giao Chỉ với đủ các viên chức làng, có thêm cả đài phát thanh Giao Chỉ. Các trại hè tại Pháp đều nặng phần học tập, các trại hè tại Tây Ban Nha êm đềm, nhàn hạ.

Sau cùng, hai trại hè quan trọng nhất (1971 và 1973) được tổ chức tại Việt Nam. Những ai không tham dự được đều tiếc ngẩn ngơ. Trong một tháng trời anh em sinh viên được thăm viếng toàn lãnh thổ. Từ sinh hoạt các trường đại học trong nước, đến các chiến địa điêu tàn.

Các trại hè này đã là liều thuốc giải dộc vô cùng hữu hiệu. Anh chị em đều thấy quê hương mình tuy tàn phá nhưng không đen tối và đồi trụy như CS rêu rao. Và nhất là không đáng thất vọng chút nào. Anh em đều cảm thấy sức sống đang vươn lên của cả một dân tộc. Đặc biệt là trại hè 1973 là trại hè chung của sinh viên quốc ngoại và quốc nội, trại Nối Vòng Tay Lớn, sự trao đổi đã hết sức chân thành và sự cảm thông hoàn toàn giữa những đứa con Việt Nam ở nhà và đi du học. Các trại hè này đã là một chất xúc tác vô cùng mạnh mẽ cho phong trào hồi hương từ ba năm nay.

Lire aussi/Đọc thêm  10 năm Tổng Hội (4)

° Các đại hội thể thao

Nói tới các đại hội thể thao, chúng ta phải vỗ tay tán thưởng ban thể thao. Tám lần đại hội là bảy lần Tổng Hội đọat giải nhất về đội và một lần về hạng nhì. Tám lần đại hội cũng là tám nút thắt chặt tình thương yêu giữa sinh viên Việt Nam tại Âu Châu.

° Các lớp kèm học

Các lớp học tương thân bây giờ đã tiến sang một giai đoạn khác, các giảng viên đến tận nhà sinh viên. Trong những năm đầu, các lớp học được tổ chức tại trụ sở, nhà Đông-Dương và Viện Pháp- Việt. Có khi trong một phòng có năm sáu lớp học về các môn khác nhau. Lớp học có kết quả mỹ mãn nhất là lớp học Y Khoa năm 1966, chín người trong số mười người theo học đã trúng cử. Lớp học hạnh phúc nhẩt là một lớp học về kinh tế. Thày trò đã đoàn kết hết mình và bây giờ đã tạo được một học sinh tiểu học.

° Các hoạt động tương ái

Những hoạt động tương ái như thăm sinh viên tại bệnh xá, thăm các trẻ em tàn tật sang điều trị, can thiệp giúp đỡ những sinh viên và kiều bào bị khó khăn về học bổng, chuyển ngân,thông hành năm nào cũng có. Một ý kiến đang lớn dần là Tổng Hội đỡ đầu một trường tiểu học bên nhà, một ngày gần đây chắc sẽ thành hình. Ngoài ra, cũng không quên các công tác giúp sinh viên mới qua trong việc tiếp rước, cư trú, làm giấy tờ, v.v…

Một hiện tượng đáng để ý trong lòng Tổng Hội là hiện tượng “lá lành đùm lá rách”, các sinh viên đã ra trường, đã đi làm và có chút tiền giúp đỡ các sinh viên còn đang học và lận đận về tài chánh.

Mười năm ích lợi cho tổ quốc ngày mai.

Nguyễn Gia Kiểng

(bài được viết vào thời gian kỷ niệm 10 năm thành lập THSV)